Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 09/04 - 15/04/2015:
Câu chuyện về Thánh Tôma: Phúc thay những ai không thấy mà tin


1. Hãy để cuộc sống chúng ta được chinh phục và biến đổi bởi mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào trưa Thứ Hai Phục Sinh với anh chị em tín hữu và khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

“Trong Chúa Giêsu, qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được sống lại, chúng ta đã vượt khỏi sự chết đến sự sống, từ nô lệ tội lỗi đến tự do của tình yêu.

Đây là Tin Mừng mà chúng ta được kêu gọi để loan truyền cho những người khác trong mọi môi trường đang được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần.

Niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu và niềm hy vọng Ngài đã mang lại cho chúng ta là món quà đẹp nhất mà một Kitô hữu có thể và cần phải trao ban cho các anh chị em của mình.”

Ngài khích lệ anh chị em giáo dân cùng hô vang với ngài 3 lần “Chúa đã sống lại”.

“Nào đồng thanh chúng ta hãy hô vang Chúa đã sống lại”.

Tiếp tục bài huấn dụ ngắn, Đức Thánh Cha nói:

“Tin Mừng Phục Sinh nên tỏa sáng trên khuôn mặt của chúng ta, trong tình cảm và trong hành vi của chúng ta, đặc biệt là trong cách chúng ta đối xử với những người khác.”

“Chúng ta loan báo sự phục sinh của Chúa Kitô khi để cho ánh sáng của Ngài soi sáng những khoảnh khắc đen tối trong cuộc đời chúng ta, và chúng ta có thể chia sẻ tin vui đó với những người khác khi chúng ta biết mỉm cười với những ai đang vui; khóc với những ai đang nhỏ lệ; đồng hành với những ai đang buồn và đang đứng trước bờ vực của tuyệt vọng; và khi chúng ta kể lại kinh nghiệm đức tin của chúng ta với những ai đang tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc, Như thế - với thái độ của chúng ta, với chứng tá của chúng ta, với cuộc sống của chúng ta chúng ta đang nói ‘Chúa Giêsu là Đấng Phục Sinh’ với trọn tâm hồn của chúng ta. “

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Hãy để cuộc sống của chúng ta bị chinh phục và biến đổi bởi mầu nhiệm Phục Sinh”

2. Mọi người đều phải có trách nhiệm đối với các trẻ em

Mỗi một trẻ em bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, phải sống ăn mày trên đường phố bằng mọi cách, không được đi học, không được săn sóc sức khỏe, là một tiếng kêu lên cùng Thiên Chúa và là một lời tố cáo hệ thống mà người lớn chúng ta đã xây dựng. Chúng ta làm gì với các lời tuyên bố long trọng về quyền của con người và quyền của các trẻ em, nếu sau đó chúng ta trừng phạt chúng vì các sai lầm của người lớn? Đừng đổ trên đầu các trẻ em những lỗi lầm của chúng ta!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 8 tháng Tư tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: qua loạt bài giáo lý suy tư về gia đình chúng ta đã khẳng định rằng trẻ em là hoa trái đẹp nhất của phước lành mà Thiên Chúa Tạo Hóa đã ban cho người nam và người nữ. Nhưng hôm nay, rất tiếc, chúng ta phải đề cập đến các “lịch sử cuộc khổ nạn” mà nhiều trẻ em phải sống.

Biết bao nhiêu trẻ em ngay từ đầu đã bị khước từ, bỏ rơi, bị ăn cắp tuổi thơ và tương lai. Có người, như để tự biện minh, lại còn dám nói rằng cho chúng chào đời đã là một sai lầm. Thật đáng xấu hổ! Chúng ta đừng đổ trên các trẻ em các lỗi lầm của chúng ta! Các trẻ em không bao giờ là “một sai lầm”. Cái đói khát của các em không phải là một sai lầm, cũng như sự nghèo túng, giòn mỏng, bị bỏ rơi của các em không phải là một sai lầm; lại càng không phải là một sai lầm sự ngu dốt hay bất lực của các em. Nếu có, thì đó lại càng là các lý khiến cho chúng ta phải yêu thương các em với nhiều lòng quảng đại hơn. Chúng ta làm gì với các lời tuyên bố long trọng về quyền của con người và quyền của các trẻ em, nếu sau đó chúng ta trừng phạt chúng vì các sai lầm của người lớn?

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhấn mạnh trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là của các chính quyền và giới lãnh đạo xã hội, như sau:

Không chỉ với những người có nhiệm vụ cai trị, giáo dục, nhưng tôi nói rằng tất cả mọi người lớn chúng ta, đều có trách nhiệm đối với các trẻ em và mỗi người phải làm tất cả nhũng gì có thể để thay đổi tình trạng này. Bởi vì mỗi một trẻ em bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, phải sống ăn mày trên đường phố và với mọi loại phương thế, không được đi học, không được săn sóc sức khỏe, là một tiếng kêu lên Thiên Chúa và tố cáo hệ thống mà người lớn chúng ta đã xây dựng. Và rất tiếc các trẻ em này là mồi của các kẻ tội phạm khai thác bóc lột các em cho các vụ buôn bán và thương mại bất xứng hay huấn luyện các em cho chiến tranh và bạo lực. Nhưng cả trong các nước giầu cũng có biết bao nhiêu trẻ em phải sống các thảm cảnh ghi đậm dấu vết trên các em một cách nặng nề, vì cuộc khủng hoảng gia đình, vì các trống rỗng giáo dục và các điều kiện sống nhiều khi vô nhân. Trong mọi trường hợp, đó là các tuổi thơ bị xúc phạm trên thân xác và trong tâm hồn. Nhưng không có trẻ em nào bị Thiên Chúa Cha trên Trời quên lãng. Không có giọt lệ nào của các em bị mất đi! Cũng như không có trách nhiệm nào, trách nhiệm xã hội của con người, của từng người trong chúng ta, và của các dân nước bị mất đi. Có một lần Chúa Giêsu đã quở trách các môn đệ, bởi vì các ông đuổi các trẻ em được cha mẹ chúng mang tới cho Ngài, để Ngài chúc lành cho chúng. Trình thuật phúc âm thật cảm động: “Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Người đặt tay trên chúng rồi đi khỏi đó” (Mt 19,13-15). Thật đẹp biết bao sự tin tưởng này của các cha mẹ và câu trả lời của Chúa Giêsu! Tôi ước mong cho trang phúc âm này trở thành chuyện bình thường cho tất cả mọi trẻ em biết chừng nào! Có đúng thật là nhờ ơn Chúa, rất thường khi các trẻ em gặp khó khăn trầm trọng tìm được các cha mẹ phi thường, sẵn sàng với mọi hy sinh và mọi quảng đại. Nhưng không được để cho các cha mẹ này cô đơn một mình lo cho con cái họ. Chúng ta phải đồng hành với sự mệt nhọc của họ, và cũng cống hiến cho họ những giờ phút tươi vui chia sẻ và quên đi ưu phiền, để họ không chỉ bị bận tâm với nhịp sống chữa trị cho con. Trong mọi trường hợp, khi đó là trẻ em, thì không được nghe thấy các công thức bảo vệ loại hợp pháp bàn giấy như :”dù sso đi nữa, chúng tôi không phải là một tổ chức trợ giúp tài chánh”; hay “trong cuộc sống tư, mỗi người tự do làm điều mình muốn”; hoặc “rất tiếc chúng tôi không thể làm gì được”.

Đề cập đến các hệ lụy mà trẻ em phải hứng chịu trong cuộc sống Đức Thánh Cha nói:

Rất thường khi các hậu quả của cuộc sống bị soi mòn bởi cảnh công việc làm bấp bênh và đồng lương ít ỏi, bởi các giờ giấc không thể chịu đựng nổi, vì các phương tiện di chuyển không hữu hiệu… cũng rơi trên đầu các trẻ em nữa. Nhưng trẻ em cũng phải trả giá cho các kết hiệp hôn nhân không trưởng thành và các vụ chia lià vô trách nhiệm; chúng cũng chịu các hậu qủa nền văn hóa của các quyền chủ quan thái quá, và rồi chúng trở thành những đứa con sớm phát triển. Thường khi chúng bị thấm nhiễm bạo lực mà chúng không hủy bỏ được và dưới mắt người lớn chúng bị bó buộc phải quen với sự suy đồi ấy.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Cũng như trong quá khứ, cả trong thời đại ngày nay nữa Giáo Hội dùng tình mẫu tử phục vụ trẻ em và gia đình chúng. Giáo Hội đem đến cho các cha mẹ và trẻ em của thế giới chúng ta phưóc lành của Thiên Chúa, sự dịu dàng hiền mẫu, lời quở trách nghiêm nghị và việc lên án cương quyết. Không đuợc đùa giỡn với các trẻ em!

Anh chị em hãy nghĩ xem: một xã hội sẽ như thế nào khi nó quyết định, một lần cho luôn mãi rằng truớc việc trẻ em chào đời, thì không có hy sinh nào của người lớn bị coi là quá mắc mỏ hay quá lớn lao, miễn là tránh cho một trẻ em nghĩ rằng nó là một sai lầm, nó không có giá trị gì và bị bỏ rơi cho các vết thương của cuộc sống và chuyên quyền của người lớn. Thật đẹp biết bao một xã hội như thế! Tôi nói với xã hội đó rằng các lỗi lầm vô số của nó được thứ tha rất nhiều. Thật thế, được thứ tha rất nhiều.

Chúa phán xử cuộc sống chúng ta, khi nghe điều các thiên thần của các trẻ em tường trình với Ngài, các thiên thần “luôn trông thấy mặt Thiên Chúa Cha trên trời” (Mt 18,10). Chúng ta hãy luôn luôn tự hỏi: Các thiên thần của các trẻ em sẽ tường trình nhừng gì về chúng ta với Thiên Chúa?

3. Phúc thay những ai không thấy mà tin

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh Tôma thường được xem là mẫu người của khoa học thực nghiệm, cái gì cũng phải được thí nghiệm và kiểm chứng. Ông thuộc nhóm những kẻ cứng lòng, dù toàn bộ anh em trong nhóm môn đệ Chúa Giêsu chứng nhận, nhưng ông vẫn không tin. Đối với ông chân lý không phải cái mình chưa thấy, không phải theo số đông, nhưng là một sự mục kích bằng giác quan.

Phúc Âm kể lại rằng:

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến.

Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”

Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín.

Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an”

Rồi Người bảo Tôma: “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.

Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Ðức Giêsu bảo:

“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

“Phúc thay những người không thấy mà tin” là một mối phúc thật. Người ta không thể trông thấy những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới đó. Đó chính là hạnh phúc đích thực.

“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Lời này như được ngỏ với chúng ta, những người tín hữu Kitô hôm nay đang sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh gần 2000 năm, là những người mà lòng tin dựa trên chứng từ của các Tông đồ, chứ không dựa vào kinh nghiệm giác quan, là những người tin nơi Thánh Kinh, tin nơi Giáo Hội là những bảo chứng đáng tin nhất.

Với hồng ân đức tin, chúng ta có thể gặp Chúa và tiếp cận với Ngài. Đó là một hạnh phúc thật sự. Con đường của lòng tin chúng ta hôm nay là con đường của lòng mến. Càng yêu mến nhiều, càng tin vững chắc, bởi:

Chính tình yêu họa hình Đấng Hằng Hữu,

Là thực tại, nhưng cũng rất cao sâu,

Là hiện sinh, nhưng cũng rất nhiệm mầu,

Không thể nói, nhưng biết bằng cảm nghiệm.

4. Ý nghĩa của Năm Thánh Từ Bi

Trong buổi Kinh Chiều Trọng Thể của Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lược qua hoàn cảnh của Giáo Hội hiện nay và nêu bật lý do ngài đã quyết định khai mở Năm Thánh Từ Bi.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Lời chào của Đức Kitô Phục Sinh với các môn đệ của Ngài vào tối Phục Sinh, “Bình an cho anh em!” (Jn 20:19) tiếp tục vang lên trong mỗi người chúng ta. Hòa bình, đặc biệt trong mùa Phục Sinh này, vẫn còn là khát vọng của rất nhiều người đang bị những hình thái bạo lực chưa từng có phân biệt đối xử và gieo rắc cái chết cho họ chỉ đơn giản là vì họ mang danh “Kitô hữu”. Lời cầu nguyện của chúng ta mãnh liệt hơn bao giờ và đang trở thành một tiếng kêu cứu với Cha, là Đấng giàu lòng thương xót, xin Ngài nâng đỡ đức tin của nhiều anh chị em chúng ta là những người đang đau khổ. Đồng thời, chúng ta cũng xin hồng ân hoán cải con tim của chúng ta từ sự thờ ơ sang lòng từ bi.

Thánh Phaolô nhắc với chúng ta rằng chúng ta đã được cứu nhờ mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Hoà Giải, Đấng đang sống giữa chúng ta và đang đưa ra phương thế để hòa giải giữa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Vị Tông Đồ nhắc lại rằng, bất kể những gian truân và khốn khó trong cuộc sống, niềm hy vọng cứu độ mà Chúa đã gieo trong lòng chúng ta vẫn tiếp tục phát triển. Lòng thương xót của Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta, làm cho chúng ta nên công chính và ban bình an cho chúng ta.

Nhiều người đang tự hỏi trong lòng: sao lại mở ra Năm Thánh Từ Bi vào lúc này? Đơn giản là bởi vì Giáo Hội, trong thời điểm chao đảo lớn lao này của lịch sử, được mời gọi để đưa ra những dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa. Đây không phải là thời gian để bị phân tâm; nhưng ngược lại, chúng ta cần phải cảnh giác và cần phải khơi dậy trong chúng ta khả năng để nhận ra những gì là thiết yếu. Đây là một thời gian để Giáo Hội tái khám phá ý nghĩa của sứ mệnh được Chúa giao phó cho mình trong ngày lễ Phục sinh: là trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Chúa Cha (cf. Jn 20: 21-23). Vì lý do này, Năm Thánh phải làm sống lại ước muốn biết được cách làm sao đón nhận vô số những dấu chỉ của sự dịu dàng mà Thiên Chúa trao ban cho toàn thế giới, và trên tất cả, cho những ai đang đau khổ, những người đang cô đơn và bị bỏ rơi, không có hy vọng được tha thứ cũng chẳng cảm nhận được tình yêu của Chúa Cha. Một Năm Thánh để trải nghiệm cách mạnh mẽ trong chính chúng ta niềm vui được tìm thấy bởi Chúa Giêsu, Đấng là Chúa Chiên Lành đã và đang tìm kiếm chúng ta vì chúng ta đã lạc mất. Một Năm Thánh để nhận được sự ấm áp trong tình yêu Ngài khi Ngài vác chúng ta trên vai và đưa chúng ta trở về nhà Cha. Một năm trong đó được Chúa Giêsu chạm đến và được biến đổi nhờ lòng thương xót của Ngài, để chúng ta có thể trở thành những chứng nhân cho lòng thương xót. Như thế, đây là lý do cho Năm Thánh: đây là thời gian cho lòng thương xót. Đó là thời điểm thuận tiện để chữa lành các vết thương, một thời gian không mệt mỏi để gặp gỡ tất cả những ai đang chờ đợi để được nhìn thấy và chạm tay của họ vào những dấu chỉ của sự gần gũi của Thiên Chúa, một thời gian để trao ban cho tất cả mọi người con đường của tha thứ và hòa giải.

Nguyện xin Mẹ Thiên Chúa mở mắt chúng ta, để chúng ta có thể hiểu được trách vụ mà chúng ta đã được mời gọi; và xin Mẹ cầu khẩn cho chúng ta ân sủng để trải nghiệm Năm Thánh Từ Bi này như những chứng nhân trung tín và sinh hoa kết quả của Chúa Kitô.

5. Chiêm ngắm trong các vết thương của Đấng Phục Sinh lòng thương xót của Thiên Chúa

Trưa Chúa Nhật 12 tháng Tư, lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa, 60 ngàn người từ các nơi đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với Đức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ và Ngài bảo thánh Tôma hãy xỏ tay vào các vết thương của Ngài và đừng cứng lòng tin nữa.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Chúa đã đáp ứng sự cứng lòng tin của Tôma, để qua những dấu hiệu khổ nạn của Ngài, ông có thể đạt tới niềm tin sung mãn về sự phục sinh, niềm tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu”. Khi tiếp xúc với các vết thương của Đấng Phục Sinh, Tôma biểu lộ các vết thương của mình, tình trạng bị xâu xé, sự tủi nhục của mình; trong các dấu đanh, ông tìm được bằng chứng vững chắc mình được yêu thương, được chờ đợi, được cảm thông.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Tôma đã đứng trước một Đức Messia đầy dịu dàng, thương xót, từ ái. Đó chính là Chúa mà ông tìm kiếm trong thẳm sâu con người của ông, vì ông đã luôn biết trước là như thế. Và bao nhiêu người trong chúng ta tìm cách gặp Chúa Giêsu trong thẳm sâu tâm hồn, Chúa Giêsu dịu dàng, thương xót, từ ái!

Vì trong thẳm sâu của tâm hồn chúng ta biết Người là như thế. Sau khi tìm được tiếp xúc bản thân với sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn thương xót của Chúa Kitô, Tôma hiểu ý nghĩa sâu xa của sự sống lại, và được biến đổi trong nội tâm, ông tuyên xưng niềm tin trọn vẹn nơi Chúa và thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (v.28). Câu nói này của Tôma thật là đẹp!

Ông đứng trước một Đức Messia đầy dịu dàng, thương xót, từ ái. Đó chính là Chúa mà ông tìm kiếm trong thẳm sâu con người của ông, vì ông đã luôn biết trước là như thế. Và bao nhiêu người trong chúng ta tìm cách gặp Chúa Giêsu trong thẳm sâu tâm hồn, Chúa Giêsu dịu dàng, thương xót, từ ái!

Vì trong thẳm sâu của tâm hồn chúng ta biết Người là như thế. Sau khi tìm được tiếp xúc bản thân với sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn thương xót của Chúa Kitô, Tôma hiểu ý nghĩa sâu xa của sự sống lại, và được biến đổi trong nội tâm, ông tuyên xưng niềm tin trọn vẹn nơi Chúa và thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (v.28). Câu nói này của Tôma thật là đẹp!

Thánh nhân đã biết “động chạm đến” mầu nhiệm vượt qua biểu lộ trọn vẹn tình thương cứu độ của Thiên Chúa, giàu lòng xót thương (Xc Ep 2,4). Và như thánh Tôma, tất cả chúng ta cũng vậy: trong Chúa Nhật thứ hai sau Phục Sinh này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm trong các vết thương của Đấng Phục Sinh lòng thương xót của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi giới hạn của nhân trần và chiếu tỏa rạng ngời trong đêm tối của sự ác và tội lỗi.

Một thời điểm khẩn trương và kéo dài để đón nhận những phong phú vô biên của tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Năm Thánh Đặc Biệt về lòng thương xót, tôi đã công bố Tông Sắc ấn định Năm này tối 11 tháng Tư tại Đền thờ thánh Phêrô này. Tông chiếu ấy bắt đầu bằng câu “Misericordiae Vultus”, khuôn mặt thương xót, chính là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy luôn nhìn ngắm Ngài, Đấng luôn luôn tìm kiếm, chờ đợi, tha thứ cho chúng ta; Chúa rất từ bi, Ngài không sợ những lầm than khốn nạn của chúng ta. Trong các vết thương của Ngài, Ngài chữa lành chúng ta và tha thứ tất cả tội lỗi chúng ta. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta cũng hãy có lòng từ bi thương xót đối với tha nhân như Chúa Giêsu thương xót chúng ta”.

nguồn: Vietcatholic.com