Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: THÁI ĐỘ CỦA CHÚA GIÊSU ĐỐI VỚI THẬP GIÁ

  1. #1
    agapaw's Avatar

    Tham gia ngày: May 2012
    Tên Thánh: Piô
    Giới tính: Nam
    Đến từ: HCM city
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 71
    Cám ơn
    60
    Được cám ơn 169 lần trong 59 bài viết

    Default THÁI ĐỘ CỦA CHÚA GIÊSU ĐỐI VỚI THẬP GIÁ

    THÁI ĐỘ CỦA CHÚA GIÊSU ĐỐI VỚI THẬP GIÁ

    Dẫn nhập
    Thập giá, “một cớ vấp ngã đối với người Do Thái và một sự điên rồ đối với dân ngoại” (1Cr1,23), một con đường cùng đối với những ai đi tìm lý lẽ của sự hợp lý thuần túy. Tuy nhiên lại trở thành đối tượng tôn thờ, yêu mến của dân Kitô, một con đường “cùng tắc bị, bị tắc biến, biến tắc thông”. Từ hai chiều hướng trái nghịch trên cho phép ta suy chiêm một chuẩn mực, chuẩn mực ấy chính là thái độ của Chúa Giêsu đối với thập giá. Vậy trong giới hạn của bài viết, người viết tìm hiểu thái độ của Chúa Giêsu đối với thập giá và bài học rút ra từ thái độ của Chúa Giêsu đối với thập giá.
    1. Thái độ của Chúa Giêsu đối với thập giá
    a. Thao thức chờ đợi
    Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu nằm trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chỉ có một định hướng duy nhất là hoàn thành công trình cứu chuộc đúng thời như thánh Phaolô quả quyết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl4,4-7). Định hướng này được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong Tin Mừng bằng hình ảnh này hình ảnh khác và cho người nọ người kia, Chúa báo trước về cuộc khổ hình thập giá (Mc 9,33; 12,38–13,2; Ga1,19-12,50…). Điều này chứng tỏ thập giá nằm trong nhiệm cục cứu độ được ủ ấp từ ngàn xưa. Cụ thể, thập giá hiện hữu phía trước trên con đường Chúa Giêsu đi, con đường cứu độ. Thập giá nằm trong nỗi lòng thao thức chờ đợi của Chúa Giêsu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc12,49-50).
    Cho đến khi đang nằm trên giường thập giá, Chúa Giêsu vẫn kêu lên: “Ta khát” (Ga19,28). Đây là tiếng kêu của Chúa Giêsu khao khát yêu các linh hồn đến cháy bỏng như Nàng yêu Chàng trong sách Diễm Tình Ca: “Nước lũ không dập tắt nỗi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc7,8), nỗi khát yêu đương được quang tỏa trong mầu nhiệm tình yêu thập giá khi Chúa Giêsu thốt lên câu: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga19,30). Việc Chúa Giêsu ôm ấp thập giá, háo hức chờ đợi thập giá làm cho ta có cảm tưởng rằng Người đối diện với thập giá với một tinh thần vững mạnh như một siêu nhân. Tuy nhiên khi đối diện với thập giá, ta lại thấy Chúa Giêsu có những thái độ và tâm trạng khác nhau.
    b. Sợ hãi do dự
    Tin Mừng cho thấy một dung mạo Chúa Giêsu run sợ và do dự trước thập giá: “Lạy Cha, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa Con” (Mc14,36). Vườn cây dầu là không gian quang tỏa tâm trạng bồn chồn, lo âu, sợ hãi của một Chúa Giêsu, rất con người. Nỗi sợ hãi bao trùm cả một không gian và cả một thời gian. Không gian quá rộng cho một con người, một Thiên Chúa. Thời gian như dài vô tận đến mức các môn đệ chờ đợi không nổi đành phải quên đi trong giấc ngủ vùi (Mc14,37-42). Thiên Chúa như vắng mặt, con người xa lánh (Mt27,45-50; Mc15,33-41; Lc23,44-49; Ga19,28-30). Tâm trạng của Chúa Giêsu giờ phút này chính là tâm trạng của Vịnh gia: “Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc…chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm” (Tv88,5-6.18). Sự cô đơn tăng nồng độ sợ hãi, khiến cho mầu nhiệm thập giá trở nên nặng nề hơn, chất chứa cả một nỗi lòng nặng trĩu: “tâm hồn thầy buồn đến chết được” (Mc14,34). Tin Mừng diễn tả bằng những hình ảnh rất mạnh như: “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc22,44).
    Nhiều lúc người ta cứ nghĩ rằng Chúa đối diện với mầu nhiệm thập giá với tinh thần và sức mạnh của Thiên Chúa, nên họ ghép Chúa Giêsu với dáng dấc của một siêu nhân. Tuy nhiên, nếu ai đến suy chiêm không gian của vườn cây dầu, thời điểm Chúa Giêsu hấp hối và đặc biệt cung chiêm tâm trạng bao trùm Chúa Giêsu lúc ấy thì sẽ cảm nếm được mầu nhiệm nhập thể trong mối liên hệ chặt chẽ với mầu nhiệm tử nạn ((Mt26,36-46; Mc14,32-42; Lc22,39-46).
    Dù sợ hãi và do dự khi phải đối diện với mầu nhiệm thập giá nhưng quyết định cuối cùng của Chúa Giêsu vẫn là đón nhận với lòng yêu mến: “nhưng xin đừng làm điều Con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mt26,39; Mc14,36; Lc22,42), “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha”(Lc23,46).
    c. Đón nhận với lòng yêu mến
    “Yêu” không phải là việc tìm kiếm cho bản thân sự thoả mãn, nhưng là cho đi, là biết quên mình, là phục vụ (Lc22,24-27), là biết trao tặng cả sự sống mình cho người khác: “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga15,13). Đức Giêsu đã dùng chính cuộc sống và con người của Người cho nhiệm cục cứu độ.
    - Vì yêu, Đức Giêsu đã tự cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,4-15).
    - Vì yêu, Đức Giêsu đã tuyệt đối vâng lời Chúa Cha, cho dù bản thân Người không muốn (Lc 22,42).
    - Vì yêu, Đức Giêsu đã tự hiến thân mình làm lương thực nuôi dưỡng con người (Mt 26,26-28).
    - Và đỉnh cao của tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho loài người chính là cái chết trên thập giá. Một tình yêu trao ban trọn vẹn. Một tình yêu mang ý nghĩa: “tất cả, tuyệt đối, vô điều kiện” như thánh Gioan quảng diễn: “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Điều này chứng tỏ rằng lý do và mục đích của mầu nhiệm thập giá chính là yêu mến. Ngoài ra không còn một lý do nào khác nữa. Nếu thập giá chỉ vì thập giá thì vô nghĩa. Nội dung của thập giá chứa đựng một tấm lòng, một trái tim, một tình yêu. Sự vô biên mà tình yêu Đức Kitô mang lại cho con người qua mầu nhiệm khổ giá được thánh Bênađô gói gọn trong câu xác tín: “mức độ của yêu mến là yêu mến không mức độ” (trích trong quyển sách “Sống Cho Một Mối Tình” của thánh Bênađô).
    Thật vậy, vui lòng nhận lấy tất cả trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha và một tình yêu cao cả dành cho con người là thái độ đẹp và cao cả nhất của Chúa Giêsu khi đối diện với mầu nhiệm thập giá. Đây là thái độ khả dĩ mang lại ơn cứu độ cho con người và mở ra để ta bước đi trên con đường Đức Kitô đã đi.
    2. Bài học từ thái độ của Chúa Giêsu
    a. Bước theo “đường thập giá” Đức Kitô
    Đối với chúng ta, điều gay go nằm ở chỗ: Theo đạo Đức Kitô không phải là học thuộc lòng giáo lý cho bằng đi vào con đường của Chúa Kitô. “Theo đạo” nghĩa là “đi theo con đường”. Con đường này được gọi tắt là “đường thập giá”. Đó là ý nghĩa của lời mời gọi: “Ai muốn đi theo Thầy, thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Điều này giả thiết là chúng ta cần phải dán mắt nhìn lối sống của Chúa và tìm cách noi theo (xc. Dt 2,10; 6,20; 12,2).
    Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy đi theo sau Người. Điều này có nghĩa là chúng ta không hổn hển leo dốc một mình, nhưng mà Đức Kitô đi trước, còn chúng ta đi sau. Nói cách khác, Đức Kitô đồng hành, nghĩa là cùng đi đường với chúng ta. Tin Mừng đã để lại cho chúng ta nhiều hình ảnh rất đẹp về điểm này. Trong Tin Mừng Thứ Tư, (chương Mười) tác giả diễn tả Chúa Giêsu như vị mục tử nhân lành: Người đi trước, và dẫn dắt chúng ta đến đồng cỏ sự sống. Hơn nữa, Người đi tìm những con chiên lạc đường, đưa chúng về ràn. Thánh Luca thì không chỉ nói đến việc chúng ta được mời gọi đi theo sau Chúa Giêsu, mà còn kể lại sự kiện Chúa Phục sinh đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus: Chúa cùng đi đường với ta, sưởi ấm lòng ta bằng lời nói và chia sẻ bánh trường sinh cho chúng ta. Thánh Matthêu (Mt11,28) lại dùng một hình ảnh khác nữa: không những là Chúa Giêsu đi trước và đi cùng các môn đệ, nhưng còn mời các môn đệ đi đến với Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bổ dưỡng”. Tư tưởng “đến với Chúa Giêsu” gặp thấy nhiều lần nơi Tin Mừng thánh Gioan: “hãy đến mà xem” (1,39), “ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (6,35); “tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (6,37). Việc chúng ta tự tin bước đi theo con đường Đức Kitô được đặt nền tảng trên chuẩn mực từ thái độ của Chúa Giêsu đối với thập giá.
    b. Bài học và chuẩn mực từ thái độ của Chúa Giêsu đối với thập giá
    Đức Kitô là chuẩn mực của mọi bị cực ở đời và Người cũng chính là đích vươn tới của mọi con người ở trong thế cùng bị. Người là niềm hy vọng độc nhất vô nhị. Khi còn sống kiếp phàm nhân, Người cũng đã kinh qua những bế tắc mang tính con người. Đến mức ta nghe được những tiếng kêu của Người: “lạy cha, cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con” (Mc14,36), “sao ngài bỏ rơi con” (Mc15,34)…vô cùng bi đát. Tuy nhiên cách giải quyết của Đức Giêsu là chuẩn mực: “nhưng xin đừng làm điều Con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mt26,39; Mc14,36; Lc22,42), “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha”(Lc23,46)…Trên hết mọi sự, niềm hy vọng của mọi con người, ở mọi thời đại đặt vào cuộc vượt qua hồng phúc của Đức Kitô. Người đã phục sinh để khai thông mọi bế tắc của con người như câu nói: “cùng tắc bị, bị tắc biến, biến tắc thông”.
    Nhiều lúc ta cứ nghĩ rằng mình khỏi phải nếm mùi tuyệt vọng vì đã biết Đức Kitô. Kỳ thực có những ngày đen tối, ta như thấy cửa trời đóng lại, như Đức Kitô đã từng cảm nghiệm trong giờ hấp hối của Người. Biết Đức Kitô không có nghĩa là được miễn chuẩn mọi sự bi đát ở đời, nhưng niềm hy vọng ở chỗ ta được cùng với Người vượt qua để về cùng Cha. Vì chính Đức Kitô là “đường, sự thật và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không phải qua Thầy” (Ga14,6). Thật vậy, trong tất cả, Chúa như người mẹ hiền đẩy ta ra khỏi vòng tay để ta “ốm tương tư” (Dc 5,8). Hơn nữa, Chúa “đánh” ta trong những biến cố buồn, đau khổ…là để ta “nhớ - nhớ, thương - thương, yêu - yêu” không mức độ. Mỗi lần bị hạ xuống, ta lại khao khát hơn: “lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con sẽ thao thức mãi tới khi nào được yên nghỉ trong Chúa” (trích trong quyển sách “Tự Thuật” của thánh Augustinô).
    Đó là ý nghĩa của thái độ của Chúa Giêsu đối với thập giá mà ta cần noi gương bắt chước để rồi trên hành trình theo sát Chúa Kitô, ta cũng đi con đường Người đã đi: “ai không bỏ mình vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Lc 9,23). Chuẩn mực của việc vác thập giá mình theo Chúa Giêsu là vác thập giá theo thánh ý Chúa Cha với lòng yêu mến vâng phục như Chúa Giêsu đã làm.
    Kết
    Tóm lại, thái độ của Chúa Giêsu khi đối diện với thập giá là sự thao thức chờ đợi, rồi khi trực diện với mầu nhiệm thập giá Chúa lại mang tâm trạng sợ hãi và do dự nhưng quyết định cuối cùng của Chúa là xin vâng với lòng yêu mến hầu hoàn thành thánh ý Cha và hoàn thành nhiệm cục cứu độ con người. Nhờ đó Người để lại cho chúng ta một mẫu gương tuyệt hảo như thánh Phêrô quả quyết: “Ðức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Ðấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2,21b-24). Chúng ta được mời gọi “theo sát Đức Kitô” trên con đường tận hiến, con đường trải đầy hoa hồng nhưng cũng âm ỉ trong đó nhiều gai nhọn, tuy nhiên, nhờ ơn Chúa giúp và nhờ đức ái hoàn hảo, chúng ta có thể đi trọn con đường thập giá như lòng Chúa mong muốn như xác tín của thánh Augustinô: “hãy yêu đi rồi làm gì thì làm”. Để rồi như lời thánh Phaolô, ta trở thành “những vì sao chiếu sáng giữa một thế hệ gian tà và sa đọa” (Pl2,15-16).

    Agapius



    Chữ ký của agapaw
    Mức độ của yêu mến là yêu mến không mức độ.

  2. Có 2 người cám ơn agapaw vì bài này:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com