Trong nghi thức nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả, có hai phần là xưng thú tội lỗi và nhận chìm vào trong nước để tỏ lòng sám hối được ơn tha tội. Chính vì vậy, khi Đức Giêsu chứng kiến nhiều người từ khắp miền Giuđê và Giêrusalem kéo đến với Gioan (Mc 1, 4-5), tôi tin chắc rằng Người đã vô cùng đau khổ về những gì nghe và thấy được, bởi tôi nhớ lại câu chuyện mà thánh Luca đã tường thuật như sau:

“Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ.” (Lc 7, 12-15)

Như thế, trước hình ảnh xưng thú và tỏ lòng sám hối để lãnh nhận ơn tha tội của rất nhiều người có mặt lúc đó, Đức Giêsu cũng đã “chạnh lòng thương” tận sâu trong trái tim như lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn Người. Với trái tim của Đấng chăm sóc linh hồn quặn đau như thế mà Đức Giêsu đã tiến lại gần cùng bước vào chỗ đứng của tội nhân và xin ông Gioan làm phép rửa cho Người. Đức Giêsu cùng đau khổ với con người hèn yếu và tội lỗi, dù Người không hề phạm tội. (2Cr 5, 21)

Tuy nhiên, trước sự tự hạ mình cao cả của Người, Gioan Tẩy Giả, người đã được Thiên Chúa sai đi làm phép rửa trong nước và đã nhận đựơc mặc khải “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29), nên ông đã một mực can ngăn. Nhưng với một trái tim quá đỗi yêu thương, bởi biết bao nhiêu người tội lỗi đang xưng thú và đang dìm mình trong nước để tỏ lòng khao khát như được chết đi để bước vào một đời sống mới, Đức Giêsu đã phải tỏ lộ với Gioan về một kế hoạch mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho Người qua cầu nguyện kết hợp thâm sâu. Người đã như xác nhận nghi thức mới mẻ mà Gioan đang thi hành là:

“Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người”. (Mt 3, 15)

Quả thật, chính tình yêu vâng phục thánh ý Chúa Cha và chính trái tim Đấng chăm sóc linh hồn bằng cách ôm lấy tội trần gian mà Đức Giêsu đã thể hiện giữ trọn đức công chính, qua việc bước xuống sông Giođan để lãnh nhận phép rửa bằng nước của Gioan, đã giúp tôi cảm nhận ra ý nghĩa Mầu Nhiệm Thập Giá, vì thanh dọc biểu tượng cho Tình Yêu vơi Thiên Chúa, còn thanh ngang biểu tượng cho Tình Yêu với con người.

Ngay trong cuộc khởi đầu của sứ vụ làm Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu đã thể hiện được lời tiên báo về Thập Giá. Thế cho nên, trong suốt thời kỳ rao giảng, đôi khi Người nhắc đến hai từ Phép Rữa để nói về cái chết trên Thập Giá, như có lần Đức Giêsu đã trăn trở:

“Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hòan tất.” (Lc 12, 50)

Trước sự khiêm hạ và vâng phục trọn vẹn đức công chính ngay từ khời đầu sứ vụ của Đức Giêsu, Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa bắt đầu tỏ lộ ra bằng vào tiếng từ trời phàn của Chúa Cha xác nhận nghĩa cử đầy tràn lòng nhân ái: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17). Đồng thời Thiên Chúa dùng chim bồ câu đáp xuống trên Người để diễn tả về sự tạo dựng mới thay cho tạo dựng cũ khi “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1, 2). Còn Người “vừa ở dưới nước lên” chính là Đấng mà ngôn sứ Isaia cùng toàn thể Itraen đã khẩn nguyện nài xin: “Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được kêu cầu danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan”. (Is 63, 19) Nay Đấng ấy đã đến như “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngừơi”. (Lc 7, 18)

Sau này, thánh Phêrô đã xác tín và kêu mời những ai đã lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần và lửa, tức các Kitô hữu rằng:

“Tội lỗi của chúng ta, chính Ngừơi đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em”. (1Pr 2, 24-25)

Thế cho nên, thánh Phêrô đã ân cần khuyên nhủ những Kitô hữu là: “Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người”. (1Pr 2, 21)

Với cảm nghiệm sâu xa được Trái Tim của “Vị Mục Tử, Đấng Chăm Sóc Linh Hồn anh em” qua nghi thức nhận phép rửa, ĐGH Bênêđictô XVI đã viết trong tác phẩm “ĐGS thành Nazarét” như sau:

“Nhìn các biến cố này trong ánh sáng Thập Giá và Sống lại, người Kitô hữu nhận ra những gì đã xẩy ra: Đức Giêsu đã gánh lấy mọi tội lỗi của con người trên vai mình. Người đã mang những tội lỗi này xuống vào trong sâu thẳm của Giođan. Người đã khai mạc hoạt động công khai của mình, bằng cách bước vào trong chỗ đứng của tội nhân. Cung cách khai mở của Người là sự tiên báo về Thập Giá.”


Lạy Chúa là Cha Giầu Lòng Nhân Ái của chúng con,

Xin cho chúng con luôn biết khiêm nhường và tự hạ với lòng sám hối chân thành tận sâu trong tâm hồn và trái tim.

Xin Cha cũng ban Thần Khí của Đức Kitô để Ngài biến đổi trái tim chúng con biết chạnh lòng thương những người còn đang gặp đau khổ vì những đam mê xác thịt, vì những dục vọng đớn hèn mà xã hội thực dụng đang ra sức lôi cuốn họ vào.

Đồng thời, xin Ngài tăng thêm sức mạnh nơi đôi chân cũng như đôi tay, để chúng con vững bước ra đi và quảng đại đến cùng với họ hầu xứng đáng dõi bước theo Đức Giêsu Kitô, Đấng Chăm Sóc Linh Hồn chúng con.

Chỉ bằng vào nhận chìm trong nguồn nước, tức cùng đồng hành với những người cùng khổ, chúng con mới được Cha chúc lành: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Amen.


[align=right:0e2fec1983]Phêrô Vũ văn Quí CVK64[/align:0e2fec1983]