CẦU NGUYỆN THẬT, CẦU NGUYỆN GIẢ.

Đọc dụ ngôn Chúa Giesu kể : về hai người lên Đền thờ cầu nguyện... Ai trong chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn. Đức Giesu kể rất rõ ràng, dễ hiểu, ngôn từ nhẹ nhàng nhưng rất thâm thúy. Hai nhân vật trong dụ ngôn : một người là Phariseu và một là người thu thuế. Nếu xét theo khả năng cầu nguyện tự phát thì cả hai vị đều có tài ăn nói.

+ Người Phariseu cầu nguyện: "Con ăn chay tuần hai lần, không tham lam, không bất chính hay ngoại tình"... Quá tốt, thật đáng khen.

+ Còn người thu thuế đứng xa, gục đầu và nói: "Xin thương xót con vì con là người tội lỗi". Quá tốt vì ở đời có mấy ai biết nhận lỗi để mà sửa lỗi đâu.

Theo tôi cả hai đáng được khen. Cả hai đều nhận được điểm mười. Thế nhưng Đức Giesu lại quả quyết : Chỉ có anh thu thuế được điểm mười mà thôi, còn anh Phariseu thì được zero. Đức Giesu có thành kiến hay thiên vị đối với người Phariseu không nhỉ. Chắc là không. Ngài trả lời thẳng thừng qua câu cuối đoạn Tin Mừng: "Vì phàm ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên". Đức Giesu đánh giá việc cầu nguyện không theo hình thức bên ngoài mà đánh giá lời cầu nguyện đó có xuất phát tận đáy lòng hay không?

- Anh Phariseu cầu nguyện như một bản báo cáo thành tích vẻ vang của mình, rồi còn kết luận là hơn hẳn người khác nữa. Ông ta tự mắc phải một sai lầm là tự nâng mình lên thành người công chính, ông tự phong thánh cho mình đấy!

- Còn người thu thuế thì tự lên án mình trước mặt Thiên Chúa, ông đau đớn đấm ngực ăn năn và chỉ còn biết nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa mà thôi: "Lạy Chúa xin thương xót con vì con là người tội lỗi".

_ Chính lời cầu nguyện khiêm tốn đó có sức giúp ông tin tưởng vào quyền năng tha thứ của Thiên Chúa, vì chính lúc anh ta thấy mình đau đớn tột cùng của sự tội, là lúc anh ta ý thức rằng mình còn một người Cha Nhân Lành đang chờ đón và yêu thương mình. Vì thế, anh ta đã được tha còn người Phariseu lại không được tha.

Cả hai cùng cầu nguyện nhưng kết quả lại trái ngược nhau, một người cầu nguyện bằng cái miệng rỗng tuếch, một người cầu nguyện bằng cái tâm khiêm nhường. Thế mới hiểu cụ Nguyễn Du nói: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (Truyện Kiều). Đức Giesu thì quả quyết: "Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế" (Mt 12,7).

Qua dụ ngôn Chúa muốn chúng ta lưu ý:

1/ Không ai được tự cao tự đại nghĩ mình là người công chính hoặc so sánh mình đạo đức hơn người khác. Tất cả chúng ta là tội nhân, mà đã là tội nhân thì phải khiêm nhường. Chữ khiêm nhường Humility do chữ Latinh là Humus - nghĩa là đất, là bụi tro. Nếu chúng ta ý thức mình không có là gì trước mặt Thiên Chúa thì mới thực sự khiêm nhường đúng nghĩa. ĐTC Phanxico đã nói khi gặp các vị Hồng y cố vấn: "Sự khiêm nhường là sức mạnh của Tin Mừng".

2/ Bài học quý giá nữa là Chúa Giesu dạy chúng ta biết cách cẩu nguyện, đừng ngã lòng. Vì nếu không biết cách cầu nguyện thì việc sống đạo sẽ rỗng tuếch dẫn đến tình trạng giữ đạo bằng môi miệng mà lòng thì xa Chúa; việc sống đạo như kiểu giữ pháo đài, Nhà thờ chỉ là nơi tham quan, Đức Giesu chỉ là một nhân vật trong truyện cổ tích, Thiên Chúa không còn ở trong tâm của con người mà chỉ là một thứ chủ nghĩa hoang tưởng nào đó.

Lạy Chúa Giesu, xin dạy chúng con cầu nguyện. Xin dạy chúng con biết cách cầu nguyện.

___ Lm Phanxico Assisi NGUYỄN PHƯỚC HẬU ___