Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Chủ đề: Ngày 15/9 Đức Mẹ Sầu Bi. Lễ nhớ.

  1. #1
    phale's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2012
    Tên Thánh: Maria
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 5,055
    Cám ơn
    6,983
    Được cám ơn 6,091 lần trong 1,862 bài viết

    Default Ngày 15/9 Đức Mẹ Sầu Bi. Lễ nhớ.

    BÀI ĐỌC I: Dt 5, 7-9
    "Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời".
    Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
    Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
    Đó là lời Chúa.

    ĐÁP CA:Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 15-18. 19
    Đáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17).

    Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ; vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Xin Chúa hãy lắng tai về bên tôi tớ Chúa. - Đáp.

    2) Xin Chúa mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Đá tảng, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Đáp.

    3) Ngài dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. - Đáp.

    4) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài; con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. - Đáp.

    5) Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người ta. - Đáp.

    CA TIẾP LIÊN: STABAT MATER

    (Ca Tiếp Liên này có thể đọc cả hay bỏ, hay chỉ đọc từ câu 11 trở đi)

    1) Mẹ sầu bi tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây Thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.

    2) Một lưỡi gươm nhọn / đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau đớn.

    3) Ôi đau buồn sầu khổ biết bao / cho bà Mẹ đáng suy tôn / của một Người Con duy nhất!

    4) Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của Người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.

    5) Ai là người không tuôn châu lệ / khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô / trong cảnh cực hình như thế?

    6) Ai có thể không buồn bã / nhìn xem Mẹ Chúa Kitô / đang đau khổ cùng với Con Người?

    7) Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu / vì tội dân mình mà khổ cực, và bị vùi giập dưới làn roi.

    8) Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế / bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.

    9) Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.

    10) Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.

    11) Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh / những vết thương của Đấng bị treo thập giá.

    12) Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ / của Con Mẹ đã thương vong, đã khứng chịu cực hình vì con như thế.

    13) Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Đấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.

    14) Con ước ao được cùng với Mẹ / đứng bên cây Thập giá, và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.

    15) Ôi Đức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.

    16) Xin cho con được mang sự chết của Đức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ, và tôn thờ những thương tích của Người.

    17) Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con được say sưa cây thập giá / và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.

    18) Ôi, Đức Trinh Nữ, xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!

    19) Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Đức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khải hoàn,

    20) Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con / được Chúa tặng ban vinh quang của cõi thiên đường.

    ALLELUIA:
    Alleluia, alleluia! - Đức Trinh Nữ Maria là người có phúc, Bà xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo dưới chân Thập giá Chúa mà không phải chết. - Alleluia.

    PHÚC ÂM:Ga 19, 25-27
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
    Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà". Rồi Người lại nói với môn đệ: "Này là Mẹ con". Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.
    Đó là lời Chúa.


    2. Hoặc đọc: Lc 2, 33-35
    "Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà".
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
    Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".
    Đó là lời Chúa.


    www.thanhlinh.net
    Chữ ký của phale
    Điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện (Tv142,10)

  2. #2
    phale's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2012
    Tên Thánh: Maria
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 5,055
    Cám ơn
    6,983
    Được cám ơn 6,091 lần trong 1,862 bài viết

    Default Suy niệm Ga 19,25-27

    ĐỨNG VỮNG DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ
    Suy niệm Ga 19,25-27
    LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc


    Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta cầu nguyện cho hết mọi người đứng vững dưới chân Thập Giá như Đức Maria.

    Đứng vững là một trạng thái chịu đựng. Vì ai can đảm, ai có ý chí thì người đó mới đứng vững được. Nhưng đứng vững dưới chân Thập Giá mới là điều khó nhất. Bởi lẽ, ngay cả các thánh Tông Đồ, những người được sống với Đức Giê-su, thế mà khi Thầy tử nạn, chỉ còn thấy có một mình Gio-an đứng dưới chân Thập Giá với Đức Maria (Ga 19,26). Điều này cho thấy, đứng dưới chân Thập giá là hình ảnh của trung thành, là hình ảnh của chí khí, và cũng là hình ảnh của muôn vàn ơn phúc. Thật vậy, từ trên Thập Giá, Đức Giê-su đã phó Gio-an cho Đức Mẹ (x.Ga 19,27). Rồi, Đức Giê-su cũng phó Đức Mẹ cho Gio-an (x. Ga 19,26). Đây là một sự trao đổi thật kỳ lạ. Một sự trao đổi không cân đối, nhưng được cộng thêm bởi tình thương vô biên trên Thập giá và từ tình thương vô biên ấy đã biến Gio-an được trở thành con của Đức Mẹ, và trao phó Đức Mẹ cho Gio-an. Từ đó chúng ta nhìn thấy hình ảnh của Hội Thánh đã được trao phó cho Đức Trinh Nữ Maria.

    Khi trao Đức Maria cho Gio-an, Chúa Giê-su cũng cho chúng ta thấy Đức Maria là gương mặt của Hội Thánh, là hiền thê của Đức Ki-tô. Đó là gương mặt “Một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”(Ep 5,27). Đức Maria càng trở nên hiên ngang tuyệt vời khi đứng dưới chân Thập giá. Nơi đây, người ta nhìn thấy hình ảnh của một người mẹ, không những chứng kiến con mình hấp hối, mà còn giơ tay đón lấy xác con được tháo xuống từ Thập Giá. Hình ảnh ấy im lặng nhưng thấu tới trời và không có những tiếng rên la, than vãn, nhưng là một sự hiệp thông sâu xa để chuyển thành ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

    Với một nguồn ơn lớn lao như thế, Đức Mẹ Sầu Bi luôn gắn liền với Thập Giá. Nếu Thập Giá được giương cao trên đồi Golgotha thì hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi đứng vững dưới chân Thập giá là những hình ảnh đi liền với nhau. Thập Giá là biểu tượng của Ơn Cứu Độ thì Đức Mẹ Sầu Bi cũng trở thành hình ảnh Đồng Công Cứu Chuộc. Thập Giá đã trở thành hiến tế cứu độ cho muôn dân thì Đức Maria dưới chân Thập giá đem lại cho Giáo Hội một sức sống mới, sức sống được kín múc từ cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thâu, và từ đó Máu và Nước chảy ra. Hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi đứng vững dưới chân Thập Giá cho chúng ta thấy những nét đẹp siêu nhiên và những nét đẹp tự nhiên. Siêu nhiên bởi vì Mẹ đã đón nhận thánh ý Chúa ngay từ giây phút đầu tiên: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin vâng như lời Sứ thần truyền” (Lc 1,38). Có thể nói, với Đức Trinh Nữ Maria thì lời Sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai, lời trăng trối của Đức Giê-su, những lời cuối cùng trên Thập Giá, tất cả là một. Đức Maria đón nhận những lời truyền tin thì cũng đón nhận những lời Con Mẹ trăng trối trên Thập Giá: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga, 19,26). Đây là những hình ảnh đan kết giữa siêu nhiên với tự nhiên. Người ta thấy một Con Thiên Chúa lại chết trên đồi Can-vê. Người ta thấy một người Mẹ Thiên Chúa lại có thể đau thương vì “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Vậy mà thay vì những lời và những cử chỉ thì sự im lặng đứng vững của Đức Mẹ đã nói lên tất cả. Mẹ đã đón nhận tất cả Hội Thánh trong con người của Gio-an. Mẹ đã dâng tất cả Hội Thánh trong những lời cầu nguyện âm thầm dưới chân Thập Giá. Mẹ đã đón nhận Con Mẹ vào ngày Truyền Tin, vào ngày Giáng Sinh, thì Mẹ cũng đón nhận xác con Mẹ vào ngày tử nạn. Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy hình ảnh của một người mẹ không chỉ là nhẹ nhàng với những niềm vui nhưng là một người mẹ biết đón nhận tất cả những cay đắng và hy sinh hiến tế.

    Noi gương Đức Mẹ Sầu Bi không phải là chúng ta đủ can đảm đón nhận những đau khổ của bao người, nhưng là trong chính cuộc đời của mình cũng thấm đẫm những đau khổ, hy sinh. Có điều, những người không biết thánh hóa, không biết sống theo gương của Đức Maria thì đã phàn nàn, kêu trách, đổ lỗi, chẳng khác gì họ đem tất cả những công phúc đổ xuống s ông. Bởi vậy, hình ảnh Đức Maria Sầu Bi đứng dưới chân Thập Giá đem lại cho mỗi người chúng ta một sức sống nội tâm để có thể đứng vững trong một cuộc đời đau khổ, hy sinh của mình và để có thể kiên vững với thời gian. khi Chúa Giê-su trao phó Gio-an cho Đức Mẹ, Giáo Hội cũng nhắc chúng ta hãy đến gần Thập Giá với Đức Maria, vì Gioan là hình ảnh của Hội Thánh chúng ta. Những người con của Mẹ hãy kiên vững trong những đau khổ và hy sinh, bởi chính trong đau khổ và hy sinh cũng như phong ba, bão tố ập xuống trên ngôi nhà của cuộc đời thì mới biết rõ nhà nào xây trên đá và nhà nào xây trên cát; chính trong đau khổ mà người ta thấy được những hình ảnh đẹp đẽ, tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Maria, cũng như của những người con của Mẹ.

    Lửa thử vàng, gian nan thử đức (tục ngữ), Đức Maria Sầu Bi vẫn mãi là những mô phạm cho tất cả những ai muốn đi theo con đường của Thập Giá, của Hiến Tế hy sinh. Chúng ta cầu chúc cho các hiền mẫu hãy kiên vững như Đức Maria dưới chân Thập Giá, và là Thập Giá trong cuộc đời mình, để mỗi người vừa chu toàn bổn phận của những người mẹ trong gia đình, vừa chu toàn những công việc chung mà Giáo Hội trao phó cho họ. Tin Mừng cho thấy còn một số phụ nữ đạo đức đã đi theo Chúa từ buổi ban đầu, từ Galilea, họ cũng đứng dưới chân Thập Giá (x.Ga 19,25). Hy vọng trong số những người phụ nữ ấy, thấp thoáng qua mọi thời đại chúng ta nhìn thấy các hiền mẫu của gia đình chúng ta, để họ cũng theo gương Đức Mẹ và các phụ nữ đạo đức đứng vững dưới chân Thập Giá.

    Từ đây, chúng ta hiểu ý nghĩa Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ làm cho chúng ta đứng vững mạnh mẽ, chứ không phải những sự thương khó giập vùi cuộc đời con người. Cầu chúc cho mọi người không phải là nhận được nhiều đau khổ, bởi cuộc đời của mỗi người đã có quá nhiều đau khổ, và bản chất cuộc đời nơi trần gian này cũng đã làm họ đau khổ quá nhiều rồi. Nhưng chúng ta cầu chúc cho mọi người biết thánh hóa, và biết noi gương Đức Mẹ để đứng vững dưới chân Thập Giá. Một khi đứng vững dưới chân Thập Giá, họ sẽ là những người mạnh mẽ bước đi trong ân sủng và tình yêu thương, trong hy sinh và hiến tế; trong dấn thân và phục vụ, trong quảng đại vì Nước Chúa.

    Chúng ta tin chắc rằng, nếu mỗi một hội đoàn, mỗi gia đình và mỗi người cũng đều tiến bước vững vàng trong gian khó như Đức Maria dưới chân Thập Giá thì đó là con đường dẫn tới sự sống đời đời, con đường của tình yêu Chúa trải dài trước mắt chúng ta và sẽ đi dọc cuộc đời của mỗi người chúng ta.
    Chiều nay tang tóc u mờ
    Can–vê tim Mẹ gươm vừa đâm thâu.
    Đồi cao Thập giá cắm sâu
    Giêsu Con Mẹ gục đầu tắt hơi.
    Bóng ai in giữa khung trời
    Dưới chân Thập giá treo người con yêu.
    Tiếng ai nấc nghẹn bóng chiều
    Lệ nhoà theo cảnh tiêu điều hoàng hôn.
    Vâng, từ chính cảnh u buồn
    Con nhìn thấy Mẹ ngàn muôn dịu dàng.
    Ánh lên muôn vẻ Thiên đàng
    Toả ra muôn vẻ hiên ngang tuyệt vời!
    Chiều nay nối đất với trời
    Sầu bi, Thánh giá sáng ngời tình thương.
    Lời cầu con quyện trầm hương
    Dâng lên kính Mẹ lưỡi gươm thấu lòng.

    Chữ ký của phale
    Điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện (Tv142,10)

  3. #3
    phale's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2012
    Tên Thánh: Maria
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 5,055
    Cám ơn
    6,983
    Được cám ơn 6,091 lần trong 1,862 bài viết

    Default Suy niệm Lc 2,33-35

    LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
    Suy niệm Lc 2,33-35
    Lm Giacobe Phạm Văn Phượng, O.P.

    Phụng vụ dành ngày 15 tháng 9, một ngày sau lễ suy tôn Thánh giá để kính nhớ Đức Mẹ sầu bi, mẹ đau thương. Bởi vì Chúa Giêsu đã tự nguyện chấp nhận những gian lao đau khổ để cứu chuộc loài người, và Chúa cũng muốn rằng người mẹ mà Ngài yêu thương hơn cả cũng thông phần đau khổ, để đồng công cứu chuộc. Và thực sự Đức Mẹ đã được tuyên dương là Đấng đồng công cứu chuộc. Tin Mừng cho chúng ta thấy bảy sự đau khổ đáng kính nhớ của Đức Mẹ.

    Thứ nhất, khi dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, cụ già Simeon đã nói với Đức Mẹ : “Con trẻ này sẽ nên mũi gươm đâm thâu qua lòng Bà”. Đây là một lời tiên tri phải thực hiện. Nếu một người mẹ nào biết trước tương lai con mình như thế thì sẽ cảm thấy thế nào, có yên lòng bình thản được không?

    Thứ hai, khi nghe tin “vua Herode tìm con trẻ mà giết đi”, mẹ bồng ẵm con đi trốn, đi lánh nạn sang nước ngoài. Nhà cửa, ăn ở sẽ ra sao ? Lời ông già Simeon tiên báo đã bắt đầu được thực hiện.

    Thứ ba, khi mẹ lạc mất con nơi đền thờ. Có người mẹ nào lạc mất con mà không lo lắng đau khổ ? Lại là người con duy nhất, chắc chắn mẹ Maria lo lắng đau khổ vô cùng.

    Thứ tư, trên đường núi Sọ, mẹ gặp con vác thập giá. Thật là lòng mẹ nát tan. Thân hình con bầm dập, vác cây thập giá nặng nề, bị mọi người chê cười, bị quân lính đánh đập, còn gì đau khổ hơn cho mẹ ?

    Thứ năm, khi con bị treo trên thập giá, mẹ đứng bên nhìn lên con yêu dấu. Đối với một người mẹ bình thường chứng kiến những đau khổ của con như thế không thể không ngất xỉu. Nhưng mẹ đã can đảm nhìn lên trên thập giá, con chết đi trong thân xác, thì dưới cây thập giá, mẹ cũng chết đi trong tâm hồn.

    Thứ sáu, mẹ đã chứng kiến cảnh hạ xác con xuống khỏi thập giá, rồi ôm xác con lạnh giá trong vòng tay để dâng lên Thiên Chúa như vị thượng tế dâng của lễ.

    Thứ bảy, mẹ đã chứng kiến cảnh táng xác con trong mồ đá. Trước đây khi nhìn con phải đau khổ, phải chết, mẹ đã đau khổ lắm rồi, bây giờ không còn nhìn thấy con nữa, thì mẹ càng đau khổ hơn biết bao. Không thể nói được nữa, nhưng mẹ hoàn toàn xin vâng, phó thác cho chương trình quan phòng của Thiên Chúa.

    Chúng ta tưởng nhớ và suy niệm những sự đau khổ của Đức Mẹ, chúng ta hãy xin Đức Mẹ cho chúng ta hiểu mầu nhiệm thánh giá trong đời chúng ta, tức là những đau khổ của cuộc đời, ai mà không có. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ trợ giúp chúng ta có đủ nhẫn nại để vác thánh giá trong đời sống hàng ngày.
    ________________________________________________________________________________

    ĐỨC MẸ ĐỒNG THỤ NẠN
    Suy niệm Lc 2,33-35
    Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

    Ngày hôm qua chúng ta tôn thờ Thánh Giá Chúa Kitô, hôm nay chúng ta mừng kính cây thánh giá cuộc đời của Đức Mẹ.

    Tước hiệu “Đức Mẹ sầu bi” nói lên tất cả sự hiệp công cứu độ của Mẹ Thiên Chúa cùng đồng hành với Con của mình trên con đường thánh giá.

    Tước hiệu “Đức Mẹ sầu bi” cũng cho biết trọn vẹn ý nghĩa cuộc tử đạo, không đổ máu, nhưng kiên cường của Đức Mẹ.

    Cuộc tử đạo ấy là cuộc tử đạo của cả một đời đi theo Chúa, vác thập giá với Chúa.

    Cuộc tử đạo ấy đã làm cho Đức Mẹ hiệp công cùng Con trong từng ngày tháng của đời mình cứu độ trần gian.

    Tin Mừng cho chúng ta biết điều đó:

    - Khi nghe cụ già Simêon tiên báo: “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”.

    - Khi bị Hêrôđê tìm giết Con, đã phải bồng Con lặn lội trong đêm trốn sang Aicập.

    - Khi lạc mất Con, phải đôn đáo tìm Con đến ba ngày mới gặp.

    - Khi dõi theo bước chân truyền giáo của Con và nhận ra đó không phải là những bước chân êm đềm, nhưng phải luôn luôn đối đầu với sự khinh miệt, bị thù ghét, nhiều lần bị rắp tâm giết hại.

    - Khi theo Con trên đường lên đồi Sọ, chứng kiến cảnh tượng Con mình: vai vác thập giá nặng, thân thể đầy thương tích do roi đòn, do lòng thù hận của loài người gây nên.

    - Chứng kiến Con đội mão gai mà xót đau như chính những gai nhọn kia đâm thẳng vào đầu mình.

    - Cùng chịu đóng đinh đau đớn với Con khi chứng kiến Con oằn quại trước những mũi đinh đâm thâu tay chân.

    - Cùng Con chết lặng, khi chứng kiến đến cùng giây phút cuối đời bi thương của Con.

    - Buốt giá tâm hồn khi nhận lấy thân xác cứng đờ của Con từ trên thánh giá.

    Đúng là một cuộc tử đạo trọn vẹn như lời thánh Bênađô đã nói: “Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng: Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ, niềm thông cảm đau khổ của Con, khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác”.

    Như vậy Đức Mẹ Maria đã bắt đầu cuộc lữ hành đức tin bằng những lời xin vâng: “Tôi là nữ tỳ Chúa. Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38) và những lời vui tươi hăng hái của người mẹ trẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Vì Đức Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Đức Chúa...” (Lc 1, 46-55). Lời xin vâng ấy vẫn trọn vẹn, vẫn một niềm son sắt khi thông hiệp và cùng liên đới trong sự đau thương cùng cực của Chúa Giêsu. Sự làm một với Con trong nỗi đau thánh giá ấy, được Tin Mừng Gioan khắc họa thành hình tượng vô cùng đẹp trong vẻ đẹp bi hùng: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga 19, 25).

    Công đồng Vatican II nhìn thấy cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và sự thông hiệp toàn vẹn của Đức Mẹ, là biểu lộ sự hoàn tất thánh ý cứu độ của Thiên Chúa: “Đức Trinh Nữ đã vững tiến trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành hợp nhất với Con Mẹ cho tới khi đứng dưới chân thập tự giá, theo đúng chương trình của Thiên Chúa” (LG 58).

    Ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi theo ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, là cách Hội Thánh dạy chúng ta: Lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta phải được hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô chính là trung tâm, là đối tượng của việc thờ phượng, của lòng sùng kính mà chúng ta cần dâng lên Người trọn đời mình.

    Mừng lễ Đức Mẹ đồng thụ nạn với Đức Chúa Kitô khổ nạn, chúng ta noi gương Đức Mẹ, kết hợp cuộc đời khổ đau của chúng ta với cuộc đời tử nạn của Đức Chúa Kitô, Nhờ thế, chúng ta tin tưởng sẽ cùng được hưởng phúc trường sinh vinh hiển với Đức Chúa như Đức Mẹ. Đó chính là hy vọng mà Hội Thánh hằng mong ước và khẩn nguyện: “Khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con biết dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Đức Chúa Kitô để mưu ích cho Hội Thánh” (Lời nguyện hiệp lễ ngày 15/09).

    Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con hằng ngày biết sẵn lòng chịu mọi gian lao đau khổ, hiệp cùng sự thương khó của Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Chúa Kitô, nhằm mang lại sự sống đời đời cho chính chúng con và cho thế giới. Amen.
    ___________________________________________________________________________________

    Mời bạn đọc - Lẽ sống ngày 15/9:
    Đây sẽ là niềm an ủi của con
    Chữ ký của phale
    Điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện (Tv142,10)

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com