ĐAN SĨ VỚI ÂM NHẠC
(Bài viết riêng về chiêm niệm)

Hiền Lâm - Thông Giáo


* Dẫn nhập:
Từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây, dẫu cho mọi sinh hoạt của xã hội có xô bồ hối hả, ồn ào náo nhiệt, thì nơi các đan viện vẫn sáng sáng chiều chiều vang lên những tiếng đàn lời ca du dương như một điệp khúc ca tụng Thiên Chúa. Dẫu biết rằng, âm nhạc là một nhu cầu tinh thần và văn hóa không thể thiếu nơi con người, đặc biệt trong chiều kích tâm linh tôn giáo, vừa để diễn tả tâm hồn, vừa để làm vui thỏa lòng nhau… Nhưng để lời ca tiếng nhạc được vang lên mãi trong mọi sinh hoạt của các đan sĩ, thiết nghĩ âm nhạc phải có một vai trò đặc biệt, cũng như mang những ý nghĩa thần học nào đó khơi nguồn từ Thánh Kinh và xuyên qua phụng vụ của Giáo Hội? Dưới đây là một vài nghiên cứu:

I. KINH THÁNH - BẢN TRƯỜNG CA VÔ TẬN.
Có thể nói được rằng, Kinh Thánh được xem là bản trường ca bất tận vang lên ca ngợi công trình sáng tạo và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngay từ những trang đầu của Cựu Ước, dòng văn tư tế đã tường thuật công cuộc sáng tạo như một điệp ca phụng vụ, mà trong đó Thiên Chúa như một ca viên khởi xướng từng “nhịp lao động”, và điệp khúc được đáp lại là: “Thiên Chúa thấy tốt đẹp, qua một buổi chiều và một buổi sáng…” (x.St 1, 1- 2, 3). Aâm điệu thi nhạc liên tục vang lên xuyên suốt lịch sử Israel diễn tả mọi tâm tình, từ khúc hát vượt qua (x. Xh 15, 1- 21) đến lời hân hoan trong ngày cung hiến và tẩy uể đền thờ (x. 1Mcb 4, 54- 59). Cựu Ước còn cho thầy một nhân vật nổi tiếng về sáng tác và đàn ca là David, ông đã dùng tiếng đàn lời ca để làm vui lòng Sao- lê trong cơn cường nộ (1Sm17, 23); ông còn hân hoan múa nhảy trước hòm bia Thiên Chúa (2Sm 6, 14- 21); và đặc biệt là cả một kho tàng Thánh vịnh mà phần lớn được gán cho ông sáng tác. Các sách ngôn sứ cũng đã nhiều lần nói đến cả một triều thần thiên quốc hát ca mừng Thiên Chúa, cùng với sự hợp đoàn của con người như trong Thánh vịnh 136 từng diễn tả: “Giữa chư vị thiên thần, con đàn ca mừng Chúa…”
Bước qua Tân Ước, lời ca tiếng nhạc được khơi nguồn từ bài hát thiên thần trong ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh (Lc 2, 13- 14); các thánh thi chúc tụng được thốt ra từ miệng ông Giacaria, của Đức Maria và của cụ già Simeon (Lc 1, 47- 55; 68- 79; 2, 29- 32). Kế đến là những buổi hát thánh vịnh trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. Cvtđ 2, 42- 47), và lời kêu gọi không ngừng hát lên bài ca cảm tạ trong các thư tín của các Tông Đồ mà đặc biệt là Phao lô (Ep 5, 19; Cl 3, 16; …). Và cuối cùng là những bài ca của triều thần trước tòa Con Chiên và tiếng hát khải hoàn của Giáo Hội hiền thê được ghi lại trong sách Khải Huyền (Kh 4- 5; 15, 3- 4; 19, 1- 7).

II. BÀI CA TỤNG CỦA GIÁO HỘI HIỀN THÊ.
Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết và trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể. Thật vậy, không những Thánh Kinh mà cả nhiều Giáo Phụ và nhiều Đức Thánh Cha đã khen ngợi và cổ võ Thánh Nhạc trong Phụng vụ . Thánh Augustino từng nói: “Hát hay là cầu nguyện hai lần” . Thánh nhân ví Thiên Chúa như một nhạc sư đại tài, vì thế, phải hát ca ngợi Thiên Chúa cho thật hay, thật khéo, hát với cả tâm hồn bật lên thành tiếng reo vui .
Thánh Hilario: sáng tác nhiều thánh thi ca ngợi và chiêm ngắm kiệt tác của Thiên Chúa. Thánh nhân muốn được hòa mình vào bản trường ca của vũ trụ và các thiên thần:
Con muốn đồng ca cùng vũ trụ
Những mong hợp tấu với thiên thần
Giữa lòng chư thánh ôi vinh dự
Muôn thuở hát mừng Chúa từ nhân .
Thánh Bênêđictô: kêu gọi các đan sĩ đặt thần vụ lên hàng đầu khi nói: “Không lấy gì hơn việc Chúa” . Thánh nhân đã dành 15 trong 73 chương của cuốn Tu Luật để nói về thần vụ, áp dụng lời ngôn sứ: “Con ca tụng Chúa mỗi ngày bảy lượt” Tv 118, 164), nghĩa là không ngớt lời ca tụng Chúa và phải hát sao cho tâm trí hòa hợp với lời ca .
Thánh Giáo Hoàng Gregorio Cả đã có công lớn trong việc phát triển thánh nhạc trong Giáo Hội. Còn thánh Pio X thì được xem là vị tiên phong làm sáng tỏ vai trò của thánh nhạc trong Phụng Vụ .
Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Phụng Vụ Thánh đã dành nguyên chương VI để bàn về thánh nhạc, Công Đồng viết: “Thánh nhạc càng liên kết với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bầy nhiêu, vì diễn tả lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn, cổ võ sự đồng thánh nhất trí, thánh hóa bản thân, thánh hóa Giáo Hội…” .
Riêng phụng vụ Đông Phương được cử hành hết sức long trọng và lâu giờ khi dùng rất nhiều bài thánh ca và nhiều bản nhạc bình ca rất hoành tráng.
Còn phụng vụ đan tu: Từ thế kỷ thứ V trở đi, các đan viện được xem là cái nôi của âm nhạc thánh, vì ở nơi đó các bản thánh ca và nhạc thần tụng được các đan sĩ ngày đêm của hành trong các giờ kinh và mỗi ngày làm phong phú hơn về kỹ thuật và âm điệu.
Tại Âu Châu, đan viện Solèsmes cho đến hôm nay vẫn được coi là kho tàng thánh nhạc của Giáo Hội, được Giáo Hội giao cho trọng trách là gìn giữ và làm phát triển sự thánh thiêng của thánh nhạc.
Riêng phụng vụ đan tu tại Việt Nam phần lớn đã chuyển toàn bộ mọi kinh nguyện thần vụ thành các bản nhạc để các đan sĩ hát mỗi ngày.

III. ĐAN SĨ VỚI ÂM NHẠC (suy tư thần học).
Ngay từ những trang đầu của hiến chương đức ái (Dòng Xitô), thánh Stephno Hardingo đã ví đời sống đan sĩ như đời sống thiên thần (Vita angelica) , nghĩa là các đan sĩ vừa được xem như những Séraphim liên lỉ ca ngợi Chúa, vừa như những Chérubim phục vụ Chúa và chuyển cầu cho nhân loại. Thật vậy, Tu Luật thánh Biển Đức mà các đan sĩ đọc mỗi ngày cũng nhắc các đan sĩ ý thức vì mình đang hợp đoàn với triều thần thiên quốc liên lỉ hát lên bài ca tụng Thiên Chúa. Nhưng để hát lên bài ca tụng và để giờ thần vụ thêm sốt sắng uy nghi thì không thể thiếu âm nhạc. Có thể nói, âm nhạc gắn liền với đan sĩ trong cả nền linh đạo đan tu.

1. Âm nhạc có giá trị cầu nguyện.
Mỗi ngày bảy lần các đan sĩ đọc kinh chung với nhau. Thật vậy, nếu giờ kinh không được phong phú bằng âm nhạc là những giai điệu thánh được thay đổi liên tục để cuốn hút và nâng tâm hồn lên, thì chắc chắn sẽ gây nhàm chán. Đặc biệt, nhờ nhạc thánh xua tan mọi ước vọng xấu như lời thánh thi mùa vọng mà các đan sĩ hát: “Khi nhạc thánh con vừa cất tiếng, đã tan mọi ước vọng xấu xa” .
Thật vậy, khi được cuốn hút trong những nghi lễ thánh, được nâng tâm hồn lên trong điệu nhạc thánh thì tự nó giúp đan sĩ có một cái nhìn thoát tục vượt lên mọi quyến luyến thấp hèn.
Hơn nữa, lời cầu nguyện thêm chân thành và thanh thoát bởi âm nhạc, vì chính nhờ âm nhạc mà mọi người có thể diễn tả tâm hồn mình. Cũng thế, khi đan sĩ dùng Lời Chúa để sáng tác thành các ca khúc, thì đã làm cho âm nhạc diễn tả Lời Chúa và làm cho Lời Chúa qua âm nhạc thấm nhập vào tâm hồn.

2. Âm nhạc và lao động.
Như một sự gõ nhịp thầm lặng và đều đặn theo nhịp trống, trong mọi lúc mọi nơi, đan sĩ sống tinh thần vui luôn trong Chúa nhờ tâm hồn nghệ sĩ (thánh Augustino). Thật vậy, ý nghĩa thần học về lao động theo đan tu là một phương thế truyền giáo khi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hiện tại hóa bài ca sáng tạo của Ngài mà sách Sáng Thế được truyền thống Tư Tế viết theo bản điệp ca phụng vụ.
Nhờ lao động trong sự ca tụng Thiên Chúa mà âm nhạc đã giúp cho mọi người thấy Chúa trong anh em như “Khúc hát người ca công” mà thi sĩ Tagore diễn tả: “Thượng Đế ở trong những con người vất vả ướt đẫm mồ hôi, áo quần tả tơi dưới ánh nắng mặt trời” .

3. Âm nhạc có giá trị truyền giáo.
Các đan viện từ Cổ chí Kim luôn là nơi để mọi người tìm đến tĩnh tâm, mà một trong những lý do để mọi người thích đến đan viện là cảm nhận được một sự cuốn hút lạ lùng đến với Chúa nhờ tham dự các giờ kinh thần vụ với các đan sĩ, vì các giờ kinh đó được hát lên bằng những giai điệu thánh.
Linh đạo đan tu là truyền giáo bằng cầu nguyện, mà phương thế cầu nguyện của các đan sĩ chính là các giờ kinh thần vụ thật trang trọng và sốt sắng. Chính âm nhạc làm cho các đan sĩ không những không nhàm chán, mà cáng thêm yêu thích ca ngợi Chúa. Và như thế, âm nhạc cũng gián tiếp giúp các đan sĩ bền đỗ trong ơn gọi. Ngoài ra, với sự tiếp xúc hàng ngày với muôn điệu nhạc thánh, tâm hồn đan sĩ trở nên “lãng mạn- yêu đời” dễ gần gũi và dễ cảm thông với hết những ai đến với họ.

4. Âm nhạc có giá trị hiệp thông
Lời ca tiếng hát không những lôi kéo mọi người đến với Chúa mà còn giúp các đan sĩ đến với nhau và làm vui thỏa lòng nhau (như ngày xưa David gảy đàn giúp Saun bớt căng thẳng).
Aâm nhạc thánh làm biến đổi tâm hồn nóng nảy nên hiều dịu, giúp giữ được sự bình tĩnh cần thiết để rồi dễ cảm thông và tha thứ cho người khác. Chính những giờ kinh thần vụ lôi kéo mọi người phải đồng tâm nhất trí với nhau, vì khi hát một bản nhạc, mọi người không đem hết tâm hồn mà hát đúng theo bè thì không thể hát hay được.
Cũng có thể ví mọi đan sĩ như một nốt nhạc trong cộng đoàn. Mỗi nốt nhạc có chỗ đứng riêng, có giá trị riêng, nhưng phải liên kết với nhau thì mới trở nên bài ca hoàn hảo được. Cộng đoàn đan tu cũng được ví như cây đàn trong tay Thiên Chúa, mà mỗi đan sĩ được xem như những giây đàn, để từng tiếng nhạc cung đàn đều trở nên giá trị cứu độ. Cuối cùng, nhờ âm nhạc mà đời sống đan sĩ thêm thi vị, thêm yêu đời và yêu người, giúp đan sĩ luôn giữ được niềm vui trong nhà Chúa .

5. Âm nhạc và chiêm niệm.
Một trong những đặc tính của chiêm niệm là có cái nhìn thầu suốt xuyên qua những sự vật hữu hình để gặp cái linh thánh, xuyên qua những kỳ công của Tạo Hóa để đạt tới chính Đấng Tạo Hóa. Theo nghĩa này, các đan sĩ cùng được ví như những khán thính giả chiêm ngưỡng những kỳ công trong vũ trụ mà Thiên Chúa là tác giả của những công trình ấy. Có thế nói, Thiên Chúa, nghệ sĩ số một đã tạo nên những cung điệu trong vũ trụ thật kỳ diệu và hài hòa mà không một nghệ sĩ tài bai nào có thể phối khí được như thế. Khi chiêm ngưỡng những kiệt tác đó, đan sĩ muốn học cách thức của những nốt nhạc và những dấu lặng mà Thiên Chúa ghi nơi vạn vật để ca ngợi Thiên Chúa như bản trường ca bất tận.
Như thế, khi chiêm ngắm kỳ công của Thiên Chúa với một tâm hồn được thi vị nhờ âm nhạc, đan sĩ có được cái nhìn thanh thoát và trong sạch trước mọi thụ tạo, ca ngợi những vẻ đẹp của những kiệt tác Tạo Hóa hơn là bị giao động theo ước muốn thấp hèn. Và như vậy, chính âm nhạc đã góp phần không nhỏ giúp đan sĩ sống lời khấn khiết tịnh.
Khi ca hát chiêm ngưỡng Thiên Chúa qua mọi kiệt tác của Người thì cũng đồng nghĩa với việc ý thức Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi để đan sĩ cầu nguyện và xa lánh dịp tội; ý thức Thiên Chúa hiện diện trong mọi người để dấn thân phục vụ; ý thức Thiên Chúa ở trong mọi biến cố của cuộc sống để đan sĩ có thể nhảy theo những “nhịp điệu” mà Thiên Chúa muốn.

6. Bài ca hiến tế.
Sự cảm nhận riêng tư nhất của người viết bài này là so sánh bài ca cảm tạ (Te Deum) trong Dòng Xitô có thói quen hát lên sau khi an táng một đan sĩ đã qua đời. Đó chính là khúc hát vượt qua, là bài ca xuất hành trong Cựu Ước, là khúc ca chiến thắng trong sách Khải Huyền. Bài ca của sự hiến tế cuối cùng, bài ca trọn đời dâng hiến để tháp nhập người anh em đan sĩ vào cộng đoàn Thiên Quốc hát lên bài ca bất tận ngàn trùng. Như thế, âm nhạc vừa dệt nên cuộc đời đan sĩ, vừa đón đưa đan sĩ vào cuộc sống vĩnh cửu.

* Kết luận:
Để đạt được mục đích cần có một lý tưởng và để bước theo lý tưởng đó cần có một phương thế khả dĩ. Cũng thế, để nên thánh, các đan sĩ chọn lý tưởng đan tu. Nhưng để sống trọn vẹn ơn gọi đan tu, các đan sĩ cần một phương thế để thực hiện. Một trong những phương thế đó chính là phụng vụ, vì phụng vụ là trung tâm cuả đời sống đan tu, được dệt bằng một nền âm nhạc, chủ yếu là bình ca, với nội dung chủ đạo bắt nguồn từ Kinh Thánh và suy tư của các Giáo Phụ. Từ đó, âm nhạc đến với đời sống đan sĩ mang một ý nghĩa thần học rõ ràng trong linh đạo sống: cầu nguyện và lao động đến chiều kích hiệp thông và chiêm niệm. Tất cả nhằm thánh hóa bản thân và nên ơn cứu độ cho mọi người.