Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 12 trên 12

Chủ đề: Linh mục Nhạc sĩ Kim Long

  1. #1
    giusehien's Avatar

    Tham gia ngày: Oct 2007
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,546
    Cám ơn
    378
    Được cám ơn 3,074 lần trong 853 bài viết

    Default Linh mục Nhạc sĩ Kim Long

    Đôi nét về sự nghiệp âm nhạc của linh mục nhạc sư Kim Long



    Mừng kỷ niệm 50 năm viết thánh ca của linh mục Kim Long, trong tinh thần tôn vinh Thiên Chúa và cổ vũ sinh hoạt thánh nhạc, Tổng giáo phận Hà Nội đã đứng ra tổ chức Đêm Thánh Ca với chủ đề CA LÊN ĐI MỪNG CHÚA GIÁNG SINH vào ngày 18.12.2007. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đôi nét về linh mục nhạc sư Kim Long.

    Linh mục Kim Long sinh ngày 09.01.1941 tại họ đạo Bách Tính, giáo phận Bùi Chu. Ngài đến với thánh ca rất sớm. Năm 1949, khi mới tám tuổi, ngài tham gia ca đoàn họ đạo. Có lẽ những bài bình ca đầu tiên thời thơ ấu đã ảnh hưởng nhiều đến tâm thức và khuynh hướng âm nhạc sau này của Ngài.

    Biến cố năm 1954, cậu bé Kim Long cùng với gia đình di cư vào Nam và cậu học tại tiểu chủng viện Thánh Phanxicô. Năm 1957, với sự khích lệ ân cần của cha giáo Ngô Duy Linh, ngài viết tác phẩm thánh ca đầu tay: “Con hân hoan”. Lúc này ngài vừa tròn 17 tuổi. Cuốn nhạc của ngài xuất bản đầu tiên là cuốn “Suối Thiêng”

    Năm 1960, với tác phẩm “Kinh Hoà Bình" bất hủ, Kim Long đã đưa lời cầu nguyện tuyệt vời của thánh Phanxicô Assisi thấm sâu vào lòng muôn ngàn tín hữu. Đây là năm thật đáng nhớ của người nhạc sĩ vì gắn liền với tác phẩm được nhiều người biết đến và yêu mến nhất.

    Từ năm 1961, tập thánh ca “Ca Lên Đi" đầu tiên trong số 25 tập của nhạc sĩ Kim Long bắt đầu ra mắt. Tập đầu tiên này được in tại nhà in Nguyễn Bá Tòng.
    Năm 1968, nhạc sĩ lãnh nhận tác vụ linh mục và sau đó đi du học tại Giáo Hoàng Học Viện về Thánh Nhạc tại Rôma. Cha chọn chuyên ngành bình ca vì quan niệm rằng bình ca có những giá trị đặc biệt đem lại ánh sáng cho việc sáng tác thánh ca của mọi thời đại.

    Năm 1973 cha về nước và coi sóc giáo xứ Đức Hoà, thuộc giáo phận Mỹ Tho. Đồng thời, cha dạy thánh nhạc tại Đại học Đà Lạt, Đại học Thành Nhân, Đại chủng viện Sàigòn và biên soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc.

    Sau biến cố 1975, cha đã âm thầm tiếp tục viết thánh ca, để rồi lần lượt cho ra đời những tuyển tập “Ca lên Đi” từ số 10 cho đến số 25. Linh mục Nguyễn Duy nhận định: ”Trong những tuyển tập Ca Lên Đi này, người ta thấy một dòng nhạc mới xuất hiện, nhiều đảo phách và nghịch phách hơn, lời ca được dệt mang nhiều chất thơ hơn và nhiều trăn trở hơn”. Một trong những bài thánh ca nổi tiếng của những sáng tác mới này là bài: “Chúa Không Lầm”.

    Từ những năm đầu thập niên 80 thế kỉ trước, cha nhận thấy nhu cầu nở rộ của các ca đoàn tại Sài Gòn và các giáo phận khác, nên ngài đã suy tư, cầu nguyện để viết nên những trang hợp xướng. Những bài hợp xướng này đa phần khởi hứng từ Kinh Thánh và những lời thơ của Đức Ông Xuân Ly Băng. Hai tuyển tập Hợp ca đã ra đời từ hoàn cảnh đó. Có một điều thật kì lạ: Trong thời gian vô vàn gian khó này, nhờ ơn Chúa ban, cha lại viết nhiều hơn, dạy nhiều hơn. Trong giai đoạn này Ngài đã chăm sóc truyền thụ rất tận tình không chỉ kiến thức và kinh nghiệm âm nhạc, thánh nhạc mà nhất là cái tâm một lòng phụng sự Chúa và Giáo hội trong lĩnh vực thánh nhạc cho các học trò, trong số này có thể kể tới linh mục Nguyễn Duy, Huy Hoàng, Phanxicô Ngọc Linh, Anh Tuấn, Viết Khôi, Hải Triều, Cát Minh… Cũng trong thời gian này, Ngài cùng các với các môn sinh và thân hữu cho phổ biến 5 tập “Chung Lời Ngợi Ca”.

    Năm 1994, lại một điều kì lại khác xảy ra, theo lời cha kể: ngài lâm trọng bệnh. Theo khuyến cáo của bác sĩ, ngài đã chuẩn bị sẵn sàng ra đi với lời than thở: “Chúa ơi, sao gọi con về sớm thế!” Nhưng vì công việc soạn nhạc cho tất cả các Thánh Vịnh Đáp Ca dùng trong phụng vụ còn đang tiến hành dở dang, nên ngài nài xin: “Nếu đẹp ý Chúa, xin Ngài ban thêm chút thời gian cho con để công việc được hoàn thành…”. Và tuyệt vời thay, Chúa đã nhậm lời. Bộ sách THÁNH VỊNH ĐÁP CA đã ra đời đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn và theo đúng ý Hội thánh.

    Từ đó, ngài vẫn tiếp tục sáng tác. Những năm gần đây, cha chấp bút với đề tài thánh ca suy niệm để phục vụ những buổi tĩnh tâm và đời sống thiêng liêng trong các tu viện… Tới nay đã hoàn thành trên 1.000 bài.

    Đến nay vừa tròn 50 năm, nhiều bài thánh ca của cha Kim Long đã luôn đồng hành và phục vụ cho các cử hành phụng vụ cũng như các buổi hội họp cầu nguyện của tín hữu. Ngài luôn nhủ lòng mình cùng căn dặn môn sinh: một bài Thánh ca hay là bài Thánh ca được cầu nguyện hai lần. Lần thứ nhất tác giả phải cầu nguyện để viết ra, lần thứ hai người hát phải cầu nguyện để hát bài Thánh ca ấy. Bởi vì chủ đích của bài Thánh ca chính là để cầu nguyện với Chúa bằng lời ca. Suốt 50 năm làm việc liên tục không ngừng nghỉ trong ơn gọi viết thánh ca, điều cha hằng thao thức là làm thế nào để lúc viết và hát thánh ca cũng là lúc cầu nguyện.

    Chúng ta cũng không quên những tập thánh ca nhỏ viết về Mùa Vọng và Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh với tựa đề thật dễ thương: “Những Bông Hoa Nhỏ”.

    Thêm vào đó, cha còn đảm trách những công việc chuyên môn với tư cách là Phó ủy ban Thánh nhạc Việt Nam và Tổng Thư ký Ủy ban Phụng Tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

    Song song với sự nghiệp sáng tác, cha còn tích cực giảng dạy thánh nhạc cho nhiều nơi: Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, các đại chủng viện Hà Nội, Huế, Sài Gòn; các Hội Dòng, các giáo phận từ Nam tới Bắc. Thêm vào đó, cha còn soạn thảo những giáo trình và những tập sách nghiên cứu về âm nhạc như: Nhạc lý căn bản, Hoà âm, Đối âm, Hướng dẫn Đánh nhịp, Một vài kinh nghiệm để viết thánh ca, Thánh nhạc trong Phụng Vụ…

    Vừa tròn một nửa thế kỉ dâng hiến cho Chúa, cho Giáo hội qua sự nghiệp thánh nhạc với gia tài hơn 3,000 bài thánh ca, linh mục Kim Long quả thực là người đã sống chết với thánh ca. Phải là một người có tâm hồn rất phong phú về nghệ thuật lẫn tâm linh, cộng với những khát vọng và nỗ lực vượt bậc mới có thể có được một gia tài phong phú như thế. Trong sự nghiệp thánh nhạc, ngài luôn nhủ lòng mình cùng căn dặn môn sinh: một bài Thánh ca hay là bài Thánh ca được cầu nguyện hai lần. Lần thứ nhất tác giả phải cầu nguyện để viết ra, lần thứ hai người hát phải cầu nguyện để hát bài Thánh ca ấy. Ngài luôn tâm niệm: Viết Thánh ca không phải vì mục đích để lại những tác phẩm lưu danh. Hát Thánh ca không phải là dịp để phô trương tài năng của mình. Nhưng viết và hát thánh ca là để cầu nguyện với Thiên Chúa. Viết và hát thánh ca là vì Chúa, vì Giáo hội và vì cộng đoàn.

    Khi cha Kim Long sáng tác hoặc giảng dạy là cha đang làm việc đặt lương tâm cha trước mặt Thiên Chúa. Cha đã nhận được nén bạc Chúa trao, và ước nguyện của ngài cố gắng hết sức sinh lợi nén bạc đó. Vì thế, ngài không bao giờ trông mong tiền tác quyền hay những lời khen ngợi mà chỉ mong có được nhiều người đồng cảm với mình để cùng hát lên và cầu nguyện bằng những bài thánh ca với trọn vẹn tấm lòng tin mến.
    Các tác phẩm của linh mục nhạc sư Kim Long theo dòng thời gian:

    Năm 1957: CON HÂN HOAN - KÍNH CHÀO NỮ VƯƠNG.
    Năm 1958-2001:
    - 25 tập CA LÊN ĐI
    - 5 tập CHUNG LỜI NGỢI CA (cùng với thân hữu và môn sinh)
    - Tuyển tập HỢP CA - THÁNH VỊNH-THÁNH CA - 2 tập CỘNG ĐOÀN HOÀ CA
    - THÁNH VỊNH ĐÁP CA - 2 tập NHỮNG BÔNG HOA NHỎ
    - 5 tập BÀI CA SUY NIỆM.
    Năm 2002:
    - Tuyển tập CA LÊN ĐI (1000 ca khúc phổ thông)
    - BÀI CA SUY NIỆM 6.
    Năm 2003: tuyển tập HỢP CA 2.
    Năm 2004-2006: BÀI CA SUY NIỆM 7-9
    Năm 2007: BÀI CA SUY NIỆM 10.

    Nguyễn Xuân Trường

    http://vietcatholic.net/News/Html/50085.htm
    thay đổi nội dung bởi: dominico_dung, 04-06-2009 lúc 03:32 PM Lý do: xin cho Dũng 'ké' cái hình Thần Tượng Thánh Nhạc của Dũng, khì khì

  2. Có 21 người cám ơn giusehien vì bài này:


  3. #2
    giusehien's Avatar

    Tham gia ngày: Oct 2007
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,546
    Cám ơn
    378
    Được cám ơn 3,074 lần trong 853 bài viết

    Default

    Ta hãy nghe câu nhạc sau: "Tôi nắn cung tơ tuyệt vời. Gọi nắng rực chiếu muôn nơi...Cho mây bàng bạc cuối trời.." Câu nhạc như một bài thơ, nhiều hình ảnh gợi cảm. Nét nhạc với những quãng nhảy thật xa tạo nên một không gian âm nhạc thật rộng mở.
    Ngài có rất nhiều học trò ở hải ngoại. Ngài đã nhiều lần được mời sang Hoa kỳ để giới thiệu những tác phẩm mới cũng như chỉ dẫn thêm cho các học trò của ông. Linh mục nhạc sư Kim Long với thân hình vạm vỡ và giọng hát trầm ấm, mạnh mẽ cùng với lối điều khiển bay bướm, điệu nghệ đã thực sự chinh phục người thưởng ngoạn.
    Cám ơn Giáo Hội Việt nam đã sản sinh một nghệ nhân Công Giáo đa tài như linh mục nhạc sư Kim Long. Linh mục nhạc sư Kim Long nay đã ở vào tuổi "Thất thập", chúng ta hãy cầu nguyện cho Ngài vì Giáo hội đang cần tới sự đóng góp thật đặc biệt của Ngài.

    http://www.dinh.dk/diendan/viewtopic.php?t=626

  4. Có 7 người cám ơn giusehien vì bài này:


  5. #3
    giusehien's Avatar

    Tham gia ngày: Oct 2007
    Tên Thánh: Giuse
    Giới tính: Nam
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 1,546
    Cám ơn
    378
    Được cám ơn 3,074 lần trong 853 bài viết

    Default

    ĐÊM THÁNH CA ''CA LÊN ĐI'' MỪNG CHÚA GIÁNG SINH VỚI LM NHẠC SĨ KIM LONG TẠI HÀ NỘI

    Để mừng kỷ niệm 50 năm viết thánh ca của linh mục nhạc sư Kim Long, trong tinh thần tôn vinh Thiên Chúa và cổ vũ sinh hoạt thánh nhạc, Tổng giáo phận Hà Nội đã đứng ra tổ chức Đêm Thánh Ca với chủ đề CA LÊN ĐI MỪNG CHÚA GIÁNG SINH vào lúc 19h00 ngày 18.12.2007. Cùng với Ban Thánh nhạc giáo phận, quý cha Ban Giám đốc, Ban Giáo sư và chủng sinh đại chủng viện Hà Nội đã nhiệt tình đóng góp sức lực tổ chức đêm thánh ca.

    Người công giáo Hà Nội đã háo hức đêm đặc biệt này cả tháng trước. Gần đến giờ khai mạc, hàng nghìn người đủ mọi thành phần, trong cũng như ngoài Công giáo từ khắp nơi đổ về Đại chủng viện Hà Nội nơi diễn ra Đêm Thánh Ca. Ước tính có hơn 4.000 ngàn người tham dự sự kiện này, trong đó có một số giáo sư nhạc sĩ đến từ Nhạc viện Hà Nội. Sân đại chủng viện không đủ sức chứa, nên nhiều người khác đành phải ở tại khuôn viên Tòa giám mục tham dự Đêm nhạc qua hệ thống truyền hình. Thời tiết thật tuyệt vời: trời không rét, không mưa, chỉ se se lạnh như tiết trời thu.

    Đêm Thánh Ca được chia làm hai phần: Phần thứ nhất CA LÊN ĐI và phần thứ hai MỪNG CHÚA GIÁNG SINH. Một số bài thánh ca quen thuộc như: Ca Lên Đi, Bản Tình Ca, Khúc Hát Mùa Xuân, Tình Chúa Yêu Con, Khuôn Mặt Tình Yêu, Cảm Mến Hồng Ân, Bên Máng Cỏ, Mầu Nhiệm Của Tình Thương, Chúa Không Lầm, Trong Cánh Đồng Be Lem, Kinh Hoà Bình v.v… Tất cả 19 bài hát được tuyển chọn trong hơn 3.000 bài thánh ca của tác giả. Tưởng cũng nên biết rằng, đến nay cha Kim Long đã cho ra đời 25 tập thánh ca với tựa đề "Ca Lên Đi".

    Đêm Thánh Ca đã diễn ra hết sức long trọng với sự tham gia biểu diễn của Đại chủng viện, Hội dòng Mến Thánh Giá và Phaolô Hà Nội, ca đoàn các giáo xứ Hàm Long, Nam Định, Nhà thờ Chính tòa, Thái Hà thuộc giáo phận Hà Nội, ca đoàn Vượt qua Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, cùng các ca sĩ: Hoàng Hiệp, Lưu Hương Giang (giáo phận Hà Nội), Tấn Đạt, Thanh Sử, Trần Ngọc và Diệu Hiền (giáo phận Sài Gòn) và MC Trường Giang.

    Mở đầu chương trình là những tiếng trống hội giòn giã và tiếng kèn đồng hùng tráng. Tiếp theo đó là bài hợp xướng "Ca Lên Đi " giục giã muôn vật, muôn loài ngợi khen Thiên Chúa được chính Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Cha Giám Đốc ĐCV Laurenxô Chu Văn Minh, đại diện nam nữ tu sĩ và giáo dân lĩnh xướng. Sau đó, Đức Tổng Giám mục, người khởi xướng tổ chức đêm thánh ca, đã nói lời khai mạc và ý nghĩa của đêm thánh ca: kỷ niệm 50 năm viết thánh ca của cha Kim Long trong tinh thần tôn vinh Thiên Chúa và cổ vũ sinh hoạt thánh nhạc trong Tổng giáo phận Hà Nội.
    Từ ngàn xưa, những trang Thánh Kinh Cựu Ước đã vang lời mời gọi muôn loài chúc tụng Thiên Chúa: "Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa - Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn… Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây…Chúc tụng Chúa đi, hỡi phàm nhân dương thế". Cùng với tâm tình ngợi khen chúc tụng đó, ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể vang lên lời mời gọi:Chúc tụng Chúa đi, hỡi Hà Nội ngàn năm văn hiến - Chúc tụng Chúa đi, hỡi Việt Nam dòng giống lạc hồng. Thật là một dịp đặc biệt khi mọi thành phần dân Chúa trong Tổng giáo phận Hà Nội, cùng với linh mục nhạc sư Kim Long Ca Lên Đi những bài ca tôn vinh Thiên Chúa.

    Đã từ rất lâu, những bài thánh ca của linh mục nhạc sĩ Kim Long với cung điệu bình ca xúc động lòng người. Chúng giúp con người thoát khỏi mọi xao động cuộc đời mà hướng lòng lên với Chúa, sống với Chúa và cho Chúa. Nhạc Kim Long đã đi vào lòng người tín hữu Việt Nam vì giai điệu bình dị, tiết tấu nhẹ nhàng, tinh tế, thanh thoát và thánh thiện, lời ca đơn sơ không cầu kỳ, giống như một lời thì thầm cầu nguyện và đặc biệt được bắt rễ sâu trong lời Chúa và Thánh Vịnh. Nhạc Kim Long thực sự là nguồn nâng đỡ cho tâm hồn các tín hữu, giúp họ cầu nguyện, can trường tiến bước theo Chúa và làm chứng cho Tin Mừng.

    Trong Đêm Thánh Ca, các tiết mục hợp xướng được dàn dựng rất công phu, trang trọng. Những tiết mục đơn ca, song ca do các ca sĩ Công giáo biểu diễn thật có hồn. Hội dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã góp cho chương trình thêm rực rỡ với tiết mục diễn nguyện đặc sắc. Mọi người chăm chú lắng nghe, không một tiếng nói chuyện hay di chuyển ồn ào. Dường như tất cả đều chìm vào những lời thánh ca du dương, lay động lòng người. Bầu khí ấy đã làm cho đại chủng viện Hà Nội trở thành một không gian linh thánh. Đêm thánh ca đã thực sự trở thành một đêm tôn vinh Thiên Chúa đằm thắm tin yêu.

    Mọi người đến tham dự không chỉ vì lòng yêu quí linh mục nhạc sư Kim Long, yêu mến nền thánh nhạc Việt Nam, nhưng còn để cùng dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam một tài năng âm nhạc lớn, một cây đại thụ trong nền thánh nhạc Việt Nam. Nếu mùa Giáng Sinh là mùa tặng quà, thì x in chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã gửi cha Kim Long như một quà tặng quí giá cho Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là nền thánh nhạc Công giáo. Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã nhận định: "Các tác phẩm của cha Kim Long không chỉ làm phong phú nền thánh nhạc Việt Nam mà còn giúp phát triển đời sống đức tin và đời sống phụng vụ của người Công giáo địa phương".

    Ngắm nhìn bầu trời Mùa Giáng Sinh tôi chợt có một liên tưởng. Mùa Giáng Sinh xưa, trên bầu trời Belem có một vì sao sáng soi đường cho các Hiền sĩ đến thờ lạy Hài nhi Giêsu. Mùa Giáng Sinh nay, Kim Long như một vì sao sáng lung linh trong bầu trời thánh nhạc Việt Nam soi lối cho muôn người đến gặp gỡ Chúa qua những bài thánh ca. Giáng Sinh xưa, trên không trung có ca đoàn thiên sứ loan tin vui sáng danh Thiên Chúa, bình an loài người. Giáng Sinh nay, giữa đất trời Việt Nam, Kim Long -một thiên sứ bằng xương bằng thịt- cũng đang viết lên, ca lên những bài ca tôn vinh Thiên Chúa, lay động lòng người.

    Tưởng cũng nên nói thêm về triết lí âm nhạc của Kim Long. Vừa tròn một nửa thế kỉ dâng hiến cho Chúa, cho Giáo hội qua sự nghiệp thánh nhạc với gia tài hơn 3,000 bài thánh ca, linh mục Kim Long quả thực là người đã sống chết với thánh ca. Phải là một người có tâm hồn rất phong phú về nghệ thuật lẫn tâm linh, cộng với những khát vọng và nỗ lực vượt bậc mới có thể có được một gia tài phong phú như thế. Trong sự nghiệp thánh nhạc, n gài luôn nhủ lòng mình cùng căn dặn môn sinh: một bài Thánh ca hay là bài Thánh ca được cầu nguyện hai lần. Lần thứ nhất tác giả phải cầu nguyện để viết ra, lần thứ hai người hát phải cầu nguyện để hát bài Thánh ca ấy. Bởi vì chủ đích của Thánh ca chính là để cầu nguyện với Chúa bằng lời ca. Suốt 50 năm làm việc liên tục không ngừng nghỉ trong ơn gọi viết thánh ca, điều cha hằng thao thức là làm thế nào để lúc viết và hát thánh ca cũng là lúc cầu nguyện.
    Chính vì triết lý viết thánh ca là đọc, suy và cầu nguyện, mà những bài thánh ca của Kim Long đã luôn đồng hành trong những buổi cầu nguyện và cử hành phụng vụ của Giáo hội. Thánh ca Kim Long đã thực sự đem lại một sức sống dồi dào cho đời sống thiêng liêng của Giáo Hội Việt Nam. Cha luôn tâm niệm: Viết Thánh ca không phải vì mục đích để lại những tác phẩm lưu danh muôn thuở. Hát Thánh ca không phải là dịp để phô trương tài năng của mình. Nhưng viết và hát Thánh ca là để cầu nguyện với Thiên Chúa. Viết và hát Thánh ca là vì Chúa, vì Giáo hội và vì cộng đoàn. Trong ít phút trò chuyện giao lưu với cha Kim Long nơi phần đầu chương trình, cha Tiến Lộc đã nói thật di dỏm: "Nếu Thánh Augustinô bảo hát hay là hai lần cầu nguyện, thì dạy hát sẽ là sáu lần cầu nguyện và sáng tác thánh ca sẽ lên tới mười hai lần cầu nguyện"!

    Linh mục nhạc sư Kim Long đã nhận được nén bạc thánh nhạc Chúa trao, và bổn phận của cha là phải cố gắng sinh lợi nén bạc đó. Thế nên, khi viết thánh ca, cha không bao giờ trông mong tiền tác quyền hay những lời khen ngợi, cha chỉ mong có được nhiều người đồng cảm với cha, để cùng hát lên và cầu nguyện bằng những bài thánh ca với tất cả tấm lòng tin yêu . Cha viết thánh ca là vì Chúa, vì Giáo hội và vì cộng đoàn. Tuy không nhận được tiền tác quyền, nhưng cha đã nhận được những thứ mà tiền không thể mua được, đó là tấm lòng ưu ái của mọi người khắp nơi trong cũng như ngoài nước dành cho cha. Và điều đó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cha.

    Xin cầu chúc linh mục nhạc sư Kim Long tiếp tục viết thêm nhiều giai điệu đẹp để ca tụng Chúa và để mọi người nâng hồn lên với Chúa.

    Sau gần 3 tiếng đồng hồ, Đêm Thánh Ca đã khép lại bằng bài ca bất hủ: Kinh Hòa Bình. Một quang cảnh thật cảm động: Tất cả cộng đoàn tham dự cùng đứng lên, tay cầm nến cháy lung linh và hát những lời ca với tất cả tâm hồn: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lí vào chốn lỗi lầm…

    Đêm Thánh Ca không còn dừng lại ở một đêm trình diễn nghệ thuật, nhưng đã thực sự trở thành một đêm ngập chìm trong bầu khí tôn giáo, một đêm nối kết các tâm hồn trong tin yêu, để những tâm hồn ấy cùng một lòng một ý nâng tâm hồn lên tôn vinh Thiên Chúa. Đêm Thánh Ca chỉ diễn ra chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, nhưng âm hưởng của nó còn đọng lại lâu dài, đọng lại mãi trong tâm hồn mỗi người tham dự. Những bài thánh ca không chỉ được hát lên trong một đêm, nhưng là được hát lên trong suốt cả cuộc đời; những bài thánh ca không chỉ do người Công giáo hát lên, nhưng là do tất cả mọi người trên trần hoàn này. Chúng ta tin rằng Đêm Thánh Ca đã trở thành dấu chỉ chứa chan hi vọng cho nền thánh nhạc Việt Nam.

    Tác giả Nguyễn Xuân Trường

    http://www.dunglac.org/index.php?m=h...detail&ia=2877

  6. Có 9 người cám ơn giusehien vì bài này:


  7. #4
    dominico_dung's Avatar

    Tuổi: 60
    Tham gia ngày: Nov 2007
    Tên Thánh: Dominico
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đàng trong
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,837
    Cám ơn
    6,848
    Được cám ơn 17,690 lần trong 2,615 bài viết

    Default

    Nhạc sĩ Kim Long: 50 năm viết thánh ca


    (LĐ) - Từ thế kỷ XVI, trong không gian xứ sở VN, ngoài những mái chùa Phật giáo ngàn đời, ngoài những tháp Chàm rêu phong cổ kính... bắt đầu xuất hiện những tháp nhọn chọc trời của những nhà thờ Thiên Chúa giáo.
    Từ đó, nó nhỏ vào biển âm thanh âm nhạc truyền thống VN những giọt thánh ca phương Tây. Một phản ứng văn hoá âm thầm, lặng lẽ bắt đầu diễn ra chầm chậm giữa biển âm thanh đó.

    Âm nhạc bác học phương Tây mà nguồn cội từ thánh ca là một phát minh vĩ đại của loài người và rất tự nhiên, nó đã “mưa dầm thấm sâu” vào xã hội ta trong thế kỷ XX. Sau phong trào “lời ta, điệu tây” là đến phong trào vận động nhạc “cải cách”. Nếu Hội Nhạc sĩ VN năm nay kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập, thì sang năm mới, tân nhạc VN cũng vào tuổi “cổ lai hy”. Để tạo nên đội ngũ các nhạc sĩ VN suốt bảy thập kỷ qua, đã có rất nhiều người bắt đầu tìm hiểu âm nhạc phương Tây từ nhà thờ và sau đó trở thành nhạc sĩ sáng tác hay biểu diễn.

    Tác giả “Quốc ca Việt Nam” - nhạc sĩ Văn Cao vốn là học sinh của trường Saint-Joseph ở Hải Phòng, còn nhạc sĩ Đỗ Minh - tác giả “Đảng ca” thì cũng vốn là một con chiên xứ đạo. Tân nhạc VN không chỉ đưa các nhạc sĩ từ nhà thờ bước ra cuộc đời mà còn tạo nên các tác giả thánh ca VN như nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ở Hà Nội những năm trước Cách mạng Tháng Tám với những nhạc sĩ Hoàng Lân, Tâm Bảo, Thiên Phụng, Hải Linh tích cực sáng tác hàng trăm bài tập hợp trong những tập cung thánh.

    Còn ở Sài Gòn, nhạc sĩ Trần Văn Nhơn còn có tên gọi là APNC (tức Antoine-Philippe-Nhơn-Cầu Kho) đã góp không ít cho ca đoàn Hùng Tâm Dũng Chí tại nhà thờ Ngã sáu (Nhà thờ thánh Jeanne d’Arc). Chính từ những âm hưởng này, Kim Long đã nhập thần vào thánh ca từ thuở thiếu thời và bắt đầu tiếp nối những sáng tạo thánh ca từ năm 1957 của tuổi thanh xuân.

    Tính đến nay, linh mục Phêrô Kim Long đã có 50 năm viết thánh ca cho Giáo hội VN. Trong dịp Noel 2007, tại đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội (40 Nhà Chung) đã tổ chức đêm thánh ca “Ca lên đi - mừng Chúa Giáng sinh” nhằm giới thiệu những sáng tác thánh ca tiêu biểu của nhạc sĩ Kim Long trong suốt 50 năm qua.

    Nhiều ca đoàn Hà Nội và Sài Gòn như: Đại chủng viện thánh Giuse dòng Phaolô, Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Lớn, giáo xứ Hàm Long, Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) và ca đoàn Vượt Qua (Sài Gòn) đã tụ quần để tạo nên những âm hưởng thánh ca của nhạc sĩ Kim Long. Nhiều ca sĩ có duyên với thánh ca như: Hoàng Hiệp, Lưu Hương Giang, Diệu Hiền, Tất Đạt cũng tham dự các tiết mục đơn ca. Đặc biệt cặp song ca Thanh Sử và Trần Ngọc với bản “Chúa không lầm” đã gây ấn tượng mạnh.

    Nhạc sĩ Kim Long quả là đã tạo được phong cách riêng của mình qua các nhạc phẩm ngắn gọn, xinh xắn mà “Chúa không lầm” là một điển hình. Bài hát được viết ở thể một đoạn kép có điệp khúc thật cô đọng để nêu bật chủ đề “Chúa không lầm”. Với điệu thức rê thứ, đoạn đầu đã thực hiện bằng lối tiến hành đi xuống, rồi đi lên để mở giai điệu tới cao trào với những đồng âm khẳng định:

    Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con/ Dù lời Ngài con không giữ tròn/ Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa/ Rằng thân con bởi tro bụi/ Và được cưu mang trong tội lỗi. Đoạn sau là đoạn điệp khúc ở điệu thức trưởng đồng cung như lời nhắn ân cần: Nhưng lòng Chúa quá bao la/ Dù cho bao phen con yếu đuối/ Thành tâm xin ăn năn thống hối/ Là Ngài lại thứ tha.

    Nghe các hợp xướng của các ca đoàn trình diễn, chợt sống lại một thời hợp xướng những năm hoà bình của miền Bắc và thấy rằng thời gian gần đây, việc cố gắng phục hồi lại không khí này ở các thành phố là cần thiết. Hợp xướng “Mùa xuân cứu thế” của nhạc sĩ Kim Long hoàn toàn có thể trình diễn trên nhiều sân khấu, chứ không riêng gì trong không gian nhà thờ. Đó là sự hoà nhập giữa đạo và đời hết sức tự nhiên, giống như việc các dàn kèn nhà thờ đã từng tấu lên những giai điệu cách mạng trong những dịp lễ, dịp Noel nhiều năm qua.


    Nguyễn Thụy Kha

    http://www.laodong.com.vn/Home/vanhoa/amnhac/2007/12/70392.laodong
    Chữ ký của dominico_dung
    "ĐỪNG SỢ, BỞI VÌ CHA GỌI ĐÍCH DANH CON" (Isaia 43,1)

  8. Có 11 người cám ơn dominico_dung vì bài này:


  9. #5
    dominico_dung's Avatar

    Tuổi: 60
    Tham gia ngày: Nov 2007
    Tên Thánh: Dominico
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đàng trong
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,837
    Cám ơn
    6,848
    Được cám ơn 17,690 lần trong 2,615 bài viết

    Default

    Lời Tòa Soạn: Nhân dịp linh mục nhạc sĩ Kim-Long ghé Houston vào cuối tháng 9, 2000, NTH có dịp nói chuyện với ngài về thánh nhạc. Sau đây là một phần trích đoạn trong buổi nói chuyện ấy.

    NTH: Thưa cha Kim-Long, cha là một tác giả thánh ca được biết rất nhiều và những tác phẩm của cha rất được phổ biến. Không một buổi cử hành lễ nghi phụng vụ nào mà không có bài hát của cha. Không một cuốn sách thánh ca nào mà lại không có bài của cha. Cha đã trung thành theo đuổi con đường phục vụ thánh ca của cha hơn 40 năm. Vậy cha đã bước vào địa hạt thánh ca như thế nào?

    LmKL: Tôi bước vào lãnh vực Thánh ca rất sớm, năm 8 tuổi, lý do là có giọng hát một chút, cho nên tôi được chọn vào ca đoàn ở một họ đạo nhà quê. Lúc đó thì các ca đoàn còn hát tiếng La-tinh. 8 tuổi chắc không hiểu tiếng La-tinh chút nào cả, nhưng cứ hát thuộc lòng. Và có lẽ những bài Bình ca đầu tiên đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến cái tâm thức, cái ý hướng của Thánh ca mà tôi luôn quý trọng. Mười tuổi vào trường thử, tôi tiếp tục được chọn để hát solo.
    Năm 1954, khi di cư vào Nam ở tiểu chủng viện Thánh Phanxicô, tôi không nhớ rõ là năm nào, có lẽ khoảng 1955-56 gì đó, lúc đó tôi học đệ Ngũ, thì có hai bậc thầy từ Bắc trở về và ở tại tiểu chủng viện để hướng dẫn âm nhạc cho chúng tôi. Đó là cha giáo sư Ngô Duy Linh và thầy Hải Linh, nhưng các ngài không trực tiếp dạy âm nhạc cho chúng tôi, bởi vì chương trình trung học không có đủ giờ để tiến sâu. Chúng tôi được các ngài hướng dẫn trong các buổi tập hát để hát cho những cử hành phụng vụ. Và chính những bài hát mà chúng tôi hát đi hát lại lúc đó là những bài của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, nhạc đoàn Sao Mai và một số bài của nhạc đoàn Tiếng Chuông Nam của cha Nguyễn Duy Vi. Chúng tôi hát đi hát lại và được thấm nhuần những bài ca đó.
    Tôi chẳng được ai dạy về viết Thánh ca như thế nào, nhưng mà rồi không biết từ đâu, tôi ngồi cầm bút và viết bài Con Hân Hoan Bước Lên Bàn Thờ Chúa năm 1957. Lúc đó tôi mới có 17 tuổi. Đưa bài hát cho cha Ngô Duy Linh xem, tôi thấy ngài gật gù, và rồi ngài nói với tôi rằng: "Được lắm! Tiếp tục đi!" Với lời khuyến khích đó, tôi bắt đầu viết khơi khỏa ý tưởng, và những bài đầu tiên của tôi thì thường là cha Ngô Duy Linh xem lại kỹ lưỡng và chỉ dạy cho tôi.
    Thế là tôi viết Thánh Ca. Và tôi tiếp tục như vậy cho đến khi lên đại chủng viện thì tôi được trao trách nhiệm là tập hát cho các thầy. Khi đó, tôi đã xuất bản cuốn nhạc đầu tiên của tôi, đó là cuốn Suối Thiêng.
    Bước vào đại chủng viện, trong cái môi trường để tập hát cho các thầy, tôi tiếp tục yêu mến và sáng tác Thánh ca. Tôi in cuốn Ca Lên Đi đầu tiên tập I. Tập I xong thì hứng khởi viết tập II, tập III v.v..., và đến khi làm Linh Mục thì tôi đã in được 6 cuốn Ca Lên Đi.

    NTH: Vậy là cha đã có thiên khiếu về thánh ca ngay từ khi còn trẻ. Ngoài thiên khiếu đó, cha có học thêm gì về âm nhạc không?
    LmKL: Tôi vẫn tự học để viết Thánh Ca. Tôi lắng nghe vànếu có ai nói gì cần sửa chữa, tôi luôn luôn đón nhận để làm cho tốt hơn, vì nghĩ rằng mình đâu có học hành gì, mình chỉ được cái phương tiện hay, và được cái môi trường tốt để phát triển một chút khả năng Chúa ban, và chắc chắn cái khả năng đó có những hạn hẹp, và cần phải được bổ túc bởi sự nâng đỡ của những người khác.
    Tôi nhớ khi in cuốn Ca Lên Đi đầu tiên ở nhà in Nguyễn Bá Tòng, có một lần tôi tới và khi biết rằng cuốn sách của tôi đang cắt xén ở dưới phòng, tôi xuống để xem mặt cuốn sách như thế nào. Người thợ cắt xén hỏi tôi rằng "Có phải cuốn sách này là của thầy không?", tôi nói "Phải" với một chút hãnh diện. Và người đó đã nói thế này: "Trưa nay, lúc nằm trên bàn giấy để nghỉ trưa, con mở ra xem và con thấy có một chỗ con có thể góp ý với thầy được không?" Lúc đó tôi thấy rõ tự ái của một ông thầy trường lý đoán với một công nhân. Trong lòng tôi thấy rõ một cái gì như một chút tự ái hay một chút giận dữ nào đó, nhưng khi anh ta nói thế này: "Con đã đọc lời ca một bài về Đức Mẹ mà thầy viết rằng 'Lậy Mẹ Cực Thánh', thì con thấy rằng không biết có đúng không, bởi vì con nghĩ 'cực thánh' chỉ dành cho Chúa, Đức Mẹ chỉ 'rất thánh' thôi!". Lúc đó tôi cảm thấy phải suy nghĩ lại. Và cũng từ cái kinh nghiệm này, tôi nghĩ rằng không ai hoàn hảo cả, và có cả những người mình nghĩ là tầm thường nhất, vẫn có thể giúp mình hoàn hảo hóa được những tác phẩm của mình.
    Tôi cũng luôn luôn ý thức rằng, mình có được học hành để sáng tác đâu, và mình cứ theo những bài Thánh ca mình hát, nó ảnh hưởng tới cuộc sống của mình, tới tư tưởng của mình, tới những suy nghĩ của mình, và từ đó mình tiếp tục viết.

    NTH: Vậy sau này cha có còn cơ hội nào để học nhạc nữa không?

    LmKL: Có, sau khi tôi chịu chức Linh mục, thì Đức Giám Mục địa phận Mỹ Tho bảo tôi chuẩn bị để đi học Thánh Nhạc. Và rồi ở Roma, tôi ghi tên học Bình Ca đầu tiên. Nhiều người nói với tôi rằng: "lỗi thời rồi, sau Công Đồng Vaticanô II rồi, dùng tiếng địa phương rồi, vậy mà còn học Bình Ca làm gì?" Nhưng tôi vẫn nghĩ Thánh Nhạc đi liền với Bình Ca, và dù Bình Ca không được trực tiếp dùng trong Phụng Vụ nữa, thì từ lối hình thành bài hát đến tư tưởng, đến tất cả những vai trò từng bài Bình Ca trong phụng vụ, nó vẫn có giá trị để hướng dẫn mình viết Thánh Ca. Cho nên tôi đã quyết định học riêng về Bình Ca, và dĩ nhiên còn phải học những môn khác nữa như hoà âm, đối âm, hay là tấu khúc v.v... Từ cái tinh thần bình ca đó, tôi đã tìm ra một con đường rõ rệt cho con đường sáng tác Thánh Ca của mình: là cái hướng đi của những bài Bình Ca được hình thành như thế nào, từ lời cho đến nhạc ; cái nhạc nó phải quyện đến lời như thế nào, để nhạc chỉ là phương tiện chuyển đạt những tư tưởng của lời ca, để lời ca thực sự là một lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

    NTH: Sau những năm ở Roma học Thánh nhạc, cha có còn nghiên cứu gì thêm nữa không?

    LmKL: Tôi không nghĩ rằng cái học của mình đã là hoàn hảo, cho nên tôi thường học hỏi nghiên cứu thêm. Thời gian đó, người thầy phụ của tôi là cha Ngô Duy Linh cũng đang đi học thêm ở Pháp, cho nên thường tới mùa Hè thì hai thầy trò chúng tôi cùng đi dự thêm những lớp Hè ở Nice. Tôi nhớ có một câu chuyện và có lẽ trong đời tôi cũng không quên, đó là trong một buổi giáo sư Tonyo bận đi đâu đó, ông bảo chúng tôi về muốn viết cái gì thì viết để mai ông sửa. 8 giờ tối hôm đó cha Duy Linh đến gõ cửa phòng, bảo tôi cho ngài một ý tưởng hay lời ca nào đó để nài viết vì ngài đang bí đề tài. Lúc đó tôi cũng đang viết bài của tôi nên tôi đưa đại cái bài mà tôi đã dịch sẵn, đó là bài "Người Đi Trong Nước Mắt". Cha Linh cũng đác ý và trở về phòng để cố gắng viết bài đó. Chiều hôm sau gặp giáo sư Tonyo, ông đánh đàn đoạn đầu tiên. Ông gật gù và nói rằng bài nhạc có rất nhiều tính chất á đông. Ông hài lòng. Nhưng khi đánh tới đoạn nhạc "người về..." thì ông sựng lại và tôi thấy khuôn mặt ông có hơi khác. Ông đánh đàn lại một lần nữa, rồi một lần nữa, rồi ông nói với chúng tôi rằng: "ngôn ngữ của các anh chúng tôi không biết, nhưng theo những gì các anh chú thích về ý nghĩa của đoạn này thì tôi thấy không đạt". Lúc đó chúng tôi tự ái (sau này trao đổi với cha Ngô Duy Linh thì ngài cũng nói là lúc đó tự nhiên ngài cũng thấy tự ái), và hỏi giáo sư "Ủa sao vậy?". Giáo sư Tonyo nói rằng "nếu 'người đi' đọc giọng nhạc lên mì lala đố rế mí..., mà 'người về' lại là mì mì..., thì đâu có về, dậm chân tại chỗ!" Lúc đó hai người chúng tôi cũng gật gùnói với nhau rằng: "thôi mình học suốt đời đi, có vậy mà cũng không nhận ra!" Tôi vẫn còn nhớ cha Ngô Duy Linh bảo phải sửa như thế nào, vì tiếng Việt của mình có những dấu bằng, dấu trắc, và có nhiều giớ hạn, nên tôi đề nghị với ngài sửa "người về" thành "khi về" để làm giòng nhạc đi xuống, tạo sự tương phản của giòng nhạc đi lê của "người đi".
    Tôi muốn kể chuyện đó để thấy rằng trong lãnh vực âm nhạc, tôi cảm thấy có một cái gì đó không giới hạn, không biên giới, và con người mình phải chấp nhận học hỏi thêm mãi.

    NTH: Trong qúa trình 43 năm sáng tác, cha đã viết được bao nhiêu bài Thánh Ca?

    LmKL: Thực tình mà nói, tôi chẳng bao giờ đếm những bài tôi viết cả. Và tôi cũng không có ý nhìn lại những công việc mình làm để tự mãn về công việc đó. Tôi viết Thánh Ca có nghĩa là khi tôi đọc những tư tưởng từ những bài suy niệm, những bài Thánh Vịnh hoặc những lời kinh, có một cảm hứng nào đó đánh động tâm hồn tôi và tôi cảm thấy phải viết ra. Tôi viết ra rồi, ai hát thì hát. Khi được nhiều bài thì in thành một tập; và cứ thế, tập này nối tiếp tập kia. Tôi cũng chẳng có thời giờ đếm lại là tôi đã viết bao nhiêu bài, nhưng tôi cảm thấy rằng viết Thánh Ca là những cảm hứng hoà nhập với tâm hồn tôi, và sau đó là nhu cầu phải viết, vì nếu không viết ra thì cảm thấy bứt rứt áy náy khó chịu thế nào đó, cho nên tối cứ phải tiếp tục viết mà thôi.

    NTH: Hiện tại, cha đang làm gì với công việc mục vụ?

    LmKL: Hiện nay thì tôi đang dậy Thánh Nhạc cho 3 đại chủng viện Ha1 Nội, Huế và Saigon. Có những chủng viện mời nhưng tôi chưa đáp ứng. Và một công việc khác của tôi là một công việc âm thầm, đó là làm phó Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và vị trưởng ban là Đức Cha Nguyễn Văn Hoà. Ngài cũng là một nhạc sĩ sáng tác.
    Trong khi đi đây đó để dậy về Thánh Ca, tôi vẫn tiếp tục sáng tác. Tôi nghĩ rằng, Chúa ban cho mình có chút khả năng về âm nhạc, thì thôi, mình chọn con đường này để phụng vụ. Vì thế, từ ngày viết bài Thánh Ca đầu tiên đến hôm nay, 43 năm, tôi vẫn tiếp tục sáng tác, phải nói là không ngừng.

    NTH: Về lãnh vực Thánh Ca, người ta thường nói: "Hát là cầu nguyện hai lần!" Là một người chuyên môn về lãnh vực này, cha nghĩ gì về câu nói đó?

    LmKL: Nếu theo như thánh Augustinô "hát hay là cầu nguyện hai lần", thì tôi vẫn trao đổi với những người tôi có dịp tiếp xúc, đặc biệt là những học trò học sáng tác Thánh Ca với tôi, và tư tưởng của tôi là: bài hát Thánh Ca hay, có nghĩa là bài hát Thánh Ca phải cầu nguyện hai lần. Lần thứ nhất tác giả phải cầu nguyện để viết ra bài Thánh Ca ấy; bởi vì chủ đích của bài Thánh ca chính là để hát và cầu nguyện với Chúa, mà nếu tác giả không cầu nguyện để viết ra thì làm sao có thể gây tác động, gây những cảm xúc cho người hát để người hát cùng cầu nguyện?

    NTH: Vậy cha viết một bài Thánh ca như thế nào?

    LmKL: Tôi xin thưa rất chân tình rằng, đời tôi, tôi chưa bao giờ ngồi ở bàn giấy để tẩy tẩy, xoá xoá, thêm nốt nọ, bớt nốt kia, để mà viết một bài Thánh ca. Bài Thánh ca của tôi hình thành là khi có một tư tưởng đạo đức nào đó đến với tôi, tôi suy nghĩ và thường cho rằng có một sự soi sáng nào đó của Thiên Chúa, để những tư tưởng ấy có thể bổ túc và từ từ hình thành ra bài Thánh Ca.
    Trong cái bầu khí riêng tư đó, tôi đã cầu nguyện với bài Thánh ca khi nó hình thành. Sau đó, nếu có thời giờ, tôi sẽ viết lại bài Thánh ca ấy, chứ không bao giờ tôi nghĩ rằng mình phải ngồi để mà viết thêm bài này bài nọ hoặc cho đủ bài kia để có thể in thành một cuốn sách. Tôi đã không bao giờ làm chuyện đó cả. Vậy thì nếu tác giả viết bài Thánh ca trong tâm thức cầu nguyện và trong khi cầu nguyện thì đó là cầu nguyện lần thứ nhất.

    NTH: Còn lần thứ hai thì sao, thưa cha?

    LmKL: Lần thứ hai, như tôi vẫn thường nói khi sinh hoạt với các Ca đoàn và với những người ở những nơi mà tôi có bổn phận phải giảng dậy rằng, bài Thánh ca hay là phải có cầu nguyện thứ hai hay, đó là người hát phải hát để cầu nguyện, hoặc là để giúp người khác cầu nguyện. Không thể nào đạt được cái ý tưởng là giúp người khác cầu nguyện khi chính mình hát mà mình không hoà nhịp được với những tư tưởng của bài Thánh ca, để mình thực sự cầu nguyện với những tư tưởng đoù. Bởi vậy thao thức của tôi vẫn là làm thế nào để cho người viết Thánh ca: cầu nguyện; người hát Thánh ca: cầu nguyện.

    NTH: Theo như kinh nghiệm riêng tư của cha, thế nào là Hát và Viết Thánh ca?

    LmKL: Hát Thánh ca không phải là dịp để phô trương tài năng của mình. Viết Thánh ca không phải vì mục đích để lại những tác phẩm để đời. Kinh nghiệm cuộc sống của tôi: cách đây hơn 6 năm, khi bác sĩ cho biết tôi bị ung thư đại tràng, tôi chuẩn bị sãn sàng để có thể về với Chúa, thì tôi nghiệm ra rằng: tất là những gì gọi là của mình đều ở lại đàng sau. Mình chết rồi, xuôi tay nhắm mắt rồi, người ta có hát bài của mình hay không, người ta có nhớ tới mình hay không, đối với mình nào còn có nghĩa gì nữa đâu! Cho nên tôi không đặt nặng vấn đề là người ta sẽ nghĩ gì về mình hay người ta sẽ đánh giá những bài Thánh ca của mình như thế nào. Tôi chỉ nghĩ rằng, tôi đã làm một việc với lương tâm của tôi trước mặt Thiên Chúa. Tôi nhận được một nén bạc, tôi phải cố gắng sinh lợi cho nén bạc đó, để rồi tôi đáp ứng nhu cầu Phụng vụ của Giáo hội, vì Giáo hội cũng đã tạo môi trường và cơ hội cho tôi để tôi có thể học hỏi thêm được những gì về lãnh vực Thánh ca.
    Còn những bài Thánh ca của tôi, tôi chỉ mong rằng có được nhiều người đồng cảm với tôi để cùng hát lên và cầu nguyện, thì đó là tôi đã đạt được cái thao thức của mình rồi ***

    Người Tín Hữu, Số Năm 9&10, 00, trang 19 - 21


    (nguồn: http://www.catruong.com/tailieu/phongvan_chakimlong.htm)


    Chữ ký của dominico_dung
    "ĐỪNG SỢ, BỞI VÌ CHA GỌI ĐÍCH DANH CON" (Isaia 43,1)

  10. Có 16 người cám ơn dominico_dung vì bài này:


  11. #6
    phucbi56
    Khách viếng
    phucbi56's Avatar

    Default

    Có bạn nào cho mình xin các Album của Cha Kim Long
    Email: phucbi1656@gmail.com

  12. #7
    khoailt's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2010
    Tên Thánh: VINCE
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Hà Nội
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 69
    Cám ơn
    703
    Được cám ơn 305 lần trong 57 bài viết

    Default

    Khoai rất ngưỡng mộ Cha Kim Long....
    Chữ ký của khoailt
    Trước nhan Chúa, ôi vui sướng tràn trề; ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi. Tv 16,11

  13. #8
    zz_yeuchua_zz's Avatar

    Tuổi: 32
    Tham gia ngày: Oct 2008
    Tên Thánh: maria
    Giới tính: Nữ
    Đến từ: hải dương
    Bài gởi: 141
    Cám ơn
    436
    Được cám ơn 498 lần trong 121 bài viết

    Default

    Hát những bài của Cha thật tuyệt..mình thik thánh vịnh hiii//ngưỡng mộ quá...
    Chữ ký của zz_yeuchua_zz


    "Ta phải tưởng nhớ đến Chúa như hơi ta thở"....


  14. Được cám ơn bởi:


  15. #9
    dominico_dung's Avatar

    Tuổi: 60
    Tham gia ngày: Nov 2007
    Tên Thánh: Dominico
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đàng trong
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,837
    Cám ơn
    6,848
    Được cám ơn 17,690 lần trong 2,615 bài viết

    Default



    (Ảnh sưu tầm trên Internet)
    Chữ ký của dominico_dung
    "ĐỪNG SỢ, BỞI VÌ CHA GỌI ĐÍCH DANH CON" (Isaia 43,1)

  16. Có 5 người cám ơn dominico_dung vì bài này:


  17. #10
    ngocanhdao's Avatar

    Tham gia ngày: Mar 2010
    Tên Thánh: Ma ri a
    Giới tính: Nữ
    Bài gởi: 42
    Cám ơn
    209
    Được cám ơn 140 lần trong 34 bài viết

    Default

    Trích Nguyên văn bởi dominico_dung View Post



    (Ảnh sưu tầm trên Internet)
    Trông ngài đẹp lão, phúc hậu như một ông cha Tây!!!

  18. #11
    mayxanh1234's Avatar

    Tham gia ngày: Nov 2010
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 594
    Cám ơn
    1,530
    Được cám ơn 1,865 lần trong 542 bài viết

    Default

    Có anh chị em nào biết bài "Chúa không lầm" được sáng tác vào khoảng năm nào không ạ? Xin cám ơn thật nhiều

  19. Được cám ơn bởi:


  20. #12
    Caohuong's Avatar

    Tham gia ngày: Sep 2010
    Tên Thánh: Antoine
    Giới tính: Nam
    Đến từ: http://gxvinhhuong.net
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,636
    Cám ơn
    5,176
    Được cám ơn 7,780 lần trong 1,873 bài viết

    Default



    Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  cha-phero-nguyen-kim-long-1.jpg
Lần xem: 4049
Kích thước:  21.7 KB

    Tấm hình biết nói...Đẹp
    Hình Ðính Kèm Hình Ðính Kèm Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  cha-phero-nguyen-kim-long-2.jpg‎
Lần xem: 316
Kích thước:  176.4 KB   Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  cha-phero-nguyen-kim-long-3.jpg‎
Lần xem: 288
Kích thước:  32.2 KB   Nhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  cha-phero-nguyen-kim-long-4.jpg‎
Lần xem: 299
Kích thước:  49.1 KB  
    thay đổi nội dung bởi: Caohuong, 19-09-2015 lúc 08:28 AM
    Chữ ký của Caohuong



+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com