Trong đời sống xã hội, một trong những cơ sở để tạo dựng và cũng có mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau, đó là lòng tin. Nhưng, làm thế nào để có lòng tin của mọi người ? Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào việc làm và cách xữ sự của mỗi chúng ta. Có thể nêu ra đây một vài trường hợp:
* Nước Lỗ có một cái đỉnh(1) rất quý bị nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.
Vua Tề bảo:"Phải có Nhạc Chính Tử(2) đem đỉnh sang nói thì ta mới tin".
Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến, bảo đi.
Nhạc Chính Tử hỏi:"Sao không đưa cái đỉnh thật?"
Vua Lỗ nói:"Ta quý cái đỉnh ấy lắm".
Nhạc Chính Tử thưa:"Nhà vua quý cái đỉnh ấy thế nào thì tôi quý cái đức "tin" của tôi như thế".
Sau đó, Vua Lỗ phải đưa đỉnh thật, Nhạc Chính Tử mới chịu đi.
(Theo Cổ học tinh hoa,
NXB Văn hóa-Thông tin,Hà Nội,2002)
* Hồi ở Pác Bó, một hôm, Bác chuẩn bị đi công tác, có một em bé trong số các em thường ngày quấn quýt bên Bác, đòi mua cho một cái vòng bạc.
Hơn hai năm sau Bác trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác, hỏi thăm sức khỏe Bác, không ai còn nhớ chuyện em bé đòi Bác mua quà năm xưa. Nhưng riêng Bác thì bác vẫn nhớ đinh ninh. bác từ từ mở túi, lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh và trao cho em bé. Bác bảo:"Cháu nó nhờ mua tức là nó muốn lắm. Mình đã hứa thì phải làm cho kì được, không làm được thì đừng có hứa". Bác bảo đây là chữ "tín", cần giữ trọn.
(Theo Bác Hồ - Người Việt Nam đẹp nhất,
NXB Giáo dục, Hà Nội, 1986)
chú giải:
(1) Cái đỉnh: Đồ bằng đồng, thành hơi phình, miệng rộng, có ba chân, dùng để đốt hương trầm.
(2) Nhạc Chính Tử: Người nước Lỗ, thời Xuân Thu (Trung Quốc). Ông là người rất trọng chữ tín.
(Theo Giáo dục công dân lớp 8)