Ơn ơn

Tôi biết anh cũng đã lâu. Anh không giàu có sang trọng mà cũng chẳng bảnh bao. Công việc của anh thì bấp bênh như sóng vỗ mạn thuyền. Anh chỉ là một người bình dị. Nhưng có một điều nơi anh khiến tôi khâm phục tận đáy lòng. Điều ấy làm anh trở thành một người sống có chiều sâu và có sự bình an rất vững vàng. Điều ấy là: lòng biết ơn trưởng thành.Một lần kia, người hàng xóm lắm chuyện quen thói ngồi lê mách lẻo nói anh là một kẻ bất tài, làm việc gì cũng thất bại. Anh có buồn chút nhưng không tỏ vẻ cay đắng, ghét bỏ. Khi được hỏi sao anh lại có thể điềm tĩnh như thế trong khi người ta nói hành nói xấu anh, anh mỉm cười: “Ba năm trước bà ấy có mời tôi ăn sáng một lần. Món trứng chiên hôm đó ngon tuyệt.”Anh bị mất việc do một lời vu khống sau lưng. Người vu khống anh là một người anh quen tại tiệc cưới của đứa em họ. Thấy người ấy giao tiếp lịch sự, vui vẻ, anh quý mến giới thiệu vào làm chung tại cơ quan. Theo thời gian, người ấy dần dần bộc lộ tham vọng ích kỉ. Không thích tính cương trực của anh, người ấy dựng chuyện làm hại uy tín của anh. Cuối cùng, anh bị đuổi việc. Những người bạn khác biết chuyện khuyên anh nên ‘trả đũa’ cho công bằng. Anh đáp lại: “Tôi nợ ơn của anh ta.”Họ hỏi: “Anh có nói ngược không? Nó nợ ơn anh mới đúng chứ.”Anh kể tiếp: “Tôi nói thiệt mà. Cách đây hơn một năm, có lần anh ta góp ý với tôi: “Cái mặt lầm lì như ông thì chó lấy.” Tôi giật mình. Lúc đó thì tức lắm. Nhưng sau thì nghĩ lại và dần dần biết cười nhiều hơn. Nhờ biết cười nhiều mà người phụ nữ yêu dấu của tôi mới để ý đến tôi trong một lần đi ăn phở. Tôi ghi nhớ ơn này của anh ta cả đời.”Mấy tuần trước, cả giáo xứ nơi anh đang sống nhốn nháo về tin tức vị linh mục “bê bối”. Người ta xôn xao lên án. Người thì bảo rằng quá sức thất vọng. Có người nói sẽ không đi Lễ nữa. Người khác đòi tẩy chay. Người khác nữa chửi bới,… vân vân. Vị linh mục phải bỏ nơi ấy đi thật xa, bây giờ không biết thế nào. Tôi hỏi anh về cảm tưởng của anh. Anh nhẹ nhàng tâm sự: “Có một lần nọ tôi gây gổ với một người bà con xa và không muốn nhìn mặt người đó nữa. Cũng may là Chúa Nhật tuần đó tôi nghe được bài giảng của cha ấy. Mới đầu tôi khá khó chịu với bài giảng ấy, nhưng sau đó thì tôi lại có can đảm bốc điện thoại lên xin lỗi và làm hòa với người bà con. Tôi rất biết ơn cha và mãi ghi nhớ trong lòng điều ấy. Và còn nhiều điều khác nữa. Kể ra thực sự là không hết.” Trầm ngâm một lát, anh thở dài nói tiếp: “Là con người, ai lại không yếu đuối, có ai hoàn hảo đâu. Cha cũng có quyền là một con người như tất cả chúng ta. Chắc hẳn nhiều năm phục vụ, đã có rất nhiều người nhận lãnh ân sủng qua cha trong các Thánh Lễ, Bí tích, lời giảng, sự đồng hành, … Bây giờ cha gặp đau khổ, không biết còn ai nhớ đến những ơn họ đã nhận lãnh hay không.”+++Trong cuộc đời này, không thiếu gì chuyện “ăn cháo đá bát”, “qua cầu rút ván”, “làm ơn mắc oán”,… như ông bà xưa đã nói. Trước đây, sự bình an nội tâm của anh rất dễ bị chòng chành trước cái bạc bẽo phũ phàng của con người. Nhưng rất may cho anh, một hôm kia, trong khi đang buồn tức, anh đã gặp một vị Thầy lỗi lạc. Nhờ học từ lời và gương của Thầy mà anh đã tìm ra cho mình một nguyên tắc sống tích cực. Thầy dạy: “Khi anh em làm phúc cho ai, đừng để tay trái biết việc tay phải đang làm.” (Mt 6:3) và “Ai làm cho một trong những người bé mọn nhất là làm cho chính Thầy [dù chỉ là một bát nước lã].” (Mt 25; 10:42)Bây giờ, anh rút ra một nguyên tắc sống cho mình là: Bản thân làm được cho ai điều gì thì không cần nhớ, còn ai đã làm gì cho mình thì dù nhỏ bé bao nhiêu cũng nguyện khắc sâu trong lòng. Đối với anh, ơn là ơn. Ai biết sống nhớ ơn thì anh mừng vì họ đang sống đẹp. Ai sống vô ơn, anh cầu nguyện cho họ. Phần anh, anh tiếp tục chọn là người sống biết ơn.Có người hỏi: “Chẳng lẽ anh không sợ bị thua thiệt sao?” Anh trả lời một cách nhẹ nhàng nhưng xác tín: “Điều tôi làm được cho người khác thật ra là tôi được làm cho họ. Khả năng ấy là ân huệ Chúa thương ban cho tôi để tôi có cơ hội sống đẹp. Nghĩ cho kĩ, chẳng có điều nào tôi đang có mà không phải là ơn tôi lãnh nhận từ Chúa nhân lành.” (1Cr 4:7) Nhờ tâm niệm như thế, đời sống anh trở nên sâu sắc, vững chắc và an lạc.
Giuse Việt, O.Carm.
[26A+V0513]
Tái bút:Anh có thói quen nhớ đến, cầu nguyện cho những người đã đến trong cuộc đời anh. Anh làm một cuốn sổ tay nho nhỏ để thỉnh thoảng viết thêm tên một ai đó vào. Khi có chút thời gian, anh mở nó ra vừa ôn lại kỉ niệm vừa cầu nguyện cho họ. Họ thuộc đủ mọi trường hợp: anh chàng thanh niên giúp dắt xe cho anh lần kia trong siêu thị, bà cụ bán nước bị móm cười tươi ra phết, cô sinh viên tặng anh một vé xe buýt khi anh để quên bóp tiền ở nhà, nữ tu đăng một thông điệp yêu thương trên facebook mà anh tình cờ đọc được, người bạn dành thời gian để lắng nghe tâm sự của anh trong lúc anh chơi vơi, bác tài xế taxi đụng vào đuôi xe máy của anh khiến anh phải nghỉ làm hôm ấy nhưng nhờ vậy anh được gặp gia đình bác và thưởng thức món canh chua cá ngon tuyệt của bác gái nấu, … Danh sách này còn dài lắm.
Ở trang đầu tiên của cuốn sổ, anh viết một dòng chữ to đậm:
Ơn ơn


https://only3minutes.wordpress.com/tieng-viet/on-la-on/