SUY NGHĨ VỀ CA HÁT TRONG NHÀ THỜ


Dù dễ tính đến đâu cũng phải thấy rằng việc ca hát trong nhiều nhà thờ của chúng ta hiện nay chưa ổn. Lý do chưa ổn là vì còn ồn ào kích động quá, không giúp người ta cầu nguyện, lại thiếu nghệ thuật trong việc đàn hát và không tuân hành kỷ luật về ca hát theo phụng vụ. Vì thế xin có vài suy nghĩ sau đây :

1. Ca hát trong nhà thờ là một việc thờ phượng, nên phải cử hành cho đúng với các quy tắc của việc thờ phượng là trang nghiêm, kính cẩn, thiết tha và chân thành để tỏ lòng thần phục, suy tôn, yêu mến Chúa là Chúa Tể càn khôn đáng mọi lời tôn vinh chúc tụng.

2. Vì vậy phải chọn các bài hát và huấn luyện các ca viên cũng như cộng đoàn hát theo những đòi hỏi của nghệ thuật ca hát và tinh thần phụng vụ.


3. Phải chọn những bài hát đạo đức, có nghệ thuật cao, và hát vào đúng vị trí của những bài ấy trong lễ, nghĩa là nhập lễ ra nhập lễ, đáp ca ra đáp ca, hiệp lễ ra hiệp lễ.

4. Hát ở nhà thờ không giống như hát ở phòng trà, trên Tivi, hay sân khấu. Vì thế bài hát, cung giọng hát cũng như cách họa đàn phải khác. Mỗi nơi có quy luật riêng không được lẫn lộn từ phạm vi này sang phạm vi khác.

5. Không được hát trong nhà thờ những bài hát dùng ơû ngoài khung cảnh phụng vụ, nay đặt lời khác vào rồi đem hát trong thánh lễ.

6. Phải bớt dần và loại hẳn những bài hát lời ca mơ hồ, cung nhạc lãng mạn, nặng các yếu tố mây mưa, trăng gió hơn là những tâm tình thờ phượng, mến yêu, kính tôn, ca tụng.

7. Cần phân biệt nhạc vào đời với nhạc phụng vụ. Nhạc vào đời là nhạc dùng các tâm tình, ý tươûng tôn giáo để du nhập vào đời, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ; còn nhạc phụng vụ là nhạc hát trong nhà thờ, đặc biệt là trong lễ, để thờ phượng, tôn vinh Chúa. Nhạc này đòi hỏi cả về nội dung lẫn hình thức : nội dung thì phải thấm nhuần những tâm tình đạo đức phát xuất từ Kinh Thánh, phụng vụ ; hình thức thì phải đạt tới một mức độ nghệ thuật mà một người vừa có khiếu, vừa có trình độ mới mong thỏa mãn được cả về âm nhạc lẫn phụng vụ.

8. Ca đoàn không phải là một hội ái hữu, cũng không phải là một câu lạc bộ, mà là một đoàn thể gồm những người thành tâm thiện chí, muốn phụng sự Chúa bằng lời ca, tiếng hát. Đây là một công tác tông đồ và đạo đức, mà chỉ những người có tinh thần đạo đức và tâm hồn tông đồ mới thực hiện được.
Nếu ai có dịp tham dự các Thánh lễ ở Âu Mỹ, trong các nhà thờ có Việt kiều và người bản xứ hát, chắc hẳn sẽ thấy có sự khác biệt lớn. Khác biệt ơû chỗ này là khác với điều người ta vẫn thường nghĩ là người bản xứ phải hát những loại nhạc mới thời thượng bây giờ, nhưng ngược lại, họ lại hát loại nhạc nghiêm trang đứng đắn của nhà thờ, còn Việt kiều mình thì lại hát những loại nhạc náo động ồn ào, thích hợp cho những tụ điểm ca hát ngoài trời hơn là trong nơi thờ phượng. Nhạc của họ cũng mới nhưng vẫn giữ được cung cách riêng của loại nhạc thờ phượng trong tôn giáo tuân theo các kỷ luật hiện hành của Giáo hội.

Không biết như thế có đáng cho chúng ta suy nghĩ lại
về các bài hát và cách hát trong nhà thờ của chúng ta hay không?