Bài Giảng Của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn


Trong Thánh Lễ Chúa Chiên Lành


Ngày Kỷ Niệm Cung Hiến Nhà Thờ Chánh Tòa Đàlạt


(24.4.1983 - 2010)


Anh chị em rất thân mến,

Chúa nhật IV Phục sinh còn gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, chính Chúa Giêsu đã xưng mình là Mục-Tử-Nhân-Lành. Chúng ta cũng thường gọi các Giám mục, Linh mục, những người có trách nhiệm chăm sóc Dân Chúa là mục tử.

Có lẽ nên đặt lại vấn đề một chút kẻo đi đến những kết luận không tốt. Nếu gọi các Giám mục, Linh mục không chỉ là mục tử mà còn là mục tử thánh thiện, mục tử nhân lành, rồi khi thấy đời sống của các ngài chưa hoàn toàn mẫu mực, còn nhiều khuyết điểm… dần dần chúng ta thấy chữ “mục tử” trở nên tầm thường. Vậy chúng ta dứt khoát dùng chữ “Mục tử Nhân lành” cho một mình Chúa Giêsu mà thôi ; khi nói đến “Mục tử Nhân lành” thì hiểu đó là Chúa Giêsu.

Còn chúng ta quen gọi những vị khác là mục tử theo nghĩa nào ?

Theo nghĩa : Chúa Giêsu, Vị Mục tử Nhân lành duy nhất, hoạt động nơi những con người đó, “nơi” không phải “nhờ”, vì nếu nhờ thì hóa ra vai trò của Chúa Giêsu lệ thuộc vào các Giám mục, Linh mục hay sao ? Giám mục và Linh mục chỉ là công cụ của Chúa Giêsu để Ngài sử dụng và thực hiện công việc của Thiên Chúa. Chỉ có điều, công cụ này có sự tự do, có quyền chọn lựa làm theo hay không, nhưng khi làm theo là Chúa Giêsu đang làm. Hiểu như vậy, chúng ta kết luận :

1. Thông cảm hơn khi thấy có một Giám mục, Linh mục chưa thể hiện được sự khao khát, chờ đợi của chúng ta ; biết rằng đó cũng là những con người còn nhiều giới hạn.

2. Không buồn phiền, trách móc, chán nản, nhưng cầu nguyện cho những vị đó biết để Đức Kitô hoạt động nơi mình, để lời rao giảng của các ngài thể hiện được lời Đức Kitô.

Vị Mục tử Nhân lành “biết từng con chiên”, không một Giám mục hay Linh mục nào dám nói mình được như vậy. Đó là chưa nói đến chữ “biết” trong Kinh Thánh, không chỉ là hiểu biết về trí tuệ, mà như khi Đức Mẹ nói “tôi không biết đến người nam”, chữ biết này là thông hiểu, kết hiệp, gắn bó hoàn toàn. Chúa Giêsu biết rõ từng người hơn chính chúng ta biết mình. Chỉ có Ngài mới biết chúng ta cách thâm sâu, Ngài biết từng người, chẳng một ai lại không là đối tượng hiểu biết của Ngài, dù chúng ta không bằng cấp, không địa vị, không tiền bạc…

Vị Mục tử Nhân lành chăm sóc khi chúng ta đau yếu, băng bó khi chúng ta bị thương tích, tìm kiếm khi chúng ta tội lỗi, phản bội, lạc lối…

Vị Mục Tử Nhân Lành chết cho mỗi người chúng ta, và chính sự sống lại của Ngài cho chúng ta được sự sống đời đời. Nhìn vào Đức Giêsu chúng ta có tất cả niềm tin, niềm hy vọng ; nhìn vào Ngài, không ai thất vọng về bất cứ một điều gì.

Vị Mục tử Nhân lành luôn hiện diện, đồng hành với chúng ta trong cuộc đời, nơi những con người mà Ngài kêu gọi, tuyển chọn và sai đi.

Ví dụ : thay vì trực tiếp nghe Đức Giêsu giảng dạy, truyền đạt, thì có những người được chọn để đọc, quảng diễn lời Kinh Thánh. Chúng ta cầu nguyện để những người này khi thi hành phải như chính Chúa Giêsu. Việc làm này không sai phạm gì với Chúa Giêsu, vì Ngài muốn tiếp tục hiện diện, hoạt động nơi những con người đó.

Cũng vậy, trong cử hành Phụng vụ, phải cử hành như Chúa Giêsu và thật sự là Chúa Giêsu : Khi cầm lấy bánh, Chủ tế nói “Này là mình Ta”, không phải là mình của Chủ tế mà là Mình của Đức Kitô. Việc chúng ta đang suy niệm là sự thật, nó là như vậy, chỉ có điều chúng ta chưa ý thức đủ mà thôi. Cử hành Bí tích là để Bí tích nuôi sống đàn chiên chứ không chỉ là một nghi lễ. Không rao giảng chỉ như một bài thuyết trình, nhưng hiệu quả của lời rao giảng được thể hiện nơi cuộc sống của con chiên mình. Người là mục tử phải điều khiển đàn chiên mà Thiên Chúa trao phó, mà trong Giáo Hội, điều khiển là phục vụ, vì lời Chúa Giêsu “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”.

Ngày cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu, một đàng chúng ta quy hướng về Đức Kitô là Mục tử Nhân lành duy nhất ; đàng khác chúng ta cầu nguyện để Vị Mục tử đó có thể hoạt động cách hiệu quả nơi những con người mà Ngài đã tuyển chọn và sai đi.

Hãy liên lỉ cầu nguyện, vì trên thế giới và ngay Giáo Hội Việt nam còn thiếu rất nhiều mục tử. Nhưng chúng ta phải chia sẻ, vì không phải Giáo Hội chỉ ở Phi Châu hay Giáo Hội Phi Châu tách rời khỏi Giáo Hội toàn cầu, mà Giáo Hội là một. Hiện nay, tại Việt nam vẫn còn những Địa phận chưa được 1% người biết Chúa. Còn biết bao người chờ đợi để được yêu thương, được chăm sóc, được rao giảng… Xin Chúa thương ban cho Giáo Hội Toàn cầu và Giáo Hội Việt Nam nhiều mục tử như lòng Chúa mong muốn. Điều này không tự ý con người nhưng chính Chúa Giêsu đã dạy : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt còn thiếu, hãy xin cùng Chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến trong thửa ruộng của Ngài”.

Tứ Linh lược ghi.
http://simonhoadalat.com/DIAPHAN/MUC...BGCungHien.htm