Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Chủ đề: Lời Xin Vâng; Thắp Lại Điều...và Chuyện Người Đàn Bà...

  1. #1
    T Phương Đông's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2011
    Tên Thánh: Thomas
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đồng Nai
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 787
    Cám ơn
    5,645
    Được cám ơn 3,783 lần trong 726 bài viết

    Default Lời Xin Vâng; Thắp Lại Điều...và Chuyện Người Đàn Bà...

    Kính gởi Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Anh Chị em, bài chia sẻ : - “Lời Xin Vâng” - “Thắp Lại Điều Kinh Ngạc Về Thánh Thể và Tân Phúc Âm Hóa” - “Chuyện Người Đàn Bà Đất Thép Củ Chi” để cùng chia sẻ, hiệp thông Kính chúc Lễ Truyền Tin vui tươi, Mùa Chay Thánh tràn đầy Bình An nơi Lòng Thương Xót của Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria. Lm. Giuse Trần Đình Long Dòng Thánh Thể - Cầu mong bạn sẽ tìm được sự thanh thản và yên bình trong một thế giới có nhiều điều mà bạn không thể hiểu được. - Cầu mong nỗi đau mà bạn chịu đựng cũng như những xung đột mà bạn từng trải qua sẽ trao cho bạn sức mạnh để bạn vươn lên, đối diện những thử thách với lòng dũng cảm và sự lạc quan. Bạn hãy luôn biết rằng có một người nào đó hiểu và yêu bạn, người đó luôn ở cạnh bạn ngay cả khi bạn cảm thấy cô độc nhất. - Cầu mong những điều mà bạn cảm thấy là khiếm khuyết trong hiện tại sẽ trở thành thế mạnh của bạn trong tương lai. * Đừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh bản thân mình với người khác. Mỗi chúng ta là một con người khác nhau và đều có những giá trị khác nhau. * Đừng mãi mê theo đuổi những mục tiêu mà người khác cho là quan trọng, vì chỉ có bạn mới hiểu rõ những mục tiêu nào là tốt cho mình. * Đừng ngại học hỏi. Kiến thức là một tài sản vô hình và sẽ là hành trang vô giá theo bạn suốt cuộc đời. + Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình. + Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình. + Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó
    Chữ ký của T Phương Đông
    Đời con tay trắng hư không...

  2. #2
    T Phương Đông's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2011
    Tên Thánh: Thomas
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đồng Nai
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 787
    Cám ơn
    5,645
    Được cám ơn 3,783 lần trong 726 bài viết

    Default Lời Xin Vâng

    LỜI XIN VÂNG
    Lm. Giuse Trần Đình Long
    Dòng Thánh Thể

    Với lời “Xin Vâng”, Đức Maria được làm Mẹ Thiên Chúa như lời Sứ Thần đáp lời Mẹ : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc1, 35). Bà Elizabet tự hỏi : “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Còn Mẹ Maria thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Thực ra không ai trong loài người có thể lý luận tại sao ? Vì Kinh Thánh nói : “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37). Tất cả những việc Thiên Chúa làm chỉ vì yêu thương con người. Nhưng đúng hơn là mỗi người chúng ta phải nói lên được rằng : Việc Đức Maria đáp tiếng “Xin Vâng” để làm Mẹ Thiên Chúa là bởi vì Thiên Chúa yêu tôi. Vì yêu tôi mà Ngài đã phải hạ mình nhờ cậy một người phụ nữ hèn mọn, do chính tay Ngài tạo dựng nên, để làm Mẹ Ngài, để nhờ người nữ này mà Con Thiên Chúa có được một thân xác hữu hình ở giữa trần gian giống như tôi, để tôi được gặp gỡ Ngài, nhìn thấy Ngài chết thay tôi chỉ vì yêu mến tôi.
    Đức Maria, một tôi tớ hèn kém mà tin, tin tuyệt đối, không lý luận. Mẹ cậy nhờ tất cả vào Thiên Chúa, để mặc cho Thiên Chúa muốn dẫn đưa đến đâu, tùy ý của Ngài. Mẹ chỉ biết đáp lời “Xin Vâng”!
    Mọi chuyện xảy ra trong đời Mẹ, dù vui mừng, dù buồn đau, đau đến xé nát cả cõi lòng, đau đến như gươm thâu qua tim óc, Mẹ chỉ giơ tay đón nhận, giữ lấy suy niệm trong lòng, và nhắm mắt tin tưởng vào Thiên Chúa với lời “Xin Vâng”. Chính như thế mà Thần khí Thiên Chúa đã dễ dàng đưa Đức Maria từ Belem nghèo hèn tới chân thập giá cô đơn. Nơi đây Mẹ thấy Con của mình trong ngày Truyền Tin được gọi là “Con Đấng Tối cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavid…và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32) vậy mà giờ đây coi như bị thất bại hoàn toàn! Con của Mẹ đang bị hành hình, tả tơi nhục nhã, bị lột trần bêu xấu trước đám quần chúng kiêu căng ngạo mạn.
    Trước thảm cảnh ấy, Đức Maria không kêu gào than khóc, chỉ đứng yên đối diện với đau khổ, tim vỡ ra từng mảnh mà nhìn vào thánh ý của Thiên Chúa trong giây phút bi thảm này. Mẹ vẫn chỉ một lời “Xin Vâng”. Kinh Thánh nêu một câu rất ngắn, để chứng tỏ Thiên Chúa yêu mến Đức Maria thế nào. Câu ấy là : “Phúc cho Bà là kẻ đã tin” (Lc 1,45).
    Lòng tin của Mẹ không rơi vào vô vọng. Lời hứa của Thiên Chúa đã thành sự. Từ trong tối tăm đau thương của thập giá, mầm sống bừng lên. Đức Giêsu đã phục sinh, và Thiên Chúa tôn vinh Giêsu Kitô là Chúa muôn loài.
    Đức Maria, kẻ đã bám vào lòng tin mà chết lên chết xuống nơi thập giá cũng được phục sinh và được tôn lên làm Mẹ Thiên Chúa.
    Còn tôi, kẻ đứng ngoài chầu rìa, vì lãnh đạm với ơn cứu độ, lại luôn sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô mà cũng được nhờ ơn phục sinh của Đức Giêsu mà trở thành con Thiên Chúa, và được gọi Đức Maria, Mẹ của Ngài là Mẹ của tôi.
    Khi các bà mẹ trần gian với con mắt tự nhiên muốn xếp Đức Maria ngang hàng với mình, thì Đức Giêsu nhìn họ, và qua họ, Người nhìn tất cả các bà mẹ trên thế gian và nói : “Ai là Mẹ Ta?”
    Sự thật duy nhất chỉ có một Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Tất cả các bà mẹ thế gian chỉ muốn cho con mình nên danh nên phận theo ý của mình. Còn Đức Maria thì đặt tất cả vận mệnh của con mình và của cả bản thân mình trong ý của Thiên Chúa. Nên Đức Giêsu đã ca ngợi Đức Mẹ : “Mẹ và anh em Ta là kẻ nghe và làm theo ý Cha Ta”.
    Cả cuộc đời Đức Maria chỉ có một mong ước là bỏ ngỏ đời mình cho Thiên Chúa, là đáp tiếng “Xin Vâng”. Thế nên suốt đời Mẹ chẳng cố gắng tập tành đạo đức giống như các bậc hiền nhân quân tử thế gian, mà chỉ trông nhìn vào Thiên Chúa, để đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa ban cho. Nhờ đó Đức Maria được tràn đầy nhân đức, vượt trên tất cả loài người và trên tất cả các thần thánh trên trời.
    Đức Maria đã sống như vậy, và đang là gương mẫu cho mọi xác phàm muốn sống như vậy. Đức Maria là mẫu mực và là người chúng ta phải nhờ cậy để gặp gỡ được Con Thiên Chúa. Vì tất cả những gì Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, đó là : “Chức vị làm con, chức vị thừa hưởng phúc lộc của Cha, chức vị đồng trị với Đức Giêsu” (2Tim 2,12), dù có cố gắng lắm chúng ta cũng không nhận được trọn vẹn, chưa nói chúng ta còn có khả năng từ chối. Nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho một người có khả năng nhận được, đó là Đức Maria, để nhờ Mẹ dẫn dắt mà chúng ta đón nhận được Đức Giêsu.
    Đức Maria, một con người xác phàm từ đất mà ra như chúng ta, không phải từ trời mà đến như Đức Giêsu Kitô, đã sống trọn vẹn cuộc sống ân nghĩa trong vinh quang Thiên Chúa bằng lời “Xin Vâng”. Mẹ đã chứa đựng trong thân xác linh hồn mình cả một Đấng quyền năng tạo thành vũ trụ, cùng với một đại dương mênh mông của lòng mến, mà vẫn sống được cuộc sống bình thường như mọi người, trong nhân ái yêu thương như mọi người, và còn trổi xa hơn mọi người. Như vậy Đức Mẹ phải là con người duy nhất mà chúng ta có thể tín nhiệm và phải cậy trông. Muốn không bị lạc nẻo giữa đường trần gian này, chúng ta phải chạy đến nhờ Mẹ đưa đến gặp gỡ được Đức Giêsu con Mẹ, để sống kết hiệp với Ngài. Sống kết hiệp không phải trên mây trên gió, mà ngay trong mọi nỗi đau buồn, khấp khểnh, đói no, bất trắc của cuộc sống hôm nay, trong xã hội này, giữa thế giới đầy xao xuyến bất an chúng ta đang ở.
    Bản thân Đức Maria chẳng có công nghiệp gì để đáng được như vậy. Và phần chúng ta không bao giờ có thể đặt một tạo vật như Đức Maria ngang hàng với Đức Giêsu Kitô. Tất cả chỉ là ơn, như chính Đức Maria đã nói trong kinh Magnificat. Mẹ chẳng có công gì nhưng tất cả đều là ơn huệ của Thiên Chúa : “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Tòn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…” (Lc 1,48-49).
    Đức Maria được nên cao trọng như vậy, bởi vì Mẹ đã đặt cả đời mình vào trong ý của Cha trên trời và kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô.
    Hôm nay nhìn vào Đức Maria, Mẹ của tôi hiện đang ở trên thiên quốc cả hồn lẫn xác, và cũng đang ở bên tôi. Mỗi người tự đặt câu hỏi : Tôi phải yêu mến Đức Maria thế nào ?
    Thưa, tôi phải yêu mến Đức Maria như người con thảo đối với mẹ hiền. Đừng bao giờ sợ lòng yêu mến Đức Maria là quá mức hay quá đáng. Vì thật sự tất cả thần thánh trên trời cũng như những người tốt lành dưới đất có yêu mến Đức Maria đến đâu cũng không thể sánh bằng lòng yêu mến của Đức Giêsu Kitô đối với Mẹ của Ngài được.
    Hơn nữa, nếu tôi càng yêu mến Đức Mẹ, thì chắc chắn tôi lại càng gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Vì chính Đức Mẹ sẽ giúp tôi làm việc ấy, và cũng chính là lòng khao khát của Đức Mẹ như vậy. Đức Mẹ sẽ có con đường ngắn nhất và đúng nhất để dẫn dắt tôi vào trong tình yêu của Con Thiên Chúa.
    Suy niệm như thế, tôi phải cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho tôi một người Mẹ, đã thấm cuộc đời mình vào trong đau khổ thập giá Đức Kitô mà được nên tinh tuyền cao trọng và có một tấm lòng yêu thương tôi vô bờ bến.
    Chính Đức Giêsu đã ban cho tôi ân huệ này. Ngài nói với tôi : “Này là Mẹ con”. Và Đức Giêsu hằng mong ước mọi người luôn chạy đến nhờ cậy Mẹ của Ngài. Khi tôi chạy đến cùng Đức Maria thì Đức Mẹ ban cho tôi những ơn gì ?
    Riêng tự mình Đức Mẹ, thì Mẹ chẳng có ơn gì để cho tôi cả, nhưng khi tôi chạy đến cùng Mẹ, thì chắc chắn tôi sẽ được Đức Maria ban cho Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ.
    Do đó hàng ngày tôi siêng năng đọc kinh lần hạt sùng kính Đức Mẹ mà tôi thấy lòng tôi vẫn lạnh nhạt với Đức Giêsu Kitô, thì tôi phải xem lại cách kính mến Đức Mẹ của tôi. Vì nơi nào tôi thấy bóng dáng Đức Maria mà không thấy Đức Giêsu thì có thể tôi đã yêu mến một bà nào, mà tôi tưởng là Đức Mẹ, mà thực sự không phải là Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa. Vì hai trái tim của Đức Maria và Chúa Giêsu đã nên một với nhau trong Thần khí Chúa, không bao giờ tách rời phân cách.
    Lạy Đức Maria, xin cho con biết đáp tiếng “Xin vâng” như Mẹ trong mọi biến cố cuộc đời, để ý Chúa được thể hiện trong con, để con không bắt người khác lúc nào cũng phải làm theo ý con, để con không lấy ý con làm trên hết, nhờ đó những người khác đỡ khổ vì con, và con được sống bình an trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ con. Amen
    Lễ Truyền Tin 25-03
    Chữ ký của T Phương Đông
    Đời con tay trắng hư không...

  3. #3
    T Phương Đông's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2011
    Tên Thánh: Thomas
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đồng Nai
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 787
    Cám ơn
    5,645
    Được cám ơn 3,783 lần trong 726 bài viết

    Default Thắp Lại Điều Kinh Ngạc về Thánh Thể và Tân Phúc Âm Hóa

    Thắp Lại Điều Kinh Ngạc về Thánh Thể và Tân Phúc Âm Hóa

    Lm. Giuse Trần Đình Long
    Dòng Thánh Thể

    Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17-4-2003, năm thứ 25 triều đại giáo hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II, Năm Chuỗi Mân Côi, ngài đã viết Thông điệp Ecclesia de Eucharistia. Trong Thông điệp này, ngài giải thích chi tiết kế hoạch nhìn xa trông rộng của ngài về Giáo hội; ngài nhắm đến việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể, hầu thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa.
    Đức Thánh Cha viết : “Qua Thông điệp này, tôi muốn thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể, theo sau di sản Toàn xá mà tôi đã để lại cho Giáo hội trong Tông thư Novo Millennio Ineunte và Rosarium Virginis Mariae về việc vinh thăng Đức Maria. Chiêm ngắm khuôn mặt Đức Kitô, và chiêm ngắm khuôn mặt của Người cùng với Đức Maria, là chương trình mà tôi đã đặt ra trước Giáo hội khi mở đầu thiên niên kỷ thứ III, bằng cách mời gọi Giáo hội đi vào chiều sâu của đại dương lịch sử, qua lòng nhiệt thành đối với việc Tân Phúc Âm Hóa.
    Sức Mạnh Biến Đổi của Thánh Thể
    “Việc chiêm niệm Đức Kitô đòi hỏi phải có khả năng nhận ra Người ở nơi Người tự tỏ mình, qua nhiều hình thức hiện diện của Người, nhưng quan trọng hơn hết, trong bí tích Mình và Máu Thánh sống động của Người. Giáo hội rút ra sự sống của mình từ Đức Kitô trong phép Thánh thể: Nhờ Người, Giáo hội được nuôi dưỡng, và nhờ Người, Giáo hội được soi sáng. Bất cứ ở đâu Giáo hội cử hành Thánh lễ, bằng cách thức nào đó, tín hữu đều có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau: ‘Mắt hai ông mở ra, và họ nhận ra Người’ (Lc 24,31). Tôi hy vọng Thông điệp hiện tại sẽ đạt hiệu quả, trong việc xua đuổi những đám mây tối tăm của học thuyết và cách thực hành không thể chấp nhận được, hầu Thánh Thể sẽ tiếp tục tỏa sáng trong toàn bộ mầu nhiệm rực rỡ của Thánh Thể” (ĐTC Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia).
    Chẳng phải giống như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta đang cần mở mắt ra, để thực sự nhìn thấy Đức Giêsu sao? Theo lý thuyết, có thể chúng ta tin vào sự Hiện Diện Đích Thực, nhưng chúng ta có thực sự nhìn thấy Đức Giêsu trong Thánh Thể và thông qua Thánh Thể không? ĐTC Gioan Phao-lô II viết một lời bình luận: “Lời yêu cầu mà một số người Hy Lạp hành hương đến Giêrusalem trong Lễ Vượt Qua đã gửi đến tông đồ Philípphê, vang vọng trong chúng ta về mặt thiêng liêng. Giống như những khách hành hương hai ngàn năm trước, những con người của thời đại ngày nay – có lẽ thường một cách vô ý thức – không chỉ đòi hỏi các tín hữu phải ‘nói’ về Đức Ki-tô, nhưng theo nghĩa nào đó, còn phải ‘chỉ cho’ họ về Người nữa. Và bổn phận của Giáo hội là phản chiếu ánh sáng của Đức Kitô trong mọi thời kỳ lịch sử, và làm cho khuôn mặt của Người chiếu tỏa trước các thế hệ. Tuy nhiên, chứng từ của chúng ta sẽ không đầy đủ, nếu trước hết, bản thân chúng ta không chiêm ngắm khuôn mặt của Người. Hơn lúc nào hết, chắc chắn cái nhìn chăm chú của chúng ta phải kiên quyết cố định vào khuôn mặt của Chúa. Việc tôn thờ Bí tích Thánh cho chúng ta biết về Đức Giêsu”.
    Sứ mạng tiên tri của Đức Thánh Cha tiếp tục thấm đẫm nét đẹp và sự khôn ngoan vào tấm thảm phong phú của Giáo hội Công giáo. Thông điệp của ngài về Thánh Thể bộc lộ vận mệnh vinh quang của chúng ta trong việc “đi vào chiều sâu của đại dương lịch sử, qua lòng nhiệt thành đối với việc Tân Phúc Âm Hóa”. Chương trình của ngài về Thánh Thể thu hút Giáo hội chiêm niệm Đức Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể, và cùng chiêm niệm với Đức Maria, người giúp chúng ta nhận thấy và lắng nghe Chúa Giêsu. Các phương pháp nửa vời sẽ không đủ để giữ vững tinh thần Tin Mừng, trong một nền văn hóa càng ngày càng trở nên thù địch hơn đối với Đức Kitô và Giáo hội của Người.
    Cụm từ: “Thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể” nói đến việc tái khám phá sức mạnh biến đổi của Thánh Thể. Tái khám phá điều gì đó là bổ sung vào điều đó niềm thích thú của chúng ta. Việc này cũng có nghĩa là đánh giá cao điều mà chúng ta tái khám phá được trong một chiều sâu mới. Sự sống Thánh Thể mãnh liệt ám chỉ việc thường xuyên đón rước Thánh Thể, tôn thờ và chiêm niệm Bí tích Cực Thánh, hầu Thánh Thể trở thành một phần căn tính của chúng ta, biến đổi chúng ta thành Đấng chúng ta yêu mến.
    Thông điệp Ecclesia de Eucharistia đầy ắp sự thấu hiểu về Giáo hội, hướng tới việc phục hồi lòng sùng kính Thánh Thể. Có thể một số người hỏi phải làm gì để thúc đẩy chương trình mà Đức Thánh Cha đề xuất, hướng tới việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể. Câu trả lời nằm trong tâm hồn của từng môn đệ Đức Kitô. Có khi nào bạn kinh ngạc về sự Hiện Diện Đích Thực của Đức Kitô chưa ? Bạn hãy suy nghĩ ý nghĩa của những lời mà Đức Thánh Cha đã chọn, trong thông điệp mà ngài gửi tới Giáo hội.
    Thắp lại: Đổi mới, làm sống lại, phát sinh lại, chiếu sáng lại. Tái khám phá nét đẹp, mục đích, vẻ uy nghi và sự cần thiết của đời sống bí tích.
    Điều kinh ngạc: Đầy ắp sự ngạc nhiên, lấy làm lạ, sửng sốt. Một ý nghĩa giống như trẻ con là cảm giác kính yêu mong đợi, làm cho tâm hồn thích thú, khi tâm hồn được đầy ắp tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa.
    Thánh Thể: Thánh Thể là “nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, 11). Các bí tích khác, và quả thật tất cả mọi thừa tác vụ và mọi hoạt động tông đồ trong Giáo hội, đều gắn bó với Thánh Thể và hướng tới Thánh Thể. Vì trong Thánh Thể, chứa đựng toàn thể điều tốt đẹp thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính Đức Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta (CCC 1324).
    Chương trình Thánh Thể của Đức Giáo Hoàng nhắm đến việc hướng chúng ta trở lại với những nền tảng của việc cầu nguyện chiêm niệm và thờ phượng theo Kitô luận. Việc thắp lại cách đánh giá đúng mới mẻ đối với Hy Tế và sự Hiện Diện của Đức Kitô sẽ lôi kéo được nhiều ân huệ cần thiết đối với tất cả mọi người. Việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể nằm ở trung tâm của việc Tân Phúc Âm Hóa, hầu mang lại một nền văn minh tình yêu.
    Xây Dựng Một Nền Văn Minh Tình Yêu qua việc Tân Phúc Âm Hóa
    Triều đại giáo hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II đã mang lại những tầm nhìn mới về cách xây dựng một nền văn minh tình yêu qua việc Tân Phúc Âm Hóa, sao cho Giáo hội trải nghiệm được nền văn hóa của Lễ Hiện Xuống. Sự biến đổi của Giáo hội tiên khởi trong Lễ Hiện Xuống đầu tiên thật đáng kinh ngạc. Một trăm hai mươi người quy tụ chung quanh Đức Maria để cầu nguyện trong Phòng Tiệc Ly đều được biến đổi, từ sợ hãi thành can đảm, từ nhút nhát thành dũng cảm, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Những người nhận thấy sự biến đổi thật vui tươi của họ đều tố cáo là “họ đang say rượu”. Họ đầy ắp trạng thái say mê đúng mức đối với Chúa Thánh Thần, một niềm vui đích thực tồn tại mãi mãi phát xuất từ bên trong.
    Liệu tầm nhìn về cách xây dựng nền văn minh tình yêu có tan biến trong một nền văn hóa càng ngày càng chống đối Thiên Chúa không? Ai sẽ ra đi để xây dựng nền văn minh tình yêu? Ai sẽ thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa? Phải chăng thật khó mà thuật lại những đề xuất mang tính tiên tri này, khi nhiều con cái chúng ta và các thành viên trong gia đình lại rời khỏi Giáo hội Công giáo? Có bao giờ bạn nản chí khi thấy mình không đạt hiệu quả trong việc phúc âm hóa các thành viên trong gia đình, khi họ không còn thực hành đức tin nữa không ? Liệu có bất cứ điều gì đau lòng hơn, khi nhìn thấy các thanh niên mà chúng ta quý mến rời khỏi Giáo hội ? Điều gì sẽ lôi kéo họ trở lại với đức tin ?
    Việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể là một chương trình nhằm đánh thức linh hồn trong một thời điểm. Mẹ Têrêsa nói: “Nếu bạn không thể cho một trăm người ăn, thì bạn chỉ cần cho một người ăn thôi”. Trong Kinh Thánh, Chúa đã từng tha thứ cho cả một thành, chỉ nhờ vài người thánh thiện. Sự thánh thiện thật sẽ lôi cuốn đối với cả Thiên Chúa lẫn những người khác. Bạn hãy sống thánh thiện, và đức tin của bạn nơi Thiên Chúa sẽ lôi cuốn những người khác. Họ sẽ mong ước niềm vui và sự an bình mà bạn tỏa sáng. Hãy cầu xin Đức Giêsu ban cho bạn ơn kinh ngạc nhờ Thánh Thể trong Thánh lễ và cả bên ngoài Thánh lễ nữa. Hãy tự để cho mình trở thành một ngọn lửa sống động của tình yêu, đốt cháy nhiều người khác trong ngọn lửa sống động của tình yêu. Sự thánh hóa cá nhân là một chứng từ không bằng lời. Mọi người đều nhận ra sự thánh thiện, khi họ nhận thấy điều đó. Một đời sống thánh thiện là một tín hiệu của niềm hy vọng, một cảm hứng đối với những người bắt gặp nó.
    Chương trình của vị Giáo Hoàng người Ba Lan về Thánh Thể là một hoạt động về Chúa Thánh Thần được thực hiện qua các môn đệ ân cần, từ bỏ mình. Phần việc của chúng ta là cộng tác với ân huệ của Thiên Chúa vốn luôn luôn đầy đủ. Chúng ta có thể trở thành một nhà tạm sống động, chiếu tỏa đời sống yêu thương của Đức Kitô. Trong Thánh Thể, chúng ta khám phá được cách thực hiện mong ước của chúng ta, hầu nhìn thấy, nhận biết và yêu mến Đức Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta trước.
    - Đức tin mà chúng ta mong đợi ở mức độ nào ?
    - “Giáo huấn đầu tiên đòi hỏi chúng ta phải nuôi dưỡng và bảo vệ đức tin của mình, bằng sự thận trọng và tỉnh thức, và loại bỏ tất cả những điều trái ngược với đức tin. Sự hoài nghi tự nhiên về đức tin là coi thường hoặc từ chối tin rằng những điều Thiên Chúa đã mặc khải và Giáo hội đề xuất đối với niềm tin, thì đều đúng đắn. Sự hoài nghi không tự nhiên ám chỉ thái độ do dự đối với niềm tin, khó khăn trong việc khắc phục những phản đối liên quan đến đức tin. Nếu chúng ta cứ cố tình nuôi dưỡng sự hoài nghi, thì sự hoài nghi có thể đưa đến sự mù quáng về mặt thiêng liêng” (CCC 2088).
    - Đức cậy làm cho đời sống chúng ta phấn khởi ở mức độ nào?
    “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng’ (Rm 15,13). Việc cầu nguyện, được hình thành qua đời sống phụng vụ, lôi kéo tất cả mọi sự vào tình yêu thương, nhờ đó, chúng ta được yêu thương trong Đức Kitô, và tạo khả năng cho chúng ta đáp lại Người với lòng yêu mến, như Người đã yêu thương chúng ta. Lòng yêu mến là nguồn gốc của việc cầu nguyện: bất cứ ai rút ra từ lòng yêu mến, thì đều vươn tới đỉnh cao của việc cầu nguyện” (CCC 2658).
    Hoa quả của Chúa Thánh Thần có thấm nhập đời sống chúng ta không ?
    “Nhờ quyền năng của Thần Khí, con cái Thiên Chúa có thể mang lại nhiều thành quả. Đấng tháp nhập chúng ta vào cây nho đích thực, sẽ làm cho chúng ta mang lại ‘hoa quả của Thần Khí... bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ…’ (Gl 5,22-23). ‘Chúng ta sống nhờ Thần Khí’ ; khi chúng ta càng từ bỏ mình, thì chúng ta càng ‘bước đi nhờ Thần Khí’ (Ga 15,8.16) (CCC 1832).
    - Thánh Thể có phải là trung tâm của đời sống chúng ta không ?
    “Thánh Thể là nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (LG, 11). “Các bí tích khác, và quả thật tất cả mọi thừa tác vụ và mọi hoạt động tông đồ trong Giáo hội, đều gắn bó với Thánh Thể và hướng tới Thánh Thể. Vì trong Thánh Thể, chứa đựng toàn thể điều tốt đẹp thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính Đức Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta” (PO 5) (CCC 1324).
    Đưa Giáo Hội đến với Lòng Hăng Hái về việc Tân Phúc Âm Hóa
    Thông điệp của Đức Thánh Cha bộc lộ những yếu tố thiêng liêng cần thiết, nhằm mang lại cho Giáo hội lòng hăng hái đối với việc Tân Phúc Âm Hóa. Việc phúc âm hóa chỉ đạt hiệu quả khi có “lòng hăng hái” đối với việc này. Vì toàn thể thế giới đã trở thành một cánh đồng truyền giáo, nên Đức Thánh Cha nói đến nhu cầu đối với việc Tân Phúc Âm Hóa.
    Bạn có nghe thấy một lời mời gọi đánh thức không? Hai triều đại giáo hoàng trước đã từng nghe thấy một lời mời gọi thúc giục đối với các môn đệ của Đức Kitô. Hãy thức dậy khỏi tình trạng ngủ mê, và hãy lên đường để truyền bá những công trình tuyệt vời của Đức Giêsu. Đây chính là bổn phận và đặc ân của chúng ta, hầu truyền lại đức tin mà chúng ta đã nhận được. Người ta bức thiết trong việc nhận biết Đức Giêsu. Nhiều tôn giáo với những cách sùng bái sai lầm và lối sống thiêng liêng lộn xộn đã xuất hiện. Người ta đang tìm cách lấp đầy chỗ trống về tinh thần. Thánh Thể chính là phương tiện đổi mới đức tin trong Đức Giêsu, và lòng yêu mến của chúng ta đối với giáo huấn của Người.
    Phải chăng có lẽ chúng ta thờ ơ đối với các bí tích? Dân Thiên Chúa bận rộn với nhiều điều về những ơn gọi riêng biệt. Có rất nhiều người bận rộn với nhiều việc, và chỉ có ít người chọn phần tốt hơn, là ngồi dưới chân Đức Giêsu, trong ánh sáng dịu của ngọn đèn Nơi Nhà Tạm.
    Điều Kinh Ngạc về Thánh Thể Mang lại Niềm Vui
    Tiến sĩ Peter Kreeft, triết gia Công giáo, dạy rằng con người không thể sống, mà không có chân lý, sự tốt lành và niềm vui. Tại sao như vậy? Đức Giêsu là Đường, Chân Lý và Sự Sống, vốn là tình yêu vui tươi. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng để yêu thương và được yêu thương, nhưng có thể chúng ta lại ổn định trong cách bắt chước mờ nhạt tình yêu đích thực, vốn thuộc về Thiên Chúa. Đôi khi, có thể chúng ta lại phá hoại ngầm niềm hạnh phúc, bằng cách ổn định với tình yêu giả tạo.
    Sự tốt lành của Thiên Chúa mang lại niềm hy vọng trong tâm hồn chúng ta. Đức cậy là một chất xúc tác có tác động mạnh, thúc đẩy chúng ta hướng tới mục tiêu là phần thưởng của chúng ta trên trời. Nếu không có đức cậy, thì chúng ta nản chí và hoài nghi. Niềm vui có thể nhanh chóng bị dập tắt. Sự tốt lành của Thiên Chúa là một hồ chứa ân huệ, vốn được ban nhưng không. Thiên Chúa là tình yêu luôn luôn hướng tới niềm vui, sự thanh sạch và tự do của tâm hồn.
    Tiến sĩ Kreeft nhận xét rằng người Công giáo chỉ còn thiếu niềm vui thôi. Mặc dù chân lý và sự tốt lành vẫn phát triển trong Giáo hội, nhưng niềm vui lại ngừng phát triển đều đều. Khi chúng ta tự để cho mình kinh ngạc trước sự tốt lành và tình yêu đáng sửng sốt của Thiên Chúa, thì niềm vui sẽ gia tăng, và ánh sáng của chúng ta sẽ chiếu tỏa trước mọi người. Khi chúng ta đổi mới lòng sùng kính Thánh Thể, thì sự chuyển biến sẽ xảy ra; nỗi buồn phiền, nản chí, và hoài nghi sẽ biến thành niềm vui chính đáng. Thánh lễ và việc Chầu Thánh Thể chứa đựng sức mạnh đáng kinh ngạc, làm biến đổi cuộc sống.
    Nếu chúng ta cứ tiếp tục là những người Công giáo không có niềm vui của Chúa, thì người ta sẽ không được lôi kéo đến với Đức Kitô. Lòng sùng kính được đổi mới đối với Thánh Thể sẽ thu hút người ta trở lại với lối sống đặt Đức Kitô làm trung tâm. Và ở đâu Đức Giêsu trị vì, thì ở đó có sự tự do dành cho niềm vui.
    Khi chúng ta cầu nguyện giống như Đức Maria, với một tâm hồn từ bỏ và ngoan ngoãn đối với thánh ý Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần có thể tác động vào sự kết hiệp giữa tâm hồn chúng ta và tâm hồn Thiên Chúa. Khi chúng ta nhận ra rằng mình hoàn toàn được Thiên Chúa yêu thương, thì chúng ta trở thành kiểu dáng tốt nhất của bản thân mình.
    Thánh lễ (thờ phượng chung) và giờ Chầu (cầu nguyện cá nhân) tạo thuận lợi cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa, mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào tâm hồn chúng ta, phải được khuấy động và thổi bùng lên thành ngọn lửa; rồi lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa sẽ được thắp lại. Khi chúng ta cảm nghiệm Thánh Thể như ân huệ thấm nhập của Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần khuấy động lòng nhiệt thành của tình yêu trong lòng chúng ta. Trái tim chai đá trở thành trái tim bằng thịt. Chúng ta trở nên nhiệt thành đối với Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta trước. Chúng ta đến với sự sống mới, qua hai hình bánh và rượu của Thánh Thể, khi chúng ta ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh Người, là lương thực thần thánh đích thực đối với linh hồn chúng ta. Qua việc Chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta cũng được thay đổi, khi chúng ta chăm chú nhìn lên Chúa và để cho cái nhìn thần thánh của Người thấm nhập chúng ta.
    Bạn có tin rằng mình được tạo dựng vì những điều cao cả hơn của Thiên Chúa không?
    Bạn có cầu xin Đức Giêsu bộc lộ cho bạn sứ mạng đặc biệt của bạn trong cuộc đời không?
    Ngay bây giờ, mong ước của bạn trong việc trở nên gần gũi hơn với Thiên Chúa sâu xa như thế nào?
    Cần Phải Đổi Mới Tình Yêu Dành Cho Thánh Thể
    Để trả lời câu hỏi trên, dưới ánh sáng Thông điệp của Đức Thánh Cha, bạn hãy suy nghĩ về những điều mà Đức Giêsu đã nói với Thánh nữ Faustina, được ghi lại trong Nhật ký về Lòng Thương Xót Chúa: “Ôi, thật đau lòng biết bao đối với Ta, khi các linh hồn rất hiếm khi kết hiệp với Ta qua việc Rước Lễ. Ta chờ đợi các linh hồn, thế mà họ vẫn cứ dửng dưng với Ta. Ta yêu thương họ một cách nhân hậu và chân thành, thế mà họ lại không tín thác nơi Ta. Ta muốn ban cho họ dồi dào các ân huệ của Ta, thế mà họ lại không muốn đón nhận. Họ đối xử với Ta như một đối tượng đã chết, trong khi trái tim Ta đầy tình yêu thương và lòng thương xót. Để con có thể hiểu được ít nhất nỗi đau khổ nào đó của Ta, con hãy tưởng tượng bà mẹ dịu hiền nhất rất yêu thương con cái mình, trong khi những đứa con đó lại hắt hủi tình yêu của bà. Hãy suy nghĩ về nỗi đau khổ của bà. Không ai ở trong tư thế để an ủi được bà ấy. Đây chỉ là một hình ảnh lờ mờ và giống như tình yêu của Ta mà thôi” (Nhật ký của Thánh nữ Faustina # 1447).
    Hầu hết chúng ta đều trải nghiệm tình trạng như thể mình trở nên vô hình, khi người nào đó từ chối thừa nhận sự hiện diện của mình. Thật đau lòng khi bị phớt lờ. Bạn có bao giờ đối xử với Đức Giêsu trong Bí tích Cực Thánh như một đối tượng đã chết không ?
    Cuộc khủng hoảng đức tin đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng tình yêu. Chúng ta cần phải hoàn toàn trải nghiệm lại lòng yêu mến Đức Kitô, hầu tránh được cảm giác chán nản, mệt mỏi, buồn tẻ và thiếu niềm vui. Cha Raniero Cantalamessa nói về tình trạng này như sau:
    “Tại sao những cách thực hành đức tin và tôn giáo lại suy giảm, và tại sao những cách thực hành này lại không hình thành điểm tham khảo trong đời sống, ít nhất không dành cho hầu hết mọi người? Tại sao việc thực hiện những bổn phận lại trở nên chán nản, mệt mỏi, là cuộc đấu tranh đối với các tín hữu? Tại sao các thanh niên lại cảm thấy không được thu hút để đến với đức tin? Nói tóm lại, tại sao lại có tình trạng buồn tẻ và thiếu niềm vui trong số các tín hữu của Đức Kitô? Sự kiện Biến Hình của Đức Kitô giúp chúng ta trả lời các câu hỏi này.
    “Sự kiện Biến Hình có ý nghĩa gì đối với ba môn đệ hiện diện? Cho đến lúc đó, các ông chỉ biết Đức Giêsu qua vẻ bề ngoài: Đức Giêsu không khác biệt với những người khác; các ông biết Người từ đâu đến, những thói quen, âm sắc trong tiếng nói của Người. Bây giờ, ba môn đệ lại được biết một Đức Giêsu khác hẳn, một Đức Giêsu đích thực, một Đấng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, dưới ánh sáng bình thường của mặt trời; bây giờ, những điều các ông biết về Người là kết quả của những mặc khải đột ngột, một sự thay đổi, một ân huệ.
    “Bởi vì các sự việc cũng thay đổi đối với chúng ta, như chúng đã từng thay đổi đối với ba môn đệ trên Núi Tabo; điều gì đó cần thay đổi trong cuộc đời chúng ta, tương tự như sự việc xảy ra khi một thanh niên và một thiếu nữ phải lòng nhau. Khi phải lòng người nào đó, thì người được yêu, trước đây vốn chỉ là một người trong số nhiều người, đột nhiên trở thành một người duy nhất trên thế giới yêu thương mình. Tất cả những điều khác đều bị bỏ lại phía sau, và trở thành một loại bối cảnh không rõ rệt.
    “Đức Giêsu sống lại và Người vẫn đang sống. Đối với những kẻ nhận biết Người, thì Đức Giêsu là một con người cụ thể, không hề trừu tượng. Quả thật đối với Đức Giêsu, các sự việc diễn tiến thậm chí lại còn tốt đẹp hơn” (Cha Raniero Cantalamessa, OFM., Cap, Bài báo Internet Zenit).
    Thay Lời Kết
    Người ta thường không nhìn bạn theo con người của bạn. Nhưng Đức Giêsu lại nhìn bạn theo chính con người của bạn. Cách nhìn nhận này có điều gì đó rất mang tính chữa lành, vì Đức Kitô không từ chối con người của bạn. Đôi khi, có thể bạn bị tác động phải tự vệ chống lại tình trạng bị từ chối. Trước mặt những người khác, có thể chúng ta cứ phải giả vờ làm một người khác. Nhưng trước mặt Đức Giêsu, chúng ta đích thực là con người của mình, vì Người nhìn xuyên thấu mọi kiểu giả vờ. Đặt mình trước sự hiện diện của Thánh Thể, chúng ta có thể hít một hơi dài thật nhẹ nhõm. Chúng ta dễ dàng làm vui lòng Đức Giêsu, hơn là làm vui lòng những người khác, đặc biệt đối với chính mình. Đôi khi, chúng ta quá khó khăn hoặc quá dễ dãi đối với bản thân. Đức Giêsu giữ chúng ta trong sự thật về việc tự hiểu biết mình. Cái nhìn của Người là một đảm bảo đầy yêu thương, hầu chúng ta sẽ tiếp tục phát triển theo ân huệ của Người. Đức Giêsu vẫn nhìn thấy nơi chúng ta kiệt tác đã được hoàn thành nhờ ân huệ của Người.
    Đức Giêsu không từ chối dân Người, nhưng chúng ta lại cứ thoải mái từ chối Người, và nhiều kẻ vẫn từ chối như vậy. Thế gian cứ thuyết phục mọi người rằng ách của Đức Kitô thật nặng nề. Nhưng những kẻ yêu mến Chúa đều nhận biết sự thật rằng ách của Người thật nhẹ nhàng. Hãy đến trước Mình Thánh Chúa và ngồi một lúc với Chúa. Người sẽ dạy cho bạn cách làm sao để bỏ lại cho Người gánh nặng của mình. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
    Chúng ta không thể làm gì khi tách rời khỏi Đức Kitô! Chúng ta không có sức mạnh riêng, ngoại trừ sự tự do để phá hoại ngầm ơn cứu độ của mình.
    Chúng ta cảm thấy sức ép của thế giới không Kitô đang chống lại Giáo hội Công giáo. Các khu vực đã từng được thấm nhuần tư tưởng và lòng sùng kính của Công giáo thì hiện nay lại bị thiếu đức tin. Việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể chính là cơ sở để xây dựng lại Giáo hội. Bây giờ là lúc để chúng ta hoàn toàn đi vào Ơn Gọi Thánh Thể, thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể, hầu thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa, đặc biệt trong đời sống gia đình và cộng đoàn.
    (viết theo Kathleen Beckman)


    Chữ ký của T Phương Đông
    Đời con tay trắng hư không...

  4. #4
    T Phương Đông's Avatar

    Tham gia ngày: Apr 2011
    Tên Thánh: Thomas
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Đồng Nai
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 787
    Cám ơn
    5,645
    Được cám ơn 3,783 lần trong 726 bài viết

    Default CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐẤT THÉP

    CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐẤT THÉP

    Đêm Dài Tối Tăm Với Quạnh Hiu
    Xóm giềng vùng đất thép Củ Chi cũng đã quen cái cảnh chị thi thoảng chạy vọt ra đường, vừa chạy vừa khóc.
    Bạn hàng ở chợ xép nghèo vùng ven cũng quen với cảnh thi thoảng chị "bể bóng đèn" mắt mũi sưng u tím bầm.
    Là chồng chị ấy đánh chị ấy.
    Người ngoài có xót cũng vài lời động viên, chứ còn bảo giúp đỡ can thiệp thì vô phương. Thời nay người ta ngại những chuyện lụy phiền, lối sống “đèn nhà ai nấy rạng” hình như thành quen. Vậy cho chắc ăn, khỏi phiền phức !
    Nếp sống vô cảm đã ăn vào máu huyết con người thời nay rồi. Lòng xót thương, cảm thương đã thành món hàng xa xỉ. Những khi rảnh mấy bà ngồi “tám” với nhau : Người đàn bà ấy “trái đạo” nên mới sinh ra phiền phức như thế.
    Và chị bắt đầu ngẫm nghĩ: “có lẽ thực vậy chăng?” Chị là con nhà Phật Tử, quê miền Tây, nhà nghèo, lương duyên là do mối mai. Lấy anh ta tiếng là dân Sài Thành. Chị đi làm dâu, bố mẹ anh em ai cũng mừng cho chị.
    Tiếng là làm dâu phố thị, nhưng là xứ ngoại thành xa lắc xa lơ. Gần hai mươi năm làm dâu, chả có khi nào chị ra đến trung tâm Sài Gòn đèn ngọn xanh ngọn đỏ.
    Gia đình bên chồng đạo gốc, giàu sang, có cơ ngơi, có cả cơ sở làm ăn. Đô thị hóa nông thôn, cái ngành thời thượng của gia đình bên chồng tăng trưởng vù vù. Họ thuộc lớp thượng lưu của cái vùng nửa quê nửa tỉnh.
    Căn nhà vợ chồng chị khép nép bên cạnh, và cuộc đời chị cũng khép nép mỏi mòn. Trách ai đây ? Trách là trách cái người cùng chị nên chồng nên vợ.
    Hóa ra anh ta là dạng công tử không nên thân, sống bám gia đình, suốt ngày nhậu nhẹt say sưa. Lấy vợ cho anh ta cũng chỉ là một giải pháp cho yên chuyện.
    Gần hai mươi năm đời vợ chồng là bấy nhiêu năm chị vất vả tảo tần bán buôn, nuôi chồng nuôi con. Còn ông chồng chỉ biết rượu chè be bét, chửi vợ đánh con làm thú vui cuộc sống.
    Chị tủi lắm. Chùa thì chị không tới. Theo gia đình chồng có đạo, ai còn dám đi Chùa. Mà khốn thay chị cũng chẳng thể hẻo lánh tới nhà thờ, vì chị không có đạo. Cũng chẳng có ai bên chồng hướng chị tới cõi đạo hạnh đàng hoàng. Hình như họ cũng chả muốn chị lú ra đời, làm phiền tới thế giới vinh sang của họ. Vinh sang lắm chứ, người bên chồng tham gia hội nọ đoàn kia, đón các đấng bậc tới chơi, bạn bè thì cũng phải ông trùm bà quản.
    Và bây giờ chị đổ nợ, mới khổ làm sao. Người ta réo nợ sói cả đầu. Tần suất đòi nợ tăng dần với những cãi vã và những trận mưa đòn. Đã có khi chị quẫn trí tính nhảy sông. Nghĩ tới thằng con ngoan ngoãn biết thương mẹ, thì chị lại chùn lòng không dám chết. Sống mà bám cái sạp chợ kiếm miếng cơm, nhưng càng bán càng thâm vốn hơn, hàng ế ẩm, lãi mẹ đẻ lãi con, rồi thuế má.
    “Hay là mình trái đạo thành ra thế nhỉ ?” Chị nghĩ ngợi và nung nấu quyết tâm vào đạo cho thuận cho yên, cho bớt nợ nần. Chị khăng khăng tình trạng khốn khó của mình là do... trái đạo!
    Chị mò mẫm tìm đường vào đạo. Ê chề thay, chị bị hắt ngay một gáo nước lạnh vô cái quyết tâm giản dị của mình: Đi đạo hòng kiếm gạo mà ăn à ? Nợ tứ giăng mà lại đòi theo đạo. Những lời xỉa xói ấy từ cửa miệng của những kẻ chẳng phải lạ xa, bỗng như cú huých vào mạng sườn người đàn bà tuyệt vọng. Đã thế chị quyết tâm vào đạo, chị mò mẫm đi tư vấn một người lạ hoắc lạ hơ ... và tự nhiên như một nhiệm mầu, chị bỗng thấy cuộc đời hoàn toàn mới mẻ.

    Ấm Áp Mặt Trời Lòng Thương Xót
    Cái người dưng không máu mủ, lạ hoắc lạ hơ, là một thiện nguyện của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa, dọn nhà về sống ngay gần nhà chị. Qua lại tỉ tê cánh đàn bà, chị bỗng có nơi trút bầu tâm sự. Thiện nguyện viên tư vấn cho chị :
    - Ý muốn cá nhân mình thì nhiều lắm, nhưng tìm thấy ý Chúa mới là điều nên làm. Hay là chị cứ đi cầu nguyện và dự lễ xem ý Chúa ra sao. Nếu thấy lòng có mến có yêu, thì khi ấy hãy nghĩ tới chuyện vô đạo.
    Và thế là người đàn bà đất thép Củ Chi đi tham dự thánh lễ. Lạ lùng làm sao, qua lời giảng của người linh mục, chị thấy sao Chúa giống như người cha hiền của chị dưới quê, luôn muốn chị được bình an, được sướng vui, luôn muốn thấy chị tươi cười, chứ không là sụt sùi nước mắt. Người đàn bà dứt khoát là phải vô đạo. Thiện nguyện viên bày cho chị tới gặp cha sở xin học lớp giáo lý dự tòng. Và như một hồng ân, một lần chị được giới thiệu đến với cộng đoàn lòng thương xót Chúa.
    Lần đầu tiên được nghe cha linh hướng giảng, chị bỗng bật khóc nức nở bất chấp bao người xung quanh hiện hữu. Bởi vì lời vị linh mục giảng như soi từ trái tim chị soi ra. Phải rồi, bấy lâu nay như kẻ đui mù, chị giữ chặt khư khư cái nỗi đắng cay như kẻ tự cột đá vào chân. Chị không biết rằng chị hoàn toàn có quyền phó thác cục đá ngàn cân ấy cho đấng giầu lòng thương xót là Thiên Chúa. Bây giờ chị quyết chí khai thật với Ngài lý do sâu xa khiến chị ra nông nỗi này.
    Thế là chị chăm chỉ học giáo lý, để được làm con Chúa từ nhân, để được chạy tới tòa cáo giải khai thực với Ngài cái sai lầm khủng khiếp trong đời.
    Rồi ngày vinh phúc ấy cũng đến. Ngày chị mặc áo trắng tinh khôi lãnh bí tích Rửa Tội. Dù nghèo, không may áo dài cho bằng chị bằng em, chị ủi phẳng phiu áo sơ mi lặng lẽ khóc khi được làm con Chúa.
    Và sau đó, chị bắt hai tuyến xe buýt tới nhà thờ dự thánh lễ lòng Chúa xót thương. Chị được xưng tội và khai thật lòng mình cùng Thiên Chúa.
    Hóa ra khi làm dâu gia đình có đạo giàu có, chị quá mặc cảm với thân phận túng nghèo, để mong cắt mặt với đời, rạng rỡ với gia đình, chị nghĩ ra…làm chủ hụi!
    Nhờ tính chân thật, chị em chợ tham gia dây hụi của chị rất đông. Mỗi dây chị đứng vài ba phần. Hốt hụi non, chị có tiền. Tiền ấy sắm vàng mang về lấy chút hãnh diện với gia đình, phần khác lại cho vay lời vòng quanh, có vẻ rất là xôm tụ.
    Gia đình bên chồng không biết cứ tưởng là chị buôn bán giỏi giang, thành ra cũng trọng thị chị được vài ba phần. Chị cũng thấy đỡ tủi thân thiệt phận.
    Cái đồng tiền không do làm chân chính, nó cũng ra thiệt là mau, hốt hụi non, thì è lưng đóng hụi chết xanh mật. Tiền cho vay cho góp, thời suy thoái khó khăn, người ta trả bữa đực bữa hôm, lấy vốn không xong, phương chi mà trông có lãi !
    Bây giờ thì đến lượt chị đi vay bạc góp. Sự việc đổ bể tóe loe. Bao nhiêu vòng vàng mua được từ tiền thế gian, bán cho nhanh trả thế gian vẫn chưa kịp nợ.
    Không dám khai thật với bên chồng, chị vướng vào oan án phá của gia đình, trước ghét chị một, thì giờ ghét trăm, và tiếp tục là những trận đòn, những lời chửi mắng.
    May cho chị quá, từ khi được thấm nhuần lòng Chúa xót thương, chị ngộ ra những sự thế phước phù vân chẳng chóng thì chầy cũng trở về phù vân thế phước. Bình tĩnh lại, chị biết nợ thì phải trả, nhưng trả cách nào đây. Chị mạnh dạn hỏi người bạn thiện nguyện của cộng đoàn lòng thường xót Chúa.
    Thiện nguyện viên ấy bày cho chị :
    - Trả nợ, nhưng khoanh nợ. Xin các chủ nợ trả gốc vì mình quá khó khăn. Chạy theo lãi suất vay bạc góp xã hội đen, cầm chắc là đứt bóng.
    - Lên kế hoạch buôn bán chi tiết, làm đơn vay vốn xóa đói giảm nghèo, lãi suất thấp. Duy trì cái sạp bán buôn, vừa kiếm cơm, vừa lai rai trả nợ dần. Nợ mòn con lớn, từ từ cũng hết.
    - Quan trọng nhất là kiên tâm cầu nguyện, kiên tâm xin Chúa bao bọc xót thương. Quả thật có kêu xin là sẽ có hồng ân từ Đấng giầu lòng thương xót.
    Chúa thương chị thật, bạn hàng tịnh không một ai tới réo nợ trước cửa nhà. Họ thương chấp nhận cho chị trả từ từ. Điều đó thật đáng quý.
    Cái sạp nhỏ cũng lai rai có khách đủ cho chị trang trải gia đình, cầm cự cho cậu con không phải bỏ học giữa chừng. Chị vẫn ước ao thằng bé được học tới nơi tới chốn.
    Anh chồng tuy vẫn nát rượu, song cũng đỡ đánh đuổi chị chạy quanh làng. Mỗi tuổi mỗi khác hơn. Còn trẻ trung gì mà làm những chuyện cho xóm làng cười chê, con cái xấu hổ với bạn bè. Lúc anh ta tỉnh rượu, chị cũng ráng tỉ tê mà khuyên giải.
    Dù còn khó nhiều sự, nhưng bây giờ lòng người đàn bà đã không còn cay cực buồn đau. Mỗi ngày chị ngước nhìn ảnh lòng Chúa xót thương và không quên lời nguyện: “Lạy chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Xin hãy xót thương con!” Chẳng ngày nào mà chị lại không xin như thế.
    Bà con xóm giềng bây giờ nhìn thấy chị cười rồi nhé. Khi chị cười, gương mặt rạng rỡ hẳn lên. Quả là vui, qua đêm đen là đón ánh mặt trời, và người đàn bà vùng đất thép Củ Chi ấy đang được tắm gội thỏa thuê trong biển xót thương hải hà của Chúa.
    Chị khoe, con chị năm nay vào cấp ba. Mừng cho chị, thiện nguyện viên cũng có chút quà cho thằng bé.
    Khi có Chúa, cuộc đời thật là vui. Từng phận người dẫu bé nhỏ cũng rạng ngời hồng ân, hạnh phúc.

    Ghi theo lời thuật của chị Thu, người bán mỹ phẩm ở một sạp chợ vùng ven Củ Chi - là một thành viên được hưởng tình thương yêu từ cộng đoàn lòng Chúa xót thương.
    Hương Trầm

    Chữ ký của T Phương Đông
    Đời con tay trắng hư không...

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com