|
Như vậy, việc thi hành sứ vụ loan báo lúc này trước tiên là thực hiện một cuộc chất vấn về đức tin, có nghĩa là lời tuyên xưng “Tôi tin” phải hiểu như thế nào và mang một ý nghĩa gì trong bối cảnh xã hội hôm nay. Để trả lời cho chất vấn này, mỗi người Kitô hữu cần phải minh định rằng, khi tuyên xưng “tôi tin”, không là tin vào một công thức, và càng không thể biến một chủ thể tin sống động trở thành một công thức.
Bài thuyết trình số 1
TÂN PHÚC ÂM HÓA TRONG CHÍNH ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Nhiệm vụ tối thượng của Giáo Hội chính là rao giảng Tin Mừng, điều đó thuộc về bản chất của Giáo Hội như Công đồng Vat. II đã minh định: Giáo Hội tự bản chất là người được sai đi”. Nhắc lại nhiệm vụ này để cho thấy hai chiều kích tương tác trong nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội: Giáo Hội vừa là người rao giảng vừa là kết quả của việc rao giảng. Vì thế, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng không chỉ giản đơn là rao giảng, nhưng còn phải làm thế nào để lời rao giảng có sức biến đổi người nghe, để họ đón nhận và đáp trả lời yêu thương, sẵn sàng hoán cải trở thành phần tử của Giáo Hội. Để được như thế, trước tiên Giáo Hội phải phúc âm hóa chính mình, có nghĩa là “Giáo Hội không chỉ thể hiện vai trò tích cực của mình như người rao giảng, mà còn phải thể hiện vai trò suy tư của người nghe và người môn đệ….Giáo Hội biết rằng mình là kết quả rõ ràng của công trình phúc âm hóa chính mình cách liên tục được Thánh Thần hướng dẫn trong suốt lịch sử, để tập thể những người được cứu độ có thể làm chứng cho ký ức sống động về Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô”. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chính lúc này đây Giáo Hội cần phải nhìn lại chính mình để minh định lại căn tính của mình, tìm lại lý do về sự hiện hữu của mình. Việc làm này được gọi là phúc âm hóa chính mình.
1-Tân phúc âm hóa trong chiều kích martyria
Đứng trước thực trạng khủng hoảng đức tin mà Giáo Hội đang đối diện, Đức Bênêđictô XVI đã đưa ra một chỉ dẫn: Giáo Hội cần phải tham gia vào một cuộc đối thoại có phê phán với thế giới, và chính tại cuộc đối thoại này Giáo Hội phải học biết lại đâu là điều cốt yếu trong niềm hy vọng của mình, điều mà Giáo Hội phải cống hiến cho thế giới. Cuộc đối thoại này chính là tân phúc âm hóa chính mình để sứ vụ loan báo Tin Mừng mang một sắc thái mới bắt nguồn từ việc “nỗ lực canh tân thiêng liêng về đời sống đức tin trong các Giáo Hội địa phương, khởi đầu bằng một tiến trình phân định những thay đổi trong các khung cảnh văn hoá và xã hội khác nhau và tác động của những thay đổi này đối với đời sống Kitô hữu, đọc lại ký ức đức tin và đảm nhận những trách nhiệm mới cũng như phát sinh những nghị lực mới để rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô một cách hân hoan và thuyết phục”.
Như vậy, việc thi hành sứ vụ loan báo lúc này trước tiên là thực hiện một cuộc chất vấn về đức tin, có nghĩa là lời tuyên xưng “Tôi tin” phải hiểu như thế nào và mang một ý nghĩa gì trong bối cảnh xã hội hôm nay. Để trả lời cho chất vấn này, mỗi người Kitô hữu cần phải minh định rằng, khi tuyên xưng “tôi tin”, không là tin vào một công thức, và càng không thể biến một chủ thể tin sống động trở thành một công thức. “Tôi tin” không chỉ là tuyên xưng vào những gì nghe, thấy, đụng chạm vào, nhưng còn là xác tín đến một thực tại nằm ngoài tầm hiểu biết của trí năng. Và khi tuyên xưng như thế nó hàm chứa một sự lựa chọn căn bản đối với toàn thể thực tại. Tức là khám phá ra rằng, nơi tận thẳm sâu của con người có hiện diện một điểm nằm ngoài bình diện quan năng giúp tiếp giáp với thế giới vô hình, để nhờ đó có thể đụng chạm tới được với Đấng vô hình, một nhu cầu cấp thiết cho sự hiện hữu của con người. Đức tin còn là lời tuyên xưng rằng, Đấng vô hình mà tôi có thể chạm tới không là một thần linh nào khác ngoài Đấng đã tỏ mình ra cho nhân loại như là người cha nhân ái tràn đầy yêu thương, Đấng đã tự tỏ bày chính mình cho con người qua Người Con yêu dấu, Đức Giêsu Kitô, Đấng được Cha sai đến để nói lời yêu thương với con người. Chính Đức Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể là câu trả lời cho toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống nhân trần. Có phân định đức tin như thế chúng ta mới có thể dũng cảm chấp nhận thách thức dự phần vào bối cảnh của xã hội để làm chứng tá với tư cách là người trong cuộc, chấp nhận đối chất cả với những hình thức mới của chủ nghĩa vô thần hay chủ nghĩa thế tục cực đoan muốn loại bỏ vấn đề Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, để mạnh dạn làm rõ vấn đề về Thiên Chúa trong đời sống con người.
Vì vậy, tân phúc âm hóa có thể được hiểu trước tiên là việc minh định lại lời tuyên xưng “tôi tin”, để rồi, đức tin không còn đóng khung trong những công thức, hay giản đơn qua việc mẫn cán giữ trọn các luật lệ của Giáo Hội, nhưng đây là một hành trình gặp gỡ Đức Kitô, là vị Thiên Chúa làm người, trong từng giây phút của cuộc sống. Thật vậy, khi thốt ra lời “tôi tin”, thì đó “không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định. Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4:10), nên bây giờ tình yêu không còn chỉ là một ‘mệnh lệnh’; nó là một sự đáp lễ vì món quà tình yêu Thiên Chúa đã ban, đến gặp chúng ta”. Qua cuộc gặp gỡ này kẻ tin biến đổi cuộc sống, làm nên nền văn hóa đức tin. Quả thực, xét cho cùng, cuộc hành trình này luôn được thực hiện trong tâm tình hoán cải, “bởi tin là hoán cải, qua đó con người khám phá ra rằng, họ chỉ chạy theo những ảo tưởng, khi họ chỉ dừng lại nơi những gì là khả giác”. Cho nên, văn hóa đức tin là văn hóa của sự hoán cải, của sự biến đổi mỗi ngày. Tin Mừng được loan báo từ sự dũng cảm và nhiệt huyết được hun đúc từ nền văn hóa đức tin này.
2-Tân phúc âm hóa trong chiều kích liturgia
Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh đến mục đích của việc phúc âm hóa là “tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ” Hoán cải con người để dẫn đưa họ bước vào Vương Quốc Thiên Chúa, một Vương quốc “được chính Thiên Chúa khởi sự trên trần thế, và phải được trải rộng hơn nữa cho tới khi được nên hoàn tất vào lúc tận cùng thời gian, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện (x. Cl 3,4)” (LG số 9).
Công việc phúc âm hóa của Giáo Hội là tạo ra ở mọi nơi và mọi lúc những điều kiện để có thể có cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, gặp gỡ một vị Thiên Chúa đã yêu thương con người, và con người tìm cách “đáp lễ” vì món quà tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho con người, đó là việc Ngài đã đến gặp con người. Cuộc gặp gỡ cá vị đó được diễn tả đầy đủ trong Phụng vụ, nhất là trong cử hành Thánh Thể, bởi tất cả những hoạt động của Giáo Hội đều được kín múc từ Phụng vụ. “Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội”. Giáo Hội là một cộng đoàn của những kẻ tin “được tụ họp lại nhờ sự rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô và mầu nhiệm Tiệc Thánh Chúa được cử hành, để ‘nhờ Thịt và Máu Chúa’, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể”.
Cử hành Phụng vụ là cử hành Mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng đã dùng chính máu mình, qua Chúa Thánh Thần, qui tụ mọi người nên một về với Chúa Cha. Việc cử hành nhằm đến mục tiêu duy nhất là phục vụ cho việc gặp gỡ với Đức Kitô, để nhờ Người mà gặp được Chúa Cha vì “ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 3:9). Vì vậy, trong công cuộc tân phúc âm hóa, Giáo Hội thấy cần phải “nghĩ ra các phương thức khai tâm Kitô giáo có khả năng giúp tăng trưởng đức tin, qua việc lắng nghe Lời, cử hành Thánh Thể và đời sống yêu thương huynh đệ”, đặc biệt phải kiểm chứng xem việc loan báo Lời Chúa đã được đặt làm nền tảng của nhiệm vụ truyền bá đức tin tới mức nào.
Việc cử hành Phụng vụ không chỉ được diễn ra trong một nơi chốn và với những nghi lễ được qui định, vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa còn được biểu lộ qua việc thờ phượng trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4: 24), vì thế, việc cử hành Phụng vụ của “Giao ước mới không bị lệ thuộc nơi nào đặc biệt, vì Đức Kitô là Đền Thờ đích thật của Thiên Chúa; nhờ Người, các Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng trở thành những đền thờ của Thiên Chúa hằng sống”. Vì vậy, khi dấn thân vào các lãnh vực xã hội để đấu tranh đòi công bằng xã hội, khi lên tiếng bênh vực kẻ nghèo yếu, cô thân cô thế, khi phục vụ cho công lý và hòa bình cũng như bảo vệ phẩm giá con người, chúng ta đang thực hiện lời Chúa Giêsu: “trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6: 33), chúng ta đang biểu lộ Giáo Hội – một Cộng đoàn tư tế.
3-Tân phúc âm hóa trong chiều kích diakonia
Vì mang lấy dáng dấp “Người Con của Chúa Cha” trong thế giới, Giáo Hội cũng mang lấy trong mình tính chất phục vụ của “Người Con”: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn loài” (Mt 20, 28).
Sự phục vụ của Giáo Hội không nhằm quảng bá, nhưng nói như Thánh Phêrô, Giáo Hội phục vụ để “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 P 3:15). Vâng, Giáo Hội phục vụ để chiếu tỏa vào thế giới niềm hy vọng cứu độ, để lý giải “cho những ai chất vấn chúng ta về cái logos¸ cái lý của đức tin chúng ta: để đổi mới chính mình, để làm hiện diện trong thế giới chúng ta đang sống niềm hy vọng và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta”. Câu trả lời cho niềm hy vọng chính là trình bày cho nhân loại nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, bởi như thánh Augustinô nói: “nếu anh thấy tình yêu, anh thấy Ba Ngôi cực thánh”. Do đó, việc phục vụ ơn cứu độ cho nhân loại của Giáo Hội luôn gắn chặt với với phục vụ bác ái (diakonia), việc phục vụ này thuộc về bản chất của Giáo Hội, nó biểu lộ bản chất không thể từ bỏ hay thay thế được. Vì vậy công việc tân phúc âm hóa cũng nhằm canh tân chiều kích phục vụ bác ái này. “Các gia đình cần phải trở thành những dấu chỉ đích thực của tình yêu và sự chia sẻ, với khả năng hi vọng vì sự cởi mở của họ đối với cuộc đời. Cần có những sức mạnh để xây dựng các cộng đoàn có tinh thần đại kết thực sự và có khả năng đối thoại với các tôn giáo khác. Cần có sự dũng cảm để nâng đỡ các sáng kiến cho công bằng xã hội và tình liên đới, đặt người nghèo vào tâm điểm mối quan tâm của Giáo Hội”.
Trong chiều hướng tân phúc âm hóa chính mình, các Giáo Hội địa phương như là chủ thể của việc loan báo đức tin cần phải canh tân huấn giáo về việc phục vụ đức ái. Đặc biệt, các Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội nhất thiết phải được đưa vào chương trình huấn giáo đức tin, để các tín hữu ý thức được nhiệm vụ phục vụ cho trật tự công bằng trong xã hội. Việc phục vụ bác ái được khởi đầu không phải bởi nhịp đập của con tim bị chi phối bởi cảm tính nhân loại, nhưng là khởi đầu bằng chính tình cảm được hòa nhập trong Thiên Chúa. “Trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bây giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Kitô”
KẾT
“Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa; nó là một Lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị, mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người”, vì thế, loan báo Tin Mừng là kiến tạo một cuộc gặp gỡ sống động giữa thế giới với Đức Kitô. Thế nhưng, để có thể đạt tới ý nghĩa của việc loan báo Tin Mừng, người tín hữu trước tiên phải để đức tin của mình đâm rễ sâu vào mầu nhiệm Đức Kitô, bởi “đức tin không đơn thuần cung cấp tin tức về Chúa Giêsu là ai, nhưng đức tin đòi hỏi một liên hệ cá nhân, một sự tín thác toàn thể con người của mình, cùng với tất cả sự hiểu biết, ý chí và khả giác của mình, cho việc tự tỏ mình ra của Thiên Chúa”. Không thể loan báo Tin Mừng khi chúng ta chưa thiết lập được tình bằng hữu đích thật với Chúa Giêsu. Chính tình bằng hữu này thôi thúc chúng ta chia sẻ với mọi người niềm vui về đức tin mà chúng ta đã được ban tặng.
Bài thuyết trình số 2
LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH MỚI MẺ DƯỚI CHIỀU KÍCH: GIÁO HỘI NHƯ LÀ DÂN THIÊN CHÚANhập:
Loan báo Tin Mừng: một nhu cầu cấp bách của Giáo Hội trong thời đại hôm nay
Bổn phận của Gáo Hội là phải qui tụ vào chính mình “tất cả những ai trọn niềm tin kính tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu rỗi và là nguồn mạch sự hợp nhất và bình an” (LG 9), để nhờ đó họ được dự phần sự sống trong Vương quốc của Thiên Chúa. Bổn phận này bắt nguồn từ sứ vụ mà Chúa Kitô trao cho Giáo Hội. Thế nhưng, Giáo Hội hôm nay đang đối diện trước tiên là khủng hoảng của một cuộc đào thoát khỏi đức tin công giáo, đặc biệt nơi các Giáo Hội Châu Âu và Mỹ Châu La Tinh, kế đến con số những người chưa biết Chúa Kitô vẫn cao ngất ngưỡng. Con người ngày nay đang đối diện với cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa rất mạnh. Đứng trước thách đố này, Hội Thánh không đầu hàng hay thu mình; ngược lại, Hội Thánh thực hiện một kế hoạch tái tạo sinh lực cho mình.
LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH MỚI MẺ KHỞI SỰ TỪ KHÁI NIỆM GIÁO HỘI NHƯ LÀ DÂN THIÊN CHÚA
Giáo Hội là cộng đoàn được Tin Mừng hóa và từ đó Giáo Hội tiếp tục thực thi điều đã làm nên chính mình, tức là loan báo Tin Mừng cho những con người đang sống ngoài Giáo Hội. Vì vậy, đối với Giáo Hội, Tin Mừng hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại. Việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, không là nhằm thay đổi căn tính của Giáo Hội, nhưng là làm sống dậy tính năng động nơi Giáo Hội, một cộng đoàn được Tin Mừng biến đổi để trở thành men, thành muối cho đời.
Giáo Hội – Cộng đoàn đức tin: Giáo Hội là một cộng đoàn được Thiên Chúa qui tụ bao gồm những người tin vào Chúa Kitô cũng có nghĩa là tin vào kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Vì là do Thiên Chúa qui tụ, cộng đoàn đức tin này vượt lên trên mọi tổ chức chính trị, không bị lệ thuộc vào bất cứ một chi phối nào của bất cứ tổ chức trần thế nào. Vì được dự phần vào sự tự do của chức phận làm con, mọi Kitô hữu có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Tuy nhiên, trong sự bình đẳng đó, Chúa Thánh Thần cũng mang lại những đoàn sủng khác nhau và đa dạng trong Giáo Hội. Như vậy, cộng đoàn đức tin hình thành hai mối tương giao: tương giao bình đẳng giữa các Kitô hữu qua bí tích Rửa tội, tương giao hiệp thông phẩm trật qua bí tích Truyền chức thánh. Hai mối tương giao này kiến tạo nên cấu trúc bí tích nơi Giáo Hội. Vì vậy, loan báo Tin Mừng cách mới mẻ chính là canh tân và củng cố mối tương giao này, nhất là Giáo Hội địa phương cần phải nỗ lực làm cho mối tương giao giữa chức “linh mục thừa tác” và chức “linh mục cộng đồng của các tín hữu” thực sự trở thành mối tương giao qua lại cần thiết cho việc loan báo Tin MừngGiáo Hội – một cộng đoàn đức mến: Giáo Hội: cộng đoàn đức tin cũng là cộng đoàn đức ái. Quả thật, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần Giáo Hội trở thành một cộng đoàn đức ái, chứng nhân cho tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất trong Con của Người. Do đó, việc phục vụ bác ái (diakonia) thuộc về bản chất của Giáo Hội, không thể giao phó cho một ai khác. Việc phục vụ này trước tiên hướng đến người nghèo, bởi họ là đối tượng hàng đầu trong việc phục vụ đức ái của Giáo Hội. Giáo Hội nỗ lực phục vụ cho người nghèo để xóa bỏ hố sâu ngăn cách phù hợp với căn tính cộng đoàn đức ái của mình. Giáo Hội phục vụ cho người nghèo qua việc đấu tranh cho công bằng , cụ thể là cố gắng tìm mọi cách thế để giáo dục lương tri cho con người.Như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội là một cộng đoàn mang tính tương quan: Giáo Hội luôn hướng tới phạm trù phổ quát của ơn cứu độ, Giáo Hội ra sức mời gọi mọi người trên thế giới dự phần vào ơn cứu độ. Giáo Hội như là “Dân Thiên Chúa” trong chiều kích của mối tương quan khác nhau khởi đầu từ “trong” rối đến “ngoài”, qua mối tương quan này Giáo Hội được cấu thành như một chủ thể mang xã hội tính của đức tin (x. LG 8). Chính từ quan niệm này của Công đồng đã vẽ ra một con đường loan báo Tin Mừng cách mới mẻ trong mối tương quan với nhân loại qua đối thoại để cùng với họ, Giáo Hội thực thi ý muốn của Thiên Chúa về việc kiến tạo hòa bình, xây dựng công lý, bảo vệ và tôn trọng sự sống. Cổ vũ cho việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ trong suy tư Giáo Hội – một cộng đoàn mang tính tương quan là mời gọi mọi thành phần Dân Chúa dũng cảm nói về Thiên Chúa trong một xã hội đa tôn giáo nhưng lại khước từ sự hiện hữu của Thiên Chúa Mạc khải. Chấp nhận đối chất chứ không né tránh hay loại trừ ngay cả với những hình thức mới của chủ nghĩa vô thần hay chủ nghĩa cực đoan muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống
Kết : Như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng
Giáo Hội là cộng đoàn phản chiếu ánh sáng của niềm hy vọng, trở thành biến cố của việc hiện tại hóa Chúa Giêsu Kitô và của ơn cứu độ Người đối với nhân loại. Bởi đó, Giáo Hội trình bày niềm hy vọng cứu độ qua việc loan báo cũng như qua các hoạt động của mình không đơn giản như là người chỉ đường, nhưng như chính là con đường. Vì thế, trong việc nỗ lực trình bày cho con người về niềm hy vọng cứu độ, thì ngay chính Giáo Hội cũng đã là một cộng đoàn cánh chung, một cộng đoàn đang chờ đợi sự trở lại của Đức Kitô cách vinh quang trong tương lai, Cộng đoàn chờ đợi đó cũng đang chứa đựng nơi chính mình sự trở lại của Đức Kitô trong hiện tại hôm nay. Hai nhãn quan “tương lai” và “hiện tại” đó nói lên đặc tính Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa: Dân của niềm hy vọng.
http://gxthohoang.net/index.php/tin-...o-ph%E1%BA%ADn
Từ tài liệu thường huấn Giáo lý Giáo Phận
Lm Antôn Hà Văn Minh |
|