Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: MẸ KHÔNG THỂ XIN LỖI CON

  1. #1
    littlewave's Avatar

    Tham gia ngày: Aug 2007
    Giới tính: Nữ
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,529
    Cám ơn
    3,391
    Được cám ơn 8,037 lần trong 1,863 bài viết

    Unhappy MẸ KHÔNG THỂ XIN LỖI CON

    Vì sao người ta không thể sống thật với chính mình? Vì sao, trong guồng máy nào, sự giả trá hai mặt cứ lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác?!!!

    MẸ KHÔNG THỂ XIN LỖI CON

    Năm 2006: Con gái tôi-tôi

    Cô con gái 16 tuổi đi học về nhìn thấy tôi chào: Hi, mẹ! rồi khóc òa khóc nức nở. Tôi hỏi: Sao thế? Con gái tôi khóc một chập đã nguôi ngoai trả lời: Mẹ ơi sao con lại hèn thế hả mẹ. Nói xong nước mắt lại rơi đầm đìa. Tôi để yên một lúc cho con bình tâm lại.

    - Nào có chuyện gì kể đi.
    - Lúc nãy con đi cùng với bạn con trên xe buýt, con nhìn thấy rõ ràng một thằng trộm móc vào túi bạn con để lấy điện thoại di động mà con sợ quá không dám kêu lên. Đến lúc tên trộm đi rồi con mới dám kêu mẹ ạ. Sao con lại hèn nhát thế hả mẹ.

    Nước mắt lại rơi đầm đìa và cả tiếng hu hu phát ra thành tiếng. Bỗng nhiên tôi nổi điên. Tôi rít lên: Thôi câm mồn đi, khóc cái gì. May mà hôm nay con hèn đấy, chứ mà dở cái bài dũng cảm, thật thà ra ấy mà để rồi cha mẹ lại phải nuôi báo cô.

    Con gái tôi ngưng khóc ngửng lên nhìn tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi đã kịp nhìn thấy trong ánh mắt con gái tóe ra bao nhiêu là câu hỏi. Nó lấy tay lau sạch nước mắt trên mặt rồi hỏi tôi:

    - Tại sao thế hả mẹ?
    - Tại sao à? Tiếng tôi rít lên. Tôi lại nổi điên. Tại vì cái xã hội này không ai cần đến người dũng cảm đâu con ạ. Khi con kêu lên thì thằng trộm nó sẽ đâm cho con một nhát vào người con trước khi nó bỏ chạy. Bởi nó biết sẽ không có ai dám đuổi theo để bắt nó lại đâu. Mà có ai nhìn thấy nó rút dao ra để chuẩn bị đâm con thì người ta cũng không dám kêu lên để cho con tránh chứ đừng nói gì đến chuyện có ai đó cản đường dao của tên trộm đó đâm vào con. Rồi sau đó có mấy người tốt bụng sẽ đưa con vào viện. Một người trong số đó sẽ gọi điện thoại báo cho bố mẹ. Bố mẹ tất tả chạy đến một người trong số đó sẽ nói với mẹ, con chị dại quá, nó lấy trộm của người khác chứ có lấy của nó đâu mà nó lại kêu toáng lên, mà bây giờ ấy mà biết nó lấy của mình đấy còn phải lờ đi ấy chứ, thà mất của còn hơn mất người. Sao chị không dạy cho cháu để đến nỗi... Đấy, tại vì như thế đấy.

    Tôi nói liền một mạch đến suýt ngạt thở. Con gái tôi nhìn mẹ đầy vẻ ghê sợ rồi lặng lẽ đi vào trong phòng.

    Buổi tối chồng tôi đi làm về, không đợi bố ăn cơm xong đã con gái tôi đã kéo bố vào phòng nó để nói chuyện. Tôi nghe tiếng nói gay gắt và cả tiếng khóc của nó vọng ra. Tôi đã bình tĩnh lại qua cơn điên. Tôi ngồi suy ngẫm sự vô lý của mình. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại nổi cơn điên vô lý thế. Tất nhiên cơn điên của tôi không phải là cơn điên bệnh lý. Nếu là cơn điên bệnh lý thì rất dễ lý giải, vì nó là bệnh mà. Còn tôi là một người đàn bà khỏe mạnh có học thức. Nghề nhà báo của tôi đang được xã hội trọng vọng và tôi thì thành công trong nghề nghiệp của mình. Tôi viết nhiều bài ca ngợi người tốt việc tốt.Con gái tôi thuộc thế hệ 9x cởi mở và đầy tự tin. Nó luôn chấp nhận sự dạy dỗ của tôi mặc dù có đôi lúc tôi lấy quyền làm mẹ, lấy quyền của thế hệ 7x để đàn áp nó. Nhưng trên hết nó luôn tin tưởng vào tôi. Quả là lần này như một cú đòn rất nặng giáng vào đầu nó.

    Chồng tôi ra khỏi phòng nó, kéo tôi vào phòng ngủ để nhỏ to với tôi: Em có chuyện gì uất ức ở cơ quan phải không? Sao anh lại hỏi em thế? Thì có chuyện gì uất ức thì mới đổ lên đầu chồng đầu con như thế chứ? Sao, nó nói gì với anh? Cái con ranh này dạy dỗ nó thế mà nó không sáng mắt ra à? Nó vẫn nghĩ nó đúng à? Con này..Tôi lại đùng đùng nổi giận. Tôi băm bổ đi sang phòng nó. Tôi trợn tròn mắt nhìn vào mặt nó: Nói đến vậy rồi mà mày vẫn chưa hiểu ra à? Mày thích làm người dũng cảm, mày thích làm người tốt à? Không, không, không, bây giờ không có ai cần người như thế đâu. Mày phải biết thu mình lại, nhẫn nhịn chịu đựng... Chồng tôi kéo tôi xềnh xệch về phòng đóng cửa nhốt tôi lại.

    Năm 1982: Mẹ tôi-tôi

    Một chiều mưa đông cuối năm tôi với cái Hoa đi học về. Tôi với nó đã học cùng với nhau suốt 9 năm. Mẹ cái Hoa có một quầy nhỏ bán guốc dép ở bến xe. Mỗi lần đi học về cái Hoa thường qua đó dọn hàng giúp mẹ. Tôi cũng hay giúp nó dọn hàng. Cũng thường khi chúng tôi đi học về thì mẹ cái Hoa đã mua sẵn cái bánh rán hoặc củ khoai luộc phần chúng tôi.

    Chiều hôm ấy khi chúng tôi đang ăn dở củ khoai thì có một người đàn bà đội chiếc nón mê, khoác chiếc áo mưa rách, lếch thếch một đứa con trai nhỏ những nhẵng bám vào ông quần của mẹ,đến trước mặt chúng tôi. Bà ta đứng im nhìn hai đứa. Thằng con trai nhỏ nhìn đăm đắm vào miếng khoai đang ăn dở trên tay tôi. Tôi đưa miếng khoai cho nó. Nó cầm miếng khoai sợ sệt đưa vào miệng. Có tiếng ọ ẹ phát ra từ trong chiếc áo mưa người đàn bà đang khoác. Thì ra người đàn bà ôm trong ngực một đứa con đỏ hỏn. Người đàn bà ngồi xuống bậc thềm, không ra kể chuyện với chúng tôi, không ra nói chuyện một mình.

    - Tôi quê bên Thái Bình, bỏ làng đi vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Vào được một năm thì lấy chồng là người cùng làng đi kinh tế mới, sinh được thằng bé này đây. Năm trước chồng tôi đã bỏ về quê, mẹ con tôi ở lại. Có người đàn ông thượng nói thương mẹ con tôi, đưa về nhà để làm vợ chồng. Tôi không có ai bấu víu nên theo người ta. Người đàn ông thượng này nát rượu, đánh mẹ con tôi nhiều phen nhừ tử. Tôi không chịu đựng nổi nên dắt díu nhau về quê. Giờ chỉ còn hơn chục cây số thôi là về đến quê rồi nhưng tôi không dám về. Tôi không thể bế đứa con gái nhỏ này về. Bế nó về thì bố tôi chôn sống tôi mất. Có ai thương con tôi thì nuôi nó, chứ không tôi phải bỏ nó bên vệ đường thôi.

    Tôi chăm chú nghe người đàn bà nói. Tôi lờ mờ hiểu rằng người đàn bà này không dám bế đứa con nhỏ về làng. Nhưng tôi không thể hiểu ngọn ngành có phải bà ta định vứt đứa bé đi hay không?

    Tôi với cái Hoa dọn guốc dép vào hai cái bồ to, vừa dọn hai đứa vừa nói chuyện. Chúng tôi dường như đã quên mất người đàn bà với hai đứa bé. Hàng đã dọn xong. Mẹ cái Hoa gánh hai cái bồ đựng guốc dép về nhà. Tôi với cái Hoa lúi ríu chia tay nhau. Bỗng người đàn bà gọi chúng tôi:

    - Hai cô ơi, cho tôi gửi cháu bé này một tí. Tôi đi tìm xem còn có xe nào đi nữa không?

    Tôi với cái Hoa nhìn nhau, lưỡng lự giây lát. Rồi cái Hoa chìa tay ra bế đứa bé. Đứa bé còn bé lắm, chỉ khoảng hơn 1 tháng. Người đàn bà để lại cả chiếc túi du lịch nhỏ rồi vội vã dắt tay thằng bé đi. Trước khi đi người đàn bà nói: Tôi đội ơn hai cô đã bế con tôi.

    Đứa bé ngủ ngon trong tay cái Hoa. Chúng tôi lại líu rúi trò chuyện. Trời tối sập xuống. Hai đứa chúng tôi thôi không nói chuyện nữa.

    - Sao bà ta đi lâu thế nhỉ. Tối rồi không về nhà là lại bị mắng đấy.
    - Ừ nhỉ, sao bà ta lại đi lâu thế.

    Chúng tôi bồn chồn đi đi lại lại. Đứa trẻ khóc ré lên. Cái Hoa nựng nọt: Nín đi nín đi nào, mẹ sắp về rồi.

    Trời tối sẫm. Mẹ cái Hoa sốt ruột chạy ra tìm hai đứa. Mẹ nó nhìn thấy nó bế đứa trẻ, không cần hỏi ngọn ngành bèn mắng nó té tát. Mẹ nó giằng lấy đứa trẻ từ tay nó để lên cái túi du lịch rồi dắt tay nó lôi sềnh sệch. Cái Hoa khóc toáng lên, giằng tay mẹ nó nhưng mẹ nó đã túm chặt.

    Đứa bé giãy giụa khóc. Tôi bế đứa bé lên, cũng khóc. Nhiều người thấy lạ xúm vào xem. Tôi kể câu chuyện người đàn bà gửi con cho chúng tôi. Có người đề bảo mở chiếc túi du lịch xem trong đó có gì. Một người mở ra. Trông đó là những tã lót, quần áo trẻ con, sạch bẩn lộn tùng phèo. Không có thư từ gì để lại. Mọi người tản nhanh. Một tia sáng tóe lên trong đầu tôi. Tôi bế đứa bé này về nhà cho bố mẹ nuôi. Nhà tôi có 3 chị em. Bố tôi là quản đốc phân xưởng hẳn hoi.

    Tôi lễ mễ bế đứa bé về nhà. Mẹ tôi đang nấu cơm. Tôi nói to:

    - Bố mẹ ơi, con bắt được một đứa bé. Bố tôi đang ngồi ở bàn nước thủng thẳng:
    - Cái con bé này cứ hay đùa.
    - Con không đùa mà bố. Nó đây này. Tôi chìa đứa bé vào mặt bố.

    Bố tôi trố mắt nhìn đứa bé rồi chìa hai tay bé nó. Đứa bé khóc ré lên. Mẹ tôi nghe tiếng trẻ khóc bèn đi lên nhà:

    - Cái con này đi học không về ngay còn la cà bế con nhà ai về nhà thế này?

    Tôi bèn kể câu chuyện cho bố mẹ tôi nghe. Mới chỉ kể đến chỗ người đàn bà đưa con cho cái Hoa mẹ tôi đã gầm lên:

    -Khốn nạn chưa? Khốn nạn quá trời ạ. Trời chưa hành tôi đủ khổ hay sao mà trời còn hành thêm thế này. Con trời đánh thánh vật này. Nó gửi cho cái Hoa mà sao mày lại bế về nhà mày. Tao đã bảo với mày bao nhiêu lần rồi, là không được chơi với cái con nhà buôn bán ấy. Nó khôn như ranh ấy. Mày bế đứa bé về đây thiên hạ nào có hiểu cho câu chuyện của mày. Người ta lại bảo đấy là con của bố mày, của anh trai mày đi ngủ lang ngủ chạ nay nó mang nó trả...
    - Cái bà này nói năng hàm hồ gì thế. Bố tôi ngắt lời mẹ.
    - Tôi hàm hồ à? Thời buổi này cái gì mà người ta không nghĩ được. Cái chức phân xưởng trưởng của ông ối kẻ đang nhòm ngó kia. Nó chỉ cần ông phạm lỗi nhỏ thôi là chúng nhao vào hạ bệ ông. Còn con trai ông nó đang sắp được kết nạp Đảng. Họ mà biết chuyện này của nhà ông thì thế nào?
    - Cái bà này, chuyện nọ xọ chuyện kia? Sao bà nghĩ toàn điều xấu xa thế. Bà không biết con gái bà đã làm điều tốt à? Nó là đoàn viên thanh niên cộng sản. Nó đang hoàn thiện nhân cách để thành một công dân tốt. Chẳng lẽ nó chỉ phấn đấu bằng lời nói thôi à? Ra đường nó phải biết giúp đỡ người đang gặp khó khăn chứ. Đứa bé này, như mẹ nó nói đấy, không thể bế về nhà được. Nếu nó với con Hoa mà không bế hộ thì có khi mẹ nó quẫn lên để nó ở bờ bụi, rét mướt thế này, nó sống sao được?
    - Nó chết thì mẹ nó có tội. Giờ con kia đã mang nó về nhà này thì nhà này phải gánh lấy tội rồi. Muốn làm người tốt à? Bây giờ có ai cần người tốt đâu? Người ta cần người khôn ngoan cơ. Các cụ chả có câu: Khôn sống mống chết, chứ có ai cần đến người tốt đâu.
    - Tôi chán bà quá rồi. Bà dạy dỗ con bà như thế thì làm sao nó trở thành người tốt được? Thời này thanh niên phải có trí hướng, biết làm những điều cao cả tốt đẹp chứ.
    - Á à, hay là chính ông? Ông đã đi hủ hóa với ai, rồi người ta đem con đến trả. Người ta đã theo dõi nhà ông từ lâu rồi, biết đường đi gốc tích nhà ông tường tận nên đã nhờ con gái ông đem con về cho ông?
    - Bà câm mồn đi, bà điên rồi. Bố tôi gầm lên.

    Sau tiếng gầm của bố hàng xóm đổ sang nhà tôi. Mặt mẹ tôi tái nhợt, mặt bố tôi tái nhợt. Cả hai đều im lặng, bối rối. Tôi lấy tay gạt nước mắt nhìn bố mẹ. Mẹ tôi bỗng thay đổi nét mặt. Mẹ tôi cười rất tươi:

    - Các bác sang nhà em chơi, may quá nhà em đang có việc khó giải quyết. Chả là cái con bé nhà em nó thấm nhuần rất cao cái lý tưởng cộng sản các bác ạ. Nó thấy một bà định bỏ chết con mình ở bụi cây ven đường. Nó liền bế đứa bé về nhà. Đây đứa bé ấy đây này. Nó đỏ hỏn thế này, các bác thấy có thương không?

    Tôi nhìn đăm đắm vào mặt mẹ. Mẹ đang tươi cười với khách bỗng méo sệch mồn khóc. Các cơ trên mặt mẹ bị chuyển đổi trạng thái đột ngột quá, kéo một nét hằn sâu làm mặt mẹ méo đi.

    Mấy vị khách hàng xóm xúm vào xem đứa bé. Họ ồ à, rồi họ tìm cách lỉnh. Họ sợ liên đới trách nhiệm. Nhưng mẹ đã đứng chặn ở cửa:

    - Các bác phải giúp nhà em. Em với con bé nhà em thấm nhuần đạo đức cách mạng, chúng em đang bàn nhau có phải ăn xin cũng phải nuôi con bé nhưng chồng em thì bảo nhà em rách quá rồi, lấy tiền đâu mà nuôi thêm người nữa. Chồng em gầm lên là thế.

    Mấy người khách bị giữ chân đành bắt chuyện mẹ:

    - Thời buổi này nhà nào chẳng rách như tổ đỉa. Không có sổ gạo, không có tem phiếu thì lấy gì mà bỏ vào mồm. Nhà chị không đẻ ra nó thì làm gì có sữa đã đành, mà người ta cũng không cho nhà chị phiếu mua sữa bò để nuôi đâu. Khó khăn lắm, khó khăn lắm..
    - Thôi tôi tính thế này, nhà chị bỏ ý định nuôi nó đi. Nuôi nó không nên người thì tội chết. Bây giờ bế nó ra công an, khai báo việc mẹ nó vứt nó đi, để người ta cho nó vào cơ sở nuôi trẻ mồ côi.

    Tôi vẫn nhìn đăm đắm vào mặt mẹ như thể đó là cái hàn thử biểu. Tôi nhìn rõ cơ trên mặt mẹ dãn ra. Tôi nhìn thấy mẹ trút được một gánh nặng. Tiếng mẹ nói với khách rầu rầu:

    - Các bác nói em mới thấu. ở với nhà em thì chỉ được tình thương thôi, mà con người ta thì chỉ tình thương thôi chưa đủ, cần cả vật chất nữa. Vậy bác tổ trưởng, bác cũng có mặt ở đây bác thương nhà em, bác đi với em và con cháu ra đồn công an trình báo. Kẻo không có người ta lại nghi ngờ nhà em nọ kia.

    Chuyện đứa bé được giải quyết ổn thỏa. Mẹ tôi thì như không có chuyện gì xảy ra. Mẹ không đả động câu nào đến chuyện đứa bé. Ngay cả bóng gió cũng không. Còn bố và tôi thì bị tổn thương nặng nề. Bố không ngủ cùng gường với mẹ. Bố dẹp chiếc tủ lại, kê chiếc gường cá nhân ngủ ở đấy. Nhiều lần bố không ngồi ăn cơm cùng mẹ. Bố bảo bố không thể ngồi ăn cơm với người đàn bà điêu toa, gian dối, miệng nam mô bồ tát, bụng một bát dao găm. Mẹ không cãi lại bố, cứ một mực im lặng. Tôi thì không dám tỏ thái độ với mẹ nhưng tôi tránh mẹ. Tôi lẩm bẩm cãi lại mỗi khi mẹ nói chuyện gì. Không khí nhà tôi vô cùng căng thẳng.

    Mùa hè năm ấy mẹ tôi bảo tôi về chơi với bà ngoại. Nhà bà ngoại không ở quê mà ở một thị trấn nhỏ. Tôi không thích về nhà bà ngoại. Vì nhà tôi cũng ở thị xã. Thị trấn với thị xã chẳng khác gì nhau mấy. Nếu ở quê hẳn thì còn thích. Tôi không thích bà ngoại còn vì một điều, bà tôi hay tự đấm vào ngực mình cho đến ngất xỉu. Mà tại sao cái điều tôi sợ thì tôi lại rất hay gặp. Cái thời đấy tôi rất hay gặp những người đàn bà cứ đấm thùm thụp vào ngực mình đến ngất xỉu.

    Mặc dù tôi không thích nhưng tôi vẫn về nhà bà ngoại. Tôi chạy trốn cái không khí căng thẳng của nhà tôi. Đêm trước khi về nhà bà ngoại tôi thấy mẹ đến gường tôi ngủ rồi nhìn tôi. Lúc đó tôi chưa ngủ nhưng nằm im để mẹ không biết. Mẹ đứng một lúc lâu rồi thở dài quay đi.

    Năm 1966: Bà ngoại tôi-mẹ tôi

    Bà ngoại còn trẻ. Dì út hơn tôi có mấy tuổi, chưa đi làm. Ông ngoại đã về hưu. Bà chăm sóc ông ngoại rất chu đáo nhưng lại hay cự nhau với ông. Tôi chán cảnh cãi nhau lắm rồi nhưng rất thích dì út. Tôi với dì như bạn bè với nhau. Bà ngoại rất cởi mở. Bà vui vẻ, chan hòa với hàng xóm láng giiềng. Trong khẩu ngữ của bà luôn có từ tê tệt: Gớm nhà bà Thủ có cây hồng xiêm tê tệt quả; Con chó nhà ông Yểm tê tệt rậm; Mẹ bà Ong nằm liệt gường, tê tệt..Cứ mỗi lần bà nói hai từ tê tệt là tôi lăn ra cười. Dì út bảo, con này vô duyên, có gì đáng cười. Tôi cãi lại: Có dì vô duyên ấy, bà nói buồn cười thế mà không cười. Rồi tôi bắt chiếc bà cho hai từ tê tệt vào khẩu ngữ của mình. Một lần tôi bảo dì út: Dì ơi, lần này cháu ra máu hành kinh tê tệt dì ạ. Dì nghe bỗng nổi khùng: Câm cái mồn mày đi, tê tệt cái gì? Mày tưởng hay lắm đấy mà mày còn nói. Cái nhà này căm thù cái từ đó mày nghe chưa? Tôi chưa khi nào thấy dì khùng như vậy nên lảng ra một chỗ.

    Một buổi sáng cả ông ngoại và dì út đi vắng tôi mới hỏi bà ngoại: Bà ơi sao dì út bảo cả nhà này căm thù cái từ tê tệt vậy hả bà? Bà ngoại bỗng lặng đi. Một lúc lâu sau bà nói. Bà lại nói cái cách không ra kể chuyện không ra tự sự với chính mình: Khổ cái thân con mẹ cháu. Nó là chị cả trong cái gia đình này. Nó chăm chỉ nết na, có 7 đứa em thì tay nó chăm sóc 6. Vào cái thời khốn khổ, cái gì cũng phân( phối), mà phân thì như cứt. Nhà đông con nên lúc nào cũng đói. Bà thì làm hợp tác, thóc lúa chia theo thời vụ. May có ông cháu làm nhà nước thì có tem phiếu. Tem phiếu thì cũng chỉ mình ông ấy được thôi. Rồi thì ông ấy được cất nhắc lên làm giám đốc mới chuyển hết con cái lên theo bố, thế là cũng được gạo sổ, tem thịt. Bà đi theo ông ấy nhưng không xin được việc nhà nước nên làm nhì nhằng, nay đóng thuốc lào, mai vê thuốc lá. Cái hồi ở quê nên không biết thực hư ông ấy sống thế nào, giờ lên sống cạnh ông ấy mới biết ông ấy có thói trăng hoa. Trăng hoa là cái mỹ từ chứ huỵch toẹt ra là hủ hóa. Hủ hóa bị bắt được còn rũ tù chứ còn nói gì đến chức tước.

    Bà lấy ông ấy từ hồi 16 tuổi, là cô gái quê mới lớn. Ông ấy đi thoát ly. Bà ở nhà cũng theo chị theo em đi sinh hoạt đoàn thể. Nhưng chẳng được mấy nả thì đẻ con sòn sòn. Mỗi lần chồng về là bụng lại lùm lùm. Rồi cứ thế đẻ con rồi nuôi con cho chồng mà chẳng bén được hơi chồng. Nay lên thành phố với chồng thì đã có đứa nó bén hơi chồng mình từ lâu rồi. Ông ấy nói thẳng chuyện với bà:

    - Thời ngày xưa thì hẳn là bà đã đội mâm đi hỏi vợ lẽ cho tôi rồi. Nhưng thời nay tân tiến người ta không cho thế. Người ta biết còn kỷ luật cho. Mà người ta mà kỷ luật tôi thì mẹ con bà chết đói. Bà đói quen rồi bà chịu được, chứ trẻ con nhà bà đói thì khốn lắm. Bà nhìn bà có chịu được không?
    - Tất nhiên là tôi không chịu được rồi. ở quê đói thì còn củ khoai, mớ rau, chứ ở đây chỉ có cậy đường nhựa lên mà bỏ vào mồm.
    - Bà này giác ngộ khá đấy. Thế nên tôi bàn với bà chuyện này. Xí nghiệp của tôi nhiều đứa nó nhòm cái ghế giám đốc của tôi. Tôi mà hở ra tí xấu nào là nó hất cẳng ngay. Vậy nên, kín đáo nhất là ở nhà này. ở trong buồng tôi với bà ấy. Bố đứa nào mà dám vào đây mà bắt. Bà đồng ý thế nhé.

    Vậy rồi nghiễng nhiên ông ấy dẫn người yêu về nhà tình tự. Bà phải làm nhiệm vụ canh gác cho ông ấy. Bà canh không cho người ngoài biết đã đành, bà phải canh để cho con cái ông ấy không biết nữa. Con cái ông ấy mà biết bố chúng như thế thì khốn nạn lắm. Mới đầu thì ông ấy còn năm thì mười họa mới dẫn cô người yêu phi dê về, thì bà còn sức lực để mà chịu. Cháu không thể biết được sức con người chịu đựng phi thường thế nào đâu. Bà canh cho ông ấy trong trạng thái tức thở, tim bị bóp ghẹt, đầu bị kẹp chặt bởi hai thanh gỗ. Thi thoảng bà phải thở hộc lên để không ngã lăn ra đất.Mà khốn khổ nữa là, phải không được than thở, kêu rên trời đất. Một là để cho con cái không biết, hai là để cho hàng xóm không biết. Con cái thì được cái vô tư nên cũng không lo lắng lắm. Còn hàng xóm thì họ nhòm nhỏ vào nhà mình suốt ngày. Hôm nay nhà mình ăn mấy bò gạo, trộn với mấy bát mỳ mà họ còn biết nữa là. Cái việc ông ấy dẫn cô phi dê về nhà thì ai cũng nhìn thấy rồi, vậy là họ căng tai ra nghe ngóng. Bà thở hộc lên rồi bà phải cười, cười tươi như nhà đang có khách vậy.

    Xong cái việc yêu đương của ông ấy thì cô phi dê kia ra về. Bà phải tiễn cô ta, nói cười bả lả chị chị em em ra điều thân thiết lắm để che mắt thiên hạ.
    Rồi bà vào buồng để thu dọn. Cái gường của bà bị người ta quần tướp tơ, cái vỏ chăn tê tệt. Bà ấn cái vỏ chăn tê tệt đó vào chậu mang đi giặt. Cái thời khốn khó đó chỉ có một mỗi một cái vỏ chăn hoa. Thi thoảng có được phân phối thêm thì phải phá ra để may áo quần cho các con rồi.

    Tình yêu của ông ấy phát triển lấn tới, không năm thì mười họa nữa, mà thường xuyên hơn, có tháng tới 5, 6 bận. Bà không còn sức lực để chịu được nữa. Cơn nghẹn chặn lên cổ bà phải đấm vào ngực để nó trôi xuống. Ban đầu thì đấm 1 cái, sau tăng lên 2 cái, rồi thì 3,4,5 cái. Mẹ cháu là người biết chuyện ấy đầu tiên. Mẹ cháu đòi xông vào buồng để tống cổ hai kẻ đang yêu nhau cuồng si ra khỏi nhà. Nó khóc nức nở và cứ muốn gào lên. Bà phải bịt chặt lấy miệng nó, rồi van xin nó:

    - Con ơi, mẹ xin con, cả nhà này rồi chết đói con ơi.
    Nó cũng quì xuống lạy mẹ:
    - Mẹ ơi, mẹ tỉnh táo lại đi.Mẹ đừng u mê như vậy nữa mẹ ơi. Mẹ con mình có phải đi ăn xin thì cũng được. Miễn sao là mẹ thoát khỏi cái cảnh khốn khổ này. Sống ở trên đời này phải biết ngẩng cao đầu mẹ a. Con người thì phải biết ngẩng cao đầu lên mẹ ơi. Sao mẹ cứ cúi đầu mãi thế.
    - Con ơi, con đã có chút lớn khôn rồi nhưng còn các em con còn nhỏ dại thế mà cũng bắt chúng phải đi ăn mày hay sao. Mẹ cũng muốn ngẩng đầu lên lắm con ơi. Khi mẹ đấm vào ngực mẹ, mẹ cũng cảm thấy đau con ạ. Con ơi, kia kìa người ta đang nhòm vào nhà mình. Con mà khóc to lên là họ chạy ùa cả vào nhà mình đấy. Rồi họ bắt quả tang 2 người trong buồng mẹ. Con ơi rồi mẹ cũng bị liên đới đấy. Các em con còn nhỏ dại lắm, khốn khổ chúng nó lắm con ạ.

    Bà nấc lên. Một cục nghẹn lại chặn lấy ngực bà. Bà lấy hai tay đấm thùm thụp vào ngực để trôi cục nghẹn xuống. Bà không còn sức chịu đựng nữa. Bà ngã ra đất. Con mẹ cháu 16 tuổi mà đã khôn ngoan hơn người. Nó hiểu tình cảnh nhà nó rồi. Nó dìu bà nằm xuống gường, rồi chính nó ngồi canh cửa buồng cho bố nó.

    Chuyện khốn khổ đó đâu có dừng tại đấy. Cái sự đấm ngực của bà như một liều thuốc gây nghiện, liều dùng ngày một tăng và kèm theo nó là sự chết ngấc của bà. Mẹ cháu phải một tay chăm sóc bà, một tay canh cửa cho bố. Mà cháu biết không? ở trường học mẹ cháu là một cán bộ đoàn tiên tiến. Một năm mẹ cháu dẫn dắt mấy thanh niên tiên tiến vào đoàn. Mẹ cháu là một thanh niên đang tràn ngập khí thế cách mạng xã hội chủ nghĩa tươi đẹp. Bà nói điều này vì để cho cháu hiểu thêm rằng mẹ cháu đã bị khốn khổ và dằn vặt đến thế nào? Mẹ cháu câm lặng trong cái nhà bà, không một lời oán thán. Một lần thật tình cờ bà nghe tiếng mẹ cháu nói trong cơn mê ngủ: Bố, bố cũng là đảng viên. Con cũng đang phấn đấu trở thành đảng viên như bố mà. Sinh con ra bà đã hiểu được tấm lòng của mẹ cháu. Trong đêm tối không còn sợ hàng xóm rình mò nữa, bà khóc nức lên. Hóa ra khóc được thì lại sung sướng cháu ạ. Sung sướng hơn cái sự tự đấm vào ngực mình rất nhiều.

    Rồi cái đêm mùa đông nghiệt ngã đấy. Cái ả phi dê đến vào lúc nửa đêm. Trông ả tàn tạ quá thể. Cái quần ả mặc tê tệt máu me. ả gọi tên bà chứ không gọi tên ông ấy. Bà đến bên ả. ả đưa cho bà một mớ áo quần rồi ả gục xuống ngất lịm. Bà thảng thốt định kêu lên thì mẹ cháu đã đến bên bà từ lúc nào. Mẹ cháu bấu vào tay bà rồi cúi xuống bế ả phi dê vào buồng của bà. Ông ấy đang ngủ khì khì trên gường, giật mình tỉnh giấc. Bà cũng ôm cái mớ áo quần đó vào trong buồng, đặt xuống bên cạnh ả. Thì ra trong mớ áo xống đó có một hài nhi . Nó đã chết rồi.

    Trong đêm mẹ cháu và bà dùng tay bới đất để chôn hài nhi. Ông ấy đau khổ lắm nhưng cũng bình tĩnh để nhận nhiệm vụ mang đứa bé đi chôn. Nhưng mẹ cháu bảo, bố phải giữ uy tín, thể diện, nhỡ có ai bắt gặp.
    Khốn khổ con tôi, năm ấy nó mới chớm17 tuổi.

    Y BAN (newvietart)

  2. Có 3 người cám ơn littlewave vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com