Truyền giáo cho xã hội hôm nay











Đề tài trước thúc đẩy chúng có những suy tư đặt nền tảng cho việc dấn thân truyền giáo, với đề tài này muốn chúng ta để ý đến những nhu cầu cụ thể của việc truyền giáo trong xã hội hôm nay để, hy vọng, chúng ta có thể rút ra vài kết luận cho việc dấn thân truyền giáo của chúng ta, cũng như của cộng đoàn giáo hữu chúng ta phục vụ.
Đề tài này chúng ta sẽ dõi theo 2 điểm chính yếu:
1) Một số hoàn cảnh cần chú ý đặc biệt trong việc dấn thân truyền giáo;
2) Khơi dậy nhiêt huyết truyền giáo

I. Một số hoàn cảnh đòi sự chú ý đặc biệt


Trong môi trường xã hội Việt Nam hiện nay, có rất nhiều nhu cầu truyền giáo, nhưng có lẽ cần để ý đặc biệt đến ba khía cạnh sau đây:


1. Dân chúng tại các thành thị


Khi nói đến công tác truyền giáo, người ta thường nói đến “vùng sâu, vùng xa” và nói đến dân nghèo, trẻ em bị bỏ rơi. Dĩ nhhiên đây là một thành phần rất đáng được để ý, nhưng đối tượng cần được chú ý hơn trong công tác truyền giáo có lẽ là những người sống tại các thành thị, nhất là giới trí thức và giầu có. Một đàng vì họ là những người có khả năng chi phối cuộc sống của xã hội, đàng khác, chính những người nghèo và dân sống vùng thôn quê cũng ngước nhìn lên họ với lòng ao ước và thèm khát, muốn bắt chước họ. Chính thông điệp “Redemptoris Missio” cũng xác định điều này:


“Trong quá khứ, công tác truyền giáo thường được thực hiện nơi những vùng xa xôi hẻo lánh, cách xa những trung tâm sinh hoạt và khó khăn về giao thông, về tiếng nói và về khí hậu. Hôm nay hình ảnh truyền giáo có lẽ đang thay đổi: nơk đáng chú ý có lẽ phải là những thành phố lớn, nơi phát sinh những phong tục và mẫu sống mới, những hình thức văn hóa và truyền thông mới có ảnh hưởng lớn đến dân chúng. Dĩ nhiên “sự lựa chọn những kẻ rốt cùng” không cho phép chúng ta làm ngơ đối với những nhóm người sống bên lề xã hội, nhưng cũng phải nhớ là không thể rao giảng Tin Mừng cho những cá nhân hay nhóm người thấp hèn, nếu bỏ qua những trung tâm nơi phát sinh, có thể nói, một nhân loại mới với những mẫu phát triển mới. Tương lai của các quốc gia trẻ đang thành hình tại các thành phố.” (RMi, 37).


2. Dân chúng sống trong các tòa nhà cao ốc


Ở nhiều nơi nhưng đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội, Saigòn và cả Bà Rịa, Vũng Tầu, người ta thấy đang mọc lên đầy dẫy những tòa nhà cao ốc và những khu dân cư dành riêng cho người giầu, những chuyên viên, những thương gia. Đa số những người này là anh chị em lương dân. Đây sẽ là những thế giới riêng biệt và những người sống trong những môi trường này sẽ tách mình khỏi những sinh hoạt và liên hệ bình thường để trở thành những ốc đảo riêng tư. Làm sao để tới được những người trong môi trường này và làm thế nào để có thể đem Tin Mừng của Chúa đến cho họ? Đây là một vấn đề rất lớn của công việc truyền giáo trong tương lai và đòi hỏi một suy tư để tìm câu trả lời thích hợp ngay từ bây giờ.


3. Hiện tượng di dân


Một môi trường mới khác đang trở thành một thách đố lớn lao cho công tác truyền giáo là môi trường của hiện tượng di dân. Thực ra hiện tượng di dân đã được nhiều người nói đến từ lâu, nhưng thường được nhìn dưới góc cạnh kinh tế, xã hội, luân lý. Ở đây, chúng ta nhìn vấn đế dưới góc cạnh truyền giáo.


Hiện tượng di dân đặt ra nhiều vấn đề cho Giáo Hội và xã hội, nhưng đối với sứ mệnh truyền giáo, đây lại là một cơ hội lớn. Qua hiện tượng di dân, Giáo Hội không cần đi tìm đồng bào lương dân, nhưng chính đồng bào lương dân đến với Giáo Hội và họ ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận những nghĩa cử của tình yêu, của lòng thương mến. Đây là dịp may để Giáo Hội loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa đối với nhân loại khổ đau và thiếu thốn. Một khi người ta đã ổn định, có gõ cửa người ta cũng không mở! Nhưng xem ra, Giáo Hội đang để lỡ những cơ hội bằng vàng.


II. ĐÀO TẠO TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO


Vấn đề sau cùng chúng ta phải đặt ra là việc đào tạo tông đồ truyền giáo. Bất cứ làm công việc gì cũng cần phải được huấn luyện. Công tác nào càng khó khăn và tế nhị càng đòi hỏi công việc huấn luyện phải kỹ càng và cẩn thận hơn.


1. Những yếu tố căn bản của việc đào tạo


Các yếu tố của công việc huấn luyện các tông đồ truyền giáo thì rất nhiều, nhưng chúng ta có thể sắp xếp lại theo 3 phương diện: Thần học, Mục vụ và Tu Đức.


a) Thần học


Nhà thừa sai truyền giáo có thể đi đến khắp nơi, làm trăm ngàn công việc, tùy theo nhu cầu của hoàn cảnh hoặc tùy theo công tác được trao phó và khả năng riêng của cá nhân mình. Tuy nhiên, cho dù đi đâu, làm việc gì, nhà thừa sai truyền giáo cũng có sứ mệnh phải truyền đạt một sứ điệp chính yếu: Thiên Chúa yêu thương nhân loại, đã xuống thế và đã chịu chết và sống lại để ban sự sống cho nhân loại. Do đó, cần phải hiểu thấu đáo sứ điệp và mục đích của nhiệm vụ.


b) Mục vụ


Khía cạnh mục vụ nhắm đến đối tượng của việc truyền đạt sứ điệp. Tuy cùng một sứ điệp, cách truyền đạt sứ điệp phải tùy theo đối tượng Vì vậy, cần phải hiểu đối tượng của công tác truyền giáo trong bối cảnh tôn giáo, văn hóa, chủng tộc, lịch sử, tuổi tác của họ.


c) Tu đức


Mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ đòi hỏi phải có những đức tính, những tư cách và thái độ thích hợp. Đây là khía cạnh tu đức, gồm cả những yếu tố nhân bản và thiêng liêng.


Trong ba yếu tố trên đây, yếu tố tu đức, hiểu là hành trình nên thánh, phải được coi là yếu tố nền tảng. Theo thông điệp “Redemptoris Missio”, “việc canh tân công cuộc truyền giáo đòi phải có những thừa sai thánh thiện. Chỉ canh tân phương pháp truyền giáo hay tổ chức và phối kết các sức lực của Giáo Hội cách hiệu quả tốt đẹp hơn thôi thì chưa đủ, hoặc nghiên cứu cho chính xác hơn các nền tảng thánh kinh và thần học về đức tin thôi cũng không đủ. Cần phải khơi dậy lòng hăng say nên thánh nơi các thừa saia truyền giáo và tất cả cộng đoàn Dân Chúa, đặc biệt nơi những người cộng tác gần gũi với các thừa sai truyền giáo. Ta thử nghĩ đến nhiệt tâm truyền giáo nơi những cộng đoàn kitô hữu đầu tiên. Mặc dầu thiếu thốn phương tiện di chuyển và thông tin của thời đại đó, Tin Mừng của Chúa đã tới tận cùng bờ cõi thế giới trong một thời gian ngắn và mặc dầu đó là tôn giáo của Con Người chết trên thập giá, là ‘sự xúc phạm đối với người Do Thái và sự điên rồ đối với dân ngoại’! Nền tảng của tất cả bầu nhiệt huyết truyền giáo là sự thánh thiện của các tín hữu và của các cộng đồng các tin hữu đầu tiên” (RMi, 90).