Lễ Suy Tôn Thánh Giá
LM Ansgar Phạm Tĩnh

Kính thưa các chị,
Lễ Suy Tôn Thánh Giá là lễ quan thầy của các chị em dòng Mến Thánh Giá ở khắp nơi, tiểu đệ An-cha xin mượn những dòng chữ này để gửi đến các chị những lời chúc tốt đẹp và chân tình nhất. Xin đại sư huynh Giêsu ban cho các chị sự bình an, đức khiêm nhường, sự trung thành và đức kiên nhẫn để các chị có đủ sức YÊU MẾN và VÁC Thánh Giá hàng ngày cho nên.

Quan thầy Dòng Mến của chị em
Xin nhận lời chúc của kẻ hèn
Chúc cho chị em luôn khỏe mạnh
Thánh Giá hàng ngày vác cho nên

Không biết các chị có đồng ý với đệ là có sự khác biệt rất lớn giữa hai chữ THẬP GIÁ và THÁNH GIÁ hay không? Nếu chị nào giơ tay nói là không có sự khác biệt thì đệ thử mạo muội đề nghị chị hãy thử đổi tên dòng của các chị một lần xem sao. Thay vì DÒNG MẾN THÁNH GIÁ thì đổi sang DÒNG MẾN THẬP GIÁ (=THẬP ÁC). Lovers (Adorers) of the Holy Cross hoặc là Lovers (Adorers) of Cross. Nghe nó kỳ kỳ sao đó có phải không các chị?

Đổi thành Dòng Mến Thập Giá xem!
Chữ GIÁ không có THÁNH đi kèm
DÒNG MẾN THẬP GIÁ nghe kỳ cục!
GIÁ có THÁNH kèm nghe mới êm!

Khi mới bắt đầu bước chân vào đời tu, đệ nghĩ các nhà dòng là những nơi hạnh phúc và bình an nhất bởi vì trong đó toàn là những người thánh thiện, đạo đức, giỏi giang, hiền lành (bởi vậy người ta hay nói thằng này hiền lành như thầy tu hay là em hiền như Maxơ...). Trong nhà dòng sẽ không có thập giá mà chỉ có Thánh Giá treo trên tường trong nhà nguyện mà thôi. Đơn sơ quá phải không thưa các chị? Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận” ngay từ ngày bước vào đời sống tu cho đến nay, đệ đã, đang và sẽ còn thấy cuộc đời tu không đơn giản như mình nghĩ.

Đừng tưởng dòng tu chỉ bình an
Xin thưa trong đó cũng lắm màn
Ganh ghét, bon chen và đố kị
Gương mù, gương xấu cũng tràn lan!

Đệ chẳng dám múa rìu qua mắt thợ, bởi vì THÁNH GIÁ là mục đích và là lẽ sống của các chị, chắc chắn các chị hiểu rõ hơn đệ rất nhiều về sự khác biệt giữa THÁNH GIÁ và THẬP GIÁ. Đệ chỉ xin chia sẻ với các chị hai loại Thánh Giá trong đời tu.

Loại Thánh Giá thứ nhất mà trong đời tu ít có ai, nói lại cho chính xác hơn, chẳng có ai có thể tránh được, đó là đời sống chung. Cứ thẳng thắn nói với nhau như thế này: Chẳng có nơi nào, không có cộng đoàn dòng tu nào mà lại thiếu vắng những vị thánh có tính độc đoán, bảo thủ khó tính và dở người (có người bảo là man man, đệ không nghĩ hoàn toàn như vậy!). Các vị thánh chuyên môn deliver THẬP GIÁ đến cho những người chung quanh có thể là bề ngang, hoặc bề dưới của mình, và thậm chí là những vị bề trên nữa.

Nếu mà là bề trên của mình thì... căng đấy! Phải thật là bình tĩnh và kiên nhẫn kẻo sẽ bị cây thập giá đè bẹp. Nếu các chị chưa ghé vai vác thử loại THẬP GIÁ này thì... hãy đợi đấy! Còn nếu đã ghé vai vác thử ít là một lần trong đời tu thì... enjoy it! Và nếu còn đang được vác thì cũng hãy vui lên, “hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa!” (Phil.4:4)

Khó tính độc tài hay trách chê!
Bề trên , bề dưới, ôi, ê hề!
Vác Thánh Giá này ai bảo dễ?
Lúc vác, lúc gồng, lúc kéo lê!

Đệ có hai kinh nghiệm về loại Thánh Giá này muốn chia sẻ cùng các chị, một kinh nghiệm liên quan đến bề ngang và chuyện khác liên hệ đến bề trên.

BỀ NGANG: Ngày đầu tiên bước chân vào dòng, đệ được bề trên chia cho ở chung với một vị đại ca. Chỉ sau hai tiếng đồng hồ, đệ đã học được sự khác biệt giữa hai chữ THẬP và THÁNH từ vị đại ca có họ với Hít-le này. Muốn bỏ một vài vật dụng lên trên bàn (chỉ có một cái bàn trong phòng) đệ đã phải uốn ba tấc lưỡi năn nỉ và xin phép vị đại ca ấy tới ba lần nhưng cuối cùng vị đại ca ấy vẫn cao giọng: “Bảo rằng không, trăm ngàn lần cũng không!” Ban đêm thì còn chán nữa, vị đại ca ấy cần phải mở đèn sáng để ngủ vì sợ... ma. Ông cháu của Hít-le này lại còn kéo gỗ nữa mới ác! Tiếng gáy cộng với nghiến răng nghe trong đêm thật rùng rợn và khủng khiếp! Làm sao bây giờ? Đệ chỉ có hai con đường chọn lựa: Một là bỏ đi về nhà sống một mình một phòng, hai là tiếp tục chịu đựng cái cảnh chung chạ như vậy (không biết đến bao giờ!). Làm sao để biến cái chử THẬP thành THÁNH? Đệ cứ lấn cấn mãi với hai sự chọn lựa ấy. Bỏ về thì thấy quá ư là lố bịch, chỉ tại vì một anh Hít-le mà bỏ về sao? Ở lại thì không thoải mái, tội nghiệp cái tai và giấc ngủ của Đệ. Cuối cùng Đệ nghĩ ra một phương cách để khắc phục, đó là record tiếng ngáy của anh Hít-le đó và tập nghe giống như nghe nhạc tình trước khi đi ngủ. Lạ lắm các chị ạ! Không những Đệ không khó chịu khi nghe tiếng ngáy thật nữa mà còn nghiền nữa mới ác chứ! Nghiền như là cha L. nghiền nghe tiếng hát Khánh Ly vậy! Chữ THÁNH chưa thay được chữ THẬP nhưng chữ THẬP đã biến mất, chỉ còn lại chữ GIÁ (Ooph! Tên của ông ngoại em đấy!).

Hít-le cũng một dạo đi tu
Ở chung với hắn, giống ở tù
Nhưng nhờ sống với hắn như vậy
Mới hiểu nghĩa thực của đời tu

BỀ TRÊN: Năm 1994, anh em đến tìm hiểu dòng khá đông, lúc đó 4 người phải share chung một phòng, mười người share 1 cái bathroom. Lạy Chúa tôi, các chị biết không, đời sống của đệ và các sư huynh lúc bấy giờ thật là dở khóc lở cười. Buổi sáng tinh mơ, mới khoảng 4 giờ thì nhà nghỉ đã tấp nập, đông như hội, kẻ bên trong huýt gió, người bên ngoài đập cửa hối thúc để bà con còn thi hành bổn phận công dân (bỏ phiếu), ôi cứ gọi là loạn xà ngầu. Có không ít sư huynh đệ chỉ sau một đêm, hoặc chỉ vài ngày, sau khi chứng kiến cái cảnh phồn hoa đô thị tại bổn dòng đã âm thầm ra đi không lời từ biệt, dĩ nhiên là không kèn, không trống bởi vì THẬP GIÁ nặng quá. Làm sao bây giờ? Bề trên đâu phải là người có họ với thầy bói, thấy hết chứ! Nhưng ngài chẳng làm gì cả. Ngài lại còn tin dị đoan mới chết chứ, ngài bảo rằng hễ mà có nhà to là ơn gọi biến mất, vì thế ngài cứ để anh em sống ấm cúng như vậy để khỏi mất ơn gọi và để...đỡ tốn heat. Nhưng kết quả quá thảm khốc, ơn gọi cứ rơi rụng dần dần, có lần rụng một phát 12 em, thế mới đau!

Các chị xem thử, tu cực không?
Bốn tên nhồi nhét vào một phòng
“Toa-nét” mười thằng chung một cái
Sáng sáng xếp hàng, tức cành hông?

Làm gì bây giờ? Lúc đó đệ chỉ biết ngâm nga câu hát “Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính!” và bắt chước Đức Mẹ “hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng” (Lk 2:51b).
Đệ cũng bất mãn lắm muốn bỏ cuộc nhưng mà... bỏ Ngài con biết theo ai?

Lênh đênh qua cửa thần phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm

Không biết chữ khéo tu mà tác giả của câu thơ trên nói đến là loại khéo nào? nhưng theo đệ, hân đức KIÊN NHẪN và BÌNH TĨNH là hai cái phao giúp cho những người tu trì đặt những cây THẬP GIÁ lên và băng qua được sóng gió, trôi nổi trên giòng nước lũ của khủng hoảng, của gian nan để về đến đích bình an.

Trong cuộc đời tu trì, không ít thì nhiều, không sớm thì muộn, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối đầu với những sự khủng hoảng về tinh thần, chán nản về đời sống chung, của một vài cá nhân trong hội dòng.
Trong những lúc bị khủng hoảng và chán nản vì đời sống chung, đệ xin chị em hãy thử làm những việc sau đây:

  • Chạy đến quỳ trước Nhà Tạm 15-30 phút, trong lúc này đừng nói gì, đừng nghĩ gì, chỉ nhìn thẳng vào cửa Nhà Tạm. Hãy để cho tâm hồn của chị em lắng đọng. Sau đó, muốn complain hay phàn nàn gì thì hãy nói ra, nói cho đã, nếu cần khóc cứ việc khóc trong lúc này.

    Xin Chúa ban cho con ơn khiêm nhường, kiên nhẫn và lòng can đảm để vác Thánh Giá cho nên.

    Hãy tự nhắc nhở cho chính mình rằng:“It’s not the end of the world! Chuyện nhỏ! Tất cả rồi cũng sẽ qua đi mau chóng. Kiên nhẫn một chút là xong!
Cầu chúc quý chị em luôn BÌNH TĨNH và KIÊN NHẪN trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi tình huống của cuộc sống tu trì. Xin chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tiểu đệ được BÌNH TĨNH và KIÊN NHẪN trong đời sống tu trì với nhé.