1. Đức Gioan Phaolô II một khuôn mặt siêu việt.

Hôm thứ Sáu ngày 14/1/2011 Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI quyết định tôn phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 1/5/2011, tức là 6 năm và 1 tháng, sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời. Hôm đó là Chúa nhật II Phục sinh, lễ kính Lòng Thương xót Chúa. Như thế Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI sẽ chủ sự lễ phong Chân phước cho chính vị tiền nhiệm của Ngài. Quyết định này đáp lại nguyện vọng của không biết bao nhiêu tín hữu là những người đã “phong thánh” cho Ngài ngay trong thánh lễ an táng tại quảng trường thánh Phêrô. Quyết định này dựa theo một phép lạ, mà hôm 14/1/2011 chính Đức Giáo hoàng đã cho công bố Sắc lệnh nhìn nhận rằng phép lạ đó là nhờ lời chuyển cầu của Đức cố Gioan Phaolô II. Phép lạ này xảy ra nơi một nữ tu, 2 tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời (2/4/2005). Nữ tu này tên là Simon Pierre Normand, bị bệnh Parkinson hồi năm 2001, chị đã cầu nguyện với Đức Gioan Phaolô II xin Ngài chữa khỏi, và vào ngày 3/6/2005 chị đã hết bệnh, Hội đồng Y khoa của Bộ Phong Thánh đã đồng thuận rằng cuộc khỏi bệnh của chị nữ tu đó không thể giải thích được về mặt khoa học.

Trong 10 thế kỷ qua, đã không có Đức Giáo hoàng nào tôn vinh ngay lập tức người tiền nhiệm mình lên hiển thánh. Như thế Đức Gioan Phaolô II quả là vị Giáo hoàng hết sức đặc biệt. Như tờ báo WallStreet General đã gói ghém trong một câu vắn tắt: “Đức Gioan Phaolô II là một khuôn mặt siêu việt trong thế giới hữu hạn”. Thật vậy, nhiều vị lãnh đạo tinh thần trên thế giới đã có lời ca tụng về con người độc đáo này:

- Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị thủ lãnh tối cao của Phật giáo Tây Tạng nói rằng: quả thật Ngài có một ý chí và một quyết tâm giúp đỡ nhân loại về mặt tâm linh. Đó là điều tuyệt vời, là điều thiện hảo. Tôi biết rằng thật là khó khăn biết bao cho những nhà lãnh đạo theo đuổi những vần đề này.

- Mục sư Billy Graham cho rằng Đức Gioan Phaolô II sẽ đi vào lịch sử như một vị Giáo hoàng vĩ đại nhất trong thời đại tân tiến của chúng ta. Ngài là biểu tượng cho ý thức mạnh mẽ của toàn thế giới Kitô giáo.

- Mẹ Têrêsa Calcutta đã trả lời câu hỏi của Tuần báo Time khi tờ báo chọn Đức Gioan Phaolô II là “man of the year” và hỏi Mẹ về cảm nghĩ đối với Ngài. Mẹ trả lời trong bốn câu có nội dung như sau:

+ Ngài luôn được nâng đỡ bởi một đức tin sâu xa.

+ Luôn được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện không ngừng.

+ Không hề sợ hãi nhờ một đức cậy không thể lung lay.

+ Luôn yêu mến Thiên Chúa cách thắm thiết.

- Ông Mikhail Gorbatchev người lãnh đạo cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế, đã viết bài trong tờ Nữu ước Thời báo với đầu đề: Giáo hoàng người đối tác của tôi (my partner), trong đó ông viết: lúc này có thể nói rằng tất cả những gì đã xảy ra tại Đông Âu trong những năm gần đây sẽ không thể xảy ra được nếu không có những nỗ lực và vai trò vĩ đại của Giáo hoàng Gioan Phaolô II (năm 1993).

Nhiều tác giả lớn trên thế giới đã có điều kiện để viết những tác phẩm nổi tiếng về Đức Gioan Phaolô II, như Đức Hồng y Stephan Wyszynski có nói: “để viết về vị Giáo hoàng đương nhiệm, bạn phải có óc sáng tạo phong phú của một thi sĩ, tri thức của một triết gia, lòng kiên nhẫn của một vị thánh, sự khôn khéo của một tu sĩ Dòng Tên, kiến thức của một tác giả bách khoa từ điển, và trên hết là có sự tín nhiệm của các Hồng y, đặc biệt những vị đang lưu trú tại Vatican và đảm nhiệm những công việc hàng ngày của Giáo hội trong Giáo triều. Tất nhiên, nếu bạn biết Ngài thì sẽ còn giúp ích bạn nhiều hơn”.

Các tác giả lớn đó khi viết về Đức Gioan Phaolô II đều có chung một nhận định là Ngài có hai khuynh hướng nổi bật, nếu xét bề ngoài dường như chúng đối nghịch nhau: với tín lý của Giáo hội bao gồm cả những khía cạnh luân lý đạo đức của con người, Ngài luôn tỏ ra hết sức bảo thủ; nhưng với những vấn đề xã hội, vị Giáo chủ của thế giới Công giáo lại tỏ ra vô cùng cấp tiến, luôn đứng ở vị trí tiên phong trong trận tuyến, chống lại cường quyền bạo lực để bảo vệ phẩm giá, quyền sống, và mọi quyền tự do căn bản của con người.

Phần tôi, chỉ là một độc giả bình thường, may mắn được thừa hưởng những công lao nghiên cứu và tài năng viết lách của các tác giả, nhờ đó mà biết được đôi chút về Đức Gioan Phaolô II và đem lòng yêu mến Ngài, nên tôi muốn dựa vào những tài liệu đó mà lượm lặt những gì trong tư tưởng và cuộc sống của Ngài, đã gây ấn tượng nhiều cho tôi, giúp tôi có thể noi gương bắt chước Ngài trong cuộc sống linh mục hôm nay, đặc biệt là sống Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ; bởi lẽ chính Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng của Công đồng Vaticanô II, của lược đồ Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Trong ba bài tôi đã viết là: Tại sao học hỏi Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ; Học hỏi Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ để đối thoại với thế giới; Làm mới Giáo hội tại Việt Nam; tôi có dịp trình bày Đức Gioan Phaolô II như nhân vật chủ chốt, có công lớn trong việc khai triển và đem áp dụng lược đồ trên cho toàn Dân Chúa, đặc biệt các Tông huấn: Kitô hữu giáo dân; Ta ban cho các con những mục tử; Đời thánh hiến. Vì thế, nhân dịp lễ phong chân phước cho Ngài, tôi muốn chia sẻ cho các bạn đọc về Ngài, như là gương mẫu sống Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ một cách tuyệt vời.

2. Đức Gioan Phaolô II sống Giáo hội mầu nhiệm.

Giáo hội mầu nhiệm ở đây không được hiểu là một xã hội hoàn hảo giống như các nước trần gian khác do loài người thành lập, cũng không phải chỉ theo nghĩa là bí ẩn huyền bí, mà còn có nghĩa là một xã hội loài người do Thiên Chúa Ba Ngôi thiết lập và hướng dẫn. Xã hội đó là Dân Thiên Chúa, là Thân mình Chúa Kitô, là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, là một thực tại vừa có yếu tố nhân loại vừa có yếu tố thần linh, vừa hữu hình vừa vô hình, vừa còn những thiếu xót lỗi lầm, vừa được ơn thánh trợ lực để vươn lên trong thánh thiện, Giáo hội đó đang ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian và đang lữ hành về quê trời. Do đó, sống Giáo hội mầu nhiệm, là sống như người Dân của Thiên Chúa, như người của Nước Thiên Chúa, như chi thể của Chúa Kitô, và đền thờ của Chúa Thánh Thần, sống thánh thiện như Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa lên trên hết, vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người.

Đức Gioan Phaolô II đã nắm vững ý nghĩa sống Giáo hội mầu nhiệm là như vậy, nên không những đã hướng dẫn Giáo hội sống đúng theo đường lối Công đồng Vaticanô II đã chọn lựa, mà chính bản thân Ngài còn nêu gương cho mọi người một cách tuyệt vời trong suốt cuộc đời Ngài. Ngài đã sống thánh thiện bằng luôn gắn bó với Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa lên trên tất cả mọi sự, vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta. Ngay từ khi còn trẻ, nhờ ảnh hưởng của mẹ, và sau là của người cha, Ngài đã hướng về đời sống đạo đức thánh thiện. Ước ao nên thánh đã bén rễ trong Ngài khi Ngài tập được thói quen cầu nguyện và chiêm niệm trong thời gian học trường của Dòng Kín. Rồi trước khi chịu phép cắt tóc, Ngài đã có ý định vào Dòng Carmélites, nhưng Đức Tổng giám mục không chấp thuận. Khi còn là đại chủng sinh, các bạn đã trêu chọc và ghi trên một tấm thiệp ghim vào cánh cửa phòng Ngài: Wojtyla vị thánh tương lai. Đến khi làm Giáo hoàng, chương trình Ngài làm việc 17 giờ một ngày thì 7 giờ dành cho cầu nguyện, chiêm niệm, dọn mình dâng lễ và cám ơn sau lễ. Trong đời mục vụ, Ngài tập trung vào Chúa Kitô. Trong bài giảng đầu tiên khi làm Giáo hoàng, Ngài nói: “Anh chị em đừng ngại đón Đức Giêsu và chấp nhận quyền lực của Người. Hãy mở toang cửa đến với Chúa Giêsu. Hãy mở tung những hạn chế của Nhà Nước trước quyền năng cứu độ của Người”. Trong chuyến đi đầu tiên ra khỏi Vatican đến Atxidi, Ngài nói: “Đức Giêsu là điều quan trọng nhất trên thế giới này”. Ngài cầu xin thánh Phanxicô rằng: “Hãy giúp chúng con để Đức Giêsu có thể là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống cho mọi người trong thời đại chúng con”. Lần đầu tiên về quê hương Ba Lan của Ngài, Ngài nhắn nhủ: “không thể loại Đức Kitô ra khỏi lịch sử nhân loại ở bất cứ nơi nào trên thế giới này … loại trừ Đức Giêsu khỏi lịch sử nhân loại là một tội ác chống lại loài người”. Và Thông điệp đầu tiên của đời Giáo hoàng của Ngài là “Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ loài người”.

Sống Giáo hội mầu nhiệm còn là sống trong Nước Thiên Chúa, trong Nhiệm thể Chúa Kitô, là mang trong mình hạt giống Nước Trời, và Kitô hữu phải tận tâm tận lực làm cho hạt giống ấy phát triển và đạt tới chỗ viên mãn. Vì thế Đức Gioan Phaolô II đã mạnh dạn tìm mọi sáng kiến làm cho Giáo hội và thế giới tốt đẹp hơn, chống lại mọi hình thức trần tục hoá, dầu do bất cứ thế lực nào, tư bản hay cộng sản; đồng thời Ngài cũng bảo vệ sự sống con người và bệnh vực mọi quyền lợi căn bản của con người: quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận …

Để sống Giáo hội mầu nhiệm như vậy, mỗi Kitô hữu cần được trợ lực bằng sức thiêng của Chúa, qua cầu nguyện và nhận lãnh các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, bởi vì mầu nhiệm Giáo hội có liên hệ chặt chẽ với Bí tích Thánh Thể: Giáo hội làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo hội. Thánh Thể chính là nguồn sức mạnh để Giáo hội luôn được thanh luyện và được đổi mới cho đúng bản chất mầu nhiệm của mình. Đức Gioan Phaolô II đã ý thức và cảm nghiệm được mối liên hệ chặt chẽ giữa Giáo hội và Thánh Thể, nên Ngài đã nêu gương một đời sống hiệp thông với Thánh Thể, vừa độc đáo vừa tuyệt vời, như ta sẽ bàn tới trong phần sau về sống Giáo hội hiệp thông.

Sau hết, sống Giáo hội mầu nhiệm còn là sống mối tương quan nam nữ đúng đắn và tốt đẹp. Khi Ngài được bầu làm Giáo hoàng, các phóng viên đã sục xạo khắp thế giới những người đàn bà có thể là người tình, là vợ hay bạn gái của Karol Wojtyla, nhưng họ đã không tìm được ai cả, bởi vì làm gì có ai. Tuy nhiên báo chí cũng nhắc đến một nữ tiến sĩ triết học tên là Anna Têrêsa Tymyeniecka, người đã cùng Ngài viết cuốn sách “Con người hành động”, lúc Ngài còn đang là Hồng y. Khi làm việc với nữ tiến sĩ, Ngài cực kỳ khôn ngoan và làm chủ mình, luôn có cha thư ký riêng ở cùng. Bà tiến sĩ đã có nhận xét về Ngài rằng: “Sức mạnh lớn nhất ở Giáo hoàng, sức hấp dẫn đặc biệt này là giống như Chúa Giêsu”.

Tóm lại, Đức Gioan Phaolô II sống Giáo hội mầu nhiệm rất sâu sắc và hoàn hảo nên không lạ gì ngay trong lễ an táng Ngài, rất nhiều người đã nói tới việc phong thánh cho Ngài. Và chính Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã quyết định phong chân phước cho Ngài vào ngày 1/5/2011, nghĩa là 6 năm và một tháng sau khi Ngài qua đời. Đây là bằng chứng hùng hồn nhất xác nhận Ngài đã sống trọn vẹn ý nghĩa Giáo hội mầu nhiệm, sống đạo đức thánh thiện nêu gương cho toàn Dân Chúa và thế giới.

3. Đức Gioan Phaolô II sống Giáo hội hiệp thông.

Chúng ta còn nhớ THĐGM đặc biệt năm 1985 do Đức Gioan Phaolô II triệu tập để duyệt lại việc thực thi giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, đã nhận xét rằng: “khái niệm Giáo hội như mầu nhiệm tỏ ra khó hiểu đối với nhiều Kitô hữu”, và “ý niệm Giáo hội hiệp thông đã không thấm nhập vào Dân Kitô giáo”. Do đó chính Đức Gioan Phaolô II cùng với THĐGM, đặc biệt là các THĐGM tiếp theo, đã tìm cách đào sâu và giải nghĩa giáo huấn đó của Công đồng, giúp mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ, hiểu biết và thực thi trong bậc sống mình. Hiệp thông là ý tưởng nền tảng và trung tâm của các tài liệu Công đồng, do đó cần phải hiểu cho đầy đủ và rõ ràng, tránh mọi thiếu sót lệch lạc.

Hiệp thông có nghĩa là hai bên hợp lại và trao đổi, thông truyền cho nhau. Giáo hội hiệp thông trước hết phải là hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi rồi mới tới hiệp thông với mọi người, nghĩa là phải theo chiều đứng và chiều ngang nữa, bởi vì chỉ khi có hiệp thông chiều đứng thì mới có hiệp thông chiều ngang thật. Hiệp thông luôn phải là ân sủng do Thiên Chúa trao ban cho mọi người qua các bí tích, rồi từ sự hiệp thông đó mà ta mới có thể hiệp thông với người khác đúng nghĩa, hiệp thông chiều ngang cần được đâm rễ sâu trong hiệp thông chiều đứng với Thiên Chúa. Như thế hiệp thông vừa có tính cách vô hình vừa có tính cách hữu hình.

Ý thức được hiệp thông có ý nghĩa phong phú, đa dạng sâu sắc và quan trọng như vậy, Đức Gioan Phaolô II luôn củng cố cho bản thân Ngài, cũng như củng cố cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân sống hiệp thông với Thiên Chúa, và với Đức Maria. Không kể những giờ cầu nguyện, chiêm niệm, dâng thánh lễ hàng ngày, Ngài đã sống hiệp thông với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể rất đặc biệt. Không những Ngài thấu hiểu mà còn cảm nghiệm, cảm mến, còn “sống” được những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Ngài đã chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm quý giá của Ngài: “để sống phép Thánh Thể, cần phải dành nhiều thời gian thờ phượng trước Bí tích cực thánh, đó là kinh nghiệm hàng ngày của bản thân tôi, nhờ đó tôi kín múc được sức mạnh, nguồn an ủi và nâng đỡ” (Thông điệp Giáo hội từ Thánh Thể).

Đây là một ví dụ: khi Ngài được Đức Giáo hoàng Piô XII đề cử làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Krakov, và cho Đức Hồng Y Wyszynski biết Ngài sẵn sàng chấp nhận sự đề cử, thì nửa giờ sau trên đường về, Ngài tìm tới Tu viện của các nữ tu áo xám Ursuline. Ngài hỏi nữ tu ra mở cửa cho biết lối vào nhà nguyện rồi lẳng lặng bước nhanh tới trước bàn thờ, ném mình quỳ gập xuống. Một giờ, hai giờ, rồi ba giờ trôi qua. Các sơ lần lượt bước vào nhà nguyện quan sát rồi lặng lẽ bước ra. Đến giờ cơm tối, các nữ tu phát hiện vị linh mục đó chính là linh mục giáo sư Karol Wojtila, và quyết định mời cha dùng bữa, nhưng cha từ chối và tiếp tục ở lại nhà nguyện. Sơ Bề trên bước vào thấy cha vùi mặt vào hai bàn tay dường như đang chìm sâu vào một cuộc đối thoại trong thinh lặng với Thiên Chúa. Và như thế cha đã cầu nguyện trong suốt 8 tiếng đồng hồ liên tiếp rồi mới rời tu viện … Thực sự người ta có thể khám phá Thiên Chúa trong suy tư, và cũng có thể khám phá Thiên Chúa trên hai đầu gối, nghĩa là khi quỳ trước Thánh Thể để chiêm ngưỡng, cảm nghiệm, không nói gì cũng chẳng xin gì, chỉ yêu mến thôi. Có nhà thần học gọi đó là “Thần học bàn quỳ”, và Đức Gioan Phaolô II đã làm “Thần học bàn quỳ” trước Chúa ẩn mình hàng ngày, để rồi có thể trở thành “Tấm Bánh Được Bẻ Ra Cho Anh Em Mình” (xem Thánh Thể và Truyền giáo).

Ngoài việc múc lấy sức thiêng cho bản thân, Ngài còn quan tâm đặc biệt giúp các linh mục sống hiệp thông với Chúa Giêsu. Trong suốt triều Giáo hoàng, hàng năm vào thứ Năm Tuần Thánh và lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày thánh hoá các linh mục, Ngài đều soạn thư gởi các linh mục để đề cao chức linh mục, và cổ võ các linh mục luôn sống thánh thiện đúng đắn với căn tính của mình, là Alter Christus, là hiện thân của Chúa Kitô. Ngoài ra Ngài còn quan tâm đến sự hiệp thông trong Giáo hội bằng tổ chức các THĐGM định kỳ hoặc đặc biệt, để giải quyết những vấn đề quan trọng như dạy giáo lý, đào tạo linh mục, truyền giáo… và cho soạn cuốn Giáo lý Công giáo mà Ngài coi là “một phương tiện có giá trị, có thẩm quyền để giúp Giáo hội được hiệp thông”. (x. Tông hiến Kho tàng đức tin).

Ngài còn đặc biệt lưu ý đến giới trẻ thế giới, chính Ngài khởi xướng Đại hội Giới trẻ Thế giới, giúp giới trẻ tụ họp để hiệp thông với nhau và với Chúa Kitô, cứ hai năm một lần ở một nước khác nhau. Đối với các Giáo hội đã ly khai khỏi Giáo hội, Ngài đã khiêm tốn nhận thiếu sót vì đã không tôn trọng đủ, và đối thoại để mong được Đại Kết, như với Giáo hội Chính thống và Tin lành. Đối với các tôn giáo khác như Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Cao đài, Khổng giáo … Ngài đã có sáng kiến tổ chức hàng năm ngày các tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình thế giới ở Atxidi.

Sau hết nói đến việc Đức Gioan Phaolô II hiệp thông với Chúa Giêsu thì không thể nào không nói tới việc Ngài hiệp thông với Đức Maria. Ngài là vị Giáo hoàng có nhiều liên hệ đặc biệt với Đức Mẹ trải dài suốt cuộc đời. Nhờ được hiểu biết lòng thành thực sùng kính Đức Maria của Thánh Grignion de Monfort, Ngài “thâm tín rằng sự tôn sùng Đức Mẹ Thiên Chúa cách chân chính thì đúng là qui hướng về Chúa Kitô, là bám rễ sâu xa trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ”. Khi làm Giáo hoàng, Ngài chọn khẩu hiệu Giáo hoàng là Totus Tuus: con tận hiến cho Mẹ. Trước chuyến công du đầu tiên vào đầu năm 1979 đến Mêhicô thuộc Châu Mỹ Latinh, đầy khó khăn và nguy hiểm đang chờ, những người tiễn chân Ngài ra máy bay lo ngại, Ngài đã nhắc lại khẩu hiệu Totus Tuus. Hai năm sau, ngày 13/5/1981 Ngài bị kẻ mưu sát bắn một loạt đạn vào bụng, đang khi gặp gỡ dân chúng ở quảng trường thánh Phêrô. Đức ông Dziwisz, thư ký của Ngài kể lại: “khi chở Ngài đi bệnh viện, Đức Giáo hoàng luôn nhắc lại: Maria Mẹ của con! Maria Mẹ của con. Cặp mắt nhắm nghiền”. Hôm đó là ngày kỷ niệm Đức Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917. Ngài đã thoát chết và cho biết rằng: “Một người nổ súng và một người khác lại hướng dẫn quỹ đạo đường đạn”. Năm 1982, Ngài đã hành hương đến Fatima vào ngày 13/5 để tạ ơn Đức Mẹ, và đã gắn viên đạn trúng ở bụng Ngài vào triều thiên bằng vàng và đặt trên đầu tượng Đức Mẹ. Đến năm 1992, Ngài lại phải nằm bệnh viện để mổ khối u trong ruột, Ngài đã xin đám đông đi hành hương cầu nguyện cho Ngài và nhắc lại rằng: “đối với Đức Mẹ Đồng Trinh con tận hiến cho Mẹ, với lòng tin tuyệt đối dưới sự che chở của Người”.

Tóm lại, Đức Gioan Phaolô II ý thức rất cao về địa vị và trách nhiệm của Ngài đối với Giáo hội và thế giới, nên Ngài đã tận tình sống hiệp thông với Chúa Kitô và Mẹ Maria, như để luôn múc được nguồn sức mạnh thiêng liêng, nhờ đó Ngài có thể hiệp thông với mọi người và có thể giúp mọi người hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Ngài đã sống Giáo hội mầu nhiệm, mà mầu nhiệm này chính là hiệp thông với Chúa Kitô và với nhau. Việc Ngài hiệp thông với Chúa Kitô và với Đức Maria vừa là nghĩa vụ vừa là động lực để Ngài có thể thi hành sứ vụ mà Chúa Kitô trao phó, đó là dẫn đưa mọi người về hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Hiệp thông để chu toàn sứ vụ, và thi hành sứ vụ nhằm để hiệp thông.

4. Đức Gioan Phaolô II sống Giáo hội sứ vụ.

Sự thánh thiện của Giáo hội cốt tại chỗ Giáo hội hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Chúa Kitô như cành liền cây, hiệp thông dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nhận được sức thiêng hầu có thể nối tiếp sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đó là sứ vụ cứu độ thế giới. Chính vì thế mà Giáo hội còn được gọi là Giáo hội sứ vụ, nghĩa là Giáo hội được Chúa Kitô sai đi loan báo Tin mừng cứu độ cho muôn dân. Chúng ta biết rằng phần giáo lý về Giáo hội mầu nhiệm và hiệp thông thì được Công đồng khai triển trong Hiến chế Ánh sáng muôn dân, còn phần về Giáo hội sứ vụ thì được trình bày trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Chúng ta cũng biết rằng chính THĐGM đặc biệt năm 1985 đã làm một suy tư thần học sâu sắc và cụ thể hơn về Giáo hội sứ vụ, để Giáo hội có thể đáp ứng những dấu chỉ của thời đại hôm nay, dấu chỉ của một thế giới đang trần tục hoá vừa mau lẹ vừa mới lạ, cho nên báo cáo của THĐGM đặc biệt đã chú trọng hơn đến một số điểm cốt yếu mà Giáo hội hôm nay phải lưu tâm, đó là thần học thập giá , cập nhật hoá , hội nhập văn hoá , đối thoại với các tôn giáo và những người không tin , chọn lựa dành ưu tiên cho người nghèo và thăng tiến con người .

- Thần học thập giá. THĐGM đã khai triển về thần học thập giá vì THĐGM cho rằng: “hình như trong các khó khăn hiện tại, Thiên Chúa muốn dạy cho chúng ta một cách sâu sắc hơn giá trị, tầm quan trọng và chỗ đứng trung tâm của thập giá”. Và THĐ nghĩ rằng: “mối quan hệ giữa lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ phải được giải thích dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt qua”, bởi lẽ trong mầu nhiệm Vượt qua thì Thập giá và Phục sinh là một: “đường về Golgotha đưa ta tới vinh quang”. Nói đến thập giá, không phải là bi quan nhưng là thực tế của đức cậy Kitô giáo. Cuộc đời Đức Gioan Phaolô II gắn liền với thập giá, ngay từ thời thơ ấu, cũng như khi trưởng thành trong đất nước Ba Lan dưới quyền thống trị của Liên Xô, và suốt thời làm Giáo hoàng, Ngài phải đối đầu với nhiều thù nghịch trong khối tư bản cũng như khối cộng sản, ngay cả trong Giáo hội với những nhóm bảo thủ hoặc cấp tiến. Điển hình nhất là cuộc mưu sát Ngài ngày 3/5/1981. Ngài đã thoát chết nhưng nó để lại trong thân thể Ngài thương tích gây đau đớn cho đến khi qua đời.

- Cập nhật hoá. Giáo hội hôm nay đang sống trong một xã hội văn minh tiến bộ vượt bậc, nhiều ánh sáng nhưng cũng không ít bóng tối, với xu hướng duy vật vô thần, thực dụng hưởng thụ, rất khác với thời đại trước đây. Vì thế Giáo hội cần cập nhật hoá sứ vụ của mình để theo kịp đà tiến của thời đại. Đây là việc rất quan trọng và cần thiết. Cập nhật hoá không phải chỉ là thích nghi cách giả tạo, như “đi với ma phải mặc áo giấy”, cũng không phải là khép kín để tự vệ, để khỏi bị lây nhiễm. Muốn cập nhật hoá phải nghiên cứu, tìm tòi, “phải loại bỏ thẳng một sự thích nghi dễ dãi có thể đưa tới việc tục hoá Giáo hội. Đồng thời cũng phải loại bỏ một sự khép kín bất động trên mình của cộng đồng giáo hữu”. Nhưng đặc biệt phải “cởi mở truyền giáo nhằm đem lại ơn cứu độ toàn diện cho thế giới”. THĐGM giải thích rằng cởi mở truyền giáo là “tất cả mọi giá trị thực sự của con người không những được chấp nhận mà còn được mạnh mẽ bênh vực, chẳng hạn phẩm giá con người, các quyền căn bản, hoà bình, sự giải phóng khỏi sự áp bức, nỗi cơ cực, cảnh bất công”. Đức Gioan Phaolô II đã luôn tìm cách cập nhật hóa sứ vụ của Ngài, sao cho đáp ứng nhu cầu mới của Giáo hội và của thế giới, một thế giới đang gây nên nhiều thách đố về đức tin, về luân lý …

Ngài đã cập nhật hoá Giáo hội nhờ việc cổ võ học hỏi giáo huấn về Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ; rồi hướng dẫn cho các bậc sống giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ sống theo giáo huấn đó cho đúng căn tính của mình. Cập nhật hoá trong việc soạn giáo lý và dạy giáo lý cho thích hợp với tâm lý mỗi lứa tuổi theo nội dung mới là đặt Chúa Kitô làm trung tâm. Cập nhật hoá trong việc truyền giáo, chú ý tới việc đi đến với mọi người để gặp gỡ đối thoại và làm chứng cho họ bằng đời sống thánh thiện. Ngài nhấn mạnh đến việc làm chứng bằng đời sống và rất quý mến các thánh tử đạo cũng như các thánh khác. Ngài muốn phong thánh thật nhiều để tôn vinh các Kitô hữu chứng nhân. Trong lịch sử 2000 năm, Giáo hội chỉ phong thánh cho 3000 vị, thì nguyên trong triều Giáo hoàng của Ngài, Ngài đã phong thánh hơn 1000. Ngài còn cập nhật hoá kinh Mân côi bằng soạn thêm Năm sự Sáng để Kinh Mân côi là Kinh thực sự tóm tắt Tin mừng.

- Hội nhập văn hoá. Đây cũng là một cách để cập nhật hoá sứ vụ truyền giáo. Hội nhập văn hoá, theo THĐGM, là việc thay đổi thâm sâu các giá trị văn hoá đích thực của người mình truyền giáo, làm cho các giá trị ấy hội nhập vào Kitô giáo, và cũng giúp cho Kitô giáo ăn rễ sâu vào các văn hoá, sao cho mọi người sống Tin mừng như sống văn hoá của mình vậy. Đức Gioan Phaolô II coi hội nhập văn hoá là đòi hỏi cấp bách để Phúc âm hoá trong thời nay, và bản thân Ngài đã đi tiên phong nêu gương cho Giáo hội về hội nhập văn hoá. Ngài là vị Giáo hoàng chiếm kỷ lục về thực hiện các chuyến công du đến 129 quốc gia, để vừa cập nhật hoá sứ vụ, vừa hội nhập văn hoá với các dân tộc. Ngài nói được 10 thứ tiếng và cố gắng nói cả mấy câu tiếng Việt Nam: Chúc mừng Giáng sinh. Ngài quan tâm đến từng dân tộc, chú ý từng vấn đề riêng tư của họ, tìm hiểu bản sắc của từng địa phương. Chẳng hạn: Ngài đồng ý đội bất cứ một trong các số mũ lạ nào nhân dân tặng: mũ nồi của sinh viên, mũ phớt rộng vành của người Mêhicô, mũ làm bằng lông chim của người da đỏ … Tại Phi Châu, Ngài mặc bộ quần áo bằng da dê và đứng trong lúc nắm chặt cái giáo của vị trưởng bộ lạc …

- Đối thoại với các tôn giáo và những người không tin. THĐGM nhận định rằng “Thiên Chúa có thể dùng cuộc đối thoại giữa người Kitô giáo và người ngoài Kitô giáo hay cả những người không tin, như con đường để thông ban sự sung mãn của ân sủng”. Cho nên ý thức về sứ vụ Giáo hội phải loan báo Tin mừng cho muôn dân, Đức Gioan Phaolô II đã luôn tìm dịp đến với những người thuộc các tôn giáo bằng đối thoại. Kết quả cụ thể Ngài đã có một thông cáo chung với Giáo hội Tin lành Lutêrô về “công chính hoá”, hoà giải với nhiều Giáo hội Chính thống … Trước đây Giáo hội coi các tôn giáo khác đều là “đạo rối” và không cần quan tâm đến; nay Giáo hội tìm cách liên lạc, “phân biệt hay dở, tôn trọng những gì tốt đẹp và sẵn sàng cộng tác trong các việc hữu ích cho con người”. Với những người không tin, Ngài là một nhà thần học và triết học, Ngài tôn trọng tự do của họ; Ngài biết rằng đối thoại với người vô thần hay duy vật về đức tin và luân lý là cực kỳ khó khăn, nhưng Ngài tìm cách đối thoại với họ về quyền sống của con người, của mỗi người, “bởi lẽ quyền được bảo đảm sự sống là cốt lõi phát minh ra các quyền khác kể cả quyền tự do”. Thông điệp đầu đời Giáo hoàng của Ngài một nửa nói về Chúa Kitô, một nửa nói về con người, Ngài tuyên bố rằng “con người là con đường của Giáo hội”.

- Dành ưu tiên cho người nghèo và thăng tiến con người. Sau Công đồng Vaticanô II, Giáo hội ý thức hơn về sứ vụ phục vụ người nghèo, kẻ bị áp bức, những người sống bên lề xã hội … và ngoài cái nghèo vật chất, Giáo hội còn phải chú ý đến sự thiếu tự do và thiếu các của cải thiêng liêng, coi đây là một hình thức nghèo khổ, nhất là khi tự do tôn giáo bị sức mạnh trần thế tiêu diệt. Vì thế, Giáo hội phải thực thi sứ mệnh tiên tri của mình để tố cáo mọi hình thức nghèo khổ và áp bức, và còn phải bày tỏ sự hiệp thông với các anh chị em đang bị bắt bớ vì đức tin hay vì cổ võ cho công lý nữa. Cho nên sứ vụ cứu độ cần phải được hiểu như một sứ vụ có tính toàn diện hay toàn vẹn, nghĩa là không phải chỉ có tính cách thiêng liêng, nhưng bao gồm cả sự thăng tiến con người trong lãnh vực trần thế nữa. Điều này Giáo hội tại Việt Nam hôm nay cần phải thấu triệt và ghi nhớ. Đức Gioan Phaolô II đã nêu gương cho cả Giáo hội trong sứ vụ này. Ngài đã công du khắp năm châu, đi tới đâu Ngài cũng đòi hỏi mọi người phải thăng tiến con người bằng tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền, bằng dành ưu tiên cho người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội.

Năm 1935, sau khi Staline đã dẹp xong những “trở lực” cuối cùng trên con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản tại Nga, các giới thân cận của ông cho ông hay rằng họ lo ngại về phản ứng của Đức Giáo hoàng. Nhưng Staline đã ngạo nghễ hỏi móc họ rằng: Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn? Sau này Đức Gioan Phaolô II đã giúp cho mọi người có một câu trả lời thật minh bạch là: Giáo hoàng hôm qua, hôm nay cũng như mãi mãi, không bao giờ dựa vào vật chất, binh đội, hay vũ khí tối tân, mà chỉ cậy nhờ vào tâm tình yêu thương, tín thác nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguồn sức mạnh làm tiêu tan tất cả mọi sự ác trên cõi đời này. Năm 1989 người ta đã chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan ngày 6/4/1989; 5 tháng sau, bức tường ô nhục Bá Linh bị triệt hạ ngày 10/11/1989; và 2 năm sau, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô (1991) … Vậy ai thắng ai? Thắng bằng gì?

Tóm lại, sứ vụ mà Chúa Cha đã trao cho Chúa Con thực hiện, và Chúa Con là Đức Giêsu Kitô đã sai Giáo hội đi vào thế giới để nối tiếp sứ vụ của Ngài, là sứ vụ cứu độ bằng tình yêu thương, sứ vụ phải qua thập giá để thăng tiến con người, sao cho không còn cảnh người dùng bạo lực quyền thế để áp bức bóc lột người. Sứ vụ đầy gian lao đau khổ nhưng lại tràn ngập ánh sáng vinh quang mà Đức Gioan Phaolô II đã đảm nhận.

Để kết

Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi vì đã quan phòng cho Giáo hội có được Công đồng Vaticanô II, qui tụ các nhà thần học và triết học, cùng với các vị chủ chăn, vâng theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn để thấu hiểu chương trình của lòng Chúa thương xót, nhận biết Chúa Kitô là trung tâm của chương trình cứu độ, thấy rõ được Giáo hội là gì, thế giới và con người là gì, Giáo hội có sứ vụ gì với thế giới và con người; nhờ đó đã chọn lược đồ Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ để làm mới bộ mặt Giáo hội hầu có thể cứu độ thế giới hôm nay.

Chúng ta cũng phải cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi đã ban cho Giáo hội ở thời chúng ta một vị chủ chăn sáng suốt và nhiệt tâm, tự bản thân đi bước trước để thực thi các giáo huấn của Công đồng. Và khi biết Dân Chúa chưa hiểu rõ để áp dụng thì Ngài đã triệu tập THĐGM đặc biệt để giải thích và hướng dẫn. Ngài luôn hiệp thông mật thiết với Chúa Kitô trong Thánh lễ và chầu Thánh Thể, hết lòng yêu mến Mẹ Maria qua việc lần chuỗi Mân côi, nhờ đó Ngài múc được sức thiêng để chu toàn sứ vụ đối với thế giới và con người. Trong đời Giáo hoàng của Ngài, Chúa Giêsu đã ban cho Ngài vinh dự được vác thập giá qua cuộc bị mưu sát, nhưng Đức Maria đã cứu Ngài thoát chết để Ngài tiếp tục sứ vụ cho đến ngày 2/4/2005, lễ Lòng Thương xót Chúa, Ngài mới vào cõi vĩnh hằng. Cuộc đời đạo đức thánh thiện của Ngài, với các biến cố do bàn tay Chúa và Đức Mẹ can thiệp cách khác thường, cũng như mọi việc Ngài đã thực hiện trong suốt triều Giáo hoàng, đã khiến mọi người phải tôn vinh Ngài là vị Giáo Hoàng có nhiều kỷ lục. Ở đây chỉ xin nêu một số kỷ lục:

Phong cho 1310 chân phước, 469 hiển thánh.
Ban chức Hồng Y cho 201 vị.
Ban hành 14 Thông điệp, 13 Tông huấn, 11 Tông hiến, 42 Tông thư.
Viết 6 cuốn sách.
Công du hơn 129 quốc gia, nói hơn 10 thứ tiếng.
Đón tiếp 226 thủ tướng các nước, và 16.700.000 khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới.
Đám lễ tang của Ngài có 140 Hồng y đồng tế, 13 Vua, 43 Tổng thống, 80 Thủ tướng tới dự. Hơn một triệu người sắp hàng trong 3 ngày, sẵn sàng chờ 16 tiếng đồng hồ để được viếng xác Ngài.
Và trên hết mọi người đồng thanh coi Ngài là một vị thánh. Chính Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã cầu nguyện cuối bài giảng lễ an táng là: “xin Ngài hãy chúc phúc cho chúng con từ cửa sổ Nhà Cha trên trời”.

Rồi tới đây ngày 1/5/2011 Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI sẽ phong chân phước cho vị Giáo hoàng tiền nhiệm của Ngài một cách mau chóng kỷ lục. Tất cả đều chứng tỏ Thiên Chúa, Giáo hội và mọi người thiện chí đều quý mến gương mẫu trổi vượt của Ngài trong việc Giáo hội sống mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ.

Lạy Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, xin giúp các Kitô hữu Việt Nam chúng con, hàng giám mục, hàng linh mục, hàng tu sĩ và giáo dân, luôn cầu nguyện và dõi theo gương mẫu của Ngài để thực sự sống Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ.

Ant. Nguyễn Mạnh Đồng

Linh mục Giáo phận Cần Thơ

-------

liendoanconggiao.net