LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẦU NGUYỆN ĐƯỢC?


Nói đến cầu nguyện hay gặp gỡ Chúa, chúng ta thấy có người có thái độ thất vọng, vì họ đã nhiều lần thử, nhiều lần quyết tâm cầu nguyện mà vẫn chẳng thấy kết qủa gì, chẳng thấy thay đổi được bao nhiêu nên chỉ thời gian ngắn họ lại bỏ cuộc. Đã có người sa lầy, ngụp lặn trong những vết nhơ, trong những yếu đuối của mình nên chán ngán và nản chí, chẳng còn chút hứng khởi gì để muốn thay đổi đời sống, hoặc đã có người khi nghe nói cầu nguyện, họ tỏ ra lạnh nhạt, dửng dưng vì nếu đồng ý theo thì sẽ phải vất vả thêm, sẽ phải bận tâm, bận trí thêm, bị phân tâm lại mất thêm một phần giờ giấc nữa. Một đời sống đã đầy những công việc, giờ giấc đã khít khao rồi, tâm trí đầy ắp những chương trình phải làm rồi nên mỗi ngày, tối thiểu, chỉ cần cố gắng giữ một số giờ kinh của cộng đoàn là ổn rồi, là mãn nguyện hả hê rồi, là vượt mức rồi. Và còn nhiều tâm trạng, thái độ hay còn nhiều lý do khác nữa để thoái thác việc cầu nguyện riêng.

1. "Không có thời giờ", đó là câu nói nằm lòng, gắn chặt trên môi con người thời đại hôm nay. Mỗi khi có ai hỏi : "anh hay chị có cầu nguyện không và cầu nguyện thế nào ?", thì cũng giống như khi hỏi các bậc cha mẹ có giáo dục con cái không, câu trả lời vẫn luôn chỉ là "tôi không có giờ". Chúng ta thấy lý do của các bậc cha mẹ cũng hợp lý thôi, vì họ phải bận bịu làm ăn, lo đời sống vật chất đã hết ngày. Nhưng thực ra, nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy những lúc rảnh rang, họ lại hay tụm năm tụm ba, đàn đúm kháo láo với nhau về chuyện nuôi bò, nuôi heo... còn chuyện "nuôi tâm hồn" con cái thì chẳng mấy ai nói đến, hoạ chừng có nói đến thì chỉ là những lời kêu ca trách móc khổ sở vì con với cái. Câu trả lời của các bậc cha mẹ là "không có giờ" như thế, thật không chính đáng tí nào, bởi vì trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ, từ ngày thành lập gia đình, đã được chính họ tự nguyện cam kết ? Vì biết bao câu trả lời "vu vơ" như thế mà gia đình, xã hội, Giáo Hội bị khổ đau, sinh ra biết bao tệ nạn, chất thêm những gánh nặng phải lo... Cũng vậy, những ai quan niệm việc cầu nguyện cần có thì giờ thì đúng thật họ chưa biết cầu nguyện là thế nào. Không có thời giờ cũng là một cách nói khéo để chiều theo tính ươn lười, ngại khó khăn, thiếu nghị lực kiên nhẫn, không chịu nổi... Không có thì giờ để cầu nguyện thì khi có thì giờ cũng khó mà cầu nguyện. Người Kitô hữu kêu là không có thì giờ, thật ra đó không phải thiếu thì giờ mà là thiếu tình yêu, thiếu tấm lòng. Khi ai đã quen cầu nguyện thì việc cầu nguyện sẽ giúp họ biết dùng thì giờ và nó còn làm cho cõi lòng thanh thản, bình an, kiên cường, thêm nghị lực. Ai có đời sống cầu nguyện người đó sẽ nhận thấy hoa trái của việc cầu nguyện như thế nào. Một công việc mà hai người cùng làm, một người có cầu nguyện, một người không, và cả hai cùng hoàn tất công việc, thử hỏi ai là người vui hơn. Khi người ta làm việc mà có Chúa hiện diện, gặp gỡ được Chúa trong công việc đó, thì niềm vui dạt dào tận đáy sâu tâm hồn, thêm sức sống và công việc đó sẽ đi vào vĩnh cửu. Những công việc hằng ngày được biến nên điểm gặp gỡ Chúa thì công việc đó được tràn đầy ý nghĩa, đặt ta vào dòng thời gian một cách chủ động : không chỉ làm cho hết việc mà là làm cho tốt. Người làm việc với sự hiện diện của Chúa thì dùã công việc có nặng nề, vất vả, vẫn cảm thấy vui, vẫn cởi mở với đời, với mọi người chung quanh. Vì thế cầu nguyện là "lồng" Chúa vào mọi công việc, mọi giờ giấc, mọi nơi chốn, dù ở đây hay ở kia, với đám đông hay một mình, người cầu nguyện sẽ không cảm thấy lẻ loi, thất vọng, nản chí... Bởi vì họ đang làm với một NGƯỜI KHÁC. Chúng ta càng chan hòa lời cầu nguyện vào cuộc sống, chúng ta càng kiên cường, tự tin, càng khiêm tốn, vui tươi và có sức hấp dẫn người khác, tạo được sự bình an, hiệu qủa công việc được người khác tín nhiệm. Những người sống ươn lười, dựa dẫm, tránh né, hời hợt... sẽ là những người lãng phí thì giờ biết chừng nào. Vậy, việc cầu nguyện không phải là một công việc trong muôn ngàn công việc, được xếp thứ tự ưu tiên, lúc này tôi học, kế tiếp tôi lao động, rồi kế tiếp nữa... nữa... tôi... tôi mệt lả ra rồi mới tới giờ tôi cầu nguyện. Cầu nguyện là đưa Chúa chan hòa vào trong cuộc sống, vào mọi công việc và lúc đó, chúng ta không còn lý do để nói là "không có giờ". Thánh Phaolô dạy : "Dù anh em ăn, dù anh em uống, dù anh em làm việc gì, thì hãy làm cho sáng Danh Chúa" (1 Cor 10,31).

2. Một tâm trạng khác mà chúng ta vẫn thường gặp ở giới trẻ là : không cầu nguyện được vì cuộc sống hôm nay có quá nhiều thứ bận tâm; họ phải chạy theo những nhu cầu tiến bộ của khoa học kỹ thuật tân tiến, họ phải chạy đua với những bạn bè về nhu cầu hưởng thụ vật chất một cách tối đa nên họ phải quay cuồng chóng mặt, dồn dập những công việc phải làm, không có điểm dừng, không bao giờ thỏa mãn. Đó là một tình trạng rối loạn tiêu hóa hưởng thụ, đó là một tình trạng con người bị chẻ ra qúa nhiều mảnh, bị phân tâm qúa mức làm cho đầu óc không còn đủ khả năng để tập trung, không còn tâm trí đâu để nghĩ tới đời sống tâm linh, chỉ còn cụ thể và cụ thể, thực dụng và thực dụng. Vì thế, dưới cái nhìn Đức Tin, ta có cảm tưởng như người ta đang nói, đang vung tay múa chân về đủ mọi chuyện, nhưng tâm hồn lại không thật sự biết rõ mình, không biết rõ mình nói gì và làm gì. Chúng ta thử chứng kiến một người mất trí, họ đang đi ngoài phố, khua tay múa chân, la hét ầm ỹ, nhưng lại chẳng biết mình làm gì và người khác cũng chẳng hiểu họ làm như thế để làm gì. Tình trạng mất gốc của đời sống đức tin cũng gần như vậy, và như thế làm sao nói gì được tới sự gặp gỡ Thiên Chúa, làm sao cầu nguyện sốt sắng được khi chỉ cố gắng giữ những khoản luật tối thiểu về kinh sách, bí tích.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mang nhu cầu hưởng thụ tối đa, đang thu hút mạnh mẽ và làm quên đi mất thực sự ý nghĩa đời mình là gì, quên mất nguồn gốc của mình, phàm tục hóa tất cả vũ trụ, giản lược cuộc sống vào nhu cầu vật chất. Trong thế giời đó, người Kitô hữu cần phải nhận thức rõ Hồng Ân của mình, nhận thức rõ Đức Tin của mình và nhờ Đức Tin mà giải thích tất cả toàn bộ thực tại của cuộc sống. Người Kitô hữu ít nhiều cũng nhận ra rằng cuộc sống đời mình có được ý nghĩa là nhờ có Chúa hiện diện, nhờ lòng thương yêu của Chúa và chỉ nhờ Ngài mà ta sống và hoạt động.

Không cầu nguyện là quên mất điều chủ yếu, là sống như thể không có Chúa, gạt Ngài qua một bên, đặt Ngài đứng bên lề cuộc đời. Trong khi đó Ngài vẫn luôn ở đây, hiện diện tại chỗ này, trong hoàn cảnh và cuộc sống của mỗi người, Ngài vẫn cưu mang chúng ta, ấp ủ tình thương yêu nồng nàn với chúng ta. Bà Madeleine Delbrêl nói : "Nếu muốn thành thực, thì tôi không được đối xử với Thiên Chúa như Người không hiện hữu, vì nói cho cùng, từ nay Người không còn là cái gì không thể có được nữa. Tôi đã chọn con đường mà tôi cho là thích hợp nhất để nói lên sự thay đổi viễn tượng cuộc đời tôi : Đó là cầu nguyện". Hoặc một tác giả viết : "Đã bao năm rồi, tôi đã loay hoay xoay sở, dằn vặt trong thân phận kiếp người tôi, để rồi tới một giai đoạn, Chúa đã đánh động, soi sáng cho tôi, tôi xác tín được Chúa luôn trung thành, không bỏ rơi tôi, từ đó tôi bắt đầu cầu nguyện và cầu nguyện liên lỉ".

Không cầu nguyện được là vì không muốn, và không muốn là vì không yêu. Một thanh niên có một cô bồ, rồi hẹn hò gặp gỡ, nhưng cô ta có nhiều lý do để từ chối gặp mặt. Như thế thì phải xét lại tình yêu, vì có lẽ tình yêu đang chuyển hướng. Khi yêu nhau mấy núi mấy sông cũng không ngại, mưa nắng, gió bão cũng không ngăn cản được bước chân đến với nhau, người ta có thể dung dăng dung dẻ hết đường phố này đến đường phố kia mà không phải nói lời nào hay ho, thế mà tâm hồn vẫn lâng lâng dạt dào tình yêu vô tận. Cũng vậy, chính tình mến sẽ thúc đẩy cầu nguyện và khi đó chẳng có lý do gì để từ chối đến với Ngài.

Người ta cũng không cầu nguyện được vì sợ mất đi nhiều nguồn vui của cuộc đời, cuộc đời thì vắn vỏi biết bao nhiêu thứ phải chạy đua trong việc thụ hưởng sợ phải giảm bớt của cải, đồ đạc tiện nghi, mất đi bao nhiêu của ngon vật lạ, bao nhiêu trò vui hả hê của trần gian... cầu nguyện sẽ trở thành một con người cổ lỗ sĩ, một ông cụ non, đi sau thời đại.

Thực ra, đó là những suy nghĩ hay lo sợ của người chỉ nhìn thấy tất cả là trần gian, tất cả là hưởng thụ, hưởng thụ một cách tầm thường và ích kỷ. Nhưng tất cả trần gian này có thể làm thỏa mãn được chăng ? hay hạnh phúc, bình an vẫn cứ vuột khỏi tầm tay họ. Người cầu nguyện là người làm chủ được chính mình, họ được chiếm hữu tình yêu tuyệt vời, tình yêu đó có giá trị hơn tất cả và không có gì có thể kéo họ ra khỏi tình yêu đó nữa. Thánh Augustinô nói : "Người không cầu nguyện như người soi gương rồi quên mất mặt mình". Sách gương Chúa Giêsu dạy : "Cầu nguyện là về lại nguồn, là tập trung lại với cái làm nên con người chúng ta và sứ mạng chúng ta. Nhờ cầu nguyện, Đức Giêsu đặt mình được vào ý muốn của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài".

3. Một khó khăn khác trong việc cầu nguyện là: hay chia trí, lo ra, không tập trung được. Đây là vấn đề một số đông chúng ta mắc phải. Miệng thì đọc, còn lòng trí để tận đẩu đâu, miên man nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác. Từ đó, cảm thấy việc cầu nguyện cần phải làm cho vội, cho nhanh, cho hết kinh hết giờ, đọc lấy đọc để, đọc chộp giật nín thở, nuốt chữ nuốt dấu, trở thành thói quen máy móc... và rồi lúc đọc xong chẳng biết mình đọc những gì. Hoặc khi phải tĩnh tâm trong cô tịch, bên ngoài xem ra có vẻ nghiêm trang thinh lặng, nhưng bên trong thì ôi thôi, nó cứ rộn lên như cái chợ, bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu chương trình, bao nhiêu việc phải làm... nó cứ rộn lên trong trí, cả bộ mặt nó cứ đờ ra, ngồi đó như như ngồi trên đống than hồng, như trong ổ kiến lửa, chỉ muốn bật dậy, thoát ra ngoài càng sớm càng tốt. Khi đó họ cảm thấy lời kinh như bay vút vào cõi không gian vô tận để rồi vẫn cứ thấy mình mãi quạnh hiu. Họ không thể tập chung vào công việc hiện tại, không sống được trọn vẹn giây phút ở đây và lúc này... như thế họ sẽ mau ngán ngẩm và có đủ lý do để chán việc cầu nguyện. Nếu có giờ, xin mời các bạn đọc cuốn "Phép lạ của sự tỉnh thức" của Thượng Tọa Nhất Hạnh, nói về thái độ này rất hay.

Nếu cái tâm không tịnh được, thì chúng ta cần xét lại xem, khi cầu nguyện chúng ta có phải gắng sức gồng mình không ? tỏ ra quá trịnh trọng không ? bộ mặt đâm ra căng thẳng không ? Đang khi lẽ ra việc cầu nguyện cần một tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, bình an như đi chơi hoặc như đến thăm một người bạn thân tình, hàn huyên tâm sự ; hoặc xem xét hoàn cảnh chung quanh, nơi chốn chỗ ở... có giúp ta chú tâm, tập trung dễ dàng không ? hay qúa ồn ào, náo động ? Nếu cần ta nên dứt bỏ nơi ấy mà tìm chỗ khác cô tịch hơn, thuận tiện hơn. Một cách khác để dễ chấm dứt sự chia trí là khi có hình ảnh gì đó đang diễn ra trong tâm trí của ta, chúng ta có thể dùng ngay những hình ảnh đó, ngay những câu chuyện đó để cầu nguyện, dâng lên Chúa những hình ảnh, những tư tưởng đó với tấm lòng thiết tha của người con thảo. Bà Madelein Delbrêl nói : "Khúc gỗ cháy trong bếp không bận lòng đến cảnh trí chung quanh. Chúng ta đang ở trong một lò lửa diệu kỳ, nếu nó không đốt cháy chúng ta là tại chân ta đứng ngoài, chứ không phải tại cảnh vật làm chúng ta chia trí lo ra".

Ai cũng biết rằng chúng ta bị chia trí lo ra là vì chúng ta còn lo toan tính toán nhiều chuyện qúa, đủ mọi chương trình, đủ mọi chi tiết nhỏ nhặt, hết chuyện này kéo theo chuyện kia. Vâng, lo toan cũng là chuyện đúng thôi, nhưng đâu có phải mọi chuyện ta đều giải quyết được đâu, nó ngoài tầm tay chúng ta mà chúng ta vẫn cứ bị chi phối. Tất cả những chuyện đó, và đứng trước mặt Chúa thì cái gì quan trọng hơn ? Trước mặt Chúa mọi thụ tạo chỉ là con số không, như sáp trước lửa. Chúng ta có giám can đảm gạt bỏ những bận tâm đó hay nó lại quan trọng hơn cả Thiên Chúa là Người Cha thân yêu của chúng ta ? Chúng ta có giám phó thác cho Ngài những bận tâm đó không ? hay chúng ta lại thích sắp đặt, đi bước trước, bỏ mặc Chúa đằng sau, đặt Chúa vào những chương trình đã rồi, không lấy làm thích thú mấy về việc Chúa quan phòng. Một ngôi nhà kia đang bị cháy ở tầng chệt, ông bố chạy thoát ra được, thấy thằng con đang ở hành lang lầu trên, ông bảo nó nhẩy xuống, nó thấy khoảng cách qúa xa, nó không tin tưởng vào đôi tay của bố nó nên nó không giám nhảy... Chúng ta cần mạo hiểm tin tưởng vào bàn tay của Chúa là Cha nhân ái, để "dù có phải đi trong thung lũng tối đen hiểm nguy, lòng tôi không lo sợ tai họa gì, vì có Chúa ở cùng tôi... khiến tôi an lòng". Ngài sẽ giúp chúng ta trong những lo toan đúng đắn, và xua đuổi những lo lắng vẩn vơ, lo bò trắng răng. Số đông chúng ta còn e dè, ngại tin vào Chúa và tưởng rằng nhiều chuyện sẽ không xong nếu ta không tự mình bắt tay vào. Thế thì Thiên Chúa của chúng ta đâu rồi ? Ngài đi dạo chơi rồi chăng ? Ngài có dính dáng gì đến cuộc sống chúng ta không ? Trong lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6,1-15), Đức Giêsu bảo dân chúng hãy ngồi xuống, các tông đồ và các môn đệ thì lăng xăng lo lắng kiếm đâu ra bánh. Trong năm ngàn người đó, đã có mấy người tin mà ngồi xuống ngay ? Bởi vì họ còn dáo dác, chạy qua chạy lại, tìm kiếm cái gì đó để nhét cho đầy bụng. Nhưng từ các tông đồ, các môn đệ cho đến dân chúng khi đã bí lối, cùng đường hết rồi, bấy giờ họ mới từ từ ngồi xuống, bắt đầu từ những nhóm nhỏ... và cuối cùng , khi đã ngồi xuống hết ; họ được ăn no nê, thỏa sức. Họ ngồi xuống tức là họ đã tin vì họ đã chẳng tìm được cái gì hơn, họ cùng đường, chịu trận rồi, nên phải buông bỏ thôi... Còn chúng ta hôm nay thì sao ? Chúng ta có thái độ nào khi phải buông bỏ công việc để Chúa làm, chúng ta vui tươi hay rầu rĩ, hay lo lắng ngại ngùng ?

Thánh Francois de Sale viết : "Trong giờ cầu nguyện, mong bạn đừng làm gì khác, mà hãy đặt con tim bạn thực sự bên cạnh trái tim nhân lành của Chúa và qua nhiều lần như thế, Chúa sẽ ngoảnh mặt lại với bạn, lúc ấy, giờ cầu nguyện của bạn sẽ là những giây phút tuyệt vời". Tác giả Pierre Van Brieman viết trong cuốn "Như tấm bánh bẻ ra" như sau : "Cầu nguyện là mở tâm hồn, mở trái tim và đôi bàn tay trước mặt Thiên Chúa. Tôi còn bám víu vào nhiều thứ trong đời sống của tôi và quyết nắm chặt lấy chúng trong tay : của cải vật chất, tinh thần, công việc, địa vị của tôi, bạn bè, nguyên tắc của tôi, hình ảnh của tôi... Nếu tôi mở tay ra, những "của cải" trên vẫn còn đó, có lẽ không một vật nào rơi bớt đi, nhưng ít nhất đôi bàn tay tôi đã mở. Thái độ đó là thái độ của người cầu nguyện. Một thời gian sau đó, nếu tôi chịu lưu lại khá lâu với đôi bàn tay mở rộng, Thiên Chúa sẽ đến. Ngài sẽ nhìn vào tay tôi xem tôi có gì trong tay. Ngài sẽ thấy được nhiều thứ... rồi Ngài bảo tôi : "Con có cho phép Ta lấy hết các vật này đi không ?" Tôi sẽ thưa : "Xin Chúa cứ lấy, con đến với đôi tay mở rộng là để Chúa lấy đi những gì Chúa muốn".

Thánh Thomas phân biệt 3 loại cầm trí :

- Để trí vào lời đọc

- Để trí vào ý nghĩa

- Để trí vào Chúa và điều cầu xin.


Cách thứ ba là cách tốt nhất, cần nhất và hợp với khả năng của mọi người. Còn Thánh Gregoire nói : "Thiên Chúa không nghe kẻ cầu nguyện mà chính họ lại không nghe họ". Thánh Augustino nói : "Sự phấn đấu của ta như một cuộc hành trình, lên đường đầy gian nan, vất vả. Lậy Chúa, Ngài chẳng cần đi tới đâu, nhưng phần chúng con, phải vất vả lên đường tìm đến Ngài" (Tự thuật 8,3). Trong Tin Mừng, Đức Kitô cũng trách người ta khi đọc kinh cầu nguyện mà chỉ là môi mép bên ngoài : “dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng trí thì xa Ta" (Mt 15,8).

Khẩu tụng tâm suy, đó là điều cần phải làm trong khi đọc kinh, điều đó đòi hỏi một sự chú tâm:

Một ngày kia có người đến nói với thiền sư Ikhyu :

- Bạch thầy, xin thầy vui lòng cho tôi một câu châm ngôn về thượng trí.

Ikhyu liền lấy giấy bút viết : "Chú tâm".

Người kia hỏi : có vậy thôi sao.

Ikhyu liền viết : "Chú tâm ! Chú tâm ! "

Bất nhẫn, người ấy nói : "Thực tình tôi chưa thấy có gì là sâu sắc, tế vi nơi ngài vừa viết".

Ikhyu lại viết : "Chú tâm ! Chú tâm ! Chú tâm ! "

Người nọ giận dữ hỏi lại : "Thế thì chữ ấy có nghĩa gì ?"

Ikhyu trả lời : "Chú tâm nghĩa là chú tâm".


Kinh nguyện, về phía con người, chính là chú tâm vào Thiên Chúa, làm cho việc kết hợp trở thành thân thiết, sống động, trong chính giây phút hiện tại : "Ngài ở đây và tôi ở đây, trong một cuộc hẹn hò tình yêu mà tôi đợi chờ tất cả nơi Ngài".

Hãy bắt đầu đi bắt đầu lại, trung thành kiên trì miệt mài mới đáng kể.


Kết luận:

Tất cả những lý do trên thực sự phản ánh cái nghèo của ta, một cái nghèo bi đát thực sự, như lời Đức Giám mục Helder Camara : "Người nào là người nghèo nhất ? Chính là người : Giữa môi trường đang sống, không cảm nhận được tình yêu, không đón nhận tình yêu... Không có cái nghèo nào cùng khốn hơn, đau đớn và xót xa hơn cho bằng cái nghèo không có tình yêu".

Chúng ta cần vượt qua cái nghèo đau xót của thân phận con người. Và chỉ có một cách thức duy nhất là mở lòng ra để đón nhận sự "giầu có" của Thiên Chúa. Chính sự cầu nguyện làm cho mọi thực tại trần gian được ngập tràn trong tình yêu của Thiên Chúa. Tất cả cuộc sống trở nên phong phú :

"Thiên Chúa hiện diện không phải lôi ta ra khỏi biến chuyển của cuộc sống hằng ngày, nhưng chuẩn bị cho dòng biến chuyển ấy từng giờ, để ta lại có một chỗ hẹn với Ngài. Ngài ở đó với ta, để đón nhận mọi sự, để hành động với ta, và việc gì ta làm cũng biến thành một hành vi thực hiện Thánh Ý Ngài ! "

Và mọi giây phút sung mãn tròn đầy như lời Mẹ Têrêsa Calcutta. Khi người ta hỏi Mẹ : Mẹ không có kho lẫm, tích trữ của cải, không có qũy để bảo đảm cho cuộc sống ngày mai, mà mỗi ngày mấy ngàn người ăn thì sao ? Mẹ trả lời : "Ngày hôm qua đã trôi qua vào dĩ vãng, ngày mai thì chưa tới, và ngày hôm nay là tất cả những gì tôi có".

Tất cả những điều đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong ta, nhưng cũng đòi ta phải thành tâm, đón nhận ân huệ của Ngài. Guy de Larigandie tâm sự: "Tôi đã quen với sự hiện diện của Chúa trong tôi, đến nỗi lúc nào từ đáy lòng tôi cũng dâng lên một lời cầu nguyện và trào ra bờ môi. Một lời cầu nguyện hầu như không ý thức, nhưng vẫn cứ tiếp tục dâng lên, kể cả trong những lúc chập chờn, nhịp nhàng với tiếng xe lửa chạy, hay tiếng chong chóng quay, kể cả thân xác và linh hồn lên cơn cao hứng, kể cả khi đi giữa thành phố náo nhiệt hay bề bộn đến căng thẳng tâm trí. Tựa như ở đáy lòng tôi có một giòng nước vô cùng phẳng lặng đến nỗi mặt nước có giao động cũng chẳng hề chi, vô cùng trong suốt đến nỗi chẳng có bóng nào che khuất được"



Hoặc như lời tâm sự của Thánh Têrêsa Avila : "Đây là cách cầu nguyện của tôi : Vì không thể cầu nguyện một cách trí thức, nên tôi thường nghĩ rằng Chúa Kitô đang hiện diện trong tâm hồn và tôi suy tưởng đến Người trong lúc Người cảm thấy đơn độc nhất. Tôi tự nghĩ, khi Chúa Kitô cảm thấy đơn độc, đau khổ nhất, thì lúc đó, chắc chắn Người cũng đang ở trong tình trạng giống như mọi người cùng cảnh ngộ với Người, và tôi, dĩ nhiên cũng là một trong những người ấy... "

Để kết thúc, chúng ta cùng nhau xướng lên bài Thánh Vịnh 72 (73).


Thật con ở với Chúa luôn

Tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời

Dắt dìu, khuyên nhủ bao lời

Một mai đưa tới rạng ngời quang vinh

Con còn ai chốn trời xanh

Bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham


* Thưa me Têrêsa, mẹ yêu thương đám quần chúng mà người khác nhìn họ như những đống hoang phế của nhân loại. Đâu là bí quyết của mẹ yêu thương được như thế ? Mẹ Têrêsa từ tốn trả lời: "Bí quyết của tôi thật giản dị: TÔI CẦU NGUYỆN"

* Khởi hành từ sách vở và cuộc sống dân chúng, ta phải kết thúc bằng lời cầu nguyện. Và từ lời cầu nguyện, ta đến cùng dân chúng và sách vở.

* Càng tiến sâu trong việc cầu nguyện, càng dễ sẵn sàng chỉnh đốn và dứt khoát những gì lệch lạc, và thấy rằng nhiều "nhu cầu cần thiết thực ra chẳng cần thiết chút nào". Ở nơi tiên tri, có một thực tế khách quan mà người cấp tiến không có : đó là nhờ việc cầu nguyện.

* "Cầu nguyện không ở trong thời gian mà thời gian ở trong cầu nguyện"

(không rõ tác giả - honganthienchua.org)