CHAY TỊNH


Vào đúng ngày Rằm tháng Giêng Kỷ Sửu (9/02/2009), Ban Phục vụ Huynh đoàn Đa Minh Giáo phận Saigon tổ chức Thánh lễ Tạ ơn nhân buổi họp mặt tân niên với trên 20 cụ già neo đơn tại cơ sở bác ái Vĩnh Lộc. Cơ sở này do HĐGP/SG xây dựng cách đây 7 năm, nhằm mục đích nuôi dưỡng các cụ già là đoàn viên hoặc thân nhân có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật, già yếu…, không ai chăm sóc. Trách nhiệm chính thuộc về 121 Huynh đoàn trong 14 Liên huynh trực thuộc Huynh đoàn Đa Minh Gp. Saigon, nhưng trực tiếp trông nom, săn sóc các cụ, thì HĐGP có hợp đồng nhờ quý Soeur bên Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu phụ trách.

Sau Thánh lễ là tiệc liên hoan, chẳng hiểu tại sao tôi bỗng trở thành cái đinh (“có lẽ tại mình mang họ Đinh” – tôi nghĩ thế) để anh em trong Ban PV/HĐGP và nhất là quý Soeur… búa. Búa tơi bời. Mở màn là soeur Bề Trên : “Năm Mới chúc bác Huấn đức chấm dứt mùa chay tịnh, bước lên xe hoa…” Soeur Ngh. và soeur G. đồng thanh bồi tiếp : “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông, bác ạ !” Cha Phụ tá Đặc trách bồi thêm : “Chỉ cần bác cho biết, cháu hoặc Cha Đặc trách HĐGP sẵn sàng chủ tế lễ thành hôn cho đôi trẻ – í quên – đôi bạn già”. Cả buổi tiệc nâng ly rần rần “dzô…dzô!” Ôi chao ! Tá hỏa tam tinh ! Biết sao bây chừ ? Lại nhớ tới hôm tất niên Ban Huấn đức HĐGP, anh chị em Huấn đức các Liên huynh cũng chúc “anh Huấn đức Giáo phận sang năm mới có người nâng khăn sửa túi – í quên – nâng chén sắc thuốc (sic) !” Gãi đỏ cả tai, rụng cả tóc, mới tìm được “tam thập lục kế, đào vi thượng sách” :

- Kính thưa quý cha, quý soeur, quý anh chị em. Con đã thưa với chư vị hải nội từ lâu rằng thì là… bây giờ con chỉ bò với lết, chớ đâu có bước được mà dám đòi bước đi … bước nữa ! Để tạ tội, xin được đọc hầu quý cha và toàn thể quý vị bài thơ khai bút đầu năm Kỷ Sửu của con :

LAM THY TỰ THỌ

Diện bích đầu năm bỗng bật cười.

Thấy mình “nửa ngợm, nửa đười ươi”.

Kém tài – nên mới … mồ côi vợ.

Thua sức – thành ra … mắc nợ đời.

Nhang-khói-văn-chương còn một dúm.

Xôi-gà-thế-sự ứ đầy hơi.

Đành theo bác Tú Xương, xin chúc :

Thiên hạ “cho ra cái giống người” (*).

Cha Phụ tá lại giáng thêm một búa : “Cháu mồ côi vợ mấy chục năm đây nè, bác mới chẵn chục năm đã ăn nhằm gì”. Đỡ cái búa này thấy phấn khởi hẳn lên (tìm được lối thoát rồi !) : “Thưa cha, phải có rồi mất đi, mới gọi mồ côi được chứ ! Cha đâu có vợ mà đòi mồ côi ! Còn con, vì kém tài chiều vợ, bị vợ chê, nên mới mồ côi, cũng là đáng lắm. Như soeur Bề Trên nói con đã “chay tịnh” được chục năm rồi, xin cầu nguyện cho con tiếp tục được “chay trường” cho đến mãn hạn cuộc lữ hành trần ai. Vả lại, cũng sắp bước vào Mùa Chay 2009, xin cho con được chia sẻ về vấn đề “chay tịnh”. Thế là thoát hiểm ! Hú hồn !

Vẫn còn trong thời gian “Thiều quang chín chục” của Xuân Kỷ Sửu, xin dông dài đôi điều hòa vào không khí hân hoan của mùa Xuân. Bây giờ, xin tiếp tục “chay tịnh” :

Tôi có một người bạn (không cùng tôn giáo) có một người em gái “ăn chay trường”. Cô em gái có chồng con đàng hoàng nhưng đã khấn cửa Phật “ăn chay trường” và giữ rất nghiêm túc. Cứ nhìn cô em dáng người gầy gò da bọc xương, thân hình khô đét, cũng đoán được cô kiêng ăn nhịn uống đến như thế nào. Tôi rất nể phục, và về vấn đề tín ngưỡng tôi rất kính trọng, không dám có ý kiến gì. Một hôm, tôi được cô em mời dùng một bữa “cơm chay” tại gia. Khi ngồi vào bàn ăn, tôi ngạc nhiên thấy có đủ các món làm từ thịt : nem, giò, chả, bì cuốn, và có cả một tô súp... chân giò. Những món ăn trông thật bắt mắt và kích thích cái bao tử háu ăn của tôi vô cùng. Em gái hiểu ý, trấn an ngay : “Anh yên tâm, những món ăn này toàn làm bằng đồ chay (đỗ, đậu phụng…), hoàn toàn không có thịt”. Và đến khi ăn, mới thấy rõ được cái tài làm giả như thật của cô em “trường kỳ chay tịnh”. Em gái giải thích thêm : “Vào những buổi trên chùa có khách, chúng em đều nấu theo kiểu này, như vậy mới có nhiều món bày trên bàn tiệc, và khách họ có cảm tưởng như vẫn đang được thưởng thức những bữa tiệc mặn thịnh soạn vậy. Đâu có khác kiểu nấu thịt heo theo kiểu thịt chó mà các anh vẫn gọi là “giả cầy” ? Quên, chưa nói thêm về cái tài nấu nướng của em gái. Em tuy là người giữ “chay trường”, nhưng rất thạo về bếp núc. Em chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm vào khoảng 9-10 giờ sáng, buổi chiều uống sữa đậu nành hoặc cùng lắm là một chén cháo trắng với chút đường. Nhưng chồng con vẫn đầy đủ ngày ba bữa với những mòn mặn rất ngon. Vào những bữa tiệc tổ chức tại nhà (cưới xin, giỗ chạp), phải tôn em làm “đầu bếp số 1”.

Nghe em gái giải thích tôi mới “à” lên. Thì ra thế. Đây chính là một kiểu đánh lừa thị giác để đi tới chỗ đánh lừa cả vị giác (có khi cả cảm giác nữa). Tôi cứ băn khoăn thắc mắc mãi : Có cần thiết phải như vậy không ? Và một khi đã quyết “trường kỳ chay tịnh” thì có cần thiết phải đánh lừa cả chính mình như thế không ? Liên tưởng đến thời trẻ, những ngày còn ở trong quân đội, mỗi khi sắp tới ngày phải “ăn chay kiêng thịt”, chúng tôi cứ hay đùa giỡn (nhưng có chủ ý nhắc khéo nhau đừng bắt chước làm theo) : “Ngày mai ăn chay đấy, nhớ tối nay đánh một bụng thật đẫy ‘nai đồng quê’ (thịt chó) để mai khỏi nhịn thèm… A, hôm nay ăn chay, nhớ ráng nhịn tới quá 24 giờ đêm, rồi ăn bù bò bảy món cho thỏa thuê… Ăn chay kiêng thịt à ? Chuyện nhỏ, tớ sẽ bảo bà xã làm những món thủy hải sản theo kiểu nấu nướng của mấy đại gia (sơn hào hải vị), dư sức qua cầu !”.

Tất cả những điều tôi vừa nhớ đến ở trên chung quy cũng chỉ vì coi công việc “ăn chay kiêng thịt” là một công việc nặng nhọc, bị bắt buộc phải làm, nên miễn cưỡng làm và cứ cố quên đi việc “tịnh khẩu” bằng cách ru mình vào những ảo vọng “khoái khẩu”. Mà thời gian tịnh khẩu nào có bao lăm, nó chỉ cần 1/360 thời gian của một năm hoặc 1/36.000 thời gian của một cuộc đời “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”. Thế đấy ! Mặt nổi thì đúng là tôi ăn chay kiêng thịt đủ 24 giờ, không ai nghi ngờ được ; nhưng trong thâm tâm sao tôi vẫn cứ mong cho cái ngày ấy đừng tới hoặc tới rồi thì chóng qua, hoặc ít ra thì trong thời gian ngắn ngủi đó, tôi vẫn cảm thấy mình no nê, khoái khẩu, thịt cá ê hề !

Cho nên, tôi vẫn quan niệm 3 tội tôi vẫn thú nhận hằng ngày (tư tưởng, lời nói, việc làm) với Thiên Chúa, với anh chị em, thì tội tư tưởng là nặng nhất. Xuất phát từ một tư tưởng nhất định để đưa tới những lời nói, việc làm xúc phạm đến Chúa, đến anh chị em, mới thực sự cấu thành tội. Tôi vẫn không sao quên được bài giảng tĩnh tâm của cha xứ tôi cách nay đã khá lâu, ngài nói : “Vấn đề ăn chay kiêng thỊt đòi hỏi chúng ta phải có một suy nghĩ sâu sắc hơn. Thứ nhất, chúng ta ăn chay kiêng thịt nhằm mục đích hãm mình ép xác để đền vì những tội lỗi xúc phạm đến Chúa và tha nhân. Thứ hai, về mặt vật chất, nếu chúng ta cố gắng giảm bớt chi tiêu phung phí, rồi đem khoản cắt giảm được ấy làm công việc bác ái, thì việc ăn chay mới thực sự có ích. Thứ ba, chúng ta không giới hạn việc ăn chay kiêng thịt trong 2 ngày luật buộc (Thứ Tư Lễ Tro & Thứ Sáu Tuần Thánh), mà bất cứ khi nào có dịp, chúng ta nên thực hiện. Cần nhấn mạnh là việc kiêng thịt, với những anh chị em công nhân ăn cơm tập thể, đặt giả thử trong những bữa cơm hôm đó không có món nào khác ngoài thịt, thì cứ việc ăn tự nhiên, nhưng với tinh thần chay tịnh vì mến Chúa yêu người. Tóm lại, việc ăn chay kiêng thịt cốt ở cái trí (hiểu rõ việc mình làm nhằm mục đích gì) và cái tâm (đức bác ái), không cần câu nệ ở hình thức”.

Quả nhiên là thế, vấn đề ăn chay kiêng thịt nếu được thực hiện chỉ vì luật buộc, chỉ vì bổn phận, chỉ câu nệ ở hình thức, trong khi từ trong sâu thẳm của tâm hồn thì vẫn muốn tránh né, vẫn muốn làm ngược lại hoặc làm lấy lệ, thì cũng chẳng ích gì. Nói như vậy cũng chẳng khác gì đánh bùn sang ao, vâng, xin mời nghe lời dạy của chính Con Người đã ăn chay 40 đêm ngày ròng rã trước khi bước vào cuộc khổ nạn vì tội lỗi loài người : "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 16-18). Và xin mời cùng tìm hiểu cách thức ăn chay mà Đức Chúa – Thiên Chúa của chúng ta – muốn chúng ta thực hiện : “Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng \ trong ngày con người phải thực hành khổ chế ? \ Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, \ nằm trên vải thô và tro bụi, \ phải chăng như thế mà gọi là ăn chay \ trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA ? \ Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : \ mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, \ trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ?” (Is 58, 5-6).

Bước vào Mùa Chay Thánh 2009, xin kính chúc toàn thể sống một mùa chay tịnh trong tâm tình chiêm ngắm và suy niệm mầu nhiệm Thương Khó, không chỉ ăn chay trong 2 ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, mà là suốt 40 ngày trai giới cả tâm hồn lẫn thể xác, để xứng đáng được đón nhận ơn tái sinh nơi Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, như Thánh Phaolô trên đường Đamat xưa.

JM. Lam Thy ĐVD.

_____________________

(*) Thơ Tú Xương : “Bắt chước ai, ta chúc mấy lời. / Chúc cho khắp hết cả trên đời. / Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước. / Sao được cho ra cái giống người”.