|
Suy niệm:
Cuộc xuất hành của Chúa Giêsu kết thúc. Khi tiến vào Giêrikhô, Chúa Giêsu gặp anh mù ao ước được nhìn thấy Ngài (Lc 18, 35-43). Giờ đây trên đường ra khỏi thành, Ngài gặp Dakêu, một người thu thuế: ông cũng muốn nhìn thấy Ngài. Một anh mù và một người thu thuế. Cả hai đều bị loại trừ. Cả hai đều làm rối và gây phiền người xung quanh: anh mù là bởi vì anh ta đã lớn tiếng kêu lên Chúa Giêsu, người thu thuế là bởi vì các loại thuế ông thu. Nhưng cả hai đều được Chúa chấp nhận, mỗi người theo cách của riêng Ngài.
Tin Mừng kể về việc Chúa Giê-su đến lưu lại nhà ông Gia-kêu, một người thu thuế. Theo quan niệm của người dân Do Thái, những người thu thuế là những người tội lỗi đầy mình. Bởi vì, họ đã phạm hai tội. Một là gian lận trong tiền bạc; hai là lấy tiền đó nộp cho Roma, nghĩa là cấu kết với ngoại bang bóc lột đồng bào... Như vậy, Da-kêu trong bài Tin Mừng hôm nay là một con người bị liệt vào danh sách những kẻ tội lỗi, chẳng ai muốn đến gần và làm bạn với họ. Thế nhưng, Chúa Giê-su thấy ông và muốn lưu lại ở nhà ông.
Chúa Giêsu thấy ông ở trên cây sung và chính Ngài đã có sáng kiến đề nghị đến nhà ông để mang lại ơn cứu độ cho gia đình ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông" (Lc 19, 5). Nhận thấy Chúa không khinh chê ông là con người tội lỗi, như mọi người vẫn thường đối xử với ông. Da-kêu vui mừng đón rước Chúa về nhà. Khi gặp Chúa thì con người ông được biến đổi. Ông đã thưa với Chúa: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19, 8).
Có nằm mơ ông Gia-kêu cũng không thể ngờ rằng Chúa lại để ý chiếu cố đến ông như thế: một người thu thuế thấp lùn, một người bị coi là tội lỗi như ông, phải chạy nhanh tới trước, trèo lên cây chỉ mong được nhìn thấy Chúa, thế mà lại được Ngài nhìn đến và còn đến thăm nhà ông như vậy! Biến cố này quả là cột mốc quan trọng biến đổi cuộc đời ông và cả gia đình của ông. Chúa nhìn thấy ông với cả tấm lòng thành của ông hơn là nhìn thấy tội của ông.
Ta có thể ghi nhận hai thái độ trong cuộc gặp gỡ này. Trước hết là thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác đến gặp Chúa và nhận lãnh ơn lành của Chúa. Ðó là thái độ của những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đã niềm nở đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ, bởi vì đối với Chúa không có ai xấu xa tội lỗi đến độ không đáng được hưởng lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Liệu chúng ta có thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính và khinh dễ người khác không?
Thái độ thứ hai là thái độ của ông Giakêu, người thu thuế trưởng và giầu có. Ðối với người Do thái, người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai: đó là tội phản bội quê hương cộng tác với ngoại bang, và tội gian lận tiền thuế quá mức qui định. Giakêu là người thu thuế trưởng và giầu có, sự giầu có này theo lý luận của người Do thái, chứng tỏ ông có những hành vi bất chính để làm giầu: thu nhiều, nộp ít, và như vậy ông là một người tội lỗi. Ðối với người đồng hương với Giakêu, thì tội của ông không thể tha thứ được; nhưng đối với Chúa Giêsu, Ðấng đến tìm và cứu những gì đã hư mất, thì đây là dịp để thể hiện tình thương nhân từ của Thiên Chúa.
Da-kêu là một người thu thuế, giàu sang, ông có đầy đủ của cải vật chất. Nhưng có lẽ tiền của vật chất không làm cho ông được hạnh phúc, vì tiền của vật chất mà ông phải sống trong cảnh tủi nhục, bị mọi xa tránh, khinh bỉ, bị liệt vào hàng những kẻ tội lỗi.
Nên ông đã khao khát một cuộc sống bình an, hạnh phúc, trong sự yêu thương và đùm bọc của những người chung quanh. Dường như ông đã kiếm tìm nhiều nơi nhưng đều vô vọng. Ông mong muốn được gặp Chúa Giêsu. Ông đã tìm mọi cách để nhìn xem Chúa là ai. Nhưng Chúa luôn đi bước trước để tìm gặp con người.
Giakêu đã không còn để ý đến chức vị và thế giá của mình, không còn quan tâm người khác sẽ nghĩ thế nào về mình, ông biết rõ giới hạn chiều cao của mình, ông đã trèo lên một cây sung ven đường để nhìn xem Chúa Giêsu. Trong khi ông chưa kịp nhìn thấy Chúa, thì Chúa đã nhìn thấy ông, Chúa đã thấy sự thiện chí của ông, vì ông đã dám bước ra khỏi con người, khỏi pháo đài an toàn của mình, và Chúa đã chủ động gọi ông:Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay ta muốn lưu lại tại nhà ông, và ông liền tuột xuống và đón Ngài vào nhà mình. Căn nhà của ông từ lâu đã đóng kín công cài then, nay được Đức Giêsu gõ cửa và ông đã sẵn sàng mở ra, tâm hồn ông từ lâu đã bị khóa chặt bởi sự tham lam, bởi của cải nay cũng được mở rộng để đón Chúa bước vào.
Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.
Nhờ gặp Chúa mà ông Da-kêu được biến đổi. Nhờ gặp Chúa mà ông Lê-vi là một người thu thuế, đã từ bỏ mọi sự, đi theo Chúa, trở thành một Matthêu tông đồ (x. Lc 5, 27-32). Nhờ gặp Chúa mà người phụ nữ tội lỗi, ăn năn sám hối, được Chúa tha thứ, chị đã trở nên người yêu mến Chúa hết lòng (x. Lc 7, 36-50). Nhờ gặp được Chúa trên thánh giá vào phút cuối cuộc đời, một tên gian phi cướp của giết người, đã ăn năn sám hối, trở thành người trộm lành và được ơn cứu chuộc (x. Lc 23, 39-43)... Nhờ gặp Chúa nên Sao-lô, từ một người bách hại đạo Chúa, trở thành một Phaolô nhiệt tâm loan báo Tin Mừng...
Qua chuyện này, ta thấy rằng, tiền của vật chất không làm cho con người được hạnh phúc, nhiều khi nó làm cho con người đau khổ và đi đến chỗ diệt vong. Chính vì vậy mà ông Da-kêu trong Tin Mừng và cán bộ phòng thuế đã quyết định đi tìm hạnh phúc nơi Thiên Chúa, ước ao được gặp Chúa, khi đã gặp được Chúa rồi thì cuộc đời họ được biến đổi.
Tiền bạc của cải địa vị trong xã hội không phải là hạnh phúc, vì thế các bạn trẻ cần thoát ra khỏi sự ràng buộc của nó, đừng ngại ngùng đừng sợ hãi lời dèm pha của người đời, mà hãy manh dạn và tìm mọi cách để gặp được Đức Giêsu, vì không ai đã gặp Đức Giêsu mà lại không biến đổi. Các bạn đừng sợ để Đức Giêsu bước vào tâm hồn vào nhà mình, mà hãy mở rộng cửa mời Ngài bước vào, Ngài sẽ không lấy đi cái gì của bạn, nhưng Ngài sẽ giúp cho tâm hồn bạn luôn rộng mở, Ngài sẽ làm cho cuộc đời bạn trở nên sung mãn và phong phú và Ngài sẽ ban tặng Nước trời, ơn cứu độ cho tâm hồn bạn.
Giakêu thì từ khi gặp Đức Giêsu. dứt khoát cho niềm tin, cho chọn lựa của mình. Sự dứt khoát là yếu tố cần thiết cho hành trình theo Chúa. Có nhiều thứ cản trở khiến tôi không thể theo Chúa được. Nhưng cũng có những thứ do tôi không dám mạnh dạn, dứt khoát nên sẽ ở lì một chỗ.
Ánh mắt Chúa Giêsu nhìn Dakêu có một sức mạnh kỳ lạ. Ánh mắt chất chứa biết bao tâm tình, và có sức biến đổi cuộc đời của một con người. Chúa Giêsu nhìn ông với ánh mắt tin tưởng, Chúa tin tưởng ông sẽ vứt bỏ quá khứ và hướng nhìn về tương lai. Chúa quên hết tội lỗi của ông. Hơn thế nữa Chúa tin rằng ông sẽ nên người tốt. Chúa tin rằng ông sẽ làm lại cuộc đời. Nên Chúa đã nhìn ông và tha thứ cho ông, thậm chí còn kết thân với ông. Trước ánh mắt tin tưởng của Chúa, chắc chắn Dakêu sẽ cương quyết làm lại cuộc đời.
Ước gì ta biết khao khát Chúa, kết hợp với Chúa để ta nhận ra ánh mắt đầy yêu thương và trìu mến của Chúa; nhờ đó, cuộc đời ta sẽ được biến đổi.
Huệ Minh
________________________________________________________________________
Mời bạn đọc:
Suy niệm của Lm.Jos Tạ Duy Tuyền và Bảo_†_Lâm
Suy niệm của Đài phát thanh Chân lý Á châu
Suy niệm của tgpsaigon.net
Lẽ sống ngày 15/11: Xuống núi |
|