BÀI GIẢNG LỄ VĨNH KHẤN CỦA 21 NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ HƯNG HÓA
(Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, ngày 30.9.2016)


Cách đây mấy ngày, trên trang thông tin điện tử giáo phận xuất hiện hai videoclips mang tựa đề: “Giới thiệu các tân linh mục giáo phận Hưng Hóa năm 2016” và “Chân dung các tân vĩnh khấn hội dòng MTGHH năm 2016”. Khuôn mặt mỗi thầy và mỗi dì xuất hiện kèm câu Kinh Thánh được chọn làm châm ngôn sống. Phải nói là trông ai cũng đẹp trai đẹp gái, dù đã ở vào tuổi “băm đi băm lại” chứ không còn là “hâm đi hâm lại” nữa. Có người vốn được phú bẩm một vẻ đẹp tự nhiên, giờ lại được kỹ thuật photoshop tô sửa nên đẹp mê hồn, trông cứ như tiên đồng ngọc nữ. Không chừng có người buột miệng: “Đẹp thế mà đi tu, uổng quá” ! Nhưng cẩn thận kẻo tưởng bở, chưa chắc đã đẹp thật ! Photoshop chỉ để quảng cáo, đánh lừa người khác thôi.

Những tu sĩ thuộc tôn giáo nào cũng đều giữ mình không tự hãnh vẻ đẹp tự nhiên của dung nhan, để nhắm tới nét đẹp siêu nhiên của tâm hồn, ý thức rằng con người giá trị không phải ở cái họ có, mà ở cái họ là, không ở dáng vẻ bên ngoài, nhưng ở trong tâm linh. Triết lý dân gian Việt Nam dạy: “Cái nết đánh chết cái đẹp” ; “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”. Bên Phật giáo, người đi tu làm cho mình ra xấu xí qua việc cắt tóc, mặc áo vải nâu sồng rộng thùng thình để không còn khêu gợi ai. Thánh Phêrô khuyên chị em phụ nữ - thời đó chưa có nữ tu - như sau: “Đồ trang sức của chị em đừng là vỏ ngoài, những là gióc bím tóc tai, la liệt vòng vàng hay trưng diện áo quí, nhưng là con người trầm ẩn, nơi tấm lòng, mà (đồ trang điểm) bất hoại là Thần khí hiền từ và an tĩnh; đó là điều quí hóa trước mặt Thiên Chúa. Quả, các phụ nữ lành thánh xưa, những người hằng đặt cả hi vọng nơi Thiên Chúa, đã trang điểm mình như vậy,” (1 P 3,3-4).

Hẳn mọi người đều biết Mẹ Têrêsa Calcutta, một nữ tu và là người sáng lập Dòng Nữ Thừa sai Bác Ái. Đó là một phụ nữ dáng thấp bé, lưng khòm, da mặt nhăn nheo xấu xí của một bà già ngoài tám mươi, không có một chút chi hấp dẫn. Nhưng Mẹ được cả thế giới ngưỡng mộ vì có một tấm lòng cao cả, một trái tim vĩ đại và đôi tay giang rộng như muốn ôm hết mọi con người khốn khổ trên thế giới. Mẹ đi khắp nơi rao truyền sứ điệp bác ái bằng hành động. Khi biết ở Trung quốc, mỗi sáng trên dòng sông Dương Tử, trôi lềnh bềnh xác những hài nhi gái bị giết chỉ vì người ta không muốn có con gái, mẹ đã thống thiết kêu: “Xin đừng giết các em, nếu quý vị không nuôi, hãy cho chúng tôi”. Mẹ được giải thưởng Nobel hòa bình năm 1979 vì những hoạt động nhân đạo. Qua đời năm 1997, mẹ được an táng theo nghi lễ quốc táng của Ấn Độ, trước sự hiện diện của rất nhiều nguyên thủ quốc gia. Mẹ được đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong á thánh năm 2003, và đức thánh cha Phanxicô phong hiển thánh ngày 4.9.2016. Vẻ đẹp của mẹ Têrêsa hoàn toàn không ở bên ngoài, nhưng trong tâm hồn.


Tôi chắc rằng các nữ tu Mến Thánh Giá tuyên khấn trọn đời hôm nay, khi đeo đuổi con đường hoàn thiện của đời thánh hiến, chẳng tự hào về vẻ đẹp dung nhan, một chỉ muốn xinh đẹp tươi tắn trong tâm hồn. Mỗi ngày một phụ nữ dành không ít thời giờ để chăm chút vẻ đẹp của mình bằng các loại mỹ phẩm, lui tới các thẩm mỹ viện để được chuyên viên trang điểm, săn sóc sắc đẹp cho mình. Các nữ tu mỗi ngày cũng dành nhiều thời gian, không phải để chăm chút sắc đẹp bên ngoài, nhưng để chăm chút vẻ đẹp thiêng liêng trong tâm hồn.
Muốn có nét đẹp thiêng liêng thì phải áp dụng những liệu pháp thiêng liêng: Tham dự thánh lễ và nguyện ngắm ban sáng, viếng Chúa ban trưa, xét mình ban tối, kinh nguyện phụng vụ theo thời khắc trong ngày, miệt mài luyện tập các nhân đức, nhất là các lời khuyên Phúc Âm, tĩnh tâm tháng và năm, sống cộng đoàn, tinh thần phục vụ, đó chẳng gì khác hơn là những loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng giúp tăng cường và bảo toàn vẻ đẹp tâm linh. Cần ít nhất 12 năm từ khi bắt đầu tập tu cho đến ngày khấn trọn đời hôm nay. Thiết tưởng sau bấy nhiêu năm, nét đẹp thiêng liêng của các chị phải đạt tới độ chín muồi.
Tôi xin góp thêm ba bí quyết nữa giúp cho tâm hồn các nữ tu thêm đẹp.

1 - Theo đức thánh cha Phanxicô, niềm vui là nét đẹp tâm hồn tu sĩ: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Ngài bảo các tu sĩ đừng mang vẻ mặt u sầu như đi đưa đám. Niềm vui trên khuôn mặt, ánh mắt, và cuộc sống của tu sĩ làm cho họ và thế giới này tươi đẹp hơn, đáng yêu hơn, lạc quan hơn, xua đi bóng tối u buồn vì bao biến động, vì lòng người khô khẳng. Đó là Niềm vui của Tin Mừng. Tôi còn nhớ lần đầu tiên, sau bao khó khăn, đến được Nậm Pồ tỉnh Điện Biên vào mùa Vọng 2015. Lúc sắp ra về, các em gái H’mông mặt buồn rười rượi, rụt rè nói với tôi: “Thưa cha, chúng con muốn xin cha cho các dì ở lại với chúng con”. Tôi hiểu các em cảm thấy cô đơn, trống vắng, khi phải chia tay với các dì đến giúp các em trong mấy ngày trước đó. Tôi trả lời: “Không những cha muốn cho các dì ở lại với chúng con, mà muốn các dì ở mãi với chúng con”. Hy vọng điều này sắp thành hiện thực, vì mới cách đây hai ngày, đức cha chính giáo phận chúng ta đã đến Điện Biên chủ tọa lễ thành lập giáo xứ này, rồi đây Hội Dòng có thể gửi nữ tu đến với các người H’mông nơi xa xôi nhất, ở đó họ đang cần các dì. Đấy mới đúng là nét đẹp của các nữ tu: “Đẹp thay những bước chân rảo khắp núi đồi loan tin vui, tin bình an” (Ys 52,7).

- Bí quyết thứ hai là tình yêu, đi đôi với niềm vui. Ở đâu có niềm vui, ở đó có tình yêu. Chúng ta nhớ đến tựa đề tông huấn mới nhất của đức thánh cha Phanxico: Niềm vui yêu thương (Amoris Laetitia). Nó đúng trong đời hôn nhân, và cũng đúng trong đời thánh hiến. Tu sĩ là người say mê Thiên Chúa và con người. Nữ tu Lucia de la Trinité đã nói về ý nghĩa đời tu: Đó là “để mình yêu và được yêu ; để mình yêu Chúa vô cùng và được Chúa yêu cũng vô cùng ; để mình yêu từng chị em nữ tu và được họ yêu lại ; và qua từng chị em nữ tu, mình yêu toàn thế giới”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng ý thức ơn gọi của mình khi nói: “Ơn gọi của con, đó là tình yêu. Vâng, giữa lòng Giáo hội, con sẽ là tình yêu”. Trong Năm Thánh này, tình yêu có dung mạo của lòng thương xót. Tu sĩ là người cảm nhận được lòng Chúa thương xót mình, và mình đáp lại bằng lòng xót thương mọi người, nhất là những người nghèo khó, bất hạnh. Đấy là nét đẹp của người tu sĩ.

- Bí quyết thứ ba: phục vụ. Tình yêu, niềm vui được diễn tả qua sự phục vụ. Nét đẹp này hệ tại phục vụ vô vụ lợi, quên mình, không tính toán so đo hơn thiệt. Thánh Inhaxiô cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm an nghỉ, biết xả thân mà không mong chờ một phần thưởng nào khác, ngoài sự nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa”.
Niềm vui, tình yêu thương và tinh thần phục vụ đang làm nên nét đẹp của người nữ tu ngày nay. Ước gì chị em được Chúa Giêsu và mọi người yêu quý vì thấy chị em đáng yêu hơn qua đời sống vui tươi, yêu thương, phục vụ Chúa và Giáo Hội. Để kết thúc bài chia sẻ, tôi xin mượn lời của đức thánh cha Phanxicô trong bức thư gửi các tu sĩ nhân năm đời sống thánh hiến: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi chúng ta đi theo Đức Giêsu trong việc gắn bó trọn vẹn với Tin mừng và trong việc phục vụ Giáo hội, Đấng đã đổ xuống tâm hồn chúng ta Thánh Linh mang lại niềm vui và biến chúng ta thành những chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa trước mặt thế giới”. Amen.

+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa