Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Chủ đề: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI - Những dấu ấn trong triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI

  1. #1
    Gia Nhân's Avatar

    Tuổi: 32
    Tham gia ngày: Aug 2009
    Tên Thánh: ✛ Louis
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Sông Nước - Miền Tây
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 3,130
    Cám ơn
    4,023
    Được cám ơn 15,423 lần trong 2,929 bài viết

    Post Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI - Những dấu ấn trong triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI





    Được bầu làm giáo hoàng khi đã bước vào tuổi 78, Đức Bênêđictô XVI đã tâm sự với những người thân cận rằng, do tuổi tác và sức khỏe, có lẽ ngài không thể theo gương Đức Gioan Phaolô II trong những chuyến thăm mục vụ khắp thế giới. Thế nhưng ngài mau chóng nhận ra rằng cách tốt nhất để vươn tới mọi người là đi đến với họ, vì thế ngài đã cố gắng thực hiện, trước hết là có mặt tại Đại hội Giới Trẻ thế giới được tổ chức tại Đức, chỉ vài tháng sau khi ngài làm giáo hoàng. Trong 5 năm đầu của triều đại giáo hoàng, ngài đã đi đến 5 châu lục, 14 quốc gia, qua quãng đường 60.000 kilômét. Ngài hiểu được sức mạnh của báo chí và truyền thông, và biết rằng nếu ngài đi đến với những người nghèo ở châu Phi thì giới truyền thông cũng đi theo. Qua họ, cả thế giới sẽ nhìn thấy tình trạng nghèo khổ ở đó và hố phân cách giàu nghèo trên trái đất này, để ý thức hơn và góp phần thay đổi.

    Ngay từ khi lãnh nhận sứ vụ Thánh Phêrô, Đức Bênêđictô XVI đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về vấn đề đại kết. Trong Thánh Lễ đầu tiên với tư cách Giáo hoàng, cử hành tại Nhà nguyện Sistine, ngày 20-4-2005, ngài đã khẳng định đại kết là mối quan tâm hàng đầu, và ngài sẵn lòng "làm việc không mệt mỏi nhằm tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các tín hữu Chúa Kitô". Những tiến triển sau đó trong mối liên hệ của Tòa Thánh Rôma với Giáo hội Chính Thống, Luther, Anh giáo... cần được nhìn trong viễn tượng này.

    Đức Bênêđictô XVI cũng là vị giáo hoàng của Công đồng Vaticanô II. Ngài đã có mặt tại Công đồng ngay từ đầu. Khi đó, Joseph Ratzinger còn là một linh mục trẻ 35 tuổi nhưng đã là một giáo sư thần học có tiếng tăm, được Đức hồng y Jospeh Frings của Köln chọn làm cố vấn thần học, sau đó được chọn làm chuyên viên của Công đồng. 50 năm sau, khi đã là giáo hoàng và đưa ra quyết định từ nhiệm, một trong những bài thuyết trình cuối cùng của ngài là bài nói chuyện với hàng giáo sĩ Rôma, và đề tài là về Công đồng Vaticanô II, khởi đi từ những kinh nghiệm và suy tư cá nhân của ngài. Nhắc lại những sự kiện trên để thấy Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng gắn bó với Công đồng, và điều ngài thường xuyên nhấn mạnh khi nói đến các văn kiện của Công đồng là là tính liên tục. Vaticanô II không phải là sự đoạn tuyệt với quá khứ nhưng là sự tiếp nối dòng chảy miên man của đức tin Kitô giáo trong đời sống Giáo hội. Những cải tổ phụng vụ, suy tư thần học, hoặc canh tân mục vụ cần được thực hiện trong tầm nhìn này; nếu không, không thể giải thích và áp dụng cách đúng đắn tinh thần của Công đồng.

    Đức Bênêđictô XVI cũng làm nổi bật vai trò giáo huấn của Tòa Thánh Phêrô. Là một học giả và giáo sư lỗi lạc, ngài tiếp tục công việc này đặc biệt qua những bài dạy giáo lý hằng tuần và những bài giảng, những diễn văn sâu sắc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ngài còn dành thời giờ nghỉ ngơi thư giãn tại Castel Gandolfo để hoàn tất tác phẩm đồ sộ Đức Giêsu thành Nazareth. Cách riêng, ngài đã lưu lại cho Giáo hội 3 thông điệp quan trọng.

    Thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI là Deus caritas est, tóm kết giáo huấn của ngài về tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là nền tảng cho đời sống và dẫn đến những câu hỏi quan trọng của đức tin: Thiên Chúa là ai? Chúng ta là ai? Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nên yêu thương không chỉ đơn thuần là điều răn phải giữ, nhưng là sự đáp lại của chúng ta trước tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy bao gồm toàn bộ đời sống con người. Trong tình yêu, phải biết cho đi và cũng biết đón nhận. Khi người Kitô hữu sống thân tình với Chúa, họ học nhìn người khác bằng cặp mắt của Chúa: "Nhìn bằng cặp mắt của Chúa Giêsu, tôi có thể trao tặng người khác những gì lớn lao hơn những nhu cầu bên ngoài, tôi có thể trao cho họ cái nhìn yêu thương mà họ khao khát".

    Thông điệp Spe salvi về niềm hi vọng Kitô giáo trình bày Chúa Giêsu như cội nguồn hi vọng mà nhân loại đang khao khát. Đức Thánh Cha nhận định rằng không có phương thế nhân loại nào có thể sửa lại những sai lầm khủng khiếp trong lịch sử nhân loại, như việc tàn sát người Do Thái, những tai họa trong thiên nhiên, chiến tranh và khủng bố. Không có phương thế nhân loại nào có thể mang lại sự công bằng trọn vẹn: "Không ai và không điều gì có thể trả lời cho những thế kỷ của khổ đau". Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có sự phục sinh thân xác, mới có công bằng trọn vẹn, và mọi giọt lệ mới được lau đi.
    Caritas in veritate là thông điệp xã hội, cố gắng vượt lên trên sự tương phản người ta thường nêu lên giữa công bằng và bác ái, linh đạo và phát triển, đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, mối quan tâm của những nước giàu và nhu cầu của những nước nghèo. Đức Thánh Cha nhắc nhớ chúng ta rằng những đòi hỏi của tình yêu mang cả hai chiều kích cá nhân và xã hội. Tình yêu phải được áp dụng cho những quan hệ ở tầm vi mô (với bạn bè, với gia đình, trong nhóm nhỏ), cũng như những quan hệ ở tầm vĩ mô (xã hội, kinh tế, chính trị). Ngài phê phán thứ kinh tế thị trường mà thiếu công bằng, hỗ trợ việc giúp đỡ các nước nghèo, kêu gọi thiết lập những cấu trúc quốc tế để giải quyết tình trạng đói nghèo trên thế giới. Ngài kêu gọi tôn trọng môi sinh vì chúng ta cư xử với thiên nhiên thế nào thì thiên nhiên cũng ứng xử với chúng ta như thế. Cũng vậy, không tôn trọng quyền sống của tha nhân sẽ làm suy yếu lương tâm của xã hội, dẫn đến những hậu quả khó lường.

    Chắc chắn những thông điệp này là những di sản tinh thần quý giá mà các tín hữu công giáo cần đón nhận và tiếp tục đào sâu trong suy tưởng cũng như ứng dụng trong thực hành.

    (còn tiếp)
    Nguồn: WHĐ
    Chữ ký của Gia Nhân

  2. Có 2 người cám ơn Gia Nhân vì bài này:


  3. #2
    Gia Nhân's Avatar

    Tuổi: 32
    Tham gia ngày: Aug 2009
    Tên Thánh: ✛ Louis
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Sông Nước - Miền Tây
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 3,130
    Cám ơn
    4,023
    Được cám ơn 15,423 lần trong 2,929 bài viết

    Post Các vết chân được Đức Bênêđíctô XVI bước theo

    Các vết chân được Đức Bênêđíctô XVI bước theo





    Tin bất ngờ Đức Bênêđíctô XVI từ chức đã tạo ra rất nhiều phản ứng và giải thích. Nhiều cơ sở truyền thông tại Rôma đã đùa dỡn với những từ ngữ đao to búa lớn như ly giáo hay gương mù gương xấu hoặc kẻ đào ngũ, mà quên không hiểu ra ngữ cảnh lịch sử trong quyết định của Đức Bênêđíctô XVI hay các động lực góp phần tạo ra nó. Tình yêu Giáo Hội và cuộc đối thoại thân mật của cầu nguyện không phải là những ý niệm được các cơ sở này thấu hiểu.


    Một số người tại Rôma, nhậy cảm trước sự thay đổi của thời tiết và đôi chút mê tín, đã vội run rẩy khi thấy sét đánh trúng vòm nhà thờ Thánh Phêrô vào đêm quyết định. Họ không biết rằng cũng đã có sấm sét vào ngày Chân Phúc Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Thai mà thực ra có gì xẩy ra đâu! Tuy nhiên, phần đông đã phấn khích bước vào vùng nước lạ, vì ý thức được rằng cùng với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, ta đang viết một trang mới cho lịch sử Giáo Hội.


    Tôi dành ngày Thứ Ba để đọc mọi loại phúc trình tin tức từ những phúc trình đứng đắn nhất cho tới những phúc trình nực cười nhất, trong khi cố gắng hiểu càng thấu càng tốt quyết định của Đức Bênêđíctô. Vào buổi chiều, tôi cuốc bộ tới Castel Sant'Angelo nơi mới mở một cuộc triển lãm ngày 7 vừa qua. “Con Đường Thánh Phêrô”, tựa đề cuộc triển lãm xem ra quá thích hợp với giây phút lịch sử này, gần như thể do chính Đức Bênêđíctô tổ chức, giúp ta hiểu rõ hơn vai trò của Thánh Phêrô và các vị kế nhiệm ngài.


    Được trưng bày trong một viện bảo tàng mà ngày xưa vốn là lăng tẩm nhà vua và sau đó là thành trì giáo hoàng, cuộc triển lãm qui tụ 40 công trình nghệ thuật từ Đông sang Tây, và từ hừng đông thời đại Kitô Giáo tới thời hiện đại, nhằm chiếu sáng lịch sử ơn gọi, lời đáp trả và số phận người ngư phủ Phêrô. Đây là tặng phẩm của thành phố Rôma cho Năm Đức Tin, dưới sự chăm sóc của Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa và Cơ Quan Giám Sát Di Sản Lịch Sử Và Nghệ Thuật Rôma.


    “Thánh Phêrô luôn kích thích tâm trí các nghệ sĩ”, đó là lời phát biểu của Đức TGM Salvatore Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Tân Phúc Âm Hóa. Thực vậy, từ ảnh tới tượng, tới những bức khắc vĩ đại ở bàn thờ, các giai đoạn trong cuộc đời Thánh Phêrô đã được mô tả từ thế hệ này qua thế hệ nọ bằng thiên tài nghệ thuật .


    Sự hợp tác đầy thành quả này giữa Giáo Hội và nhà nước thế tục trong cuộc triển lãm là một mô thức gợi cho thấy sự thánh thiện và vẻ đẹp đã đem con người lại với nhau như thế nào.


    Phụ đề của cuộc triển lãm “Con người có thể làm gì cho Thiên Chúa và Thiên Chúa có thể làm gì cho con người” đã biến những bức tranh và những bức điêu khắc này từ những ảnh tượng đẹp đẽ thành chứng tá phong phú cho những điều kỳ diệu mà con người có thể đạt được khi hợp tác với ơn thánh Chúa.


    Cách trưng bày thật tuyệt diệu được tăng tiến nhờ các hiệu quả thính thị đặc biệt khiến cho câu truyện về cuộc đời của Thánh Phêrô trở thành một phần trong đời sống hiện nay của Giáo Hội, giống như cuộc đời của vị kế nhiệm ngài hiện nay. Lời chú giải của Linh Mục Alessio Geretti, giám đốc cuộc trưng bày, cho ta nhiều cái nhìn sâu sắc về thần học… Nó buộc khách viếng thăm phải suy nghĩ về các ảnh tượng họ đang thưởng ngoạn, để tìm ra mầu nhiệm vây quanh Vị Lãnh Tụ Các Tông Đồ.



    Tảng đá trong thời nhiễu nhương


    Đoạn đường dốc cong cong tại Castel Sant'Angelo dẫn tới cuộc trưng bày xem ra rất hợp với ngày tiếp theo việc Đức Giáo Hoàng từ nhiệm. Hai bên đoạn đường uốn khúc, dường như chẳng dẫn ta tới đâu này là hai bức tường nặng nề đến như muốn úp thẳng xuống khách viếng thăm. Tôi là người rất hân hoan trước việc bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2005, và tôi đã hết sức cố gắng để bắt kịp các thách đố trí thức của triều đại ngài. Tôi đã học hỏi được rất nhiều và còn học hỏi nhiều hơn nữa và luôn trông chờ những bài học sau. Nên việc ngài từ nhiệm, một đàng để lại trong tôi niềm xác tín rằng đây là một quyết định được đưa ra với và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, nhưng đàng khác, nó không khỏi làm tôi mê mẩn đến không hiểu nổi Chúa Thánh Thần đang nghĩ gì.


    Đứa trẻ trong tôi muốn thưa với ngài “Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha hãy trở lại, con sẽ ăn ở tốt hơn, Đức Thánh Cha đừng bỏ đi”. Sự kiện vị giáo hoàng từ nhiệm nổi tiếng nhất xưa nay là Celestine V từng viết trong chỉ dụ thoái vị rằng ngài từ nhiệm vì “sức khỏe kém và vì sự xấu xa của con người” vang lên bên tai tôi. Nhưng Đức Hồng Y Arinze, trong cuộc phỏng vấn vào ngày Thứ Ba, đã trách cứ các ý nghĩ trẻ con ấy khi mời gọi ta hãy trưởng thành trong đức tin, bằng cách để lại sau lưng cái thứ tình cảm “tôi thích” hay “tôi muốn” để củng cố đức tin của ta nơi Chúa Kitô.


    Tuy thế, tâm thức bất an phát xuất từ viễn tượng mờ ảo vẫn cứ ám ảnh tôi mãi trong lúc bước vào căn phòng thứ nhất của cuộc triển lãm. Nhưng kìa, hình ảnh đầu tiên chính là hình ảnh Thánh Phêrô bị chìm xuống nước. Con thuyền gặp bão, Chúa Giêsu ung dung bước đi trên nước, Thánh Phêrô chạy lại với Người nhưng rồi ngài bắt đầu chìm. Bức khắc gỗ, thực hiện tại Brunico, miền Bắc nước Ý vào 1480, mô tả Chúa Giêsu vừa vươn tay ra với Phêrô vừa nói: “Ôi kẻ kém đức tin, tại sao con hoài nghi?” (xem Mt 14:31). Câu nghiêm khắc đó dường như muốn nói với tôi trong những ngày giông bão này.


    Phần mở đầu cuộc triển lãm có tựa đề là “Gặp Gỡ”, một tựa đề muốn nói rằng đức tin phát sinh từ gặp gỡ. Giống Thánh Phêrô trên bờ hồ Galilê, mọi tín hữu đều đã gặp Chúa Kitô trong đời và như Đức Hồng Y Arinze viết, đức tin của ta phát sinh từ cuộc gặp gỡ này. Các hình ảnh Thánh Phêrô từ các bức khắc gỗ cho tới các bức tranh sơn dầu đều mô tả một con người mở rộng mắt, hoàn toàn tập chú vào Chúa Giêsu. Ý thức của ngài về sự hiện diện của Thiên Chúa chính là tập chú của mọi cố gắng của nhà nghệ sĩ.


    Phần thứ hai có tựa đề là “Ngẩn Ngơ” và ở đây, các hoạ sĩ và điêu khắc gia cố gắng nắm bắt cho được cái giây phút con người “phải lòng” Thiên Chúa. Cuộc hôn nhân của đức tin và triết học, của ngưỡng phục và thực tại, đã gợi hứng cho nghệ thuật từ thuở ban đầu. Nhiều họa sĩ đã chọn sử dụng ánh sáng. Bức ảnh thế kỷ 15 của miền Novgorod vẽ cảnh Hiển Dung cho thấy Thánh Phêrô cúi đầu trước ánh sáng chan hòa của Chúa Kitô. Bức Trả Thuế của Mattia Preti, thực hiện năm 1645, vẽ một nhóm nhỏ bao quanh một chiếc bàn, riêng Thánh Phêrô thì được một tia sáng duy nhất chiếu lên trán khi ngài móc đồng tiền ra khỏi con cá. Công trình thứ ba của Hàn Lâm Viện Mỹ Thuật St. Petersburg dựng lại khung cảnh lịch sử của căn nhà thế kỷ thứ nhất trong bức “Con Gái Giai-rô” năm 1871, ấy thế nhưng chính ánh sáng mà Chúa Giêsu toả chiếu trên bé gái và biểu thức ngẩn ngơ của Phêrô từ phía bên kia căn phòng mới thực sự minh họa được ý nghĩa của kiểu nói "thaumaturgus," hay “người làm phép lạ”.


    Còn nhiều phòng trưng bày nữa, mỗi phòng đều mang đến cho ta cơ may độc nhất để suy niệm. “Đối Kháng” đã nói với tôi một cách mạnh mẽ trong cái ngày khó hiểu kia, khi tôi khảo sát các bức tranh mô tả nỗi khó khăn của Thánh Phêrô trong việc hoàn toàn chấp nhận “sự khác biệt giữa cách Thiên Chúa tự tỏ mình ra và cách con người muốn Người tỏ mình ra”. Thánh Phêrô rút chân khỏi Chúa Giêsu trong bức “Rửa Chân” của Giovanni Baglioni thế nào, tôi cũng thấy mình chao đảo trong việc chấp nhận ý Chúa như thế, một ý chí chẳng phù hợp chút nào với điều tôi nghĩ Người nên hành động.


    Đức tin của Thánh Phêrô được rèn luyện trong thử thách, trong đấu tranh, một cuộc đấu tranh “vụng về giáp mặt với sự ưu tuyển mênh mông Người dành cho ông” cho tới kết cục, ở chương cuối Tin Mừng Gioan, ông đành thưa “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21:17).


    "Khủng Hoảng và Tái Sinh” đem ta vào Khổ Nạn, tâm điểm của cuộc trưng bày. Cuốn phim “Tin Mừng Theo Thánh Mátthêu” của Pier Paolo Pasolini trải dài trên một màn ảnh lớn khi ta vừa từ phòng trưng bày cảnh Thánh Phêrô chối Chúa bước vào. Âm thanh trong phòng thuật lại câu truyện Phêrô chối Thầy. Khi những lời ấy vang lên trong căn phòng xử án, làm sao ta lại không thấy chúng lên án tội lỗi ta?


    Nhưng rồi ánh sáng bỗng mờ dần trên bức tranh của George de la Tour mô tả giờ phút đen tối nhất của Thánh Phêrô, để rồi rực rỡ trên bức tranh tuyệt vời mô tả ngài và Thánh Gioan vội vã chạy tới cửa mồ vào sáng Phục Sinh. Do Eugene Burnand vẽ, sắc mầu đầy mặt trời của danh họa Thụy Sĩ thế kỷ 19 này và nét mặt rạng rỡ của Thánh Phêrô quả làm ấm lòng người, nâng cao tinh thần họ.


    Rời căn phòng Thánh Phêrô chứng kiến Phục Sinh, ta bước vào khu vực mang tên “Phó Thác Cho Thiên Chúa”. Một Thánh Phêrô chăm chỉ đang miệt mài viết, giữa lúc “Phêrô Hối Lỗi” của Guercino xuất hiện như tấm gương trước mặt người thưởng ngoạn. Vừa từ ăn chay đền tội bước ra, Thánh Phêrô ngước mắt lên trời, dàn dụa nước mắt. Nhờ thanh luyện, giờ đây ngài sẵn sàng thi hành sứ mệnh.


    Một vài phần sau đó của cuộc trưng bày đưa ta vào tình đồng đệ với Thánh Phaolô và cuộc tử đạo cuối cùng của Thánh Phêrô, nhưng phần sau cùng của cuộc triển lãm không nằm trong các căn phòng tối tăm chất đầy các bức tranh, mà diễn ra ở bên ngoài khi từ sân thượng ta bỗng thấy mái vòm hùng vĩ của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngôi mộ hiển vinh của vị tông đồ, dựng trên nấm mồ người nghèo nơi thi thể Thánh Phêrô được tìm thấy, nhắc ta nhớ rằng Giáo Hội đã trải qua rất nhiều thách đố đối với Tòa Phêrô, nhưng “cửa hoả ngục không làm gì được nó”.


    Qua cuộc triển lãm, ta thoáng nhận ra các vết chân mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI từng bước theo. Ta thấy rõ cái gánh nặng mênh mông từng được đặt lên đôi vai ngài nhưng đồng thời cũng thấy được sự hiện diện năng động của Thiên Chúa bên cạnh ngài, giúp ngài chu toàn ơn gọi cách tối hảo.

    Vũ Văn An

    Phóng dịch bài của Elisabeth Lev trên Zenit ngày 14 tháng 2, 2013. Elisabeth Lev dạy môn nghệ thuật và kiến trúc Kitô Giáo tại Đại Học Duquesne tại Ý.
    Chữ ký của Gia Nhân

  4. Có 2 người cám ơn Gia Nhân vì bài này:


  5. #3
    Gia Nhân's Avatar

    Tuổi: 32
    Tham gia ngày: Aug 2009
    Tên Thánh: ✛ Louis
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Sông Nước - Miền Tây
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 3,130
    Cám ơn
    4,023
    Được cám ơn 15,423 lần trong 2,929 bài viết

    Post Di sản của Đức Bênêđíctô XVI

    Di sản của Đức Bênêđíctô XVI









    Dư luận thế giới mấy ngày qua tiếp tục có chiều hướng tích cực đối với quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI. Những tờ báo Công Giáo cấp tiến như America cũng có nhiều bài tích cực đề cập tới việc từ nhiệm này.

    Linh mục Christiansen, Dòng Tên, cựu chủ nhiệm, sau khi liệt kê một số “sở đoản”, đã kể ra khá nhiều đóng góp đáng kể của Đức Bênêđíctô XVI. Về sở đoản, ngài bị người Công Giáo cánh tả coi chừng dè dặt, các thay đổi lớn về phụng vụ như bản dịch mới và hình thức cử hành thánh lễ đặc biệt bằng tiếng La Tinh bị nhiều vị cử hành hoài nghi chỉ trích, và việc hoà giải xem ra với bất cứ giá nào với phe Lefèbre khiến nhiều người lo ngại và nhất là việc ngài không muốn buộc các vị giám mục phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các vụ xách nhiễu tình dục bị chỉ trích rất nhiều.

    Về sở trường, thông điệp Caritas in Veritate, với đòi hỏi thay đổi cơ cấu, để mang lấy hình thức “bác ái chính trị” và lời yêu cầu phải có một thẩm quyền hoàn cầu để điều hòa lãnh vực tài chánh, được coi là cấp tiến nhất kể từ thông điệp Pacem in Terris của Đức GIoan XXIII cách nay 50 năm. Và dù không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ngài đã tiến hành những cuộc công du hết sức thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Đất Thánh. Bài diễn văn của ngài với giới lãnh đạo Anh tại Đại Sảnh Westminster là một chiến thắng cả về ngoại giao lẫn bản thân.

    Liền ngay sau những phản ứng dữ dội của Hồi Giáo đối với bài diễn văn đọc tại Regensburg, ngài đã can đảm lên đường công du Thổ Nhĩ Kỳ và đã thành công dựng lại mối liên hệ tốt đẹp với thế giới Hồi Giáo. Tại Mỹ và Anh, lời ngài xin lỗi các nạn nhân của xách nhiễu tình dục phần lớn đã giúp làm dịu lại mối liên hệ đang căng thẳng với các nước này.

    Có một điều gì đó cần phải nói đến sự tương phản giữa các quyết định chính thức của Đức Bênêđíctô XVI và các nhậy cảm về mục vụ của Ngài. Một đàng, ngài lên án “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối” nhưng đàng khác ngài lại biết nhận ra các khát vọng thiêng liêng của giới trẻ “không đi nhà thờ” và yêu cầu họ hãy thách đố để Giáo Hội biết sống trung thực. Dù việc thiết lập các tòa bản quyền đặc biệt để chào đón các anh chị em cựu Anh Giáo đã làm nhiều người khó chịu, kể cả một số vị trong Giáo Triều, nhưng ngài đã nhanh chóng tái lập được các liên hệ thân hữu với TGM Anh Giáo Rowan Williams.

    Thiên bẩm mục vụ của Đức Bênêđíctô XVI thấy rõ trong các bài nói về các thánh lúc đọc kinh Sai Thiên Thần hàng ngày. Ngài không những trình bày kiến thức và lượng giá về các vị, mà còn có khả năng khám phá ra sự liên hệ của các vị đối với người thời nay nữa. Những cuộc gặp gỡ vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài với các linh mục sở tại lúc nghỉ hè cho thấy ngài hiểu rất rõ các thực tại của thừa tác mục vụ hàng ngày. Cũng thế, nhiều bài diễn văn lúc các giám mục tới thăm “ad limina” cho thấy ngài đích thân quan tâm đến giáo hội hoàn vũ, một quan tâm hết sức mới mẻ, không phải chỉ là những điểm được Giáo Triều “mớm cho”.

    Củng cố nền chính thống của Giáo Hội

    Linh Mục James Martin, Dòng Tên, cũng ca ngợi thiên phú của Đức Bênêđíctô XVI trong các sứ điệp tuyệt diệu lúc đọc Kinh Sai Thiên Thần. Ngài sẽ được tưởng nhớ như một vị giáo hoàng luôn tìm cách củng cố nền chính thống của Giáo Hội bằng nhiều phương cách khác nhau: nhiều thông điệp quan yếu, rất sâu sắc và có sức lôi cuốn về thần học, nhiều cuộc xuất hiện công khai trước công chúng, và dù rất bận rộ, vẫn cho xuất bản 3 cuốn sách về cuộc đời Chúa Giêsu, được nồng nhiệp tiếp đón. Dù không phải là một “siêu sao truyền thông” như vị tiền nhiệm, ngài vẫn có đặc sủng riêng của một học giả lâu đời và nhậy bén.

    Di sản lâu dài của ngài không hẳn là các hành động được truyền thông ghi nhận đặc biệt như các cuộc thương thảo lâu dài với Hội Thánh Piô X, phản ứng cương quyết đối với các sai lầm của người sáng lập ra Đạo Binh Chúa Kitô, hay bài diễn văn tại Regensburg, mà là cuốn Chúa Giêsu Thành Nadarét. Có thể nói đây là chứng tá cảm động nhất về một con người vốn làm tâm điểm cho đời ngài. Nó là kết tinh của nhiều thập niên nghiên cứu và cầu nguyện, giải đáp cho câu hỏi quan trọng nhất của Kitô hữu: Chúa Giêsu là ai? Nhiệm vụ hàng đầu của ngài chỉ có thế: dẫn khởi để người ta tìm tới với Chúa Giêsu.

    Không như vị tiền nhiệm, là người đã quyết định tiếp tục thi hành sứ mệnh chăn chiên tối cao ngay trong đớn đau bệnh hoạn, Đức Bênêđíctô XVI đã từ nhiệm trước khi thực sự rơi vào bệnh hoạn đến không còn khả năng thể lý và tinh thần nữa. Sự tương phản này hình như đã được nhiều người “đoán định”, trong đó có cựu bề trên cả Dòng Tên là Linh Mục Peter-Hans Kolvenbach, SJ, vị bề trên cả đầu tiên của Dòng đã từ nhiệm. Có lần, ngài thổ lộ với các vị cố vấn của mình rằng: đệ đơn xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe với Đức Gioan Phaolô II chắc chắn sẽ bị từ chối, nên ngài đã đợi đến thời Đức Bênêđíctô XVI mới dám đệ đơn. Quả thực đơn của ngài đã được chấp thuận!

    Như thế, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II đã đạt tới hai kết luận hoàn toàn khác nhau đối với cùng một câu hỏi: vị giáo hoàng bệnh hoạn có nên từ nhiệm hay không? Đối với Đức Gioan Phaolô II, hình ảnh vị giáo hoàng đau đớn, bệnh hoạn có giá trị thiêng liêng đối với tín hữu; đối với Đức Bênêđíctô XVI, việc cần làm mới quan trọng. Biện phân luôn có tính bản thân là thế. Thiên Chúa nói khác nhau với những con người khác nhau dù họ giáp mặt với cùng một vấn nạn. Người đã hành xử như thế với các vị thánh. Thánh Phanxicô Assisi chẳng hạn, khi gặp nguy cơ mắc bệnh về mắt vì theo bác sĩ, ngài hay khóc lúc cử hành Thánh Lễ, đã quyết định cứ tiếp tục cử hành thánh lễ như thường lệ. Trái lại, Thánh Inhaxiô đệ Loyola cũng gặp nguy cơ như thế, nhưng vì bác sĩ khuyên, nên đã hạn chế lòng sùng kính của mình, để đủ sức khỏe mà làm việc phải làm. Cả hai đều đã đáp lại điều các ngài tin là ơn Chúa thúc đẩy.

    Một hành vi huấn giáo

    Vincent J. Miller, một cộng tác viên của America, nhìn quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI cách khác. Ông coi đây là hành vi huấn giáo cuối cùng của vị giáo hoàng hiện tại. Ông bảo: Đây không hẳn chỉ là việc rút khỏi thời biểu bận rộn của công vụ, mà là một hành vi dạy dỗ của huấn quyền, một huấn giáo làm vang dội một mạch tư tưởng quan trọng nhưng rất dễ bị bỏ qua của triều đại ngài. Đức Bênêđíctô XVI muốn nhấn mạnh tới bộ mặt nhân bản của ngôi vị giáo hoàng và các đòi hỏi của lịch sử. Ngài khiêm nhường thừa nhận rằng ngài không còn khả năng thể lý và tinh thần nữa để lãnh đạo Giáo Hội lúc Giáo Hội phải giáp mặt với các thay đổi nhanh chóng và bị rúng động bởi nhiều vấn nạn sâu xa liên quan tới đời sống đức tin.

    Từ đầu triều đại của mình, dưới cái bóng của Đức Gioan Phaolô Cả, Đức Bênêđíctô XVI đã duy trì một lối ứng xử kín đáo. Dĩ nhiên, ngài không có sức lôi cuốn của vị tiền nhiệm, nhưng các cử chỉ của ngài thường là hữu ý. Tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên, ngài quay mặt khỏi đám đông đang hò la “Ben-ne-det-to” vang dội để im lặng bái qùy thờ lạy Thánh Thể. Và gần nửa triệu người tại Trường Đua Ranwick tháng 7 năm 2008 không thể nào quên cái thinh lặng mênh mông bỗng như từ trời phủ xuống không gian Sydney khi ngài bái gối trước Thiên Chúa làm người đang ngự trong Mặt Nhật chói lói.

    Việc ngài từ nhiệm quả đang tiếp nối cái mạch tư duy ấy: thu nhỏ giáo vụ, bắt nó phụ thuộc truyền thống. Các thông điệp của ngài cho thấy rõ việc ngài đặt tiếng nói thuộc thẩm quyền riêng dưới các chứng tá khái quát của truyền thống. Ngài tiếp tục viết các tác phẩm thần học của mình, nhưng chỉ cho công bố chúng ở các cơ quan truyền thông thế tục, thận trọng tránh không gán cho các tác phẩm ấy một thế giá huấn quyền nào.

    Đức Bênêđíctô XVI không đi theo các triều giáo hoàng hiện đại từ Đức Piô IX, nhất là với Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng hiểu chức vụ tối cao của mình như một điều thánh thiêng đến không thể rời xa dù cho đau đớn bệnh hoạn, vì coi việc này như một thứ tử đạo. Đức Bênêđíctô XVI không nghĩ như thế mà chọn rời xa khi thấy mình không đủ năng lực tiếp tục.

    Nhiều người cho rằng ngài đã thu nhỏ ngôi vị giáo hoàng. Việc từ nhiệm này quả cho thấy đó là ý định của ngài thực sự. Và chính lúc lìa bỏ chức vụ, ngài đã tái định nghĩa ngôi vị giáo hoàng vậy.






    Chữ ký của Gia Nhân

  6. Có 2 người cám ơn Gia Nhân vì bài này:


  7. #4
    Gia Nhân's Avatar

    Tuổi: 32
    Tham gia ngày: Aug 2009
    Tên Thánh: ✛ Louis
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Sông Nước - Miền Tây
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 3,130
    Cám ơn
    4,023
    Được cám ơn 15,423 lần trong 2,929 bài viết

    Post Tình yêu Giáo Hội của Đức Bênêđíctô XVI

    Tình yêu Giáo Hội của Đức Bênêđíctô XVI






    Đức Cha John J. Myers, TGM Newark, New Jersey, cho hay: ngài là “một mục tử mẫn cảm, một học giả và bậc thầy sáng chói…”. Đức Hồng Y Sean O’Malley, TGM Boston, cũng cho hay: ngài là một học giả và một bậc thầy có tư cách cao độ… trung thành duy trì chân lý và sự trong sáng của đức tin Công Giáo, vun sới đối thoại đại kết và liên tôn và vươn tay ra gợi hứng cho thế hệ Công Giáo tương lai. Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh tới quan tâm mục vụ sâu sắc của ngài đối với các nạn nhân của sách nhiễu tình dục, cam kết và quyết tâm của ngài trong việc chữa lành các vết thương của họ.


    Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức HY Timothy Dolan, TGM New York, trong một bản tuyên bố, đã viết rằng: Đức Benêđíctô XVI đem tới cho chúng ta “một trái tim dịu hiền của mục tử, một trí óc sắc sảo của học giả và lòng tin tưởng của một tâm hồn luôn kết hợp với Thiên Chúa trong mọi điều ngài làm”... ngài là nhà lãnh đạo quên mình. Đức HY cũng không quên nhắc ta nhớ ngài là một quốc khách được sủng ái, một nhà lãnh đạo tinh thần và là một mục tử biết đau cái đau của con chiên, một trái tim biết lắng nghe tâm tư nạn nhân, một sứ giả của những chân lý trường cửu, một người tạo hợp nhất cho người Công Giáo, vươn tay ra với các nhóm ly giáo để lôi kéo họ trở về, lên tiếng cho người nghèo, ủng hộ việc chia sẻ công bằng các tài nguyên thế giới và cổ vũ lòng tôn trọng đối với môi sinh, một người có lối viết và lối nói sáng sủa và sâu sắc.


    Đức HY Dzwisz, cựu bí thư của Chân Phúc Gioan Phaolô II, cho rằng Đức Bênêđíctô XVI dẫn dắt Giáo Hội với suy tư và khôn ngoan sâu sắc, những năng khiếu phát xuất từ một khả năng trí thức ngoại hạng cũng như một đức tin sâu xa. Các cố gắng của ngài nhằm canh tân Giáo Hội trong tinh thần hoàn toàn tín trung với lời dạy của Vị Thầy thành Nadarét.


    Linh mục Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, thì cho rằng ngài là chứng tá vĩ đại của tự do thiêng liêng và của khôn ngoan tuyệt vời trong việc quản trị Giáo Hội trong thế giới hiện nay. Còn Đức HY Sodano, niên trưởng hồng y đoàn, thì gọi tám năm cai trị của Đức Bênêđíctô XVI là “sáng ngời”, sáng ngời trong liên tục tính với 265 vị tiền nhiệm trên Tòa Phêrô, trong liên tục tính với suốt 2000 năm lịch sử, từ Tông Đồ Phêrô, người đánh cá khiêm hạ của Galilê, tới những vị giáo hoàng vĩ đại của thế kỷ trước, từ Thánh Piô X tới chân phúc Gioan Phaolô II.


    Giáo Trưởng Israel, Yona Metzger, ca ngợi các cố gắng của Đức Bênêđíctô trong việc cải thiện các liên hệ giữa Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo. Các liên hệ này đã trở nên tốt nhất xưa nay.


    Đức Cha Jeffrey Steenton, Bản Quyền Tòng Nhân của Tòa Phêrô, cho rằng công trình đáng kể nhất trong triều đại Bênêđíctô XVI là cố gắng hòa giải người Anh Giáo. Trong một bản tuyên bố vào ngày thứ hai vừa qua, Đức Cha Steenton cho rằng các thành viên của Tòa Bản Quyền là con cái thiêng liêng của Đức Bênêđíctô XVI. Còn Đức Cha Keith Newton, Đấng Bản Quyền của Toà Bản Quyền Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham, thì cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã thi hành triều đại của ngài với “một đức khôn ngoan dịu hiền và đức khiêm nhường sâu sắc và ngài mãi mãi sẽ được tưởng nhớ vì giáo huấn rõ ràng và sâu sắc của mình.


    Đối với Bà Angela Merkel, nữ Thủ Tướng Đức, Đức Bênêđíctô XVI hiện là và mãi mãi vẫn sẽ là một trong các nhà tư tưởng tôn giáo quan trọng nhất của thời đại ta”.


    Từ Sydney, cha mẹ bé gái Claire Hill, em bé được Đức Bênêđíctô XVI ôm hôn và chúc lành tại Trường Đua Ranwick nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008, đã lên tiếng cám ơn Đức Thánh Cha vì nhờ phép lành của ngài, bé Claire đã thoát chết một cách kỳ lạ trong tai nạn xe hơi 2 năm rưỡi sau đó: em bị mắc kẹt giữa bánh sau của chiếc xe buýt 3 tấn mà ai cũng tưởng là em đã mất mạng. Em được chở vội vào bệnh viện cứu cấp giữa lời khích lệ của một ai đó: “Claire sẽ không sao, vì em đã được Đức Giáo Hoàng chúc phúc!”. Vài ngày sau đó, em được nhà thương cho về vì chỉ bị trầy xát nhẹ. Bà Hill cho rằng gia đình bà yêu Đức Bênêđíctô XVI như yêu một người ông. Bà nhấn mạnh “ngài là người khiêm nhường, là người thánh thiện chỉ biết hiến thân vì người khác”.


    Một phụ nữ khác từ Sydney là Claire Brown, người được gặp Đức Bênêđíctô XVI tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2011 tại Tây Ban Nha, cũng mô tả ngài là “người hòa nhã và khiêm nhường”. Bà cho rằng phúc lành của ngài giúp bà vượt qua được nhiều lo lắng: “Thực là một đặc ân, ngài là người khiêm hạ của Thiên Chúa”.

    Yêu Giáo Hội


    Tuy nhiên, nét nổi bật nhất của Đức Bênêđíctô XVI được nhiều người nhấn mạnh chính là tình yêu của ngài đối với Giáo Hội. Đức HY George Pell, TGM Sydney, cho hay: Đức Bênêđíctô XVI “luôn luôn yêu mến Giáo Hội và làm những gì tốt nhất cho Giáo Hội”. Chúng ta cám ơn ngài về các năm tháng ngài đã hiến mình cho việc lãnh đạo và phục vụ cũng như giáo huấn tuyệt vời.

    Đức HY Seán Brady, TGM Armagh và Giáo Chủ Ái Nhĩ Lan, cám ơn Đức Thánh Cha về lòng tận tụy phục vụ Giáo Hội hoàn vũ cũng như tấm tình yêu và sự quan tâm của ngài đối với Giáo Hội Ái Nhĩ Lan. Trong bản tuyên bố của mình, Đức HY Dolan của New York cũng cho rằng Đức Giáo Hoàng “hết sức chăm lo cho Giáo Hội”. Ray Flynn, cựu Đại Sứ Mỹ bên cạnh Tòa Thánh và hiện là thị trưởng Boston, trong một tuyên bố báo chí, cho rằng Giáo Hội và thế giới sẽ mãi mãi tiếc nhớ vị linh mục đạo hạnh và đầy quan tâm này…, một người từng cho rằng mình sẽ phục vụ Giáo Hội bao lâu Thiên Chúa còn ban cho đủ sức mạnh. Ông viết: “Tôi biết Đức Giáo Hoàng nhiều năm và hành động hy sinh này rất nhất quán đối với con người của ngài. Với một thế giới đang hỗn loạn, ngài ra đi để dọn đường cho một nhà lãnh đạo nhiều năng lực và hữu hiệu hơn. Tôi không ngạc nhiên, vì ngài không bao giờ quan tâm tới chính ngài, mà là quan tâm tới những gì tốt đẹp nhất cho Thiên Chúa và Giáo Hội".

    Còn Mario Ponti, Thủ Tướng Ý, thì trong một tuyên bố báo chí, đã cho rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng là do ước nguyện muốn phục vụ Giáo Hội cho tới cùng và đảm bảo rằng trong tương lai, Giáo Hội được lãnh đạo mạnh mẽ hơn.

    Nhận định của Monti có vẻ khó hiểu nhất: Đức Bênêđíctô XVI “muốn phục vụ Giáo Hội đến cùng”. Đến cùng thì phải tiếp tục làm giáo hoàng như các vị tiền nhiệm suốt 600 năm qua, chứ sao lại từ nhiệm? Đọc bài Zenit phỏng vấn giáo sư Donald Prudho, Ph.D., Giáo Sư Lịch Sử Cổ Thời Và Trung Cổ tại Đại Học Jacksonville, ta hiểu được phần nào nét nghịch thường này.

    Theo GS Prudho, Đức Giáo Hoàng làm thế “để tránh bị những người muốn lợi dụng sự yếu đuối thể lý của ngài thao túng mà làm hại đến Giáo Hội. Tôi cũng nghĩ rằng đây là một chứng tá hiển nhiên cho thấy chân lý sâu sắc về chủ quyền tối cao của ngôi vị giáo hoàng; ngài tự ý công bố việc từ nhiệm của ngài, một tuyên bố không cần được ai chấp nhận. Điều này có những hệ luận hiến chế lớn lao . Ngài quả là giáo hoàng, người bắc cầu tối cao”.

    Giáo Sư Prudho cho rằng phần lớn các vị Giáo Hoàng không từ nhiệm vì các ngài cho rằng sứ mệnh của các ngài là trực tiếp do Thiên Chúa trao phó nên phải thi hành cho tới chết. Tuy nhiên, ngày nay, người ta sống thọ hơn, và nhiều bệnh tật song hành với tuổi già. Bởi thế, khi cảm thấy mình có thể gây trở ngại cho sứ mệnh của Giáo Hội, nhiều vị như Đức Celestine V, Gregory XII và Đức Bênêđíctô XVI hiện nay đã từ nhiệm. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trong tất cả những vụ việc này.

    Ông tin rằng việc từ nhiệm này tạo khung cảnh cho một tiền lệ. Theo ông, sự hiện diện của vị cựu giáo hoàng chắc chắn có ảnh hưởng đối với vị tân giáo hoàng, như cố vấn chẳng hạn. Các vị giáo hoàng về sau cũng cảm thấy từ nhiệm là việc dễ thực hiện hơn.

    Nói cho ngay, “phục vụ đến cùng” có nghĩa tiêu cực như Giáo Sư Prudho nhấn mạnh đã đành, mà nó còn có nghĩa tích cực nữa. Vì trong lời công bố từ nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: “Về phần tôi, tôi muốn được tận tâm phục vụ Hội Thánh của Chúa trong tương lai qua một đời tận hiến cho cầu nguyện”. Phục vụ trong cầu nguyện cho các miền truyền giáo đã đem lại cho Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu tước hiệu quan thầy các nơi truyền giáo, không thua gì người bôn ba bao nhiêu năm trường và vùi thân cách nơi mình sinh trưởng nghìn trùng xa cách là Thánh Phanxicô Xaviê.





    Vũ Văn An
    Chữ ký của Gia Nhân

  8. Có 2 người cám ơn Gia Nhân vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com