• .ppt
    CN 2 QN.C.pps

















Phanxicô Assisi

Br. Huynhquảng

Nếu Con Thiên Chúa không ngần ngại đến và sống với thế giới vật chất đổ nát này, thì tôi là ai mà dám khước từ chạy trốn khỏi thế giới vật chất này?

Khi nghe tên hay thấy hình ảnh của Phanxicô Assisi (Phanxicô Khó Nghèo), nhiều người trong chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi thánh nhân này. Vì lẽ đó, khi nghĩ đến Phanxicô, chúng ta thường nghĩ về một con người đem sự bình an, yêu thương, chan hoà giữa con người với nhau và giữa con người với vạn vật trong vũ trụ. Phanxicô trở nên biểu tượng cho các cuộc đối thoại nhằm tìm giải pháp hoà bình, tranh chấp không những giữa các tôn giáo với nhau mà con giữa các nhà chính trị. Phanxicô còn lá biểu tượng và mẫu gương cho nhiều nhà từ thiện trong việc giúp đở người nghèo đói trong xã hội. Vậy Phanxicô đã có cuộc sống như thế nào? Ngài đã hành động ra sao đến nỗi tầm ảnh hưởng của Ngài vẫn còn diễn ra cho đến hôm nay, sau hơn tám thế kỷ?!


* * *
Phanxicô sinh vào năm 1182 tại Assisium, một thị trấn nhỏ toạ lạc trên dãy đồi Assisi trong một gia đình thương gia giàu có tại Ý. Dầu được người cha cưng chiều và được hướng dẫn để tiếp nối trở thành một thương gia giàu có, Phanxicô đã không tìm được ý nghĩa đích thực của đời mình qua tiền bạc, giàu sang, và thú vui trần thế. Nhưng Phanxicô đã thực sự tìm được hạnh phúc đời mình khi chàng từ bỏ địa vị, sự an toàn của bản thân, và danh tiếng của gia đình để sống và làm bạn với những người ăn xin, ôm ấp và chăm sóc người phong hủi. Kết quả của sự dấn thân “liều mạng” này chính là bị khước từ quyền làm con của ông Peter Bernardon, và từ một chàng thanh niên giàu có đã trở thành kẻ ăn mày bên vệ đường. Đặc biệt từ trong cầu nguyện, Phanxicô đã nghe được tiếng Chúa trong nguyện đường rách nát St. Damian, “Phanxicô, hãy sửa nhà cho Ta.” Từ đó, Phanxicô càng dấn thân hơn nữa để sống theo giá trị của Tin Mừng một cách tuyệt đối. Lạ lùng thay, càng làm người ăn mày, càng làm người chăm sóc bệnh nhân, càng làm người đi xin từng đồng xu để xây dựng Nhà Chúa, Phanxicô càng có nhiều bạn và càng thu hút nhiều người theo Phanxicô. Sức mạnh này từ đâu? Lý do nào mà Phanxicô có sức thu hút lạ thường như thế?

Bàn về thần học, Phanxicô chú trọng vào mầu nhiệm Giáng Sinh hơn là mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh. Đối với Phanxicô, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là hệ quả tất yếu của mầu nhiệm Giáng sinh làm người của con Thiên Chúa. Đương thời, nhóm dị giáo Cathars thuộc phái Nhị Nguyên cho rằng, thế giới vật chất mà con người đang sống là do thần dữ (ma quỉ) và thần lành tạo dựng. Vì thế, những gì mà con người đang hưởng thụ trong một thế giới vật chất này đều của ma quỉ. Để cứu con người, Thiên Chúa gởi thiên thần Giêsu đến để giải thoát con người ra khỏi thế giới vật chất này. Vì cho rằng thế giới này rách nát và sa đoạ, nên nhóm Cathars chủ trương triệt để khước từ thế giới vật chất và những đau khổ trong thế giới con người. Họ quan niệm rằng, bệnh hoạn, tật nguyền, nghèo đói là hậu quả của thế giới vật chất này, nên không thể chấp nhận chúng được! Vậy mà Phanxicô lại đi ôm và hôn người phong hủi! Vậy mà Phanxicô lại đi làm bạn với vạn vật cây cỏ và gọi những thụ tạo là anh chị em! Hành động dấn thân của Phanxicô đã phủ nhận học thuyết của dị giáo Cathars.

Phanxicô ôm trọn con người và thế giới vạn vật là vì Phanxicô được mặc khải tình yêu của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhậm Thể và Nhập Thế của con Thiên Chúa. Khi chiêm niệm mầu nhiệm Giáng Sinh, Phanxicô đã đi vào cung lòng của Thiên Chúa khi thấu chạm được rằng mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Thiên Chúa là hành động tuyệt đối biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Chúa Giêsu đã ôm hôn thế giới tội lỗi này bất chấm sự ghê tởm của nó. Chúa Giêsu đã sống và làm người trong thế giới này bất chấp sự mục nát và suy đồi của nó. Đây chính là sức mạnh then chốt mà Phanxicô đã tìm gặp để dấn thân. Nếu Con Thiên Chúa đã không ngần ngại ôm hôn thế giới này, thì tôi là ai mà không ôm hôn và chăm sóc anh em tôi? Nếu Con Thiên Chúa không ngần ngại đến và sống với thế giới vật chất đổ nát này, thì tôi là ai mà dám khước từ chạy trốn khỏi thế giới vật chất này? Nếu Con Thiên Chúa đã tự hạ mình để chấp nhận làm người rách nát trong máng cỏ của chiên bò, thì tôi là ai mà không hạ mình xuống phục vụ anh em đồng loại rách nát như tôi? Chiêm ngắm sự hạ mình khiêm tốn của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Giáng Sinh đã biến đối con người Phanxicô: Từ một người giàu có thành kẻ ăn mày, từ một người làm chủ thành kẻ tôi tớ, và từ một người ăn chơi sung sướng trở thành kẻ nô lệ và tù nhân cho một Thiên Chúa vô hình.

Trong bài cuối của loạt bài học hỏi về đức khiêm tốn, chúng ta được mời gọi nhận diện về giá trị và sức mạnh của sự khiêm tốn vốn thật sâu thẳm và huyền nhiệm; vì thế, tự khả năng con người không thể có được. Chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa qua cầu nguyện và chiêm niệm. Có lẽ, những vấp ngã hằng ngày của chúng ta cũng phần nào giúp ta thấm thía nhìn nhận rằng: Tôi thật yếu đuối. Nhưng cũng có thể nhờ những vấp ngã này, chúng ta mới thấy rằng mình cần Chúa biết bao!









ÂN SỦNG (CN 2 QN.C)
(Is 62, 1-5; 1Cor 12, 4-11; Ga 2, 1-12)

Tất cả là hồng ân. Hồng ân, ân sủng, đặc ân, đặc sủng, qùa tặng, tài năng, ân lộc, ân phúc, phúc lộc, thiên tài, an lạc và hạnh phúc đều là những món qùa được trao ban. Người ta thường nói: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Trải qua bao đời, cha ông của chúng ta đã nghiệm ra rằng con người không thể làm chủ toàn diện đời mình. Trước hết, mỗi người đón nhận hồng ân sự sống để được hiện hữu. Mỗi tạo vật lãnh nhận một kho tàng mầu nhiệm một cách nhưng không. Người hữu thần tin tưởng vào Thượng Đế, Đấng đã tạo dựng và quan phòng vạn vật muôn loài trong trật tự. Người vô thần cắt đứt nguồn gốc sáng tạo và chỉ chú tâm vào nỗ lực của con người hiện tại. Có người nghĩ rằng với khả năng và nỗ lực tu tâm và tu thân, con người có thể quyết định hoàn toàn số mệnh của mình. Là người trí tuệ, chúng ta nên mở rộng tâm trí để học hỏi và trau dồi kiến thức thêm. Quan sát sự sống muôn loài và vũ trụ vạn vật bao la, điều quan trọng là chúng ta hãy khiêm tốn chấp nhận thân phận yếu đuối, mỏng dòn và rất giới hạn của mình.
Phần phụng vụ lời Chúa của Chúa nhật thứ hai Thường Niên giúp chúng ta có một xác tín về ân sủng thiêng liêng. Thiên Chúa sáng tạo, dẫn dắt điều khiển sự vận hành của vũ trụ và sự sống của muôn loài. Con người là tạo vật cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo. Mỗi một con người được tựu thai là một tạo vật hoàn toàn mới và duy nhất. Mọi khả năng tiềm tàng về di truyền đã được in ghi trong từng tế bào của mỗi sự sống. Thượng Đế cho con người có ý chí, lý trí, ước muốn, tự do và khả năng để phát triển tới đỉnh cao. Con người có thể dùng khả năng và nỗ lực quyết tâm tu tâm và tu thân để trở nên con người hữu dụng và trọn hảo. Tiên tri Isaia đã diễn tả: Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Thiên Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay (Is 62, 3). Đấng Tạo Hóa trao ban cho mỗi loài có khả năng truyền sinh giống nòi theo cách thế riêng biệt. Sự sinh xôi nẩy nở và tăng triển thêm nhiều sẽ làm tăng vẻ huy hoàng của vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa đã chúc phúc cho mọi loài được tốt đẹp.
Chúng ta thử suy về nguồn sự sống trong con người cụ thể. Trước khi được hiện hữu, chúng ta chỉ là không. Đã có một khoảnh khắc mỗi người được bắt đầu hiện hữu. Mầu nhiệm sự sống khởi đầu từ sự kết hợp giữa mầm sống từ cha và mẹ. Ôi thật bé nhỏ và nhiệm mầu! Chỉ trong tế bào tí ti đó đã ẩn tàng mọi sự. Sự sống đó không chỉ bắt đầu từ cha và mẹ nhưng nó được nối dài từ thuở tạo dựng. Mầm sống đó được truyền sinh qua vô lượng kiếp. Sự sống phát sinh ra sự sống. Vậy sự sống trong chúng ta đã được truyền sinh qua sự sống của muôn thế hệ cha ông. Cha mẹ cộng tác với Tạo Hóa sáng tạo sự sống nơi mỗi con người một cách đặc thù và riêng biệt. Mỗi cá nhân đều có Deoxyribonucleic acid (DNA) khác nhau và dấu chỉ tay cũng khác biệt. Thật lạ lùng!
Người khôn ngoan và trí tuệ là đừng từ chối điều gì mà mình chưa được học hiểu. Vì càng tìm hiểu và học hỏi, chúng ta càng hiện hữu thêm. Chúng ta biết rằng cả kho tàng kiến thức của loài người góp lại cũng chẳng thấm vào đâu so với sự diễn tiến, hiện hữu và sinh tồn của vũ trụ. Nhiều người có trí khôn hiểu biết còn nông cạn, chưa thấu hiểu được lòng người và cũng chẳng thông suốt thế thái nhân tình, nhưng lại phán quyết nhiều điều vô căn cớ. Có người lại mạnh miệng lên tiếng phủ nhận sự hiện hữu của Đấng tác thành mọi sự. Khi không muốn qui phục, người ta chỉ việc đơn giản chối bỏ uy quyền của Thượng Đế và nói rằng mọi sự hiện hữu là tự nhiên mà có. Họ nghĩ rằng những người hữu thần tin vào thượng đế là thiếu trí tuệ và chưa giác ngộ. Đối với họ, thần thánh chỉ như là bánh vẽ hù dọa những người sơ khai và âu trĩ. Có lẽ chính họ còn đang ngồi trong bóng tối của vô minh.
Qua Kinh Thánh mạc khải và quan sát ngắm nhìn sự vạn vần trong vũ trụ, con người nhận ra nguyên nhân cội rễ của muôn loài. Đó chính là nguyên lý nhân qủa. Trông qủa thì biết cây. Ngày xưa, Thiên Chúa đã chọn một dân riêng để chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế. Người đã dùng mọi hình thức cụ thể để tỏ bày sự quan tâm chăm sóc, khế ước yêu thương ràng buộc và sự trung tín trong giao ước. Là Kitô hữu, chúng ta tin và tôn thờ một Thiên Chúa có ngôi vị và yêu thương.Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh đôi trai tài gái sắc để diễn tả tình yêu sống động của Đấng tác tạo: Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62, 5).
Thánh Phaolô phân tích một cách khá rõ ràng về những đặc sủng mà mỗi người được lãnh nhận: Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí (1Cor 12, 4). Quan sát cuộc sống trong bất cứ một nhóm người, một hội, môt tổ chức hay một sinh hoạt chung nào cũng đều có con người có khả năng khác nhau. Mỗi người đều nhận lãnh khả năng để sinh lợi. Thần khí ban cho mỗi người một cách: Người nói tiên tri, kẻ giảng dạy, người được ơn chữa bệnh, kẻ làm phép lạ và người được ơn nói nhiều thứ tiếng…Như trong dụ ngôn về nén bạc, mỗi người đều nhận số vốn khác nhau: Có kẻ nhận 5 nén bạc, người 2 nén và người 1 nén tùy theo khả năng. Khả năng, thời gian và tài lực là nguồn vốn của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là mỗi người biết dùng tài năng ân sủng của mình để sinh hoa kết trái. Khả năng như hạt giống được trao, chúng ta phải biết gieo vãi, vun trồng và chăm sóc thì khả năng mới phát triển.
Mỗi cá nhân là một thế giới riêng tư nhưng không thể tách rời. Sống là sống chung, sống cùng và sống với người khác, sự liên đới hỗ tương giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung (1Cor 12, 7). Không ai nhận ân sủng cho riêng mình nhưng đều vì ích lợi chung. Cuộc sống rất đa dạng. Lịch sử loài người phát triển từng bước liên tục và nối dài. Tất cả thành qủa của chất xám tri thức đã đặt nền tảng phát minh trong mọi thời. Nhờ trí khôn, con người đã tìm ra được một số những nguyên nhân ẩn tàng trong thiên nhiên. Mỗi sự phát minh mới đều đặt nền tảng trên các định luật đã có trước. Sứ mệnh của con người là phục vụ lẫn nhau trong khả năng của mình. Con người có muôn trùng khả năng chuyên môn và công việc khác nhau để phục vụ công ích. Chúng ta tuy nhiều nhưng cùng tin vào một Thiên Chúa: Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa (1Cor 12, 5).
Chúa Giêsu đầy quyền năng trong ý tưởng, lời nói và việc làm. Chúa đã hiện hữu từ đời đời có uy quyền sáng tạo và biến đổi cả tinh thần lẫn vật chất. Tại tiệc cưới Cana qua lời khẩn nài của Mẹ Maria, Chúa Giêsu là làm phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu. Thánh Gioan đã viết: Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người (Ga 2, 11). Với sự cộng tác của con người, Chúa đã tỏ quyền năng và vinh quang của Ngài. Ngài không khoe khoang hô lớn nhưng chỉ hành động âm thầm qua những việc rất bình thường của gia nhân: Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng (Ga 2, 7). Chỉ có các gia nhân biết sự việc đã xảy ra cũng giống như các mục đồng nhận diện ra Chúa nơi máng cỏ Belem.
Chúng ta hãy đến cùng Đức Maria, Mẹ là đấng cầu bầu có thần thế trước tôn nhan Thiên Chúa. Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nghe lời của Thân Mẫu Chúa nói với các gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."(Ga 2, 5). Lạy Chúa, Chúa đã biến nước thành rượu ngon, xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con nên khí cụ bình an của Chúa.


Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.