Nếu xem Nước Trời giống như một vương quốc hay một quốc gia thì chắc chắn cũng sẽ có sự phân biệt vị thế cao thấp trong bộ máy chính quyền. Nếu như thế, không biết các môn đệ Đức Giêsu đã nghĩ gì khi hỏi “ai là người lớn nhất trong nước trời?”
Nước Trời hay Nước Thiên Chúa, đó là những từ ngữ Kinh Thánh. Những từ ngữ đó có nguồn gốc từ những bối cảnh đặc trưng của lịch sử. Kinh Thánh Cựu Ước được viết trong khung cảnh của dân Israel, một dân tộc xuất phát từ Abraham, từ một dân tộc phát triển thành một vương quốc. Rồi vương quốc ấy còn kéo dài đến thời Đức Giêsu dẫu rằng nó đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma. Thế nên, ngôn ngữ các thánh sử dùng để viết Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước đã xuất phát từ bối cảnh quân chủ như thế. Đối với cách dùng từ ngữ như Nước Trời, Nước Thiên Chúa hay việc mô tả các thị kiến trong sách khải huyền nhắc đến một vương quốc với Đức Ki tô là vua, với ngai vàng, với triều thần thiên quốc, với Đức Maria nữ vương…nếu ai không có thiện cảm với chế độ quân chủ phong kiến, chắc hẳn không dễ chấp nhận các từ ngữ này.

Nói về một vương quốc cho người trẻ hôm nay, họ sẽ dễ liên tưởng đến các câu chuyện cổ tích. Và đó cũng là cảm giác nhiều người nghĩ về Kinh Thánh, về Ki tô giáo như một câu chuyện truyền thuyết cổ. Kinh Thánh có còn sống động hay chỉ là một bộ sưu tập những bài học tượng trưng về các giá trí đạo đức hay các giá trị tâm linh nào đó? Cơ cấu phẩm trật của giáo hội cũng làm người ta dễ liên tưởng như một ví dụ cụ thể về vương quốc: cơ cấu, phẩm trật và quyền lực. Giáo hội tông truyền có nên hiểu theo hướng đó chăng?

Khi nói đến Nước Thiên Chúa, người công giáo muốn khái quát công giáo thành phổ quát cho mọi người. Đó thực sự là gia đình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nơi gia đình nhân loại ấy tuy có vẻ đề cao tương quan, nhưng lại cũng có thể bị giới hạn về phạm vi.

Trong gia đình, cho dù giữa anh chị em còn có những quan điểm không giống nhau, nhưng tương quan căn bản là tôn trọng lẫn nhau và yêu thương nhau, vì ý thức rằng từ cùng một nguồn gốc chúng ta được hiện hữu. Ngay cả lối nhìn về Thiên Chúa, về cha mẹ chúng ta, đấng sinh thành và dưỡng dục, đấng cho chúng ta hiện hữu, cũng có những khác biệt. Và tình cảm chúng ta dành cho Ngài cũng khác, lối hành xử cũng khác. Nhưng một gia đình thì vẫn cần có tương quan, cha mẹ và con cái, tương quan anh chị em. Căn bản của các tương quan đó là tình yêu và lòng biết ơn.

Trong khi đó, trong một quốc gia, nơi một vương quốc, tương quan cơ chế và quyền lực, được hướng dẫn và thống trị bởi luật sẽ làm cho tương quan trở thành bắt buộc hơn là tự nguyện, quyền và trách nhiệm thay thế tình yêu, thưởng và phạt sẽ che lấp lòng biết ơn. Nếu nhìn Nước Thiên Chúa như một vương quốc như thế, việc truyền giáo, rao giảng Tin Mừng dễ có xu hướng trở thành những cuộc xâm lược. Các nhà truyền giáo có nguy cơ bị xem là những chiến binh hiếu chiến. Họ sẵn sàng đổ máu để mở rộng vương quốc của Chúa. Đặt mình trong lối nhìn và cảm nhận của những người không cùng tôn giáo với tôi, tôi có thể hiểu được điều này.

Trong bối cảnh hôm nay, nếu xem Nước Trời là một đại gia đình, và Thiên Chúa là cha của mọi người, thì chắc chắn, việc phân biệt vị thế lớn nhỏ không còn quan trọng. Bởi lẽ, trong tương quan gia đình, cha mẹ là quan trọng nhất đối với con cái, và con cái là quan trọng nhất đối với cha mẹ. Điều này rất dễ hiểu trong bối cảnh văn hóa Á châu. Và điều này cũng được chính Đức Giêsu nhắc đến trong Tin Mừng khi Ngài hỏi “ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” hay một chỗ khác Ngài dạy chúng ta cầu nguyện “lạy Cha chúng con ở trên trời” hoặc nữa “đừng gọi ai dưới đất là cha, vì anh em chỉ có một Cha Đấng ngự trên trời”




Trích Từ: Diễn Đàn Dòng Tên