Những suy tư về mầu nhiệm và sự sống của Giáo hội:

Nếu tất cả đều là ân sủng thì chẳng còn ân sủng



Hơn mười năm đã trôi qua kể từ ngày ký Tuyên bố chung giữa Công giáo và Tin lành Luther về giáo thuyết Công chính hóa, nghĩa là về vấn đề đã khiến Cải cách Tin lành tuyệt giao hẳn với Công giáo. Ngày 31/10/1999, sau khi Bộ Giáo lý Đức tin đã xem xét một cách kỹ lưỡng, hồng y Walter Kasper hiện nay và tổng thư ký của Hiệp hội Luther thế giới, ngài Ishmael Noko, đã ký văn kiện xác nhận giữa Công giáo và Tin lành Luther có sự đồng thuận về những chân lý căn bản liên quan đến giáo thuyết về sự Công chính hóa. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã gợi lại kỷ niệm lần thứ mười việc ký kết này trong buổi đọc kinh Truyền tin ngày lễ Các Thánh. Ngài đã nhắc lại rằng các chân lý này “dẫn chúng ta đến chính tâm điểm của Tin Mừng và những vấn đề thiết yếu của đời sống chúng ta.” “Chúng ta đã được Thiên Chúa tiếp nhận và cứu chuộc”; ngài nói tiếp: “Cuộc đời của chúng ta được ghi khắc trong chân trời của ân sủng, được một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, Đấng tha thứ tội lỗi chúng ta và mời gọi chúng ta tới cuộc sống mới theo chân Con của Ngài dẫn dắt; chúng ta sống trong ân sủng của Thiên Chúa và chúng ta được mời gọi đáp lại quà tặng của Ngài”.

Quả thực, bản Tuyên bố cũng như các bản văn diễn giải kèm theo chứa đựng những khẳng định rõ ràng và hiệu nghiệm về cách thức lòng tin Kitô giáo được thông truyền trong thế giới. Một câu trích trong tác phẩm của thánh Tôma Aquinô được trình bày trong Phụ lục tóm tắt tâm điểm của đời sống Kitô hữu như sau: “Ân sủng tạo nên lòng tin không chỉ khi lòng tin nảy sinh nơi một con người mà bao lâu lòng tin tồn tại” (“Gratia facit fidem non solum quando fides de novo incipit esse in homine sed etiam quamdiu fides durat”, Summa theologiae II-II q.4a. 4 ad 3).

Ngày nay, trong tranh luận thần học và trong giảng dạy, xem ra người ta chẳng còn nói đến sự cần thiết tuyệt đối của ân sủng cho mỗi khoảnh khắc của cuộc sống Kitô hữu và cho động lực đặc biệt của hành động Kitô hữu. Trong khi đó, trên chính bình diện mục vụ thông thường, về vấn đề ân sủng, người ta thấy có không ít những lẫn lộn, hàm hồ, dị nghĩa, những hiểu lầm, vốn là những dấu hiệu cho thấy một tình trạng mù mờ chung liên quan đến các từ và khái niệm sơ đẳng của giáo thuyết Kitô giáo và của cuộc sống lòng tin, và có nguy cơ dẫn dân Chúa vào con đường lầm lạc.

Mức độ lẫn lộn đầu tiên người ta gặp thấy là quan niệm phổ biến cho rằng ân sủng của Chúa là một dữ kiện mà mỗi người có được một cách tiên nghiệm; người ta còn đi tới chỗ đồng hóa hoàn toàn và một cách đơn giản ân sủng với ánh sáng nội tâm của con người. Người ta cũng bộc lộ một quan niệm tương tợ khi khẳng định mọi việc lành và mọi tôn giáo của con người đều có cùng một giá trị cứu độ, như thể Chúa Thánh Thần tác động theo cùng một kiểu trong tất cả những gì mang tính cách tôn giáo. Hay khi người ta coi như hiển nhiên diện mạo Kitô giáo của một dân hay một dân tộc, như thể lòng tin Kitô giáo là một thứ tầng nền tôn giáo, đã tiềm ẩn trong căn tính dân tộc, bộ lạc hay tộc người nào đó.

Có một số việc đồng hóa cần phải được trình bày với sự phân biệt và một cách không khiên cưỡng. Bởi người ta sinh ra làm người Do Thái giáo, làm người Hồi giáo, nhưng người ta không sinh ra làm người Kitô hữu. Người ta trở thành Kitô hữu, bởi phép Thanh tẩy và bởi lòng tin, như Tertullianô đã nhìn nhận. Người ta không sinh sản ra người Kitô hữu chỉ bởi việc sinh họ ra đời, như một số tôn giáo. Đó chính là điều mà nhiều bậc cha mẹ ngày nay đã thấy được và khiến họ đau khổ: con cái, ngay cả khi chúng nhận được một nền giáo dục Kitô giáo tốt, cũng không tự động trở thành Kitô hữu, những kẻ có lòng tin Kitô giáo. Môi trường, việc dạy giáo lý có thể là một sự trợ giúp. Nhưng không có một điều kiện xã hội nào có thể thay thế sức lôi cuốn của ân sủng, vốn kêu gọi sự tự do của mỗi người. Đích thân mỗi con người được mời gọi dấn thân sống sự sống của lòng tin.

Những việc khái quát hóa và những cách nói sáo vốn xem việc ban ân sủng như chuyện đương nhiên đều là những triệu chứng của sự thiếu hiểu biết chung về một số phân biệt thiết yếu –luôn được nhìn nhận và ý thức trong giáo huấn và trong mục vụ của Giáo hội– chẳng hạn sự phân biệt giữa trật tự tự nhiên (hay trật tự tạo dựng) và trật tự siêu nhiên của ân sủng. Đối với Thánh Tôma, mỗi tạo vật có một bản tính và bản tính này thúc đẩy tạo vật hướng tới cứu cánh riêng của mình và có khả năng thể hiện cứu cánh này. Điều này cũng có giá trị đối với bản tính con người trước khi con người bị tội nguyên thủy làm tổn thương. Sau tội lỗi và sa ngã, Thiên Chúa, qua việc cứu chuộc, đã không chỉ chữa lành bản tính nhân loại khỏi tội lỗi, mà còn thực hiện việc nhận con người làm con qua sự hiến tế của người Con độc nhất của Ngài, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thánh Phaolô viết cho các tín hữu Galat: “Nhưng khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật, để cứu chuộc những kẻ ở dưới quyền Lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử. Mà bởi vì anh em là con cái, thì Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Ngài vào lòng anh em, (Thần Khí) kêu lên: Abba, lạy Cha! Cho nên người không còn là nô lệ, nhưng là con, mà nếu là con, thì cũng sẽ là kẻ thừa tự thể (theo ý) của Thiên Chúa” (Gl 4, 4-7). Điều này có nghĩa là trong sự tự do của công trình cứu chuộc được thực thi qua Đức Kitô, còn có một quà tặng thứ hai của Thiên Chúa, còn tuyệt vời hơn cả ơn được tạo dựng Thiên Chúa ban cho con người. Trong thân phận tạo vật bị tội nguyên thủy làm tổn thương, con người cảm nhận được rằng nỗ lực riêng của mình không đủ để có thể hoàn tất cứu cánh tự nhiên của mình. Khao khát sự viên mãn là dấu ấn của toàn bộ thân phận làm người. Chính bản tính con người, mang dấu ấn của tội nguyên thủy, là một đòi hỏi mở nhưng tự nơi mình không có câu trả lời. Và câu trả lời Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, lại không thể hình dung nổi, đây là một câu trả lời quá ư tràn trề, con người chẳng trông mong có được dù bản tính con người có khát khao cầu xin. Như thánh Phaolô viết trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Côrintô, điều Chúa đã dọn sẵn cho những kẻ Chúa thương không nảy lên từ con tim người phàm (x. 1Cr 2, 9).

Một sự bóp méo khác liên quan đến điều mà Péguy gọi là “mầu nhiệm và tác động của ân sủng” là thói quen đâu đâu cũng thấy ân sủng, một thói quen xem ra rất phổ biến trong giới giáo sĩ, ngay cả trong số nhiều tác giả và nhà giảng thuyết vốn tự xem mình như những chuyên gia về các vấn đề thiêng liêng. Đúng là thánh nữ Têrêsa thành Lisieux nhỏ bé cũng đã thốt lên trên giường bệnh, trước lúc qua đời, những từ này “tất cả đều là ân sủng” để diễn tả sự phó thác của ngài trong tay Thiên Chúa nhân từ. Cụm từ này cũng được gặp lại trong trang cuối của Nhật ký của một cha xứ nhà quê của Bernanos. Tuy nhiên, nhiều khi các kiểu nói có ý khẳng định sự cần thiết và tự do của hành động của ân sủng, cuối cùng, lại gieo rắc những ý tưởng sai lầm và tạo nên sự lộn xộn trong đầu óc. Đó là trường hợp của một số các cuộc gặp gỡ nhạt nhẽo và vụ hình thức, theo kiểu nhắm mắt làm ngơ, về “các tác động của ân sủng”. Người ta phổ biến một hình ảnh không đúng, như thể ân sủng là một trận mưa đổ xuống trên mọi thực tại không phân biệt và bao phủ mọi sự, hoặc như một dấu ấn được ghi bởi quy chế trên tất cả mọi hoạt động của giáo sĩ. Nhưng, thực ra, trong kế đồ cứu độ, lời hứa dành cho mọi người được thông truyền qua con đường của bí tích, nghĩa là qua một sự chọn lựa riêng biệt, như việc cử hành thông thường các bí tích trong đời sống Giáo Hội cho thấy.

Việc lạm dụng từ ngữ liên quan đến ân sủng có thể có những hậu quả tai hại. Mới đây, trong khuôn khổ của cuộc tranh luận tại Italia về thái độ luân lý của các chính trị gia, người ta đi tới chỗ viết (trong khi trích dẫn một câu vốn không có của thánh Augustinô) rằng “tất cả đều là ân sủng, kể cả tội lỗi”. Thực ra, vị giám mục thành Hippo đã viết là “đối với những ai yêu mến Thiên Chúa, mọi sự đều cộng tác vào điều thiện, kể cả tội lỗi”. Liên quan đến bản tính bị tổn thương của chúng ta, ân sủng có ba tác động: chữa lành, củng cố, nâng cao. Không phải tội lỗi, với tính cách tội lỗi, là ân sủng, mà là tội lỗi, qua việc sám hối, và trở lại, có thể là cơ hội cho việc Thiên Chúa thứ tha. Khi xưng thú tội lỗi của mình và cầu xin sự tha thứ, con người nhìn nhận sự cùng khốn của mình và không còn bị cám dỗ tự kiêu.

Đồng hóa ân sủng và tội lỗi là điều hoàn toàn xa lạ với lòng tin Kitô giáo; đúng hơn đây là một quan niệm đồi bại của thuyết ngộ đạo và người ta tìm thấy trong những lời người ngộ đạo dùng để nhạo báng Kitô giáo. Chính những học thuyết này làm nảy sinh mọi thứ giáo thuyết, kể cả hiện đại, –được giáo sư Massimo Borghesi tìm hiểu và mô tả một cách đặc biệt rõ ràng– đã đặt sự dữ nơi chính Thiên Chúa, như một khoảnh khắc “tiêu cực” trong tiến trình biện chứng của việc thâu tóm lại mọi thực tại vào trong sự Viên mãn của Thiên Chúa.

Một cái nhìn như vậy về các sự việc, được lấy lại từ các lý thuyết của Jacob Böhme,, người thợ giày “thần bí”, cũng xuất hiện trong công trình của Hegel được Karl Löwith đánh giá là “Kitô luận ngộ đạo” vĩ đại. Nhưng trong bầu khí tinh thần hiện đại, những mưu toan biến sự dữ thành nguyên lý tích cực góp phần vào việc giải phóng con người, nhiều vô kể. Đó là những lý thuyết sai lầm dạy người ta phải uống chén thuốc độc của sự dữ để vượt qua cái chết, bởi vì ánh sáng đến từ nơi tối tăm, con đường lên thiên đàng ngang qua hỏa ngục, ân sủng đến qua trung gian của tội lỗi, sự cứu chuộc có được bằng sự đồi bại và thế giới được giải thoát ngang qua sự sai lầm. Tư tưởng làm nền đó là Thiên Chúa là sự thống nhất của các mặt đối lập. Thiện và ác, cả hai đều ở trong Thiên Chúa, bởi vì không có đối lập, sẽ không có tiến bộ. Không có Lucifer, không có giải thoát, không có cứu độ.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà triết gia người Do Thái, Martin Buber, viết khi ám chỉ về học thuyết ngộ đạo: “Chính học thuyết này, –chứ không phải chủ nghĩa vô thần, vốn xóa bỏ Thiên Chúa bởi nó phải khước từ các hình ảnh đã được tạo nên về Ngài cho tới nay– mới là kẻ thù đích thực của thực tại lòng tin”.
(Nguồn: www.30giorni.it)


Hồng y Georges Cottier, OP