Chúa Nhật XXII Thường Niên C

KHIÊM HẠ

Hc 3,19-21.30-31; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14



-----------Don Shula huấn luyện viên đoàn cá heo ở Miami, đầy tài năng và rất nổi tiếng. Ông đang cùng gia đình nghỉ hè tại một thị trấn nhỏ miền bắc tiểu bang Miami. Vào một buổi chiều vì trời mưa nên Shula cùng vợ và năm đứa con quyết định đi xem một xuất phim chiếu tại rạp hát duy nhất của thị trấn.

----------- Khi họ đến thì các ngọn đèn trong rạp vẫn còn mở sáng. Trong rạp chỉ có sáu khán giả. Khi Shula và gia đình ông bước vào, tất cả sáu người đứng dậy vỗ tay. Shula liền vẫy tay chào lại vừa mỉm cười đáp lễ. Sau khi ngồi vào chỗ, Shula quay sang vợ và nói: “Chúng ta từ Miami cách xa cả ngàn dặm đến đây thế mà họ tiếp đón anh nồng nhiệt đến thế. Chắc hẳn là đám cá heo được đem trình chiếu trên truyền hình đã lan tận đến cả ngõ ngách này!”

-----------Ngay lúc đó có một chàng thanh niên tiến đến bắt tay Shula. Shula tươi cười nói: “ Làm sao bạn nhận biết tôi?” anh trả lời: “Thưa ông, tôi chả hề biết ông là ai cả, chẳng qua là ngay trước khi ông và gia đình ông bước vào rạp hát, viên quản lý rạp có bảo chúng tôi là nếu không có thêm bốn khán giả nữa thì ông ta không thể chiếu xuất phim này”...

-----------Don Shula “tẽn tò” vì ban đầu cứ nghĩ rằng mọi người vỗ tay chào đón ông và chàng thanh niên đến bắt tay ông vì đã nhận biết ông là ai…. Khi sự thật được hiểu ra Shula lại là người đầu tiên tự chế giễu mình, ông rất lấy làm vui thú về sự kiện ấy nên ông mới kể chuyện đó với kẻ khác. Ông thiếu khiêm tốn vì cứ nghỉ mọi người chào đón mình vì sự nổi tiếng, nhưng ông thật khiêm tốn khi nhận ra sự thật và chia sẻ biến cố trên với mọi người…

-----------Tin Mừng Luca 14,1.7-14, Biệt phái Pharisêu tự phụ, giả hình, luôn tự dành cho mình chỗ nhất ở mọi nơi vì cho rằng mình đạo đức xứng đáng được trọng vọng. Họ dựa vào những tước hiệu được dân chúng tôn trọng, khen ngợi và nghĩ rằng mình cũng được quyền ưu tiên vào Nước Trời. Họ quên mất rằng chính bản thân mình phải cố gắng trở nên con người xứng đáng với chỗ nhất trong nước Trời. Những Ai tự cao tự đại, chỉ dựa vào sự công chính của mình, sẽ không có chổ trong nước Trời (x. Lc 18, 9-14).

-----------Theo Khổng Tử : “ khiêm tốn là cái nền của ‘chúng thiện”.

-----------Thật thế, Đức khiêm tốn luôn được coi là một nhân đức căn bản trong đời sống thiêng liêng, và là đức tính trụ cột cho con người trong nghệ thuật xử thế nói riêng và đời sống nhân bản nói chung.

-----------Trong đời sống nhân bản tương quan với tha nhân, khiêm tốn là tính nhã nhặn, nhún nhường không cậy mình tài giỏi, khôn khéo, giàu sang hơn người mà khinh chê người khác được gọi là khiêm nhường. Ca dao có câu:

Ai nhất thì tôi thứ nhì
Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba


-----------Với bản thân, khiêm tốn là ý thức đánh giá, nhìn nhận chính con người đích thực của mình với những khiếm khuyết và khả năng. Không tự mãn tự kiêu, coi mình hơn người, cũng không hạ mình thái quá dẫn đến tự ti mặc cảm. Khiêm tốn nâng cao giá trị của tài năng, người tài năng mà khiêm tốn sẽ chiếu tỏa ánh sáng của người tài đức song toàn. Tục ngữ có câu: "Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu", nghĩa là sự khiêm tốn tăng giá trị của người ta lên gấp bốn lần.

-----------Thật thế, sự khiêm nhường luôn tạo được ấn tượng tốt đẹp hơn là sự kiêu căng, thích tỏ ra hơn người. Vì với kiêu căng như Đức Hồng Y Fulton J. Sheen nói : “Người nào tự bó chặt bản thân trong những suy nghĩ tự cao tự đại, thì chẳng bao lâu sẽ trở nên một kẻ nhỏ mọn trong mắt người khác”. Sách Cách ngôn nói:

“Kiêu hãnh đi liền với ô nhục,
khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường”
(Cn 11, 2)

-----------Khiêm tốn con giúp ta nhìn nhận những khiếm khuyết nơi mình, sẵn sàng sửa chữa và rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Giúp ta lắng nghe góp ý cua moi nguoi : không chỉ của cấp trên mà còn của bạn hữu, cấp dưới. Khiêm tốn làm cho bạn dễ thương hơn dưới con mắt của mọi người, từ đó giúp bạn thu tâm lòng người - “ đắc nhân tâm”trong giao tiếp và trong cuộc sống. Như Lão Tử dạy sống khiêm tốn:

“Để mình ra sau, mình lại đứng trước.
Bỏ mình ra ngoài, mình lại vẫn còn”

-----------Khiêm tốn phải xuất phát là tự đáy tâm hồn. Tự luyện từ bên trong, “luyện từ gốc-tâm hồn” không được bỏ sót ‘luyện khiêm tốn’. Có luyện khiêm tốn, một đức khiêm tốn thực sự chân thành từ gốc tâm hồn, thì mới mong đạt tâm hồn cao đẹp để làm Người. Còn các kiểu ‘dạy’ kỹ xảo bề ngoài ví dụ dạy rằng “lúc nào cũng như lúc nào, … trên khuôn mặt phải như có cái mặt nạ” (Ramond de Saint Laurent, sách ‘Học cách…thành công’, NXB Trẻ, 10/2000 tr 63) Thật thế, khiêm tốn bề ngoài, chỉ như là cá mặt nạ, rồi có lúc mặt nạ sẽ bị lột ra, hay tự rơi xuống…nên sự khiêm hạ phải xuất phát từ tâm…

-----------Trong tương quan với đức tin: “ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên…” (Lc 14, 11), Chính sức mạnh và tình yêu Thiên Chúa Chúa ở cùng và làm cho công chính hóa và cất nhắc.
Khiêm tốn làm chúng ta trở nên nhỏ bé trước Chúa : “Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19, 14),. Trước mặt Ngài phải biết mình “yếu đuối” “nhỏ bé” và chọn “ở chỗ cuối”, để hoàn toàn trông cậy vào tình yêu của Ngài, đồng thời hoàn toàn từ bỏ niềm cậy trông vào sức lực của riêng mình (x. Lc 17,10; 18,10-14).

-----------Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng thật lòng” (Mt 11 ; 29). Thánh Phaolô đã nhìn thấy sự khiêm nhường của Đức Kitô trong sứ mạng Messia ở trần gian, nên đã xác tín : “Đức Kitô đã hủy mình ra không, lãnh lấy thân phận tôi đòi… đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết trên thập giá. Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài… hầu trước Danh hiệu của Đức Giêsu, mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy… và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Giêsu Kitô là Đức Chúa” (Pl 2,6-11).

-----------Theo chân Chúa Giêsu sống giáo huấn Khiêm nhường và nhớ lại lời dạy của Sách Huấn Ca : Càng làm lớn con càng phải hạ mình khiêm tốn trong mọi sự thì con sẽ được đẹp lòng Chúa” (Hc 3, 18)

-----------Thật thế, lời kinh Ngợi Khen- Manificat luôn vang vọng:

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng
“Chúa sẽ hạ bệ những ai quyền thế,
Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường…
(Lc 1, 51- 52)
.


Lm. Vinh Sơn, Sài gòn 28/08/2010