|
Nhạc...Vẹt
NGUYỄN BÁCH
Càng ngày càng khó tìm được những “bài hát Việt” có tuổi thọ trên 5 năm. Trong làng V-pop, thậm chí có những ca khúc chưa kịp mừng thôi nôi đã thôi...rồi!
Nếu xét về trình độ học thuật âm nhạc, phải công nhận rằng các thế hệ càng về sau càng được học nhiều hơn, phong phú hơn những thế hệ ông, cha, anh đi trước. Các tác giả của “Màu thời gian”, “Thiên thai”, “Con thuyền không bến”, “Cô láng giềng”, “Mộ khúc”, “Hạ trắng”, “Niệm khúc cuối”, “Khát vọng”, “Sợi nhớ, sợi thương”... làm sao có cơ hội trau dồi nhạc lý, học tập mẹo luật sáng tác bằng các sinh viên, học viên trường nhạc ngày nay được. Thế nhưng họ có những sáng tác sống 20, 30, thậm chí đến 70 năm (và còn có thể hơn nữa) trong lòng người yêu nhạc Việt qua các thế hệ. Không khó để nhận ra vấn đề nằm ở đâu. Những ca khúc “trường thọ” luôn mang những nét độc sáng riêng của tác giả, nghĩa là tuy có thể kế thừa một vài yếu tố nhưng không y chang, sao chép, cóp nhặt từ sản phẩm nào khác. Những ca khúc “yểu mệnh” thường được cắt, ráp một cách thô kệch, thiếu sáng tạo riêng để thành “anh chị em song sinh” với một hoặc nhiều sản phẩm khác đã có trước đó.
Nếu có thời giờ (đã có nhiều người bỏ giờ làm việc này) lắng nghe, đảo quanh một vòng các ca khúc đang được “giới trẻ yêu thích” (người ta vẫn thích đổ tội cho giới trẻ), được phổ biến trên các đài, trang mạng internet hiện nay chúng ta sẽ gặp rất nhiều ca khúc Việt thuộc loại “người lạ nhưng trông quen lắm!”. Người viết ra chúng không ngại ngùng “mượn đỡ” những giai điệu, nhạc nền phối âm, đoạn intro, gian tấu, coda,...từ những sáng tác trong nhạc Hàn, Hoa, Nhật, Mỹ, Pháp,...Người phổ biến chúng (ca sĩ biểu diễn, các nhà đài, nhà sản xuất, truyền thông) không chút xấu hổ khi thu lợi nhuận từ những sản phẩm hàng nhái đó. Họ đồng nghĩa việc sáng tác nhạc với xào nấu thức ăn! Không còn thấy đâu ranh giới giữa khái niệm kế thừa và nhân bản (trong sản xuất cừu Dolly). Ca khúc rock thuộc hàng kinh điển, “Stairway to heaven” đã làm say mê nhiều thế hệ kể từ khi được phát hành vào năm 1971. Không kể đến việc thanh chấp bản quyền giữa tác giả của nó, Jimmy Page với toàn ban nhạc Led Zeppelin (mà Page đã từng là một thành viên) thì khó có ai biết được ca khúc này đã kế thừa từ nhiều tác phẩm cổ điển khác: giai điệu mang một chút của “Giao hưởng số 8” (“Không hoàn thành”, Schubert); phần đệm mang âm hưởng của “Giao hưởng số 1” (Mahler); và nhiều âm hình tiết tấu khác trích từ các tác phẩm của Beethoven, Bizet, thậm chí của Glenn Miller. Tuy nhiên sự kế thừa ấy mang đầy tính nghệ thuật và độc sáng đến nỗi người nghe không còn nhận ra nguyên gốc. Tác giả đã đóng góp phần sáng tạo đáng kể của riêng mình. Một ca khúc thiếu nhi rất phổ biến trên thế giới đó là “Twinkle twinkle little Star”. Ca khúc này thật ra được Jane Taylor viết lời Anh và phổ biến vào năm 1806, dựa trên giai điệu của một bài ca Pháp (không rõ tác giả) mang tên “Ah! Vous dirais-je, Maman” có từ năm 1761. Khi Mozart đến Paris và ở đó trong thời gian từ tháng Tư đến tháng Chín năm 1778, ông đã lấy toàn bộ giai điệu của bài hát này làm chủ đề cho một trong các sáng tác theo hình thức biến tấu của ông và đặt tên là “Variations” (gồm một loạt các biến tấu cho piano được đánh số từ K.265 đến K.300e). Biến tấu này hay đến nỗi người đời sau cứ tưởng rằng tác giả của “Twinkle twinkle little Star” là Mozart. Nhà soạn nhạc người Áo này đã cho bài ca vô danh của Pháp một cuộc đời mới!
Không lâu sau, vào năm 1791, trong một lần đến thăm và làm việc ở Anh, Joseph Haydn lại sử dụng nguyên vẹn giai điệu dễ thương này trong chương Andante của giao hưởng nổi tiếng của mình: “Surprise” (Ngạc nhiên; tức giao hưởng số 94). Nhiều người tưởng rằng chàng trai Mozart (lúc đó 22 tuổi) là hậu sinh, cảm hứng từ tác phẩm của vị tiền bối 59 tuổi! Cả hai đã góp phần sáng tạo tuyệt vời và bác học đến nỗi người nghe không còn nhớ đến nguồn gốc đơn sơ của giai điệu chủ đề cũng như chẳng ai than phiền Mozart và Haydn đạo nhạc cả!
Mô phỏng (imitation) là một trong những kỹ thuật sáng tác thường được sử dụng để phát triển một chủ đề âm nhạc. Trong ngôn ngữ thường ngày, “imitation” còn có nghĩa là ”bắt chước”. Như vậy, “bắt chước” có hai mức độ: tiêu cực (được hiểu như sao chép, quay cóp) và tích cực (được hiểu như mô phỏng). Ranh giới giữa hai mức độ này là phần đóng góp của người thừa kế. Đã đành rằng trong nhiều lãnh vực, cách riêng âm nhạc, luôn cần phải có sự kế thừa. Vấn đề là chúng ta kế thừa như một người góp phần sáng tạo hay như....một kẻ cướp. Nếu “sáng tác” của mình có những yếu tố được lấy ra từ đâu đó mà chúng ta không nói rõ nguồn gốc, việc làm ấy vi phạm đạo đức (nghề nghiệp) và được gọi là đạo nhạc. Trong ca khúc “Ave Maria” nổi tiếng của mình, Charles Gounod ghi rõ trong phần tác giả: Bach – Gounod. Có người (có học nhiều về âm nhạc) đã vội vàng đem so sánh một cách khiên cưỡng với một trường hợp đạo phần nhạc nền trong sáng tác không nói rõ nguồn gốc của một bạn trẻ (ít học hơn)! Nếu chúng ta sử dụng tác phẩm của người khác mà không xin phép, như vậy là vi phạm pháp luật (sở hữu trí tuệ) và thường được hiểu là xâm phạm bản quyền. Hiện nay trong nhạc thị trường Việt Nam (mà nhiều người vẫn gọi tắt một cách vô ý thức là “nhạc Việt)” có không ít “sản phẩm” (không nên gọi là tác phẩm) được hình thành từ sự kết hợp cả hai loại vi phạm trên đây, chúng ta có thể gọi hiện tượng này là cướp nhạc. Cần phải tìm một tên gọi cho nghề mới này (nếu coi ăn cướp cũng là một nghề) thay vì gọi đổ đồng là “nhạc sĩ”. Đó là một việc làm sòng phẳng, tránh oan ức cho những kẻ sĩ của âm nhạc Việt Nam.
Nếu thích một ca khúc ngoại quốc nào đó, chúng ta có thể lấy một vài ý nhạc (giai điệu, tiết tấu,...) để mô phỏng và biến tấu theo cách riêng của mình chứ đừng chỉ đơn giản là lấy nguyên của họ rồi thêm phần “có cũng được mà không có cũng chẳng chết ai” của mình vào. Cũng có những trường hợp người sáng tác sau lấy nguyên xi một giai điệu nào đó của tác giả đi trước nhưng phần nguyên xi ấy chiếm tỷ lệ không đáng kể, chỉ thoáng qua nhằm diễn tả một ý tưởng nào đó. Có thể kể đến trường hợp của bản ouverture 1812 của Tchaikovsky. Trong đó, tác giả sử dụng nguyên xi giai điệu chủ đề của bản quốc ca Pháp, La Marseillaise (Rouget de Lisle, 1792) nhằm diễn tả sự thua trận của đội quân Pháp do Napoléon dẫn đầu trong trận chiến với tướng Koutouzov của Nga. Đối với người có học (kỹ thuật sáng tác), không khó gì khi lấy cảm hứng từ một tác phẩm nào đó, một giai điệu đẹp nào đó để tạo nên sáng tác mang dấu ấn riêng của mình. Họ có nhiều phương tiện để làm như thủ pháp mô phỏng, nới rộng/ thu hẹp nhạc đề, biến tấu,v.v... Đối với kẻ ít (hoặc không) học thì chỉ còn cách “đánh bài lờ” về tác giả gốc.
Chúng ta sống trong môi trường âm nhạc (trong cũng như ngoài nước) với nhiều thành quả có trước. Việc chịu ảnh hưởng (có khi là ngoài ý muốn) từ các tác phẩm âm nhạc đến sáng tác của mình là điều tự nhiên, dễ hiểu. Cũng có khi trong tác phẩm của người khác có điều hay, làm chúng ta thích, tâm đắc. Chúng ta có thể sử dụng chúng như chất xúc tác, gợi nên cảm hứng sáng tạo để góp phần của mình vào khiến cho từ cùng một chất liệu có thể sinh ra một sản phẩm âm nhạc mới đáng trân trọng cho xã hội. Điều đó rất đáng khuyến khích. Việc bắt chước (mô phỏng) như vậy mang tính tích cực. Khổ nỗi muốn có được phần của mình đóng góp vào, chúng ta không thể lười biếng, thiếu kiến thức (từ trường lớp hoặc từ kinh nghiệm hoạt động) về âm nhạc được. Nếu không có điều kiện đó, việc bắt chước của chúng ta mang tính tiêu cực như loài vẹt và sản phẩm của chúng ta làm ra chỉ là một món hàng bị đánh cắp hoặc là hàng nhái.
Ngày càng có nhiều người vì lợi ích vật chất trước mắt nên đã góp phần đẩy mạnh, tâng bốc loại âm nhạc bắt chước, sao chép, cóp nhặt để làm đầy thêm cho “kho hàng” nhạc thảm họa Việt Nam (bên cạnh các loại nhạc chế, nhạc té ghế,...). Họ cứ thích dùng những mỹ từ để mặc cho hình thức nhạc “bắt chước như vẹt”này, thậm chí gọi gộp luôn là “Nhạc Việt” thay vì nên gọi là: Nhạc...Vẹt!
Nguyễn Bách ANVN36 (10/2014)
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|