QUÀ TẶNG THIÊN CHÚA BAN
(Lễ Chúa Ba Ngôi – Ga 3, 16-18)

Đọc đi đọc lại, rồi suy gẫm bài Tin Mừng ngắn gọn nhưng hàm chứa sâu xa của Gioan thánh sử, trong Lễ Chúa Ba Ngôi, tôi thích thú và cảm nhận mình được yêu, như thánh Phaolô đã trải nghiệm:

“Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.” (Rm 5, 6)

Điều này được minh chứng hùng hồn và minh bạch khi Đức Giêsu mặc khải: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một...” (Ga 3, 16) mà trong thế gian, có Phaolô và có cả bản thân tôi nữa, một “hạng người vô đạo”. Như vậy, tình yêu phổ quát và tuyệt diệu này không thể vì Thiên Chúa là độc nhất, là đơn độc chỉ để nhìn vào chính mình, chiêm ngắm chính mình và bắt các thụ tạo của Ngài phải ca tụng, tán dương, chiêm ngắm và thờ phượng. Mà là tình yêu, qua mặc khải của Chúa Giêsu, cho chúng ta cảm nhận rằng cuộc sống của Thiên Chúa là một sự hiệp thông thâm sâu trong tình mến, và rằng Ngài yêu thương mọi người trong thế gian bằng hành động trao ban Quà Tặng của Ngài là chính Con Một để, với niềm tin vào Con của Ngài bởi tác động của Chúa Thánh Thần mà chúng ta được sống muôn đời trong tình mến thâm hậu giữa tình yêu Cha Con trong Thánh Thần.

Chúa Giêsu sau khi sinh ra làm người đã “giữ trọn đức công chính” là vâng phục thánh ý Cha như Người đã nói: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 9) bằng vào việc “xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình”. Và trong biến cố hạ mình đến như thế mà “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 13-17)

Sống thâm sâu trong tình mến dạt dào Cha Con trong Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô với cả một mầu nhiệm huyền diệu rằng:

“Thiên Chúa yêu thế gian
đến nỗi đã ban Con Một
để ai tin vào Con của Người
thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
(Ga 3, 16)

Đồng thời, qua đó, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do chọn lựa; nên tin hoặc không tin vào Danh của Con Thiên Chúa là quyền của họ. Quả thật, từ lời huyền nhiệm này mà thánh Phaolô đã quảng diễn tuyệt vời khi ngài đúc kết trong thánh thi tiên khởi gửi giáo đoàn Philipphê:

“Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu,
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ
muôn vật phải bái quỳ.
Và để tôn vinh Chúa Cha
mọi người phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giêsu Kitô là Chúa.”
(Pl 2, 9-11)

Từ đây, niềm vui trong tôi càng bừng cháy thêm hơn, bởi Tình Yêu của Thiên Chúa đối với thế gian không chỉ là một tình cảm mà là một Ngôi Vị, Chúa Thánh Thần, “Đấng đã làm cho Ngôi Hai từ cõi chết sống lại” (Rm 1, 4) và Tình Yêu Mầu Nhiệm này được thể hiện trong hành động vô song là thí ban Con Một của Ngài. Đức Giêsu là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa nơi thế gian. Ai gặp và đón nhận Người là đón nhận chính Thiên Chúa và Tình Yêu của Ngài, mà Thập Giá là bằng chứng hiển nhiên, “vì thế, Thiên Chúa là Cha đã siêu tôn Người.”

Do đó, để đáp lại Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa Cao Cả Khôn Ví này, và để xứng đáng làm con cái của Thiên Chúa là Cha Yêu Thương, tôi cần phải sống với tâm tình của con thảo như thánh Phaolô đã chỉ ra cho tôi con đường “Đức Mến” tuyệt hảo, nhưng cũng thật vô vàn khó thực hành nếu như chưa cảm nếm được tình yêu Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Ngài chỉ cho con đường trổi vượt hơn cả:

“Giá như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,
hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,
mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Đức mến thì nhẫn nhục hiền hậu....
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
Hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.
Đức mến không bao giờ mất được.”
(1Cr 13, 3-8)

Con đường đức mến mời gọi tôi yêu mến tha nhân như Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, như Thiên Chúa luôn tước bỏ chính mình, như Thiên Chúa không tự chiếm hữu, như Thiên Chúa không tự chiêm ngắm mà là Thiên Chúa nghèo hèn tự hủy như thánh Phanxicô Assisi đã nhận ra và đã diễn tả một cách sống động sâu sắc Tình Yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, vốn là sự sống đời đời. Thế nhưng Người đã vâng lời tự hiến mình bằng cách “bị giương cao” trên Thập Giá để nên nguồn ơn cứu độ cho những người tin vào Người.

Quả là thấm thía khi Bussche, nhà chú giải, đã mạnh mẽ khẳng định:

“Dieu est l’amour qui se saigne à mort” tức “Thiên Chúa là Tình Yêu chảy máu đến chết.”

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,
Chúa đã sai Con Một là Lời Chân Lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa.
Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển bằng đời sống hiến dâng và hiệp thông tình mến như Quà Tặng mà Chúa đã ban cho chúng con là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Lễ Chúa Ba Ngôi, 18/05/2008
Phêrô Vũ văn Quí CVK64
Email: peterquivu@gmail.com