Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: "Surgite eamus! - Đứng dậy ta đi nào!" (Mc 14,42)

  1. #1
    Caohuong's Avatar

    Tham gia ngày: Sep 2010
    Tên Thánh: Antoine
    Giới tính: Nam
    Đến từ: http://gxvinhhuong.net
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,637
    Cám ơn
    5,176
    Được cám ơn 7,780 lần trong 1,873 bài viết

    Thumbs up "Surgite eamus! - Đứng dậy ta đi nào!" (Mc 14,42)




    Tin Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị được phong Chân Phước ngày 01.05.2011 không gây ngạc nhiên cho mọi người. Nhưng là sứ điệp niềm vui mừng hân hoan cho người tín hữu Công giáo trong toàn thể Giáo hội.
    Việc nâng Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị lên hàng Á Thánh (Beatitus – Selig - Chân Phước) tôn kính trên bàn thờ không chỉ là công nhận đời sống anh hùng thánh đức của ngài xưa kia trên trần gian. Nhưng còn phù hợp với nguyện vọng mong ước của mọi người tín hữu Công giáo: "Santo subito – Xin phong Thánh ngay cho đức thánh cha của chúng ta!", mà họ đã viết trên biểu ngữ cùng nói vang lên trong thánh lễ an táng ngài, ngày 08.05.2005 ở công trường Thánh Phêrô.
    Đưa tên tuổi Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị vào danh sách các Thánh trong Giáo Hội Chúa ở trần gian không nhằm vinh danh cá nhân ngài, vì những việc vĩ đại ngài đã làm theo tầm nhìn của con người. Nhưng trước hết và sau hết tôn vinh công trình tạo dựng của Chúa đã thực hiện qua đời sống của vị Giáo hoàng vĩ đại.
    Hòa lẫn trong tâm tình đó, xin cùng hát lời kinh Te Deum laudamus tạ ơn Thiên Chúa, và hướng nhìn về vị Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô với lòng thành kính ngưỡng mộ.

    1. Habemus papam!

    Dịp mừng kỷ niệm 25 năm làm Giáo hoàng 1978- 2003, Đức thánh cha Gioan Phaolô đệ nhị đã viết lại kỷ niệm về những chặng đường ơn Kêu Gọi của ngài từ khi là Linh mục ở Balan Tổng giáo phận Krakau đến khi trở thành Giáo Hoàng thứ 264. trong Giáo Hội. Tập ký sự này lấy tựa đề theo lời của Chúa trong Phúc âm theo Thánh Marcô chương 14, câu 42: Surgite eamus – Đứng dậy ta đi nào!
    Những chặng đường đời sống của vị Giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô đệ nhị có nhiều thăng trầm biến chuyển lên xuống. Có nhiều bất ngờ, cùng nhiều niềm vui.
    Ngài viết kể lại, tháng Hai năm 1958 ngài đến chào thăm đức Tổng giám mục Eugeniusz Baziak Tổng giám mục Krakau, và trình thư của Đức Hồng Y Tổng giám mục Warschau cũng là giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Balan, báo tin Tòa Thánh đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục phụ tá cho Tổng giáo phận Krakau. Đức Tổng giám mục Krakau đã ra tận cửa ôm hôn niềm nở đón ngài, và giới thiệu với mọi người trong Tòa tổng giám mục đang đứng đợi trong phòng khách trong niềm hân hoan vui mừng : Habemus papam- Chúng ta có cha chung mới! ( Johannes Paul I I., Auf lasst uns gehen! Erinnerung und Gedanken, Weltbild Augsburg 2004, tr. 20)
    Lời chào mừng giới thiệu hôm đó là dấu hiệu lời tiên tri đã trở thành hiện thực sau này.
    20 năm sau, ngày 16.10.1978, từ lan can đền thờ Thánh Phêrô bên Vatican, Đức Hồng Y phó tế đã long trọng loan báo: "An nuntio vobis gaudium magnum, habemus Papam – Trong niềm vui mừng hân hoan lớn lao, tôi long trọng loan tin cho mọi người, chúng ta có Cha chung mới!"
    Vị Giáo hoàng mới Gioan Phaolô II bước ra xuất hiện trước rừng người tín hữu, đại đa số là người Ý, đang chờ chào đón ngài. Thay vì bằng tiếng latinh như thông lệ xưa nay, vị Giáo hoàng mới nói với dân chúng bằng tiếng Ý: "Sia lodato Gesù Cristo" Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô! Chúng ta còn đang đau buồn về cái chết của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhất. Và lúc này đây các Vị Hồng Y đáng kính đã chọn một Vị giám mục mới của Roma. Các ngài đã chọn một người đến từ một xứ sở xa xôi, xa xôi, nhưng luôn luôn gần gũi bởi sự hiệp thông đức tin và trong truyền thống Kitô. Tôi run sợ trong khi lãnh nhận việc lựa chọn này, nhưng tôi đã chấp nhận trong tinh thần phục tùng Chúa chúng ta Ðức Giêsu Kitô và trong tinh thần phú thác hoàn toàn cho Mẹ Người, Ðức Trinh Nữ Maria.
    Tôi không biết tôi có thể biểu lộ rõ ràng bằng tiếng nói của anh chị em không... bằng tiếng Ý của chúng ta không. Nếu tôi nói sai, anh chị em sửa lại cho tôi.
    Và giờ đây hiện diện trước mọi người để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, đức cậy và lòng tín nhiệm của chúng ta nơi Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo hội và cũng để bắt đầu lại trên con đường của lịch sử và của Giáo hội với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và của Giáo hội."
    Bằng những lời chân thành tâm tình đó, vị Giáo Hoàng mới đã chiếm được cảm tình trái tim của mọi người dân Ý ngay hôm đó, họ reo mừng vỗ tay hoan hô Đức giáo hoàng mới.
    Đức Giáo Hoàng mới Gioan Phaolô II đã chiếu tỏa nét đẹp uy tín đầy duyên dáng của lòng khiêm nhường tới mọi người. Mọi người trên thế giới, nhất là người dân Balan vui mừng hân hoan rất cảm động khi nói đến Đức Giáo hoàng mới. Họ cảm thấy bấy lâu nay sống trong bị đè nén dưới ách thống trị của bạo lực, nay như được giải thoát đền bù.
    2. Noli timere - Đừng sợ hãi!

    Niềm vui mừng hân hoan cảm động đó dâng lên cao điểm với lời kêu gọi của ngài trong buổi lễ đăng quang lên ngôi Giáo Hoàng ngày 22.10.1978: Noli Timere - Đừng sợ hãi!



    Lời kêu gọi: Đừng sợ hãi! cùng với hai tay cầm cây Thánh Giá mục tử giơ lên trời cao, khác chi dấu hiệu của chiến thắng, mà nhiều người suy hiểu cho đó là cung cách mang sâu đậm ý nghĩa "Đứng dậy ta đi nào!".
    Đầy năng lực cùng sức thu hút, Đức Giáo hoàng trẻ tuổi, lúc đó 58 tuổi, đã bước đi nhanh lẹ vượt qua những rào cản các hàng cột hành lang ở công trường Thánh Phêrô đến với mọi người, ôm hôn trẻ em, đón nhận những bó bông hoa chào mừng, giơ tay chào đón mọi người giữa tiếng reo hò như sóng nước nổi dậy hòa lẫn trong dòng nước mắt cảm động trào dâng long lanh trên khoé mắt, lăn trên gò má của mọi người hôm đó.
    Thật là một vị Giáo Hoàng đến với con người bằng xương cốt da thịt, máu mủ từ trái tim tuôn tràn chảy ra. Sự duyên dáng thu hút tỏa ra từ vị Giáo Hoàng như luồng dòng điện lan tỏa đến tận tầng thần kinh cảm gíac, làn da thớ thịt của những con người hiện diện hôm đó ở công trường Thánh Phêrô, và lan dần đến mọi dân tộc trên khắp thế giới!
    Không dừng lại nơi cảm quan thần kinh của con người, lòng đạo đức của Đức Giáo Hoàng còn còn thể hiện đi sâu thẳm hơn nữa.
    3. Nếp sống bác ái khiêm cung

    Ngày 13.05.1981 ban ngày dưới ánh mặt trời, giữa công trường Thánh Phêrô trong buổi gặp gỡ mọi tín hữu, Đức Giáo hoàng bị bắn trọng thương phải điều trị ở bệnh viện 20 ngày. Sau khi lành bệnh khoẻ mạnh trở lại, 1983 ngài đã vào nhà tù thăm Ali Agcac, người đã bắn ngài bị trọng thương.
    Cử chỉ đầy tình yêu thương tha thứ của vị cha chung đã cảm hóa được tâm hồn anh ta, và là gương mẫu một đời sống bác ái đầy tràn lòng khiêm nhường của vị đại diện Chúa Giêsu Kitô ở trần gian.
    Với các Tôn Giáo khác, ngài theo hướng Công Đồng Vatican II đã vạch ra, mở rộng cánh cửa vòng tay nối kết đối thoại hiệp thông với Chính Thống giáo, với Tin lành thệ phản, với Do Thái giáo, với Hồi giáo, với Anh giáo.
    Ngày 12.03.2000 bước sang thiên niên kỷ thứ ba, Đức Giáo Hoàng đã nhân danh Giáo Hội Công giáo công khai thú nhận những lỗi lầm Giáo Hội đã gây ra trong dòng lịch sử qúa khứ về nhiều lãnh vực khác nhau. Cùng cầu xin sự tha thứ làm hòa.
    Cử chỉ này càng biểu lộ tấm lòng khiêm nhượng của cá nhân Ngài, của Giáo Hội trước mặt Thiên Chúa và nhân loại.
    Trong lãnh vực khoa học, ngày 10.11.1979 Đức Giáo Hòang, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của nhà bác học Albert Einstein, đã nhắc đến tên tuổi của Galileo là một nhân vật vĩ đại ngang hàng với Albert Einstein. Dịp này ngài đề ra Ủy ban gồm những nhà chuyên môn Thần học, về Khoa học và về Lịch sử nghiên cứu lại trường hợp Galileo trong chiều hướng tìm ra lỗi lầm, sự hiểu lầm sai trái gây ra giữa đức tin và khoa học, giữa đời sống Giáo Hội và đời sống trong thế giới ngày nay.
    Và ngày 31.10.1992, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã chính thức, theo những khám phá nghiên cứu của Ủy Ban Khoa học về Galileo, tuyên bố trường hợp Galileo chấm dứt khóa lại. Những tranh cãi kết án Galileo đã gây ra sự hiểu lầm phân biệt trầm trọng cho rằng sự hiểu biết khoa học ngược chống lại đức tin, là điều không đúng gây đau đớn rất đáng tiếc, và nó từ nay thuộc về thời qúa khứ.
    Cánh cửa tâm hồn ngài không chỉ mở ra cho những công việc nội bộ của Giáo Hội, nhưng còn rộng xa hơn nữa: đến với muôn dân.
    4. A Gentes - Đến với muôn dân

    Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị là một trong những hàng ngàn Giám mục đã tham dự Công đồng Vaticanô II, cùng bàn thảo việc canh tân đời sống Giáo Hội trong thế giới. Ngày 07.12.1965 Giáo Hội Công giáo hoàn vũ, sau khi kiểm điểm nhìn lại sứ mệnh Chúa trao cho, đã xác định vai trò sứ mệnh đến với muôn dân trong thời đại hôm nay:



    "Đến với muôn dân được Chúa sai đi, Giáo Hội phải là Bí tích ơn cứu độ tổng quát. Giáo Hội luôn nỗ lực vừa mang tính Công giáo phổ quát riêng, và vừa phải vâng phục Đấng thành lập Giáo Hội đã ủy thác cho, là loan truyền Tin mừng Chúa cho hết mọi con người.'( 1. Ad Gentes").
    Vì thế cánh cửa ngài mở ra không chỉ để tiếp đón những ai đến với Ngài, đến với Giáo Hội, mà chính đích thân ngài nhân danh Giáo Hội mở cửa đi đến với mọi người trên khắp thế giới.
    Trong dòng thời gian hơn 26 năm (16.10.1978- 02.04.2005) cho tới lúc qua đời, ngài đã thực hiện 104 chuyến thăm viếng mục vụ trên khắp năm châu bốn bể. Tính ra tổng cộng những cuộc hành trình mục vụ vượt qua 1.160.000 cây số, bằng 29 lần vòng quanh địa cầu. Đi tới đâu, trước hết ngài qùi xuống cúi mình sát đất hôn mảnh đất thân yêu quê hương đất nước đó.
    Cử chỉ này chan chứa tình tự đạo đức, nói lên chiều sâu nội tâm kính trọng quê hương đất nước của dân tộc sống nơi đó.
    Cử chỉ này chất chứa đầy ắp tín hiệu tình yêu thương của vị cha chung Giáo Hội Công giáo hoàn cầu: Trái tim tâm hồn cha luôn cùng hòa nhịp điệu với đời sống anh chị em nơi đây.
    Cử chỉ này nói lên lòng ngưỡng mộ kính phục nếp sống tập tục văn hóa, sự phát triển đời sống xã hội nảy sinh từ nôi nguồn đất mẹ đã đang nuôi dưỡng dân tộc nơi đây.
    Cung cách truyền giáo không chỉ duy bằng lời nói trong Giáo hội xưa nay, Đức Giáo hoàng đã đề ra cách thức truyền giáo mới khác: Giới thiệu Chúa cho con người bằng chính sự hiện diện gần gũi của cả tinh thần lẫn thân thể hình hài Giáo Hội qua con người của ngài.
    Nhưng không vì những lo lắng bận tâm về những công việc gọi là của "người lớn" trong Giáo Hội, mà ngài bỏ quên sao lãng quan tâm tới hệ tương lai tuổi trẻ của Giáo Hội. Trái lại, trong trái tim ngài có ngăn dành hướng về người trẻ trong Giáo Hội.
    5. Đại hội giới trẻ thế giới



    Theo sáng kiến của Đức giáo hoàng, 1984 có cuộc gặp gỡ giới trẻ quốc tế, hơn 300.000 Bạn Trẻ tụ tập về Roma ngày Chúa Nhật Lễ Lá ở Roma nhân dịp mừng Năm Thánh ơn Cứu Độ của Chúa. Ngày lễ Chúa nhật Phục sinh đức Thánh Cha trao cho các Bạn Trẻ cây Thánh Giá ngày Đại Hội giới trẻ trong tương lai.
    1985 diễn ra cuộc gặp gỡ các Bạn Trẻ quốc tế ngày Chúa Nhật lễ lá, nhân dịp Năm dành cho người Trẻ ở Roma. Ngày 20.12.1985 ngài loan báo quyết định thành lập tổ chức Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới. Hằng năm vào ngày Chúa nhật lễ Lá ở các Giáo Phận địa phương, và cứ ba hay bốn năm tổ chức chung cho toàn thế giới ở một quốc gia do chính ngài đích thân tới tham dự cùng chủ sự ngày Đại Hội.
    Những cuộc Đại Hội giới trẻ thế giới thu hút từ hàng trăm ngàn cho tới hàng triệu Bạn trẻ tới tham dự. Như kỳ đại hội giói trẻ thế giới ở Balan năm 1991 có 1,2 triệu Bạn trẻ, ở Manila Phi luật Tân năm 1995 có 4 triệu bạn trẻ, ở Roma năm 2000 có 2 triệu Bạn trẻ tham dự.
    Đây là sáng kiến truyền giáo của ngài muốn khơi lên sự sống động tươi trẻ hấp dẫn nơi người trẻ với Tin mừng của Chúa, với đời sống gắn bó cùng Giáo Hội Chúa ở trần gian.
    Dịp Đại hội giới trẻ thế giới, ngài đến với họ bằng trái tim vui tươi nụ cười niềm nở, giơ hai tay ra phía trước chào đón họ, như muốn ôm họ vào lòng trong tình nghĩa cha con. Đây là ngôn ngữ đi tận vào trái tim lòng người: ngôn ngữ cha con tình yêu thương.
    Đại Hội giới trẻ thế giới không chỉ là dịp các người Trẻ đi thăm quan thắng cảnh đất nước xa lạ, nhưng là dịp cho họ làm quen giao tiếp với nền văn hóa khác, với cách sống đức tin của người trẻ nơi các dân tộc khác, và cùng ôn nhớ lại củng cố đức tin vào Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
    Dư âm đó để lại những kỷ niệm thánh đức vui mừng tươi trẻ trong lòng những người trẻ luôn mãi. Cho nên những ngày sau cùng trên giường bệnh của Đức giáo Hoàng, hàng trăm ngàn Bạn Trẻ tuốn về Vatican trước sân nhà ngài, đốt thắp nến đọc kinh cầu nguyện cho ngài ngày đêm. Và cảm động hơn nữa vào ngày lễ an táng ngài, trăm ngàn bạn trẻ chen vai tuốn về tham dự tiễn đưa người vị cha chung yêu mến của họ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
    Trong thánh lễ, họ viết dương cao những tấm biểu ngữ " Santo subito! Xin phong thánh ngay cho đức thánh cha của chúng ta! Họ vỗ tay chào tiễn biệt ngài lần cuối khi thấy chiếc áo quan bao bọc ngài được khiêng đi đến nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ.
    6. Santo subito - Xin phong thánh ngay!




    "Santo subito – Xin phong thánh ngay!" là tâm tình của người tín hữu Chúa Kitô nói lên với Giáo Hội của mình. Lời tâm tình này không là đòi hỏi gì, nhưng là nguyện vọng đầy thánh đức đối với một người có đời sống thánh đức, đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, mà mọi người đã cùng sống chứng kiến trải qua với.
    Nguyện vọng này làm ta nhớ lại lời người lính đứng dưới chân Thánh giá Chúa Giêsu lúc ngài tắt thở, đã đấm ngực kêu lên: "Thật Người này là Con Thiên Chúa!" ( Mt 27,54)
    Nguyện vọng tôn vinh đức giáo hoàng quá cố Gioan Phaolô lên hàng các Thánh của Chúa không chỉ là lời kêu gọi đầy nhiệt tình của những người tín hữu trẻ tuổi, nhưng cũng là tâm tư từ chính trong nội bộ lòng Giáo Hội. Trong thánh lễ an táng ngày 08.05,.2005 đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người chủ sự Thánh lễ an táng đã nói lên tâm tình đó: Chúng ta tin rằng, Đức thánh cha của chúng ta giờ đây đang đứng nơi cửa sổ trên nhà Cha chúng ta trên trời ngó nhìn chúng ta và chúc lành cho chúng ta!"
    Vì thế dự án phong Thánh cho ngài đã bắt đầu rất sớm. Ngày 28.06.2005 bắt đầu tiến trình lập hồ sơ phong Thánh cho ngài. Ngày 02.07.2007 hoàn thành hồ sơ điều tra phong Thánh. Ngày 19.12.2009 ngài được nâng lên Venerabilis Dei servus - Tôi tớ đáng kính của Chúa. Ngày 14.01.2011 Tòa Thánh Vatican loan báo lễ phong Á Thánh cho Tôi tớ đáng kính của Chúa, Gioan Phaolô đệ nhị sẽ vào Chúa nhật kính Lòng Thương xót Chúa, ngày 01.05.2011.
    Đức Giáo Hoàng đã đi trọn con đường đời sống của ngài 84 năm trên trần gian. Ngài đã trở về nhà Cha trên trời. Ngài là vị Thánh trong tâm hồn yêu mến mọi người tín hữu. Và ngài đã để lại cho con người, cho Giáo Hội những tượng đài kỷ niệm thân thiết thánh đức.
    7. Những kỷ niệm

    Ngoài những tông thư luân lưu, những bài giảng, những giáo huấn, đức giáo hoàng Gioan Phaolô của chúng ta còn để lại cho đời những điều thánh đức khác liên quan rất mật thiết với đời sống văn hóa cùng đức tin sâu xa.
    7.1. Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria

    Trong cuộc đời ngài lòng sùng kính Đức Mẹ Maria rất sâu đậm cùng chan chứa niềm cậy trông phó thác của một người con với mẹ mình.
    Xưa nay trong Giáo Hội có suy niệm ngắm lần hạt kinh Mân Côi với ba chặng đường đời sống Chúa Giêsu, hay còn gọi là ba mùa: Vui, Thương và Mừng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô lập thêm suy ngắm năm Sự Sáng về cuộc đời Chúa Giêsu nữa. Như thế lần hạt kinh Mân Côi từn nay có bốn ngắm theo bốn mùa: Vui, Thương, Mừng và Sự Sáng.
    Trong những kỳ Đại Hội giới trẻ thế giới, cây Thánh Giá Chúa Giêsu, hình ảnh, giáo lý lời Chúa là trung tâm cho Đại Hội, nhưng hình ảnh cùng gương mẫu đời Đức Mẹ Maria cũng luôn luôn được giới thiệu cho người trẻ.
    Những trung tâm hành hương kính viếng Đức Mẹ như Czestochowa, Fatima, Lourdes, Banneux, Loretto, Guadalupe, Altöttingen, Kevelaer... ngài từng đi hành hương nhiều lần trong đời từ khi còn là sinh viên, Linh mục, Giám Mục và cả khi là Giáo hoàng. Lòng đạo đức sùng kính Đức Mẹ Maria gắn liền với đời sống của ngài. Đây là cung cách sống đức tin tuy xem như cổ truyền, nhưng mang đến niềm vui nguồn ủi cho tâm hồn cùng củng cố đức tin vào Chúa rất nhiều: qua Đức Mẹ đến với Chúa Giêsu.
    7.2. Ngôn ngữ thần học thời đại

    Những ngôn từ thêm vào kho tàng ngôn ngữ của Giáo Hội, có lẽ cho cả nhân loại nữa: Văn minh tình thương, nền văn hóa sự chết, nền văn hóa sự sống, Ơn Gọi bảo vệ thiên nhiên, Đại Hội Giới Trẻ thế giới, là những cụm từ mang ý nghĩa sâu xa vừa về triết lý, về thần học, và về nhân chủng xã hội, hằng được Ngài dùng trong các bài giảng, thư tông huấn. Nên bây giờ mỗi khi nói viết đến những cụm từ ngữ này, ta nhớ đến ngài với lòng vui mừng biết ơn .
    7.3. Tấm áo quan




    Một kỷ niệm sau cùng ngài để lại cho đời: Tấm áo quan của ngài.
    Xưa nay, người ta thường đóng tấm áo quan cho người qua đời bằng gỗ qúi cùng trang trí đẹp sang trọng có thể, nhất là với những người có chức cao trọng vị vọng đạo đời.
    Tấm áo quan của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô lại khác: bằng gỗ mộc mạc, không góc cạnh chạm trổ, chỉ là một hình chữ nhật phẳng lì vẫn lộ nguyên những mắt cá của gỗ, không sơn phết bóng bẩy, không bông hoa trên đó, chỉ duy hình cây Thánh Gía có chữ M đóng khắc ghi, cùng cuốn sách Phúc âm mở để trên mặt, bên cạnh là cây nến Chúa Phục sinh thắp cháy sáng, không hình chụp và trướng vải trải căng.
    Và tấm áo quan đó được đặt nằm trên nền đất trước bàn thờ ngày lễ an táng.
    Đây là đài kỷ niệm khắc ghi sâu vào lòng người hơn cả.
    Đây là ngôn ngữ tiếng nói của người sống đơn sơ có lòng khiêm nhượng sâu thẳm.
    Đây là vẻ đẹp trang trọng biểu hiệu một đời sống nội tâm sâu xa của người qúa cố: Một đời sống chân thành không muốn để mình bị những lớp hào nhoáng bóng bẩy khoe khoang che lấp, làm lu mờ xa Thiên Chúa và xa con người.
    *************
    Nhớ về đức cố thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị với lòng thành kính ngưỡng mộ. Nhưng cũng với lòng cậy trông xin Á Thánh Gioan Phaolo cầu bầu cho mình trước tòa Thiên Chúa trên trời.
    Nhớ đến đức cố thánh cha Gioan Phaolô trong niềm tôn kính là vị Á Thánh. Nhưng cũng trong tình nghĩa hiếu thảo biết ơn vị cha chung ngày xưa đã sống làm chứng rao truyền sứ điệp của Chúa cho con người, cùng để lại cho đời những mẫu gương đài kỷ niệm chan chứa lòng đạo đức tình người, nhất là gương sống lòng khiêm nhường bác ái.
    Nhớ lại những chặng đường đời sống ngài được Chúa tạo dựng quan phòng dẫn dắt, nhất là hơn 26 năm cương vị Giáo Hoàng trong Giáo Hội Chúa, giúp ta suy nghĩ gắn bó yêu mến cùng kính trọng nhiều hơn với Giáo Hội do Chúa tạo lập nên ở trần gian cho con người hôm qua, hôm nay và ngày mai.

    Lễ Phong Chân Phước 01.05.2011
    Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
    Chữ ký của Caohuong



  2. Có 3 người cám ơn Caohuong vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com