Love Telling ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 17 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN THIÊN CHÚA. ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Chủ đề: tại Israel.... dõi hành trình của ĐGH Bênêdictô 14

  1. #1
    Teacher's Mập
    Khách viếng
    Teacher's Mập's Avatar

    Default tại Israel.... dõi hành trình của ĐGH Bênêdictô 14

    Ngày thứ Hai trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Israel
    VietCatholic News (12 May 2009 23:22)

    JERUSALEM. Hôm 12/5/2009, ngày thứ 2 trong cuộc viếng thăm tại Israel và Palestine, Đức Thánh Cha đã có 6 hoạt động nổi bật tại thành Jerusalem.

    Trước hết ngài viếng thăm Đền Thờ Mái Vòm Đá Tảng của Hồi Giáo, thăm vị Đại Mufti Hồi giáo, sau đó ngài viếng thăm Bức Tường Phía Đông của Do thái, tức là Bức tường Than Khóc, rồi gặp hai vị Đại Rabbi của Jerusalem và các Rabbi khác tại Trung tâm Hechal Shlomo ở Jerusalem.

    Lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha gặp gỡ và đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa nơi Nhà Tiệc ly ở Jerusalem, rồi kính viếng Nhà thờ Chính Tòa Công Giáo. Ban chiều vào lúc 4 giờ rưỡi, ngài cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại thung lũng Josaphat ở Jerusalem.

    Thăm đền thờ Hồi giáo

    ĐTC đến Đền thờ Mái Vòm vào lúc 9 giờ sáng và đã được vị Đại Mufti cùng với vị Chủ tịch hội đồng các gia sản tôn giáo Hồi giáo đón tiếp, hướng dẫn tham quan và tiếp đó ngài gặp gỡ các vị đại diện của các cộng đồng Hồi giáo địa phương. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Đền thờ này. Ngài cũng bỏ giầy khi vào trong Đền thờ.

    Sau lời chào mừng của vị Đại Mufti Muhammad Hussein, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người và ngài nhấn mạnh ý tưởng: lòng trung thành với Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Hóa, Đấng Tối Cao, đưa ta đến chỗ nhìn nhận rằng con người có liên hệ cơ bản với nhau, xét vì sự sống của tất cả đều bắt nguồn từ một nguồn mạch duy nhất và cùng hướng về một mục đích chung. Vì thế, những người tôn thờ Thiên Chúa duy nhất phải cư xử như những người được xây dựng trên nền tảng và cùng hành trình về sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại”. ĐTC khai triển ý tưởng nòng cốt trên đây và khẳng định rằng:

    “Trong một thế giới bị xâu xé đau thương vì chia rẽ, nơi thánh này có tác dụng như một sự kích thích, và cũng là một thách đố thúc giục mọi người nam nữ thiện chí làm việc để vượt thắng những hiểu lầm và xung đột quá khứ, để tiến bước trên con đường đối thoại chân thành, nhắm xây dựng một thế giới công lý và hòa bình cho các thế hệ mai sau”.

    ĐTC cũng nói rằng: ”Những người tuyên xưng danh Chúa đều được ủy thác nhiệm vụ cố gắng không biết mệt mỏi để sống ngay chính, đồng thời noi gương tha thứ của Chúa, vì công lý và từ bi đều nhắm tới sự sống chung hòa hợp và an bình của gia đình nhân loại”.

    Sau cùng, ĐTC bày tỏ với các vị lãnh đạo Hồi giáo ước muốn nồng nhiệt của Giáo Hội Công Giáo cộng tác để mưu thiện ích an sinh cho gia đình nhân loại. Giáo Hội tin chắc rằng sự viên mãn lời Chúa hứa cho tổ phụ Abraham là một mục tiêu phổ quát, bao trùm tất cả mọi người, không phân biệt gốc gác và giai tầng xã hội của họ. Trong lúc người Hồi giáo và Kitô tiếp tục cuộc đối thoại đã bắt đầu trong niềm tôn trọng lẫn nhau, tôi cầu nguyện để họ khám phá thấy rằng đặc tính duy nhất của Thiên Chúa gắn liền với sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại”.

    Viếng Bức Tường Than Khóc

    Liền đó, ĐTC tiến sang Bức Thường Phía Tây chỉ cách đó 1 cây số. Đây là một mảnh tường Đền thờ Jerusalem. Khi Vua Hêrôđê cho tu bổ lại Đền thờ, ông cho nới rộng khu vực bao quanh và trong dịp đó, ông cho xây thêm và tu bổ bức tường nâng đỡ Đền thờ. Tường này cao 15 mét, và vẫn tồn tại trong các thời kỳ sau đó. Xét về phương diện tinh thần, Bức Tường Phía Đông này, cũng gọi là Bức Tường Than Khóc, chính là con tim của Do thái giáo, vì những lý do lịch sử và tôn giáo.

    Đến khu vực Bức Tường Phía Tây, ĐTC đã được vị Rabbi Trưởng và Chủ tịch Tổ chức quản trị nơi thánh này của Do thái giáo đón tiếp và tháp tùng ngài đến cạnh bức tường. Tại đây, Rabbi trưởng đã đọc một thánh vịnh bằng tiếng Do thái, trước khi ĐTC đọc thánh vịnh bằng tiếng la tinh, rồi cầu nguyện trong thinh lặng. Ngài nhét một miếng giấy nhỏ vào khe tường trên đó có viết lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa những vui mừng, hy vọng, ước mong, những cơ cực, đau khổ của toàn dân Chúa trên thế giới. ”Lạy Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob, xin lắng tiếng kêu của những người sầu khổ, sợ hãi và túng thiếu, xin Chúa ban an bình cho Thánh Địa, cho miền Trung Đông, trên toàn thể gia đình nhânloại, xin đánh động tâm hồn của tất cả những người kêu cầu danh Chúa, để họ khiêm tốn tiến bước trên con đường công lý và cảm thông. Thiên Chúa từ nhân đối với những người mong đời Ngài, cho các linh hồn tìm kiếm Ngài” (Lam 3,25).

    Sau cuộc viếng thăm, ĐTC đã lên xe tiến về Trung Tâm Hechal Shlomo, cách đó 4 cây số, cạnh Đại Hội đường Do thái Jerusalem. Tòa nhà hùng vĩ này cũng là trụ sở của tòa Đại Rabbi Israel, gồm hai vị Đại Rabbi Sefardita và Ashkenazita của Israel cùng với Tối cao pháp viện tôn giáo của nước này.

    Sau khi hội kiến riêng với hai vị Đại Rabbi, ĐTC đã gặp chung tại phòng hội nhiều Rabbi khác. Trong dịp này, ngài nói:

    ”Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay là một cơ hội rất thích hợp để cảm tạ Đấng Tối Cao vì nhiều phúc lành ngài ban cho cuộc đối thoại của Ủy ban song phương và hướng nhìn về những khoa họp tương lai. Sự sẵn sàng của các đại biểu thảo luận công khai và kiên nhẫn không những về những điểm đồng thuận, nhưng cả những điểm khác biệt, đã dọn được cho cuộc đối thoại hữu hiệu hơn trong đời sống công khai.”

    Về những điểm mà hai bên có thể cộng tác với nhau, ĐTC nói: ”Người Do thái và kitô đều quan tâm bảo đảm sự tôn trọng tính chất thánh thiên của sự sống con người, vị trí trung tâm của gia đình, nền giáo dục tốt đẹp cho người trẻ, tự do tôn giáo và lương tâm để có một xã hội lành mạnh. Những đề tài đối thoại này chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của điều mà chúng ta tin là sẽ một cuộc hành trình lâu bền, từ từ tiến đến một sự cảm thông sâu xa đối với nhau. Một hướng đi cho loạt gặp gỡ này đã được thấy qua mối quan tâm chung đứng trước trào lưu duy tương đối về luân lý và những thương tổn mà trào lưu này gây ra chống lại phẩm giá con người.

    ĐTC đặc biệt nhấn mạnh yếu tố thiết yếu trong cuộc đối thoại hữu hiệu, đó là sự tín nhiệm nhau: ”Ngày hôm nay, tôi có dịp lập lại rằng Giáo Hội Công Giáo quyết tâm một cách không thể hồi lại, trong việc theo đuổi con đường đã chọn trong Công đồng chung Vatican 2 để đạt tới sự hòa giải chân thành và lâu bền giữa các tín hữu Kitô và Do thái. Như Tuyên ngôn Nostra Aetate đã nêu rõ, Giáo Hội tiếp tục đề cao gia sản tinh thần chung giữa các tín hữu Kitô và Do thái, và mong ước có sự cảm thông sâu xa và tôn trọng hơnqua các nghiên cứu Kinh Thánh và Thần Học, cũng như các cuộc đối thoại huynh đệ. Ước gì 7 khóa họp của Ủy ban song phương diễn ra giữa Tòa Thánh và Tòa Rabbi Trưởng là bằng chứng về điều đó.”

    Những lời trên đây của ĐTC là câu trả lời cho một số nhân vật và tổ chức Do thái trong thời gian qua cho rằng ngài và Tòa Thánh đã rời bỏ hướng đi của Công đồng Vatican 2 trong quan hệ với Do thái, chẳng hạn qua vụ giải vạ tuyệt thông cho GM Williamson thuộc phe Công Giáo thủ cựu Lefebvre hoặc qua toan tính muốn hòa giải nhóm này với Giáo Hội Công Giáo.

    Gặp các vị Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa

    Giã từ tòa Đại Rabbi của Do thái giáo Israel, ĐTC đã đến Nhà Tiệc Ly chỉ cách đó 2 cây số để gặp gỡ và đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các vị Thượng Phụ, GM, nói chung là các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa, trong đó có cả Cha Bề trên và đông đảo các tu sĩ dòng Phanxicô tại đây.

    Lên tiếng sau khi hát kinh Chúa Thánh Thần và lời chào mừng của cha Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, ĐTC nhắc đến một vấn đề lớn của Công đồng Kitô tại Thánh Địa, đó là hiện tượng các tín hữu Kitô di cư ra nước ngoài:

    ”Anh em GM thân mến, anh em hãy tin cậy nơi sự ủng hộ và khuyến khích của tôi trong lúc anh em làm tất cả những gì có thể để giúp các anh chị em Kitô ở lại và phát triển tại đây, nơi phần tất của tổ tiên và trở thành những sứ giả, những người thăng tiến hòa bình. Tôi đánh giá cao nỗ lực của anh em trong việc giúp đỡ về các giá trị và những nguyên tắc, để họ giữ vai trò của mình trong xã hội, như những công dân trưởng thành và có tinh thần trách nhiệm. Qua việc giáo dục, chuẩn bị nghề nghiệp và các sáng kiến xã hội và kinh tế, điều kiện sống của họ được nâng đỡ và cải tiến. Về phần tôi, tôi lập lại lời kêu gọi các anh chị em trên thế giới hãy hỗ trợ và nhớ đến các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa và Trung Đông trong kinh nguyện.”

    Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các vị Bản quyền, ĐTC đã về tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem và kính viếng đồng Nhà thờ Chính Tòa Thánh Danh của Tòa Thượng Phụ ở bên cạnh, cùng với 300 tín hữu hiện diện trong đó có nhiều chủng sinh và nữ tu, kể cả các chị thuộc các dòng chiêm niệm.

    Thánh lễ tại Thung Lũng Josaphat

    Chiều 12-5-2009, vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã cử hành thánh lễ đầu tiên tại Israel cho 6 ngàn tín hữu tụ tập tại Thung lũng Josaphat, đối diện với Vương cung thánh đường Giệtsimani và Vườn Cây Dầu. Đồng tế thánh lễ có 30 HY và GM cùng với hàng trăm Linh mục.

    Thánh lễ bằng tiếng latinh, xen lẫn các bài đọc và thánh ca bằng tiếng Arập và Do thái.

    Trong bài giảng, ĐTC nói đến những khó khăn các tín hữu Kitô đang phải chịu tại Thánh Địa, nhưng ngài mời gọi họ tiếp tục sống ơn gọi Kitô ngay tại Thánh Địa này. Ngài nói:

    ”Đứng trước anh chị em ngày hôm nay, tôi muốn nhìn nhận những khó khăn, thất vọng, đau khổ mà qua nhiều người trong anh chị em phải chịu do các cuộc xung đột tại phần đất này, và những kinh nghiệm đau thương về sự tản cư mà quá nhiều gia đình anh chị em phải chịu.. Tôi hy vọng sự hiện diện của tôi tại đây là một dấu chỉ chứng tỏ anh chị em không bị quên lãng, sự hiện diện kiên trì và chứng tá của anh chị em thực là quí giá trước mặt Chúa và là thành phần của tương lai đất nước này. Chính vì căn cội sâu xa của anh chị em tại đất này, nền văn hóa Kitô kỳ cựu và vững mãnh, và lòng tín thác không lay chuyển của anh chị em nơi lời hứa của Chúa, nên anh chị em trong tư cách là những Kitô hữu tại Thánh Địa, Anh chị em được kêu gọi phục vụ không những như ngọn đuốc đức tin sáng ngời cho Giáo Hội hoàn vũ, nhưng còn như men về sự hòa hợp, khôn ngoan và quân bình trong đời sống của một xã hội theo truyền thống đã và tiếp tục là đa nguyên, đa văn hóa và đa tôn giáo.

    ĐTC nói thêm rằng: ”thật là đau buồn vì bên dưới các bức tường của cùng thành Jerusalem này, chúng ta được thúc đẩy ý thức về sự kiện thế giới chúng ta ở xa sự thể hiện viên mãn lời tiên tri và lời hứa về thành Jerusalem này dường nào. Tại Thành Thánh này nơi mà sự sống chinh phục sự chết, nơi Thánh Linh được đổ tràn như thành quả đầu tiên của công trình sáng tạo mới, hy vọng tiếp tục chiến đấu chống tuyệt vọng, bất mãn và thái độ bất cần đời, trong khi hòa bình là hồng ân và ơn gọi của Chúa tiếp tục bị đe dọa vì ích kỷ, xung đột, chia rẽ và gánh nặng của quá khứ. Vì thế, cộng đồng Kitô tại thành này phải kiên trì giữ niềm hy vọng được Tin Mừng ban cho, nuôi dưỡng lời hứa của Chúa Kitô về chiến thắng chung kết trên tội lỗi và sự chết, làm chứng về quyền năng của sự tha thứ và chứng tỏ bản chất sâu xa của Giáo Hội như dấu chỉ và là bí tích của một nhân loại được hòa giải, được đổi mới và được hiệp nhất trong Chúa Kitô là Adam mới.

    “Tụ họp nhau dưới thành của thành phố này, thành thánh đối với tín đồ của 3 tôn giáo lớn, làm sao chúng ta có thể không nghĩ đến ơn gọi phổ quát của thành Jerusalem? Ơn gọi này được các ngôn sứ công bố, và là một sự kiện thông thể phủ nhận, một thực tại ăn rễ sâu nơi lịch sử phức tạp của thành này và các dân tại đây. Người Do thái, Hồi giáo cũng như Kitô giáo đều coi thành này là nhà tinh thần của mình. Có bao nhiêu điều cần phải làm để Jerusalem thực sự là thành hòa bình cho mọi dân tộc, nơi mà mọi người có thể đến hành hương, tìm kiếm Chúa, và nghe tiếng Chúa, một tiếng nói về hòa bình (Tv 85,8).

    ”Tại đây, tôi muốn trực tiếp nói đến một thảm trạng, vốn là nguồn lo âu cho những ai yêu mến thành thánh và đất nước này, đó là sự di cư của quá nhiều phần tử các cộng đồng Kitô trong những năm gần đây. Trong khi những lý do có thể hiểu được làm cho nhiều người, nhất là người trẻ, di cư ra nước ngoài, quyết định này làm cho thành thánh trở nên nghèo nàn nhiều về văn hóa và tinh thần. Hôm nay, tôi muốn lập lại điều đã nói trong những dịp khác rằng: tại thánh địa này có chỗ cho mọi người! Tôi thúc giục chính quyền hãy tôn trọng, nâng đỡ và đề cao giá trị sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại đây. Tôi cũng muốn bảo đảm với anh chị em về tình liên đới, yêu thương và nâng đỡ của toàn thể Giáo Hội và của Tòa Thánh.

    Một số phản ứng

    Cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa bị thiểu số cực đoan từ phía người Hồi giáo cũng như Do thái chống đối.

    Có 4 Bộ trưởng thuộc đảng cực hữu Shas của Do thái tẩy chay cuộc đón tiếp của tổng thống Peres dành cho ĐTC. Những người này nói rằng ĐGH trước kia thuộc đoàn thanh niên Hitler và việc tẩy chay này là để tôn trọng các nạn nhân cuộc diệt chủng Do thái.

    Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ luận điệu trên đây và tuyên bố với đài BBC rằng ĐGH Biển Đức 16 không hề tự ý thuộc đoàn thanh niên Hitler. Năm lên 14 tuổi, khi học trung học, người ta bắt buộc ngài ghi tên vào đoàn này. Cũng vì không tự nguyện, nên đơn xin học bổng của ngài sau đó bị Nhà nước bác bỏ.

    Một đại biểu Hamas của người Palestine thì coi ĐGH là thân Do thái và cho rằng ĐGH viếng thăm xã giao lực lượng chiếm đóng mà quên những vết thương tại thành này.

    Trước đó, những người Hồi giáo cực đoan ở Giordani đòi ĐTC phải công khai xin lỗi về bài diễn văn ở Ratisbone năm 2006 mà họ cho là xúc phạm đến Hồi giáo.

    Hôm 11-5-2009, Giới lãnh đạo Palestine tố giác Israel toan tính bóp nghẹt mọi tiếng nói tố giác cuộc chiếm đóng lãnh thổ Palestine sau khi nhà cầm quyền Israel đóng cửa trung tâm báo chí của Palestine.

    Mufti Mohmmad Hussein ở Jerusalem đã tuyên bố như trên, trong khi ông Rafiq al Husseini, giám đốc văn phòng của tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, nói rằng điều chúng tôi muốn nói đó là Jerusalem phía đông bị chiếm đóng và dân Palestine nói chung không chấp nhận để cho thành phố này thuộc về Israel.

    LM Pierre Madros, cố vấn của Đức thượng Phụ Fouad Twal, tái khẳng định rằng ”Đông Jerusalem không phải là Israel”.

    Trung tâm báo chí của Palestine đã được mở ra hôm chúa nhật 10-5 tại một khách sạn Ambassador thuộc khu vực phía đông thành Thánh, và dự kiến sẽ hoạt động trong thời gian ĐTC viếng thăm.

    Theo phát ngôn viên của cảnh sát Israel, việc đóng cửa trung tâm báo chí này là do lệnh của bộ trưởng nội vụ Yitzhak Aharonovitch. Israel cấm mọi hoạt động chính thức của người Palestine tại đông Jerusalem, trong khi người Palestine coi khu vực này là thủ đô tương lai của nước Palestine.

    G. Trần Đức Anh OP

  2. Được cám ơn bởi:


  3. #2
    Teacher's Mập
    Khách viếng
    Teacher's Mập's Avatar

    Default

    ĐGH đặt hy vọng và đau thương trong lời kinh để nơi Bức Tường Than Khóc
    VietCatholic News (12 May 2009 17:20)


    Jerusalem, Israel (CNA).- Lúc 10g sáng ngày thứ Ba 12 tháng 5 Đức giáo hoàng Benedict XVI đã tới viếng Bức tường thành Phía Tây – còn được gọi là Bức Tường Than Khóc – và đặt một bài kinh cầu xin cho có hòa bình nơi Đất Thánh và vùng Trung Đông.

    Đây là di tích duy nhất còn lại của bức tường bao bọc ngôi Đền Thánh được xây dựng lần thứ hai. Chào đón Đức Thánh Cha tới Bức tường thành Phía Tây, có vị Giáo trưởng và một số các vị giáo sĩ Do thái khác.

    Sau những lời phát biểu của ông Stas Misezhnikov, Bộ trưởng bộ Du lịch nước Israel, và của Giáo trưởng chủ trì Bức Tường thành phía Tây là Shmuel Rabinovitch, Đức giáo hoàng cất tiếng đọc Thánh vịnh 120 bằng tiếng Latinh, sau đó đặt một bài kinh cầu nguyện vào Bức Tường.

    Toàn văn Bài kinh như sau:

    Lạy Thiên Chúa muôn thuở,

    nhân ngày con đến viếng Jerusalem, là “Thành đô Hòa bình”,

    là ngôi nhà thiêng liêng của người Do thái, của Kitô hữu và cả của người Hồi giáo nữa,

    con dâng đến trước Ngài những nỗi hân hoan, những lòng cậy trông và những niềm khát vọng,

    những sự thử thách, những nỗi khổ niềm đau của mọi dân con của Ngài trên khắp thế giới,

    Lạy Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Jacob,

    xin lắng nghe tiếng khóc than của người đau khổ, của kẻ sợ hãi, của người mất mát,

    xin ban hòa bình của Ngài xuống khu vực Đất Thánh này, xuống vùng Trung Đông,

    xuống toàn thể gia đình nhân loại;

    xin khuấy động tâm hồn của tất cả những ai cầu khẩn danh Ngài,

    để họ khiêm tốn bước đi trên con đường công lý và tình thương.

    “Thiên Chúa là đấng nhân hậu cho những ai trông chờ Ngài, cho những linh hồn kiếm tìm Ngài!”



    Phụng Nghi

  4. Được cám ơn bởi:


  5. #3
    Teacher's Mập
    Khách viếng
    Teacher's Mập's Avatar

    Default

    Video: Tường thuật ngày thứ 3 trong chuyến viếng thăm Do Thái và Palestine http://vietcatholic.net/News/Html/67197.htm

    VietCatholic News (14 May 2009 16:34)

    Hôm thứ tư 13-5-2009 Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính là thánh lễ ngài cử hành cho các tín hữu tại quảng trường Giáng Sinh lúc 10 giờ sang, viếng thăm Hang Đá Giáng Sinh Bếtlehem và nhà thương nhi đồng Caritas, trại tị nạn Aida và thăm xã giao tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

    Lúc 8.45 sáng Đức Thánh Cha đã lên xe rời Giêrusalem để đến Bếtlehem, thành phố có 35.000 dân, cách đó 10 cây số.

    Lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha đã diễn ra tại quảng trường trước dinh tổng thống Palestine. Đức Thánh Cha và tổng thống Abbas đã duyệt hàng chào danh dự. Sau khi ban quân nhạc cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Palestine và giới thiệu phái đoàn hai bên, tổng thống Mahmoud Abbas đã chào mừng Đức Thánh Cha.

    Đáp lời tổng thống, Đức Thánh Cha thân ái gửi lời chào tới toàn dân Palestine và bầy tỏ lòng trắc ẩn của ngài đối với những khổ đau họ phải gánh chịu, đặc biệt trong chiến cuộc mới đây tại vùng Gaza. Ngài khích lệ họ can đảm hy vọng và dấn thân hoạt động để đạt tới một giải pháp công bằng là hai quốc gia sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và các quyền của mọi người.

    Ngài nói:

    “Tôi biết các bạn đã đau khổ và tiếp tục đau khổ chừng nào vì các giao dộng đã gây tang thương cho vùng đất này từ bao thập niên qua.”

    “Kính thưa tổng thống, Tòa Thánh chia sẻ ước mong của Tổng thống và của dân tộc Tổng thống là có được một quê hương Palestine có chủ quyền trên đất của tổ tiên, an ninh và hòa bình với các dân tộc chung quanh trong các biên giới được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Cả khi trong hiện tại mục tiêu đó xem ra xa vời chưa được hiện thực, tôi xin khích lệ tổng thống và dân tộc của tổng thống duy trì sống động ngọn lửa hy vọng, hy vọng có thể tìm ra một con đường gặp gỡ giữa các khát vọng hợp pháp của người Israel cũng như của người Palestine, khát vọng hòa bình và ổn định. Như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nói: ”không thể có hòa bình mà không có công lý, không thể có công lý mà không có sự tha thứ”, tôi van nài tất cả mọi phía liên lụy trong cuộc xung khắc dai dẳng này bỏ qua một bên mọi hận thù và đối kháng còn đang cản ngăn cản đường hòa giải, để đi tới với tất cả mọi người với lòng quảng đại, cảm thương và không kỳ thị”.

    Sau lễ nghi chào đón, Đức Thánh Cha đi đến quảng trường Máng Cỏ nằm cách đó 2,5 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu. Đây cũng là quảng trường chính của thành phố Bếtlehem. Chung quanh có Tòa Thị Sảnh, một đền thờ Hồi giáo và Trung Tâm Hòa Bình. Từ quảng trường này có đường các Mục Đồng dẫn ra nơi thiên thần đã hiện ra báo tin Chúa Cứu Thế giáng sinh, trong làng Beit Shahur, Đường Hang Đá Sữa là đền thánh kính nơi Đức Mẹ dừng lại cho Chúa Hài Nhi bú khi trốn sang Ai Cập, đường Phaolô VI kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI ngày 6 tháng giêng năm 1964.

    Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh và Ả Rập với sự tham dự của tổng thống và chính quyền Palestine, cũng như các giới chức xã hội và tôn giáo khác, cùng hàng chục ngàn tín hữu.

    Quảng diễn các bài đọc và duyệt lại những gì Kinh Thánh nói về Bếlehem Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Trong chương trình của Thiên Chúa, Bếtlehem tuy nhỏ nhất trong các làng mạc của Giuđêa, nhưng đã trở thành một nơi của vinh quang bất tử: nơi, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã chọn trở thành người để chấm dứt vương quốc của tội lỗi và cái chết, và đem đến cho thế giới già nua mệt mỏi, bị áp bức bởi tuyệt vọng một sự sống mới tràn đầy. Đối với các người nam nữ khắp mọi nơi, Bếtlehem được gắn liền với sứ điệp tươi vui của tái sinh và canh tân, của ánh sáng và tự do. Nhưng lời hứa tuyệt diệu đó xem ra xa vời và chưa được hiện thực. Vương quốc hòa bình an ninh công bằng và toàn vẹn, mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, xem ra xa xôi qúa!... Tin mừng Bếtlehem mời gọi chúng ta phải trở thành các chứng nhân sự chiến thắng của tình yêu của Thiên Chúa trên thù ghét, ích kỷ, sợ hãi và oán hờn, khiến cho các tương quan của con người bị què quặt đi và tạo ra chia rẽ tại những nơi mà anh em đáng lý ra phải sống hiệp nhất, tạo ra tàn phá nơi đáng lý ra con người phải xây dựng, tạo ra thất vọng nơi đáng lý ra hy vọng phải nở hoa.”

    Vào ban chiều, Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đến thăm trại tị nạn Aida. Đây là 1 trong số 8 trại tị nạn tiếp đón 1, 3 triệu người Palestine trong hai đợt chính là chiến tranh năm 1948 và sau trận chiến 6 ngày với Israel năm 1967.

    Trại tị nạn Aida hiện có 5.000 người trong đó có 14 gia đình kitô. Tổng thống Mahmoud Abbas đã tháp tùng Đức Thánh Cha.

    Ngỏ lời với dân chúng trong trại tị nạn, Đức Thánh Cha nói:

    ”Nhân dân tại trại tị nạn này, tại các lãnh thổ này và toàn miền này mong mỏi hòa bình dường nào! Trong những ngày này, ước muốn hòa bình ấy càng trở nên nồng nhiệt hơn trong khi anh chị em nhớ lại những biến cố hồi tháng 5 năm 1948, và những năm tháng trong cuộc xung đột cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, tiếp theo các biến cố ấy. Giờ đây anh chị em đang sống trong tình trạng bấp bênh và khó khăn, với những cơ may hạn hẹp trong việc tìm công ăn việc làm. Thật là dễ hiểu khi anh chị em thường cảm thấy bất mãn, thất vọng. Khát vọng hợp pháp của anh chị em mong được một tổ quốc trường tồn, một quốc gia Palestine độc lập, cho đến nay vẫn chưa được toại nguyện. Trái lại, như nhiều người tại miền này và trên thế giới anh chị em cảm thấy bị kẹt trong một cái vòng bạo lực, tấn công và phản công, báo thù và tàn phá liên tục. Toàn thế giới nồng nhiệt mong ước cái vòng lẫn quẩn ấy bị phá vỡ, mong cho hòa bình chấm dứt sự thù nghịch vạn niên. Bức tường cao bao quanh chúng ta trong lúc chúng ta tụ họp nhau tại đây chiều hôm nay, chắc chắn nhắc nhở về tình trạng bế tắc trong quan hệ giữa người Israel và Palestine.”

    Nguyễn Việt Nam

  6. Được cám ơn bởi:


  7. #4
    Rocky's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2008
    Tên Thánh: Phêrô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Nơi tôi ờ là nhà
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,446
    Cám ơn
    630
    Được cám ơn 6,180 lần trong 1,245 bài viết

    Default

    Đức Thánh Cha kết thúc cuộc viếng thăm tại Thánh Địa
    VietCatholic News (15 May 2009 22:44)

    ROMA. Lúc 16 giờ 43 phút chiều 15-5-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp 8 ngày viếng thăm tại Thánh Địa.

    Ra đón ngài tại Phi trường Ciampino, có Ông Gianni Letta, Thứ trưởng tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, và ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma. Liền đó ngài đáp trực thăng về Vatican.

    Trước đó, vào ban sáng, ngài đã có một số hoạt động đại kết: đến tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Jerusalem để gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Thánh Địa, rồi viếng thăm Mộ Chúa Giêsu gần đó. Tiếp đến, vào lúc 11 giờ, ngài tới thăm Tòa Thượng Phụ Giáo Hội Arméni tông truyền, trước khi đáp trực thăng tới phi trường Tel Aviv. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

    Gặp gỡ các vị lãnh đạo Kitô tại tòa Thượng Phụ

    Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Jerusalem, cách tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Jerusalem lối 4 cây số, vốn có một lịch sử cổ kính. Sau cuộc ly giáo của Chính Thống khỏi Công Giáo hồi năm 1054, Tòa Thượng Phụ này ủng hộ Đức Thượng Phụ Chính Thống ở Constantinople. Cho đến nay, hàng giáo phẩm thuộc tòa Thượng Phụ này đều là người Hy Lạp, trong khi các GM và giáo dân đều là người Arập. Tình trạng này nhiều khi gây căng thẳng trong nội bộ của Giáo Hội này, gồm 40 ngàn tín hữu tại Israel và các lãnh thổ của Palestine. Ngoài ra có lối 20 ngàn tín hữu Chính Thống tại Giordani cũng thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Chính Thống hy lạp ở Jerusalem.

    Một điều quan trọng là Tòa Thượng Phụ này có Huynh Đoàn Thánh Địa, hoàn toàn là Hy Lạp, có nhiệm vụ quản thủ và điều hành các nơi thánh. Thực vậy, Giáo Hội Chính Thống sở hữu nhiều nhà thờ và tu viện ở Thánh Địa, trong đó có phần lớn Đền Thờ Mộ Thánh, một phần đồi Canvê, Vương cung thánh đường Giáng Sinh, Nhà thờ Chúa Lên Trời, v.v.

    Vị Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Jerusalem hiện nay là Đức Teofilo III, 57 tuổi, được bầu lên cách đây 4 năm để thay thế Đức Thượng Phụ Ireneo I bị tố cáo là bán các bất động sản của Giáo Hội Chính Thống cho Israel.

    Đến nơi vào lúc quá 9 giờ sáng 15-5-2009, ĐTC đã được Đức Thượng Phụ Teofilo III đón tiếp và mời vào Phòng khánh tiết nơi đã có các đại diện của 13 cộng động Kitô khác chờ sẵn, trong đó có cả các vị đại diện Anh giáo và Tin Lành Luther.

    Trong bài diễn văn tại cuộc gặp gỡ sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp, ĐTC đề cập đến sự dấn thân đại kết các tín hữu Kitô trong bối cảnh đặc biệt của thành Jerusalem, là nơi liên hệ đặc biệt tới cuộc đời Chúa Kitô và các môn đệ của Ngài cũng như cộng động Kitô đang gặp nhiều khó khăn tại đây về mặt sống chung dân sự cũng như những cọ xát về mặt xã hội. Ngài nói:

    ”Đứng tại nơi thánh này, dọc theo Nhà Thờ Thánh Mộ, đánh dấu nơi Chúa chúng ta đã chịu đóng đanh và sống lại từ cõi chết cho toàn thể nhân loại, và gần nhà tiệc ly, nơi mà trong ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ tụ họp nhau (Cv 2,1), ai có thể không cảm thấy được thúc đẩy phải mang tất cả thiện chí, kiến thức nghiên cứu và ước muốn tinh thần để đóng góp vào nỗ lực đại kết của chúng ta? Tôi cầu nguyện để cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay mang lại một đà tiến mới cho công cuộc đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống, đóng góp thêm vào những thành quả của các văn kiện nghiên cứu và những sáng kiến chung khác.

    Ngoài những thành quả trên đây, ĐTC cũng hài lòng nhắc đến sự tham dự của Đức Thượng Phụ chung ở Constantinople, Bartolomaios I tại Thượng HĐGM thế giới mới đây tại Roma, đồng thời ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp nhất, cũng như mối liên hệ sâu xa giữa việc hiệp nhất các tín hữu Kitô và công cuộc truyền giáo. Ngài nói:

    ”Chúng ta muốn công bố sứ điệp hòa giải của Chúa Kitô, Đấng là nền tảng sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, chúng ta cảm thấy xấu hổ vì sự chia rẽ của chúng ta. Tuy nhiên, được Chúa Kitô sai đi trong thế giới (Ga 20,21), và được vững mạnh nhờ quyền năng hiệp nhất của Chúa Thánh Linh (ibid. 20,21), được kêu gọi loan báo sự hòa giải lôi kéo mọi người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, chúng ta phải tìm được sức mạnh để gia tăng gấp đôi những cố gắng để kiện toàn sự hiệp thông của chúng ta, làm cho sự hiệp thông ấy được trọn vẹn, để cùng làm chứng về tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Ngài đến để thế gian nhận biết tình thương của ngài đối với chúng ta (Ga 17,23).

    Tiếp tục bài diễn văn, ĐTC nhận xét rằng mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng càng trở nên cấp thiết hơn do cuộc gặp gỡ hằng ngày với những người muốn được thấy Chúa Giêsu (Ga 12,22), như một nhóm người Hy lạp xưa kia đã yêu cầu thánh Philiphê. Nghĩa vụ giúp người khác nhận biết và yêu mến Chúa chính là ưu tiên mục vụ căn bản của tất cả các cộng động Kitô tại Thánh Địa.

    Sau bài diễn văn, ĐTC lần lượt chào thăm các vị thủ lãnh các cộng đồng Giáo Hội Kitô khác và liền đó, ngài đi bộ đến Mộ Thánh chỉ cách đó 200 mét.

    Viếng thăm Mộ Thánh

    Theo đúng nghi thức, ĐTC được một đoàn vệ sĩ tháp tùng, họ dùng gậy nện mạnh xuống nền theo bước chân chậm rãi và trang trọng. Đến cửa Đền Thờ Mộ Thánh, ĐTC đã được 6 đại diện của 3 thực thể sở hữu Đền thờ này là Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Dòng Phanxicô coi sóc Thánh Địa và Giáo Hội Armeni Tông Truyền.

    Theo tương truyền, Mộ Thánh là nơi Chúa chịu đóng đanh, an táng và sống lại. Xưa kia được gọi là Golgota tức là Núi Sọ, vì có hình giống như cái sọ người. Vào thời Chúa Giêsu, nơi này ở ngoài thành Jerusalem và có lẽ cao hơn so với ngày nay. Qua dòng lịch sử nơi này bị tàn phá và tái thiết nhiều lần, và hiện nay Vương cung Thánh Đường Thánh Mộ được quản trị theo quí chế gọi là ”Status Quo”, với 3 đồng sở hữu chủ như vừa nói, nhưng các tín hữu Chính Thống Copte, Chính Thống Siri và Etiopi cũng có thể hành lễ trong Đền thờ.

    Tiến vào Thánh Đường, ĐTC đã đứng im lặng cầu nguyện và cảm động quì hôn tấm bia đá xức dầu dài bằng đá vôi đỏ, có các chân nến bao quanh, tượng trưng chặng đàng thánh giá thứ 13, chỉ nơi thi hài Chúa Giêsu được tháo xuống khỏi thập giá, được xức dầu thơm. Bên trong Thánh Đường có Mộ Thánh là chặng thứ 14, có hình chữ nhật chỉ nơi an táng xác Chúa.

    ĐTC được hướng dẫn viếng Mộ Thánh. Ngài quì cạnh quan tài đá và hôn phiến đá phủ trên đó, cầu nguyện trong thinh lặng.

    Trong bài ngỏ lời nhân dịp này sau lời chào của Đức Thượng Phụ Fouad Twal, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm Thánh Mộ này là một giai đoạn chủ yếu kết thúc cuộc hành hương của ngài tại Thánh Địa. Qua cuộc viếng thăm này, ngài theo vết thánh Phêrô Tông Đồ rao giảng sự sống lại của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất, mang lại sứ điệp Tin Mừng hy vọng. ĐTC nói thêm rằng:

    ”Ngôi mộ trống nói với chúng ta về hy vọng, một niềm hy vọng không làm thất vọng vì đó là hồng ân của Thánh Thần sự sống (Rm 5,5). Đó là sứ điệp mà tôi muốn để lại cho anh chị em hôm nay, trong lúc kết thúc cuộc hành hương của tôi tại Thánh Địa. Ước gì hy vọng tái nảy sinh, nhờ ơn Chúa, trong tâm hồn tất cả những người đang cư ngụ tại lãnh thổ này! Ước gì niềm hy vọng ăn rễ sâu trong tâm hồn anh chị em, trong gia đình và cộng đoàn anh chị em, và gợi hứng cho mỗi người anh chị em dấn thân làm chứng tá trung thành hơn nữa cho Vua Hòa Bình! Giáo Hội tại Thánh Địa, quá nhiều khi phải trải qua những kinh nghiệm của mầu nhiệm đen tối của Đồi Golgotha, không bao giờ được ngưng trở thành người can đảm công bố sứ điệp hy vọng rạng ngời mà chính ngôi mộ trống ở đây công bố. Tin Mừng trấn an chúng ta rằng Thiên Chúa có thể đổi mới mọi sự, và lịch sử không cần phải lập lại, các ký ức có thể chữa lành, và những hoa trái cay đắng của sự oán hận và đố kỵ có thể được vượt thắng, và một tương lai công lý, hòa bình, thịnh vượng, cộng tác với nhau, có thể nảy sinh cho mỗi người nam nữ, cho toàn thể gia đình nhân loại, đặc biệt là cho những người cư ngụ tại lãnh thổ này, vốn rất quí hóa đối với tâm hồn của Đấng Cứu Thế.

    ”Các bạn thân mến, với những lời khích lệ này, tôi kết thúc cuộc hành hương tại các nơi Thánh ghi dấu cuộc cứu độ chúng ta và sự tái sinh trong Chúa Kitô. Tôi cầu nguyện để Giáo Hội tại Thánh Địa luôn luôn kín múc sức mạnh mới mẻ từ sự chiêm ngắm mộ trống của Chúa Cứu Thế. Trong ngôi mộ này, các tín hữu Kitô được mời gọi chôn táng những lo âu và sợ hãi của họ, để sống lại mỗi ngày và tiếp tục hành trình qua những nẻo đường ở Jerusalem, miền Galilea và xa hơn nữa, rao giảng chiến thắng của sự tha thứ do Chúa Kitô và lời hứa đời sống mới. Trong tư cách là kitô hữu, chúng ta biết rằng hòa bình mà lãnh thổ bị xung đột xâu xé này mong mỏi có một danh xưbng, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là an bình của chúng ta, Đấng đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất, qua Thập Giá, chấm dứt xung đột (Ep 2,14).

    Thăm Tòa Thượng Phụ Arméni Tông Truyền

    Liền đó, ĐTC tiến sang Tòa Thượng Phụ Arméni Tông Truyền chỉ cách đó 400 mét. Vị thượng phụ tại đây là Đức Torko Manoukian, năm nay đúng 90 tuổi. Ngài là thủ lãnh tinh thần của 10 ngàn tín hữu Arméni trên toàn Thánh Địa.

    ĐTC đã được Đức Thượng Phụ cùng với hàng trăm tín hữu đón tiếp tại Nhà thờ của Tòa Thượng Phụ.

    Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến quan hệ tốt đẹp giữa Giáo Hội Công Giáo và Arméni Tông Truyền, đồng thời gợi lại những cuộc gặp gỡ của ngài hồi năm ngoái với Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội này cũng như với Đức Thượng Phụ Aram I của các tín hữu Arméni Tông Truyền ở Cilicia.

    ĐTC đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Giáo Hội Arméni Tông Truyền cho Ủy ban hỗn hợp chung đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống, đặc biệt là văn kiện mới đây về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội. Ngài nói:

    ”Cùng nhau chúng ta hãy phó thác công việc của Ủy ban hỗn hợp này cho Thánh Thần khôn ngoan và chân lý, để Ủy ban có thể mang lại thành quả dồi dào làm tăng trưởng sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô, và đẩy mạnh việc rao giảng Tin Mừng cho con người thời đại chúng ta. ĐTC nhận xét rằng:

    ”Từ những thế kỷ Kitô đầu tiên, cộng đồng Arméni tại Jerusalem đã có một lịch sử oai hùng, nổi bật về sự phát triển ngoại thường đời sống đan tu, và nền văn hóa gắn liền với các nơi thánh, và các truyền thống phụng vụ được phát triển quanh các nơi này. Nhà Thờ Chính Tòa đáng kính này, cùng với tòa Thượng Phụ và nhiều cơ sở giáo dục văn hóa phụ thuộc, chứng tỏ lịch sử lâu dài và nổi bật ấy. Tôi cầu nguyện để cộng đồng anh em tiếp tục kín múc sự sống mới tự truyền thống phong phú ấy, và được củng cố trong việc làm chứng cho Chúa Kitộ và quyền năng cứu độ sự phục sinh của ngài tại Thành Thánh này. Tôi cũng cam kết với các gia đình hiện diện nơi đây, đặc biệt là các trẻ em và người trẻ, là tôi sẽ đặc biệt nhớ đến tất cả trong kinh nguyện của tôi. Xin anh chị em cũng hãy cùng tôi cầu nguyện cho tất cả các tín hữu Kitô tại Thánh Địa biết cộng tác với nhau trong tinh thần quảng đại và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng về sự hòa giải chúng ta trong Chúa Kitô, và cho Nước Chúa hiển trị, nước thánh thiện, công lý và an bình”

    Từ biệt tại Tel Aviv

    Sau bài diễn văn của ĐTC, một số nhân vật của Giáo Hội Arméni Tông Truyền được giới thiệu lên ngài. Liền đó ngài trở về tòa Khâm Sứ Tòa Thánh. Tại đây, sau khi chào từ giã các nhân viên, ĐTC đã tới sân bay trực thăng núi Scopus để đáp máy bay ra phi trường Tel Aviv cách đó 50 cây số.

    Tại đây, Tổng thống Shimon Peres, và thủ tướng Netanyahu cùng với các quan chức chính phủ Israel đã chờ sẵn để tiễn biệt ĐTC..

    Ngỏ lời trong dịp này, tổng thống Israel đã cám ơn ĐTC vì những lời thật rõ ràng nói lên quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo loại bỏ nạn bài Do thái, và những chủ trương chối bỏ cuộc diệt chủng Do thái. Ông cũng mạnh mẽ lên án những người lợi dụng tôn giáo, giải thích sai trái các Kinh Thánh, để dùng bạo lực khủng bố giết hại những người vô tội. Tổng thống nói: ”Cuộc viếng thăm của ngài tại Thánh Địa đã đánh động tâm trí của những người lắng nghe ngài, như một sự nhắc nhớ về Shoah, và lên án nạn bài Do thái. Cuộc viếng thăm này góp phần quan trọng vào sự phát triển những quan hệ mới giữa Tòa Thánh và Israel, và là một sự chứng tỏ sâu xa về cuộc đối thoại lâu dài đã được khởi sự giữa dân tộc Do thái và hàng trăm triệu tín hữu Kitô trên thế giới”.

    Về phần ĐTC, trong lời từ biệt, ngài đã chia sẻ một vài cảm tưởng mạnh mẽ mà cuộc hành hương tại Thánh Địa để lại nơi ngài và nhắc lại sự kiện đã cùng với Tổng thống Israel trồng một cây Oliu trong vườn phủ tổng thống. Cây Oliu là hình ảnh được thánh Phaolô dùng để mô tả quan hệ chặt chẽ giữa các tín hữu Kitô và Do thái. Trong thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô mô tả Giáo Hội dân ngoại giống như một nhánh Ôliu rừng, được tháp nhập vào cây Oliu đã trồng là Dân Giao Ước (Rm 11,17-24). Chúng ta được nuôi dũng bằng cùng những cội rễ tinh thần. Chúng ta gặp nhau như anh em, và những người anh em trong lịch sử đôi khi đã có những quan hệ căng thẳng, nhưng nay quyết tâm kiến tạo những nhịp cầu thân hữu lâu bền.

    Nhắc đến cuộc viếng thăm tại Viện Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái và tại đó ngài gặp gỡ một số những người sống sót đã chịu đau khổ vì thảm trạng diệt chủng, ĐTC nói: ”Những cuộc gặp gỡ cảm động ấy làm tôi nghĩ đến cuộc viếng thăm cách đây 3 năm tại trại tập trung Auschwitz, nơi mà quá nhiều người Do thái, cha mẹ, chồng vợ, anh chị em bạn hữu, bị tàn sát dã man dưới một chế độ không có Thiên Chúa, tuyên truyền một ý thức hệ bài Do thái và oán thù. Chương kinh hoàng ấy trong lịch sử không bao giờ được quên lãng hay chối bỏ. Trái lại, những ký ức đen tối ấy phải củng cố quyết tâm của chúng ta xích lại gần nhau hơn trong tư cách là những cành của cùng một cây ôliu, được nuôi dưỡng bằng cùng căn cội và hiệp nhất trong tình yêu huynh đệ.

    ĐTC cám ơn tổng thống Israel về sự tiếp đón nồng nhiệt và hiếu khách, đồng thời nói thêm rằng: ”Tôi muốn nhắc nhớ rằng tôi đã đến viếng thăm đất nước này như một người bạn của dân Israel, cũng như tôi là người bạn của dân tộc Palestine. Các bạn hữu vui mừng được ở gần nhau, và cảm thấy đau buồn khi thấy người khác phải đau khổ. Không người bạn nào của dân Israel và Palestine không cảm thấy buồn vì những căng thẳng tiếp tục giữa hai dân tộc. Không người bản nào không khóc vì đau khổ và mất mát mà hai dân tộc đã phải chịu trong 6 thập niên qua. Xin cho phép tôi được kêu gọi tất cả dân chúng tại các lãnh thổ này rằng: xin đừng đổ máu nữa! Xin đừng đánh nhau nữa! Đừng khủng bố nữa! Đừng chiến tranh nữa! Trái lại chúng ta hãy phá vỡ cái vòng bạo lực lẩn quẩn. Hãy để cho hòa bình hiển trị lâu dài dựa trên công lý, hãy thực hiện sự hòa giải chân thành và chữa lành. Mọi người hãy nhìn nhận rằng Quốc gia Israel có quyền hiện hữu, được hưởng hòa bình và an ninh trong biên giới được thỏa thuận với quốc tế. Và cũng hãy nhìn nhận rằng dân tộc Palestine có quyền được một quê hương độc lập, được sống trong phẩm giá và tự do di chuyển. Ước gì giải pháp hai quốc gia trở thành một thực tại chứ không phải chỉ là một giấc mơ. Hãy làm cho hòa bình được tiến triển tại các lãnh thổ này, các nước này hãy trở thành một ngọn đèn cho các dân nước (Is 42,6), mang hy vọng cho nhiều miền khác đang bị xung đột làm thương tổn!” ĐTC nói thêm rằng:

    ”Một trong những cảnh tượng đau buồn nhất đối với tôi trong cuộc viếng thăm đất nước này là bức tường. Khi tôi đi dọc theo bức tường ấy, tôi cầu nguyện cho một tương lái trong đó các dân tộc tại Thánh Địa có thể sống với nhau trong an bình và hòa hợp, không cần những dụng cụ an ninh và chia cách như vậy, nhưng đúng hơn tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, từ bỏ mọi hình thức bạo lực và gây hấn. Thưa tổng thống, tôi biết đạt tới mục tiêu đó là điều rất khó. Tôi biết trách vụ của tổng thống và của chính quyền Palestine là rất có khăn, nhưng tôi cam kết với quí vị về lời cầu nguyện của tôi và của các tín hữu Công Giáo trên thế giới cho quí vị để quí vị tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền hòa bình công chính và lâu bền tại miền này”.

    Tổng thống và thủ tướng Israel đã tiễn ĐTC đến tận chân thang chiếc máy bay Boeing 777 của hàng hàng không El Al.

    Sau gần 4 giờ bay, vượt qua 2.250 cây số, máy bay chở ĐTC đã về tới Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm thứ 12 của ngài tại hải ngoại và cũng là cuộc hành hương đầu tiên tại Thánh Địa.

    G. Trần Đức Anh OP
    Chữ ký của Rocky


    Trong lòng bàn tay Cha, con bình an.... yên nghỉ

    Thắp lên hy vọng ngay cả khi tưởng chừng đụng đến cực điểm của tuyệt vọng




+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com