"Bóng đêm" trong đời sống tu sĩ
Người đời vẫn cho rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” thế nhưng đâu phải đời tu của ai cũng giống ai ? Tu thời nào cũng như thời nào? Cộng đoàn nào cũng giống cộng đoàn nào ? Đời sống thánh hiến là một ơn gọi đặc biệt mà Chúa ban tặng cho những người mà Ngài muốn gọi và chọn. Tuy nhiên để đạt tới sự viên mãn trong đời sống thánh hiến, một đời tu đúng nghĩa của nó, người sống đời thánh hiến phải nỗ lực về nhiều phương diện khác nhau để trở nên một con người tu sĩ thực sự. Đời sống đặc biệt ấy đòi hỏi người tu sĩ phải trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, vui cũng nhiều mà đau khổ cũng không ít. Bên cạnh đó trong đời tu, người thánh hiến cũng có thể gặp phải những “bóng đêm”. Vậy những “bóng đêm”ấy là gì?
Thực tế mà nói, nhiều giáo dân ở Giáo Hội Việt Nam vẫn quan niệm rằng, đời tu là sung sướng nhất, đời tu là hạnh phúc nhất. Thế nhưng người ta quên rằng, những người sống đời thánh hiến vẫn chỉ là con người yếu đuối mỏng giòn. Vì vẫn còn là con người nên họ không tránh khỏi những đau khổ và những cái họ gọi là “bóng đêm” trong suốt đời thánh hiến của họ. “Bóng đêm” lớn nhất trong đời tu, theo tôi có lẽ đó là bóng dáng của dục vọng, vẫn là một thứ luôn luẩn quẩn trong đời họ. Là một con người, ai ai cũng không tránh khỏi cám dỗ.
Trong số đó, ba cám dỗ lớn nhất của con người là TÌNH – TIỀN – TÀI. Là một con người bình thường, xét theo người đó được sinh ra theo lẽ tự nhiên và mang trên mình đầy đủ hiện thế và tiềm thể của một con người như Chúa dựng nên từ ban đầu, ai cũng chịu tác động của thế giới xung quanh, của xã hội bên ngoài. Chính những tác động ấy làm cho con người biến đổi theo thời gian. Người sống đời thánh hiến cũng vậy, vì đơn giản họ vẫn là những con người bình thường như bao người khác. Thậm chí, khi họ bước theo ơn gọi tu trì, tức là họ đang đi ngược với “dòng đời” nổi trôi với nhiều bất công, bạo lực, khoái lạc…thì họ lại càng bị chính những thứ đó cám dỗ đeo đuổi. “Bóng đêm” dục vọng vẫn luôn rình rập bên cạnh họ và luôn tìm cách để xâm chiếm họ – những người đang đấu tranh với chủ nghĩa thế tục. Và chúng ta phải thừa nhận rằng, rất nhiều người trong số họ đã không thể thoát ra được “bóng đêm” ấy.
Thực tế hiện nay, một cách nào đó trong nhiều cộng đoàn dòng tu vẫn đang bị “bóng đêm” dục vọng lẩn trốn bên trong. Có thể họ nhận thấy điều đó, nhưng cũng có thể họ không nhận ra điều đó. Vì ma quỷ cám dỗ chúng ta theo một cách rất khôn ngoan. Chúng tìm cách để đánh vào đúng “điểm yếu” của chúng ta. Trong một đời sống cộng đoàn, chúng sẽ tìm cách phá hủy từ mỗi cá nhân cách thầm kín. Những yếu tố khiến cho người tu sĩ dễ sa vào những ham muốn dục vọng là: họ sống độc thân – điều mà người ta cho là bất thường so với tự nhiên; họ đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin kỹ thuật phát triển; họ đang sống trong một xã hội phát triển và có nhiều thay đổi; họ đang sống trong những điều kiện đầy đủ về mọi mặt của đời tu, họ có được nhiều ưu đãi, tự do và thoải mái hơn so với đời tu trước đây,…
Những yếu tố đó đã kéo họ đi theo con đường có xu hướng thế tục hóa đời tu một cách đáng báo động. Rất nhiều tu sĩ vì không nhận thấy rõ những cạm bẫy đó trong đời tu nên họ đã tìm cách thỏa mãn tính dục, thỏa mãn những đam mê của mình và rồi họ đã đi quá sâu vào vòng luẩn quẩn của cám dỗ ấy mà không thoát ra được. Dĩ nhiên, những người đó không bao giờ để lộ ra bên ngoài những việc họ làm, và họ luôn tìm cách để dấu giếm, lén lút làm những việc đó và chỉ mình họ biết. Họ cũng không dám chia sẻ với người khác về những chuyện riêng cá nhân của họ, và thế là họ chỉ giẫm chân tại chỗ mà không tìm được lối thoát. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh của nhiều tu sĩ, họ đã phải chấp nhận rời khỏi đời tu chỉ vì họ đã không tìm ra lối thoát khi bị rơi vào “bóng đêm” của dục vọng, của đam mê, của tình cảm đi quá giới hạn.
Chán nản, mất kiên nhẫn cũng là những “bóng đêm” không thể không có trong đời tu. Nói theo cách điện ảnh: “Đời tu là một vở kịch được diễn đi diễn lại hằng ngày.” Nghĩa là, công việc mà người tu sĩ làm hằng ngày, không có gì thay đổi, ngày nào cũng như vậy, ngày nào cũng giờ đó thức dậy, đi lễ, đọc kinh, ăn, học, làm việc… dường như cùng một kịch bản như nhau cho suốt cả đời tu. Nói như vậy thì có vẻ hơi tiêu cực, có vẻ như đời tu dành cho những người rảnh rỗi, dành cho những người ăn không ngồi rồi và chỉ làm những công việc nhẹ nhàng đó mà thôi. Thế nhưng, đâu phải đơn giản như vậy? Quả thật đời tu lắm lúc khiến cho người tu sĩ cảm thấy mệt mỏi vì công việc, vì đời sống cộng đoàn, vì đời sống thiêng liêng…và thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ thời này không chịu được thực trạng đó khi họ tìm hiểu ơn gọi của mình trong đời sống thánh hiến. Nói như vậy, chẳng lẽ đời sống thánh hiến sẽ mất dần trong tương lai vì chẳng có gì mới mẻ, chẳng có gì hay để lôi cuốn các bản trẻ ư ? Không hẳn là như vậy. Đó chỉ là một khía cạnh nào đó được nhìn nhận theo nghĩa tiêu cực
.Đối với tôi, đôi lúc quả thực đời sống tu trì làm cho tôi cảm thấy mệt mỏi, không còn tha thiết với nó. Thế nhưng, đó chỉ là những lúc tôi bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh mà thôi. Còn trong sâu thẳm, tôi vẫn cảm nhận được rằng, tôi rất hạnh phúc vì tôi được vinh dự sống đời thánh hiến, một ơn gọi đặc biệt mà Chúa đang mời tôi tìm hiểu không ngừng thánh ý của Ngài. Và chỉ khi nhận ra được điều đó, tôi mới cảm thấy mình đang hạnh phúc hơn nhiều so với những người khác. Nhìn vào đời tu, có lẽ ai cũng có một suy nghĩ khi biết rằng để trở thành một tu sĩ hay linh mục phải trải qua một chặng đường dài dằng dặc. Và đó là một trong những lý do làm cho người tu sĩ cảm thấy chán nản và không đủ kiên nhẫn để đi tiếp.
Một trong những “bóng đêm” khác của đời tu là sự lạm dụng quyền lực nơi một số người tu sĩ, linh mục. Điều này không tránh khỏi trong các cộng đoàn tu trì, hay nơi các giáo phận. Nó là “bóng đêm” vì nó vẫn đang ẩn mình trong các cộng đoàn tu trì hay giáo phận, mà nhiều khi người ta vẫn chưa tìm được cách loại nó ra khỏi đời tu. Thực tế cho thấy, có rất nhiều linh mục, tu sĩ khi đã đạt được mục đích của mình, thì họ đã quay ngược lại với những gì họ được học, được đào tạo, được linh hướng.
Theo tâm lý học, đó là một tình trạng rất nguy hiểm, đặc biệt đối với những người sống trong sự chịu đựng, cố kìm nén trong suốt quá trình đào tạo mà không tìm cách giải tỏa những uẩn khúc, ức chế. Họ cố gắng dồn nén chúng đi vào tiềm thức và không tìm cách cho chúng thoát ra ngoài đúng lúc, thế rồi, khi đã đạt được đích điểm của mình, tức là trở thành người có “quyền cao chức trọng” họ bắt đầu tung hết tất cả những tiềm thức bên trong ra và áp đặt trên người anh chị em của mình. Nhiều người đang có não trạng chung đó, nhưng trong số họ vẫn còn những người biết tìm cách kiềm chế bản thân để đi theo hướng ngược lại với ký ức xấu trong quá khứ. Những người đó mới thực sự là những người trưởng thành và ý thức được ơn gọi của mình. Còn những ai bị khủng hoảng tinh thần trong quá khứ nhưng không hiểu được điều đó để rồi tìm cách “khủng bố” lại người khác và đây là một vấn đề thật là nguy hiểm cho người tu sĩ. Đức Ki-tô đã dạy chúng ta: “Ai muốn làm lớn trong anh em thì phải làm người phục vụ anhem.”(Mc 10,43). Vậy, là người tu sĩ, chúng ta đang đi theo thầy Chí Thánh của mình, tại sao chúng ta lại không noi theo những gì mà Thầy mình đã nêu gương ?
Ham muốn của cải vật chất cũng một “bóng đêm” không phải là không có trong đời sống thánh hiến trong thời đại hôm nay. Khi thế giới bên ngoài đang chạy theo chủ nghĩa thế tục thì đời sống thánh hiến cũng đang bị ảnh hưởng rất mạnh về điều này. Người ta vẫn thường nói: “Lòng tham của con người là vô đáy”. Đây là một kinh nghiệm thực tế trong xã hội con người. Như thể con người sinh ra đã bị gắn cho một cái nhãn của lòng tham lam. Hầu như con người không chịu chấp nhận với những gì mình đang có nhưng luôn tìm cách để có được nhiều hơn. Và điều đó cũng đang là một thực trạng rất thật trong đời tu.Dù là một tu sĩ nhưng lòng tham của cải vật chất của một số người vẫn không thoát ra được khỏi con người của họ. Họ cứ ở mãi trong vòng xoay của vật chất thế tục mà chưa nhận ra được điều gì là quan trong nhất của đời sống thánh hiến. Chúng ta rất buồn khi nghe biết một số anh chị em vì tiền bạc mà đánh mất chính mình, phản bội lại lời hứa với Chúa và từ bỏ anh chị em của mình. Họ chỉ muốn nhận mà chẳng bao giờ biết cho đi. Là người tu sĩ, chúng ta phải hiểu như thế nào về của cải vật chất trong đời sống thánh hiến ?
Có lẽ, vẫn còn nhiều những “bóng đêm” khác làm cho đời sống thánh hiến bị mất tín trong mắt của người đời. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận được thực trạng đó. Chúng ta cần phải học cách chấp nhận để lớn lên hơn là phủ nhận hay thất vọng, vì “ơn Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được thể hiện trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9). Đó chính là niềm hy vọng cho chúng ta khi mà chúng ta phải đón nhận một thực trạng đáng buồn trên. Nhưng chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng vô biên của Chúa. Khi chúng ta yếu chính là lúc chúng ta mạnh. Chúng ta hãy cùng nhau nhận ra những “bóng đêm” đó và hãy chiến đấu với chúng để xứng đáng là những môn đệ trung tín của Chúa Giê-su.
Joseph Nguyễn Văn Định, C.S.Sp
-f