Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 7 trên 7

Chủ đề: Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Vọng Tuần II: 6 - 12/12/2015 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)

  1. #1
    dvtung's Avatar

    Tham gia ngày: May 2007
    Tên Thánh: Antôn
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Ninh Thuận
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 4,193
    Cám ơn
    4,764
    Được cám ơn 4,294 lần trong 1,572 bài viết

    Arrow Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Vọng Tuần II: 6 - 12/12/2015 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)

    Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa
    Mùa Vọng
    Tuần II: 6-12/12/2015


    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

    (mến tặng các tâm hồn khao khát Lời Chúa theo Phụng Vụ hằng ngày
    - ngày nào đọc ngày đó, không cần đọc hết một lúc nếu không có giờ.
    Nếu cần xem lại các tuần trước, xin bấm vào cái link sau đây:
    http://thoidiemmaria.net/TDM2015/SN-SD/index.html)

    Chúa Nhật

    Suy niệm
    nhập thể dọn đường


    Mùa Vọng là Mùa đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng mang đến cho chung loài người và riêng dân Do Thái Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Bởi vì, từ sau nguyên tội, loài người đã sống trong đau thương, về cả tâm hồn lẫn thể xác, đến độ, đúng như cảm nghiệm của Phật giáo: "đời là bể khổ".

    Thế nhưng, vì Thiên Chúa dựng nên con người là để được sống đời đời, để được hưởng phúc trường sinh bất diệt, mà họ không thể nào chấp nhận được thân phận khổ đau bất hạnh của mình. Theo giòng lịch sử, họ đã tìm đủ cách để làm sao có thể "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24).

    Đó là là lý do mới có các "đạo" giáo khác nhau, tức là có những "con đường", những "đạo lộ" khác nhau để con người vừa có thể thoát khổ vừa có thể được đạt được hạnh phúc. Một trong những "con đường" hay "đạo lộ" rõ ràng có chủ trương "cứu độ" con người như "đạo" Do Thái và "đạo" Thiên Chúa (Kitô giáo) đó là "đạo" Phật (Phật giáo).

    Tuy nhiên, trong khi "đạo" Phật chủ trương "tự độ", nghĩa là tự cứu mình, bằng cách diệt dục là tham sân si khi còn sống trên đời này cũng như bằng đường lối đầu thai luân hồi sau khi chết nếu chưa hoàn toàn diệt dục, cho tới khi giác ngộ mới được siêu thoát vào cõi niết bàn, thì Do Thái giáo và Kitô giáo lại trông chờ "Ơn Cứu Độ" từ Trời Cao.

    Thật vậy, tự bản tính thụ tạo của mình, một tạo vật hữu hình và hữu hạn, so với Thiên Chúa Hóa Công là Đấng tự hữu, toàn thiện và toàn năng, con người chẳng là gì ngoài bản chất bất toàn và bất lực của mình, chỉ có thể trở thành viên mãn nhờ Ngài và trong Ngài, như họ đã được thông phần vào sự hiện hữu của Ngài nhờ được Ngài dựng nên.

    Thậm chí khi mới được tạo dựng, còn sống trong tình trạng công chính nguyên thủy, chưa biết đến tội lỗi là gì: "trần truồng không biết xấu hổ" (Khởi Nguyên 2:25), loài người còn sa ngã phạm tội, huống chi bởi nguyên tội họ lại càng mù quáng, sai lạc và yếu nhược hơn nữa, làm sao có thể "tự độ", tự cứu được bản thân mình như lòng mong ước.

    Đó là lý do, ngay từ ban đầu, nghĩa là ngay sau nguyên tội, Thiên Chúa chẳng những đã tự động hứa ban Ơn Cứu Độ cho con người qua Đấng Thiên Sai Cứu Tinh của Ngài (xem Khởi Nguyên 3:15), mà còn khôn ngoan không để con người có thể "tự độ", bằng cách đuổi họ ra khỏi địa đường, kẻo họ hái cây sự sống mà ăn (xem Khởi Nguyên 3:22).

    Thế là lịch sử của loài người nói chung và lịch sử của dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn nói riêng đã trở thành Lịch Sử Cứu Độ, lịch sử đợi trông Ơn Cứu Độ, một Mùa Vọng đợi trông cho được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết là những gì liên lỉ chẳng những hành hạ con người mà còn giúp cho con người càng có lý do sâu xa chính đáng mãnh liệt trông chờ Đấng Thiên Sai Cứu Thế mau đến.

    Lời Chúa qua miệng Tiên Tri Barúc trong Bài Đọc 1 cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng hôm nay đã cho thấy Thiên Chúa không quên lời hứa cứu độ của Ngài từ ban đầu, trái lại, Ngài vẫn hiện diện trong giòng lịch sử của loài người nói chung và Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái nói riêng. Bởi thế, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ngài đã phấn khởi dân Ngài chẳng những ở chỗ kêu gọi họ sống cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực mà còn hướng họ về một tương lai sáng lạn tràn đầy sự sống như sau:

    Trước hết, Thiên Chúa đã phấn khởi dân Ngài sống cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực:

    "Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi ("vượt qua sự chết" - Gioan 5:24), hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi ("mà vào sự sống" - Gioan 5:24). Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý ("được sự sống" - Gioan 10:10), và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi ("và được sự sống viên mãn" - Gioan 10:10). Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian (ám chỉ việc Thiên Chúa tỏ mình ra qua Con của Ngài nơi dân Do Thái: "Ơn cứu độ xuất phát từ dân Do Thái" - Gioan 4:22). Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa".

    Sau nữa, Thiên Chúa hướng họ về một tương lai sáng lạn tràn đầy sự sống:

    "Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông (là hướng mặt trời mọc, mặt trời Công Chính là Chúa Kitô - xem Luca 1:78). Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây (ám chỉ cả dân ngoại, cả loài người cũng được thừa hưởng giao ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân Do Thái) họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh ("Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ" - 1Timothêu 2:4), họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử (có thể là ám chỉ loài người bị ngụy thần bắt cóc, sống nô lệ cho hắn, nhưng được lấy lại chức phận con cái Thiên Chúa). Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ (bằng cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô) mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa (có thể là ám chỉ các thứ quyền lực sự dữ), lấp đầy những hố sâu (có thể là ám chỉ các cám dỗ gian tà dối trá lừa đảo), để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang".

    Theo chiều hướng được Thiên Chúa cứu độ kêu gọi và phấn khích trong Bài Đọc 1 hôm nay, dân Do Thái cảm thấy hân hoan vui sống với tràn đầy những tâm tình hứng khởi được chất chứa trong Bài Đáp Ca hôm nay:

    1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

    2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

    3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

    4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

    Phải, lịch sử của loài người nói chung và của dân Do Thái nói riêng là một Mùa Vọng trông chờ Ơn Cứu Độ, trông chờ Ngày Giải Thoát, một thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại và Do Thái, như thể tất cả mọi sự đều chẳng những hướng về thời điểm định mệnh ấy, thời điểm được Tiên Tri Giêrêmia của Cựu Ước trong Bài Đọc 1 của Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng tiên báo một cách trống trống là "Ngày ấy" (liên quan đến lần đến thứ nhất của Chúa Kitô), mà còn từ thời điểm quyết liệt ấy, thời điểm được Thánh Tông Đồ Phaolô của Tân Ước xác định rõ 2 lần trong Bài Đọc 2 hôm nay là "ngày của Ðức Giêsu Kitô" (liên quan đến lần đến thứ hai của Chúa Kitô): "anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô..."

    Đúng thế, đối với Kitô hữu thì Chúa Kitô đã tới rồi, như mặt trời công chính chiếu tỏa khắp nhân gian, như một "Ngày" vô tận. Bởi thế, khi lãnh nhận Phép Rửa, tức khi họ chấp nhận Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), họ đã mặc lấy Người và nhờ đó cũng trở nên "ánh sáng trần gian" (Mathêu 5:14), trở thành "con cái sự sáng, con cái ban ngày" (1Thessalonica 5:5), ở chỗ, như Thánh Phaolô viết trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, nhờ đó anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô".

    Vẫn biết là Ơn Cứu Độ được ban nhưng không cho con người từ Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu qua Đấng Thiên Sai Cứu Thế Con của Ngài. Thế nhưng, về phần mình, con người phải làm sao để có thể lãnh nhận và xứng đáng hoan hưởng Ơn Cứu Độ nhưng không và vô cùng cao quí đó nữa.

    Trong việc sửa soạn cho con người có thể đón nhận Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí này, tức là đón nhận chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến, Thiên Chúa đã phải cho xuất hiện vào một thời điểm lịch sử trong "đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế", một Vị Tiền Hô của Con Ngài và cho Con Ngài là "Gioan, con Giacaria, trong hoang địa", như được Bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay đề cập tới.

    Nhân vật lịch sử Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này xuất hiện với mục đích "đi trước Chúa để sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Luca 1:76-77). Bằng cách, như Phúc Âm hôm nay cho biết: "Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: 'Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

    Vâng, Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, với tư cách là "tiếng kêu trong hoang địa", được Thiên Chúa sai đến trước Chúa Kitô là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) để thực hiện sứ vụ "sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Chúa" nơi dân Do Thái, nhờ đó "dân Chúa" mới có thể nhận biết Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ. Và ngài đã "sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Chúa" nơi dân Do Thái, ở chỗ "rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội", bằng cách ngài ra tay "lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy uốn cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng".

    Điển hình là thành phần Pharisiêu và Saducê đến chịu phép rửa với mình, Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đã thẳng thắn "lấp... bạt" và "uốn... san" như thế này: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: 'Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.' Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa" (Mathêu 3:7-10).

    "Hỡi Chúa Hài Đồng, xin cho con biết hạ mình xuống, khiêm nhượng và đơn sơ như trẻ con, để con được làm bạn thân của Chúa!" (Lời nguyện tắt của Linh Mục Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC).

  2. #2
    dvtung's Avatar

    Tham gia ngày: May 2007
    Tên Thánh: Antôn
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Ninh Thuận
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 4,193
    Cám ơn
    4,764
    Được cám ơn 4,294 lần trong 1,572 bài viết

    Arrow Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Vọng Tuần II: 6 - 12/12/2015

    Thứ Hai

    Suy niệm
    nhập thể chính lộ



    Hôm nay, ngày Thứ Hai trong Tuần Thứ Hai của Mùa Vọng, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bất toại để chứng tỏ là Người có quyền tha tội cho con người.

    "Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: 'Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!'"

    Cho dù tự mình Chúa Kitô có quyền tha tội, thế nhưng, trước mắt thế gian, Người chỉ là một con người thuần túy, cho dù có quyền năng làm phép lạ, Người vẫn không phải là Thiên Chúa nên không thể nào có quyền tha tội được, như lập luận tự nhiên của các luật sĩ và biệt phái trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?".

    Vậy, để chứng tỏ mình thật sự có quyền tha tội lỗi cho con người, vì tội lỗi là nguồn gốc gây ra mọi hậu quả tai hại cho con người phải chịu, như bệnh nạn tật nguyền và chết chóc, Chúa Giêsu đã chữa lành hậu quả của tội lỗi, tức là phá hủy quyền lực của sự dữ, quyền lực của tội lỗi, một sự dữ về luân lý là những gì con người cần phải được giải thoát trước hết và trên hết. Đó là lý do để chứng tỏ mình có quyền tha tội Chúa Giêsu đã chữa lành hậu quả của tội, như trong cùng bài Phúc Âm hôm nay thuật lại:

    "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: 'Các tội của ngươi đã được tha', hay nói: 'Ngươi hãy đứng dậy mà đi', đàng nào dễ hơn? Song để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất. Người nói với người bất toại rằng: 'Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà'. Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: 'Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng'".

    Ý nghĩa của Bài Phúc Âm hôm nay về việc Chúa Giêsu tỏ mình ra là Đấng có quyền tha thứ tội lỗi cho con người qua việc Người làm phép lạ chữa lành một người bại liệt đối với Mùa Vọng là Mùa đợi trông Ơn Cứu Độ, cũng là trông đợi chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, là ở chỗ: nguyên tội, cũng là tội lỗi, đã làm cho con người trở thành bại liệt, trở nên bất lực không còn làm được việc lành nữa, không còn tự do của những người con cái Thiên Chúa nữa. Bởi thế, họ không thể "tự độ" nếu chính Thiên Chúa không ra tay "cứu độ" họ.

    Con người sau nguyên tội và bởi nguyên tội đã thực sự trở thành bất toại, như cảm nghiệm được chính Thánh Tông Đồ Phaolô diễn tả liên quan đến cuộc chiến nội tâm bất khả vượt thoát và chế ngự của ngài trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma (7:14-24) như sau:

    "Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này : khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!"

    Thiên Chúa quả thực đã ra tay cứu độ loài người tội lỗi bất toại khi Ngài tỏ mình ra nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến không phải chỉ để cứu độ con người khỏi khổ đau và chết chóc về phần xác mà chính là để cứu độ phần hồn của con người cho khỏi tội lỗi và cái chết đời đời, nhờ đó cả thân xác của họ cũng nhờ linh hồn bất tử và công chính hóa mà được cứu độ và phục sinh trong vinh quang.

    Thiên Chúa đã báo trước công cuộc cứu độ của Ngài qua Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi". Nhờ đó, Ngài canh tân đổi mới tất cả những gì là hoang tàn đổ nát và yếu hèn bất lực của con người tội lỗi, như chính Ngài phán qua những hình ảnh ẩn dụ trong Bài Đọc 1 hôm nay:

    "Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa; hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy hân hoan và niềm vui! Hoang địa sẽ được vinh quang của núi Liban, và vẻ tráng lệ của Carmel và Saron. Chính họ sẽ được thấy vinh quang của Chúa, và vẻ tráng lệ của Thiên Chúa chúng ta".

    Thật vậy, qua những hình ảnh tiêu biểu và ẩn dụ ấy, Thiên Chúa muốn nói rằng Ngài sẽ cứu độ thân phận bi quan thê thảm của con người cho khỏi mọi bất hạnh, đúng hơn Ngài sẽ biến mọi bất toàn nơi con người và sự dữ của con người thành trọn lành và sự lành, như lời Ngài phán trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay:

    "Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy".

    Nhờ Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, con người tội lỗi được Ngài đưa vào "chính lộ", nghĩa là đưa đến với Chúa Kitô "là đường" (Gioan 14:6), một con đường hẹp nhưng lại là con đường của sự thật đưa tới sự sống, con đường mà "không một tội nhân nào" vốn xu hướng và ham thích những gì là thênh thang thoải mái dễ chịu có thể theo đuổi ngoại trừ "những kẻ ngây thơ" là thành phần tin tưởng theo Chúa Kitô, như những gì cũng được lời Chúa phán trong Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy:

    "Nơi ấy sẽ có những con đường người ta sẽ gọi là thánh lộ, không tội nhân nào được qua đường đó; đường này sẽ thuộc về các ngươi, và những kẻ ngây thơ sẽ không lạc lối. Đường ấy sẽ không có vết chân sư tử, và không ác thú nào đi trên đường này, chỉ những kẻ được giải phóng đi trên đó thôi. Những kẻ được Chúa cứu thoát sẽ trở về, và vào thành Sion với lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ. Họ sẽ được niềm vui và hoan hỉ; họ không còn đau khổ và than van".

    Bài Đáp Ca hôm nay bày tỏ tâm tình của "những ai tôn sợ Chúa" đang trông đợi "Ơn Cứu Độ của Chúa gần đến", nhờ đó cuộc hội ngộ thần linh mới có thể trở thành hiện thực giữa Thiên Chúa ("lòng nhân hậu") và loài người ("sự trung thành"), giữa đất ("đức trung thành") và trời ("đức công minh"):

    1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

    2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

    3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

    Ngày 07: Thánh Ambrôsiô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (Lễ Nhớ)


    Thánh Ambrôsiô sinh năm 339 tại Trêve, trong một gia đình công chức cao cấp thuộc đế quốc Rôma. Tới lúc trưởng thành, với trí khôn minh mẫn, tâm hồn ngay thẳng và tài hùng biện, ngài được ông hoàng Probus đề cử giữ chức tổng đốc hai miền Liguria và Êmilia phía Bắc nước Ý.

    Sau khi Ðức Giám Mục thành Milan qua đời, hàng giáo phẩm và giáo dân họp lại để chọn một vị Giám Mục kế vị, nhưng vì bất đồng ý kiến nên đã chống đối nhau kịch liệt. Trong bầu không khí hỗn độn ấy, Ambrôsiô với tư cách là chính quyền địa phương đã đến để hòa giải. Bỗng nhiên có một em bé la to lên: "Ambrôsiô Giám Mục" và lạ thay mọi người đều đồng thanh bầu Ambrôsiô làm Giám Mục năm 374. Nên sau đó, ngài được Rửa Tội (vì còn là dự tòng), và lần lượt lãnh các chức thánh để rồi cuối cùng lên làm Giám Mục Milan.

    Trong chức vụ chủ chăn, thánh Ambrôsiô đã mạnh dạn đứng lên bệnh vực chân lý và kỷ luật của Giáo Hội, chống lại Ariô và các bè rối khác. Qua lời giảng thuyết cũng như các văn thư, ngài đưa nhiều người lạc giáo trở về làm con cái Giáo Hội, trong số đó ta phải kể đến thánh Augustinô.

    Thiên Chúa đã gọi ngài về hưởng triều thiên công phúc ngày 04/4/397, hưởng thọ 58 tuổi.

  3. #3
    dvtung's Avatar

    Tham gia ngày: May 2007
    Tên Thánh: Antôn
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Ninh Thuận
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 4,193
    Cám ơn
    4,764
    Được cám ơn 4,294 lần trong 1,572 bài viết

    Arrow Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Vọng Tuần II: 6 - 12/12/2015

    Thứ Ba

    Ngày 8 tháng 12
    Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
    (Lễ Trọng)


    Suy niệm
    nhập thể tìm kiếm


    Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần Thứ Hai Mùa Vọng hôm nay là Bài Phúc Âm được Thánh ký Luca thuật lại về dụ ngôn con chiên lạc Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người:

    "Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi".

    Bài Phúc Âm con chiên lạc này cũng có ý nghĩa tương tự như Bài Phúc Âm hôm qua và cũng rất hợp với Mùa Vọng. Tại sao? Tại vì, "con chiên lạc" đây là hình ảnh của một loài người đã vấp phạm ngay từ ban đầu. "Lạc" ở chỗ không vâng nghe lời Chúa mà theo ý riêng của mình. "Lạc" ở chỗ cứ tưởng tự mình có thể nên giống như Thiên Chúa bằng việc làm trái với ý muốn của Ngài, và nhờ theo ý mình mới là Chúa tể ngang hàng với Ngài. "Lạc" ở chỗ tin theo ma quỉ gian dối lừa đảo hơn là tin vào Thiên Chúa chân thật. "Lạc" ở chỗ đi tìm sự sống và hạnh phúc trong sự chết và bất hạnh. "Lạc" ở chỗ sau khi sa ngã chẳng những không nhận lỗi mình và xin lỗi Chúa lại còn đổ lỗi cho nhau v.v.

    Chính vì thương cảm con người tạo vật của mình thật sự là "lạc", ở chỗ "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34), mà Thiên Chúa chẳng những không chấp thái độ vô cùng phạm thượng của họ, khi họ tỏ ra không tin tưởng vào Ngài cho bằng tin tưởng vào ma quỉ lừa dối họ, không chấp hành động bất tuân Thánh Ý vô cùng thiện hảo của Ngài, và không chấp hành vi cử chỉ mù quáng không biết nhận lỗi và xin lỗi của họ, mà trái lại còn chộp ngay lấy cơ hội ngàn năm một thuở hiếm có là tội lỗi của họ để tự động hứa cứu độ họ, bằng cách tìm kiếm họ nơi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), và mang họ về nhà Cha nơi Chúa Kitô vượt qua.

    Thật vậy, trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 7, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến việc Thiên Chúa tìm kiếm con chiên lạc nơi Lời Nhập Thể và vượt Qua như sau:

    "Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Nếu Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài yêu thương họ nơi Ngôi Lời, và trong Đức Kitô Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm một người con được thừa nhận. Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình.

    "Tại sao Thiên Chúa lại tìm kiếm con người? Là vì con người đã bỏ Ngài mà đi, ẩn mình đi như Adong đã làm trong Vườn Địa Đàng (x.Gn.3:8-10). Con người đã để cho mình bị kẻ thù của Thiên Chúa (x.Gn.3:13) làm lạc hướng. Satan đã đánh lừa con người, làm cho con người tin rằng họ cũng là một thần linh, như Thiên Chúa, họ có khả năng biết lành biết dữ, cai trị thế giới theo ý mình mà không cần phải căn cứ vào ý muốn thần linh (x.Gn.3:5). Đi tìm kiếm con người qua Con của mình như thế là Thiên Chúa muốn chinh phục con người, để họ rời bỏ những đường nẻo gian ác đã dẫn họ càng ngày càng đi sai lạc. 'Làm cho họ rời bỏ' những đường nẻo này nghĩa là làm cho họ hiểu được rằng họ đang đi sai đường lạc hướng; nghĩa là chế ngự sự dữ ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử loài người. Chế ngự sự dữ: đó là ý nghĩa của việc cứu chuộc".

    Hình ảnh Thiên Chúa đi tìm kiếm con chiên lạc loài người trong Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy Ngài thực sự là một vị mục tử vô cùng nhân lành, luôn ở với chiên của mình và biết từng con chiên của Ngài; Ngài hết lòng yêu thương và tận tình chăm sóc cho từng con chiên một, như Ngôn Sứ Isaia cảm nhận trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Người chăn dắt đoàn chiên Người như một mục tử. Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ".

    Bởi thế, Thiên Chúa, Đấng "sẽ đến trong quyền lực, và cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng, và đưa đi trước những chiến lợi phẩm", như Tiên Tri Isaia tiên báo trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã trấn an dân của Ngài, một dân tộc được Ngài yêu thương nhưng lạc loài, ở chỗ hằng liên lỉ bất trung với Ngài như một người vợ ngoại tình với đủ mọi tà thần và ngẫu tượng, rằng: "Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi".

    Chính vì thế, vì Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa vô cùng nhân hậu cứu độ, mà dân của Ngài, trong Bài Đọc 1 hôm nay, được kêu gọi "hãy trèo lên núi cao... hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ!", theo tâm tình hân hoan chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa của Bài Đáp Ca hôm nay:

    1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người.

    2) Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

    3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên; đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui.

    4) Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở, trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.

  4. #4
    dvtung's Avatar

    Tham gia ngày: May 2007
    Tên Thánh: Antôn
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Ninh Thuận
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 4,193
    Cám ơn
    4,764
    Được cám ơn 4,294 lần trong 1,572 bài viết

    Arrow Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Vọng Tuần II: 6 - 12/12/2015

    Thứ Tư

    Suy niệm
    nhập thể bồi dưỡng


    Trong suốt tuần thứ nhất Mùa Vọng, nội dung của các bài Phúc Âm đều liên quan đến mạc khải thần linh của Thiên Chúa cho việc cứu độ con người thế nào (Ơn cứu độ cho cả dân ngoại - Thứ Hai; là mạc khải thần linh - Thứ Ba; là Bánh sự sống - Thứ Tư; là ánh sáng chiếu soi - Thứ Năm; là đá tảng - Thứ Sáu; là tình thương - Thứ Bảy) thì trong tuần thứ hai Mùa Vọng, các bài Phúc Âm đang xoay quanh thân phận khốn khổ đáng thương của con người cần được Thiên Chúa cứu độ và trông mong Ơn Cứu Độ.

    Thật thế, thân phận khốn khổ của con người tội lỗi cần được Thiên Chúa cứu độ được biểu hiệu ở bài Phúc Âm hôm thứ hai nơi người bất toại được Chúa Giêsu chữa lành, và ở bài Phúc Âm hôm qua thứ ba nơi con chiên lạc được tìm thấy, và ở bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần Thứ Hai Mùa Vọng, nơi con người khốn cực cần được bồi dưỡng:

    "Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

    Ở đây, qua lời Chúa trong bài Phúc Âm này, chúng ta thấy trước hết là tình trạng khốn khổ của con người: "khó nhọc và gánh nặng" - Quả thật không ai có thể chối cãi được thực trạng con người mệt mỏi "khó nhọc" cả về phần xác lẫn ê chề "gánh nặng" về tinh thần.

    Đúng thế, theo tâm lý tự nhiên và theo kinh nghiệm sống đạo, thực tế cho thấy con người thường sốt sắng vào lúc ban đầu, như khi mới lấy nhau hay mới chịu chức linh mục, hoặc mới đảm nhận một chức vụ nào đó v.v. Bấy giờ tất cả đều nhẹ nhàng dễ chịu, thậm chí còn hứng khởi hăng say nữa. Thế nhưng, qua thời gian, nếu không có đời sống nội tâm, nhất là bị đụng chạm, họ sẽ cảm thấy "khó nhọc" nơi những gì họ yêu thích và theo đuổi một cách mê man ngay từ đầu ấy, đến độ chúng trở thành "gánh nặng" đến muốn trút bỏ, bằng cách ly dị, phá giới hay từ chức.

    Phải, vào chính lúc ấy, chính lúc con người như hết bình điện nhiệt thành cần phải được "recharge" để lấy lại lòng nhiệt thành ban đầu, con người mới cần phải được Chúa "nâng đỡ bổ sức cho", bằng ân sủng của Người, bằng lời của Người, qua một cuộc tĩnh tâm hoặc linh hướng nào đó hay nhờ đọc Thánh Kinh, bằng các bí tích thánh của Người.

    Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là sau đó và chỉ nhờ đó chúng ta có thể cảm thấy ngay được "ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" đâu. Trái lại, ở chỗ hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta suy nghĩ, đó là chúng ta cần phải trước hết và trên hết chấp nhận gian nan thử thách đã: "Hãy mang lấy ách của Ta", rồi sau đó chúng ta mới "hãy học cùng Ta", chứ không phải ngược lại, nghĩa là chứ không phải chúng ta cứ "học cùng Ta" bằng cách nhìn lên gương "dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng" của Người là chúng ta tự nhiên có thể vác thánh giá theo Người được ngay đâu. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng Chúa là Chúa nên Chúa chịu được còn tôi là người nên tôi không chịu được.

    Kinh nghiệm sống đạo cho thấy, sau những cơn thử thách khổ đau khiến chúng ta cảm thấy "khó nhọc và gánh nặng" mà chúng ta nhờ ơn Chúa vẫn vui nhận và trải qua được, chúng ta sẽ cảm thấy càng ngày càng được biến đổi nên giống Chúa Kitô "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng", thậm chí mới thực sự cảm thấy được "ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng", đến độ, có những vị thánh còn say sưa với đau khổ, hứng thú với khổ đau, sống không thể không có đau khổ, (như thể ăn không thể thiếu ớt cay và càng cay càng thú vị vậy), để nhờ đó, nhờ càng khổ đau họ càng được nên giống Chúa Kitô hơn, và các linh hồn càng được cứu độ nhiều hơn.

    Thật vậy, bởi nguyên tội và sau nguyên tội, bản tính của con người đã bị băng hoại, và phải chịu hậu quả của nguyên tội ngay ở đời này. Ở chỗ, nam nhân thì "khó nhọc" (đổ mồ hôi xôi nước mắt mới có của ăn - xem Khởi Nguyên 3:17-19) và nữ nhân thì "gánh nặng" (mang nặng đẻ đau và phải phục tùng chồng mình - xem Khởi Nguyên 3:16).

    Thế nhưng, thân phận vướng mắc nguyên tội đầy "khó nhọc và gánh nặng" này của con người đã được Chính Thiên Chúa hóa thân làm người nơi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) gánh vác, bù đắp và biến đổi nơi cuộc Vượt Qua của Người, bằng tinh thần "hiền lành và khiêm nhưọng trong lòng" của Người. Ở chỗ, "tuy thân phận là Thiên Chúa nhưng Người vẫn không tự cho mình cứ phải ngang hành với Thiên Chúa mới được, mà đã tự hủy ra như không... và vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá' (Philiphê 2:6,8), hoàn toàn trái ngược lại với thái độ kiêu căng ngạo mạn và hành động phản loạn bất tuân của con người tạo vật nơi hai nguyên tổ của họ ngay từ ban đầu, một thái độ và hành động vì thế đã làm cho con người bắt đầu cảm thấy "khó nhọc và gánh nặng" và do đó họ cần phải trông chờ Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế.

    Đúng thế, một khi con người cảm thấy mình "khó nhọc và gánh nặng" họ mới một là buông xuôi hai là chạy đến với Chúa để được bồi dưỡng vươn lên. Họ có thể buông xuôi ở chỗ, như chính Thiên Chúa nhận định về dân của Ngài qua lời Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?"

    Thiên Chúa đã trấn an họ để họ có thể tin tưởng mà chạy đến với Người như sau: "Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu. Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi. Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã. Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi".

    Đó là lý do con người cần phải hết lòng trông đợi Chúa, Đấng luôn ở với họ, biết họ hơn họ biết mình và yêu họ hơn họ yêu bản thân họ, luôn tìm cách cứu độ họ bằng cách tỏ mình ra cho họ, một tiến trình mạc khải thần linh đạt đến tột đỉnh của mình nơi Lời Nhập Thể Vượt Qua, Đấng được Thiên Chúa hứa ban cho họ như Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ. Thế nên, con người cần phải có tâm tình chúc tụng ngợi khen và tin tượng cậy trông của Bài Đáp Ca hôm nay với Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu của họ:

    1) Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người.

    2) Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái.

    3) Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta.

  5. #5
    dvtung's Avatar

    Tham gia ngày: May 2007
    Tên Thánh: Antôn
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Ninh Thuận
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 4,193
    Cám ơn
    4,764
    Được cám ơn 4,294 lần trong 1,572 bài viết

    Arrow Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Vọng Tuần II: 6 - 12/12/2015

    Thứ Năm

    Suy niệm
    nhập thể tiền hô


    Nếu trong tuần thứ hai Mùa Vọng, ba ngày đầu các bài Phúc Âm đã xoay quanh thân phận khốn khổ đáng thương của con người cần được Thiên Chúa cứu độ và trông mong Ơn Cứu Độ, thì 3 bài Phúc Âm cuối tuần này liên quan đến một con người đặc biệt đó là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả.

    Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khen tặng Vị Tiền Hô được sai đến trước Người là Đấng cao trọng hơn ông để dọn đường cho Người là Đấng đến sau ông:

    "Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 'Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!'"

    Trước hết, Chúa Giêsu đã minh định Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là con người cao cả nhất loài người, không một ai cao trọng hơn ngài, thậm chí có thể nói bao gồm cả Mẹ Maria. Phải chăng chính vì thế mà trong tất cả các thánh (ngoài trừ Mẹ Maria), chỉ có một mình Thánh Gioan Tẩy Giả mới được Giáo Hội mừng lễ sinh nhật trần gian của ngài, 24/6 (trước Lễ Giáng sinh 6 tháng), (lễ sinh nhật nước trời tưởng nhớ cái chết mất đầu của ngài 29/8) mà là mừng ở bậc Lễ Trọng (solemnity), hơn cả lễ sinh nhật Mẹ Maria ngày 8/9, chỉ ở bậc lễ kính (feast)?

    Dầu sao nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này, về cấp độ ân sủng, ngài không thể nào "Đầy Ơn Phúc" (Luca 1:28) như Mẹ Maria, và phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu đã ám chỉ về Mẹ Maria ngay sau khi khen tặng vị tiền hô của Người: "người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông"?

    Đúng thế, nếu càng khiêm hạ nhỏ bé thì càng lớn lao cao trọng trên nước trời thì ai bé nhỏ bằng Mẹ Maria nên nhờ đó Mẹ Maria mới càng lớn lao cao trọng nhất trên Nước Trời, nghĩa là vì Mẹ càng nhỏ, càng trở thành hư không, thành zero, Mẹ mới càng đầy Thiên Chúa là sự hữu, là tất cả, mới càng giống Chúa Kitô, đến độ phản ảnh Người là mặt trời công chính, như Mẹ được Thánh ký Gioan thị kiến thấy và mô tả trong Sách Khải Huyền của ngài như "mặc mặt trời" (12:1), hay như Diễm Tình Ca cho biết là "rực rỡ như mặt trời" (6:10). Trong khi đó Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là cái đèn soi mà thôi (xem Gioan 1:6-8;5:35).

    Sở dĩ Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là một con người cao cả nhất loài người, tất nhiên không phải về lãnh vực ân sủng, như trên đã cảm nhận và phân tích, cho dù ngài có được cho rằng khỏi nguyên tội khi còn là thai nhi 6 tháng trong lòng thai mẫu, vào chính lúc ngài nhẩy mừng khi nghe thấy lời Mẹ Maria chào mẹ của ngài (xem Luca 1:44), mà là về vai trò của ngài, một vai trò không ai trên trần gian này có thể hơn được ngài. Giống như trường hợp các vị linh mục, cho dù không đầy ân phúc như Mẹ Maria trong cấp trật ân sủng, nhưng vẫn hơn Mẹ trong vai trò linh mục của các vị, bởi các vị được đồng hóa với Chúa Kitô và là Chúa Kitô (Alter Christus) khi các vị thi hành thừa tác vụ thánh.

    Sứ vụ cao trọng vô tiền khoáng hậu của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là ở chỗ ngài là vị trung gian giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thật vậy, nếu nền tảng của Nhà Thiên Chúa được xây trên "nền tảng các tông đồ và tiên tri" (Êphêsô 2:20), thì Thánh Gioan Tẩy Giả chẳng những là vị tiên tri của các vị tiên tri, "tiên tri của Đấng Tối Cao" (Luca 1:46) được tiên báo bởi chính một vị tiên tri trong Cựu Ước (xem Isaia 40:3), mà còn là "chàng phù rể" (Gioan 3:29) ở sát ngay bên với Chàng Rể Kitô hơn hết mọi người, đã nhận biết Chúa Kitô trước để rồi sau đó đã giới thiệu Người cho các tông đồ tiên khởi của Chúa Kitô (xem Gioan 1:35-51).

    Chưa hết, sứ vụ cao trọng của ngài còn lên đến tột đỉnh ở chỗ ngài đã làm phép rửa cho chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, như thể ngài đã trở thành người cha thiêng liêng của Con Thiên Chúa làm người. Không một vị tiên tri nào trong Cựu Ước đã được tận mắt nhìn thấy Chúa Kitô và gặp Chúa Kitô, ngoài trừ Thánh Gioan Tẩy Giả. Và cũng không một tông đồ nào đã nhận biết Chúa Kitô như ngài, cho dù các vị đã sống với Chúa Kitô 3 năm, trong khi ngài chưa hề gặp Người mà vẫn có thể nhận ra Người để giới thiệu Người cho các vị (xem Gioan 1:33-34). Nếu các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô trên thế giới nói chung thì Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân tiên khởi cho Chúa Kitô trước dân Do Thái cũng như trước các tông đồ của Chúa Kitô nói riêng.

    Phải chăng Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng được lời Chúa qua miệng Tiên Tri Isaia tiên báo và ám chỉ trong Bài Đọc 1 hôm nay ở các câu sau đây: "Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này"? Phải chăng Thánh Gioan Tẩy Giả, với sứ vụ cao trọng đệ nhất thiên hạ của ngài chính là "cây hương nam trong hoang địa", là "cây tùng trong sa mạc"?

    Việc "Lời đã hóa thành nhục thể", một mầu nhiệm vô cùng mầu nhiệm, rất khó có thể chấp nhận với tâm thức tự nhiên của con người, trái lại, còn có thể "trở thành cớ vấp phạm cho nhiều người trong Israel" (Luca 2:34), nên còn được Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã cẩn thận sửa soạn cho việc Người xuất hiện trước dân Do Thái của Ngài, ở chỗ sai "vị tiên tri của Đấng Tối Cao" là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đến trước để dọn đường cho "Người tỏ mình ra" (Gioan 1:31), nhờ đó dân của Ngài mới có thể nhận biết Người mà được cứu độ.

    Đó là lý do, cũng trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua miệng Tiên Tri Isaia, Thiên Chúa đã trấn an dân của Ngài rằng: "Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp. Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi... Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc (phải chăng ám chỉ tác động làm phép rửa đổ nước trên đầu lãnh nhận nhân?), và suối nước tràn giữa thung lũng (phải chăng ám chỉ ân sủng tràn đầy tâm hồn người lãnh nhận phép rửa?). Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước" (phải chăng "nước" ở đây ám chỉ Thần Linh được Thiên Chúa tuôn đổ xuống cho những ai tin tưởng).

    Cũng như các Bài Đáp Ca đã được Giáo Hội chọn đọc trong tuần này, Bài Đáp Ca hôm nay cũng chất chứa tâm tình hân hoan trước Vị Thiên Chúa cứu độ và cất tiếng chúc tụng ngợi khen lòng nhân lành từ ái của Ngài:

    1) Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

    2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

    3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.

  6. #6
    dvtung's Avatar

    Tham gia ngày: May 2007
    Tên Thánh: Antôn
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Ninh Thuận
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 4,193
    Cám ơn
    4,764
    Được cám ơn 4,294 lần trong 1,572 bài viết

    Arrow Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Vọng Tuần II: 6 - 12/12/2015

    Thứ Sáu

    Suy niệm
    nhập thể sự thật


    Hôm nay, Thứ Sáu tuần thứ hai Mùa Vọng, bài Phúc Âm tiếp tục về nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, một bài Phúc Âm tiếp ngay sau bài Phúc Âm cũng của Thánh ký Mathêu hôm qua:

    "Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 'Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: 'Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!' Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: 'Ông ta phải quỷ ám!' Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: 'Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi'. Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình".

    Nếu mầu nhiệm nhập thể "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) là một mầu nhiệm thật là mầu nhiệm, đến độ có thể thành cớ vấp phạm cho nhiều người trong dân Do Thái, như đã thực sự xẩy ra khi thành phần lãnh đạo của họ lên án tội lộng ngôn phạm thượng của Người, vì Người chỉ là loài người mà lại dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa (xem Gioan 10:33; Mathêu 26:63-66), mà Thiên Chúa đã cần phải dọn đường cho Con của Ngài xuất hiện bằng cách sai Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đến trước Người như là một vị "tiên hô của Đấng Tối Cao" (Luca 1:76).

    Bởi vậy, cũng như không nhận biết Chúa Kitô thì không thể nhận biết Cha là Đấng sai Người cũng là Đấng Người tỏ ra cho biết thế nào, thì ai không chấp nhận Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là "tiếng kêu trong sa mạc", cũng không thể nào có thể nhận biết chính "Lời" nhập thể là "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) của tiếng kêu trong sa mạc ấy. Đó là lý do, trong Bài Phúc Âm hôm nay, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: "Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: 'Ông ta phải quỷ ám!' Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: 'Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi'".

    Quả vậy, thực tế sống đạo cho thấy, một khi con người không thành tâm tìm kiếm chân lý là một thực tại khách quan hoàn toàn có thật ở bên ngoài mình và ở bên trên mình, (như thực tại mặt trời hiện hữu để chiếu tỏa ánh sáng cho sinh vật trên mặt đất này sống động và phát triển), soi sáng cho con người của mình và chi phối cuộc đời của mình, thì con người sẽ chẳng bao giờ nhận ra chân lý và được chân lý giải phóng (xem Gioan 12:32), nếu một khi họ cứ muốn tạo ra chân lý theo ý nghĩ thiển cận lại đầy thiên kiến và hết sức mù quáng chủ quan của họ.

    Thành phần muốn sáng tạo nên sự thật này là thành phần hết sức độc đoán, đúng như thái độ và hành động của bọn trẻ con chẳng biết gì mà cứ tưởng mình là nhất, ai cũng phải theo mình mới được, một bọn trẻ con đã được chính Chúa Giêsu sử dụng trong bài Phúc Âm hôm nay, để ám chỉ thành phần tương đối hóa tuyệt đối (là chân lý và lề luật của Thiên Chúa) và tuyệt đối hóa tương đối (là ý nghĩ, ý thích và ý riêng của con người): "Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: 'Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!'"

    Hai nguyên tổ ngày xưa trong vườn địa đàng cũng chẳng khác gì như bọn trẻ con này. Ở chỗ, các vị đã bất chấp sự thật lời Chúa về trái cấm và việc đụng đến trái cấm ấy, và coi ý nghĩ, ý thích và ý riêng của mình, do rắn quỉ tinh ranh dối trá lừa đảo mớm cho, là sự thật, là đúng nhất. Và vì sự thật bao giờ cũng là sự thật, cho dù nó có bị phủ nhận và triệt hạ nơi lương tâm và hành động của con người, không một loài thụ tạo nào có thể tạo nên sự thật, trái lại, họ cần phải nhận biết, chấp nhận và tuân theo "tất cả sự thật" nữa mới được bình an, công chính và sự sống.

    Tuy đã sa ngã bởi chối bỏ sự thật và sau đó mới nhận ra sự thật thì đã lỡ hết rồi, đã bị chết đúng như lời cảnh báo vô cùng chân thật của Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 2:15-17;3:19). Thế nhưng, vẫn chưa muộn, nếu con người còn biết chấp nhận sự thật là mình đã lầm lạc mà hối lỗi, xin lỗi và chừa lỗi. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt con người là tạo vật của Ngài hơn ai hết, hơn chính bản thân họ, nên lúc nào Ngài cũng sẵn sàng tha thứ cho họ và ra tay cứu độ họ một khi họ thành tâm chạy đến với Ngài, khi họ còn thiện chí lắng nghe Ngài, như Ngài đã nói qua miệng Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay:

    "Thiên Chúa là Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi phán: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ðấng phán dạy ngươi những điều hữu ích, Ðấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ như cát và con cháu ngươi sẽ đông đúc, và danh ngươi sẽ không bị xoá, bị diệt trước nhan thánh Ta".

    Bài Đáp Ca hôm nay cũng theo chiều hướng của cả Bài Đọc 1 lẫn Bài Phúc Âm hôm nay trong việc kêu gọi con người hãy sống theo sự thật và trong sự thật hơn là gian ác dối trá, nhờ đó họ mới không bị hủy diệt mà còn được tồn tại và phát triển nữa:

    1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

    2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

    3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

    Ngày 11: Thánh Ðamasô I, Giáo Hoàng

    Thánh Ðamasô sinh tại La Mã vào khoảng năm 305. Năm 366, sau khi Ðức Thánh Cha Liberiô băng hà, Hội Thánh phải trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng do tình hình chính trị tạo nên. Chính trong hoàn cảnh khó khăn này, thầy phó tế Ðamasô được bầu lên ngôi Giáo Hoàng.

    Vừa lên cầm quyền, ngài đem hết tài lực ra để ổn cố Giáo Hội, cổ vũ việc học hỏi Sách Thánh, đặc biệt ngài đã ủy thác cho thánh Hiêronimô dịch bản Thánh Kinh ra La ngữ. Ngài còn tổ chức lại phụng vụ, phổ biến việc đọc và hát thánh vịnh trong toàn Giáo Hội. Ðồng thời cũng thúc đẩy việc khảo cứu và tôn sùng các thánh tử đạo.

    Ngoài những công việc cải tổ trên, ngài còn phải đương đầu với các bè rối đang tàn phá Giáo Hội bấy giờ, nhất là phái Ariô. Trong cuộc chiến đấu với đối phương, ngài luôn tỏ ra giàu lòng quảng đại, rộng lượng tha thứ nên đã thức tỉnh được nhiều người lầm lạc trở về. Trong công đồng chung ở Constantinople, ngài được coi như chiến lũy của Ðức Tin vì thái độ cương quyết đối với các bè rối.
    Thánh Ðamasô tạ thế năm 384, hưởng thọ 80 tuổi.

  7. #7
    dvtung's Avatar

    Tham gia ngày: May 2007
    Tên Thánh: Antôn
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Ninh Thuận
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 4,193
    Cám ơn
    4,764
    Được cám ơn 4,294 lần trong 1,572 bài viết

    Arrow Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Vọng Tuần II: 6 - 12/12/2015

    Thứ Bảy

    Suy niệm
    nhập thể dấu báo


    Ngày cuối cùng Thứ Bảy trong tuần thứ hai Mùa Vọng hôm nay, bài Phúc Âm cũng của Thánh ký Mathêu, dù không tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, vẫn tiếp tục về nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả được sai đến trước để dọn đường cho Đấng đến sau như thế này:

    "Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: 'Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?' Chúa Giêsu trả lời: 'Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ'. Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả".

    Nếu bài Phúc Âm hôm kia, Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả liên quan đến chung nhân loại, và bài Phúc Âm hôm qua, ngài liên quan đến riêng dân Do Thái, thì trong bài Phúc Âm hôm nay, ngài liên quan đến các môn đệ và thành phần luật sĩ.

    Thật vậy, những gì Chúa Giêsu nói về Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đây xẩy ra sau khi Người đã biến hình trên núi trước mặt 3 môn đệ thân tín nhất của Người là Phêrô, Giacôbê và Gioan (xem Mathêu 17:1-8), và chính tam vị tông đồ này đã thấy một trong hai nhân vật chính của Cựu Ước xuất hiện với Thày của các vị bấy giờ đang biến hình, đó là Tiên Tri Êlia.

    Trong các tiên tri trong Cựu Ước, đệ nhất tiên tri là Êlia, vị đại tiên tri duy nhất đã được ca tụng trong Cựu Ước qua Sách Huấn Ca ở Bài Đọc 1 hôm nay:

    "Bấy giờ Elia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người hiềm ghét ông đã hao đi, vì chúng nó chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa từ trời xuống. Elia, người được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe bởi ngựa lửa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai thấy ngài và được hân hạnh thiết nghĩa với ngài".

    Để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ là: "Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?", Chúa Giêsu, trước hết đã khẳng định vấn đề được các luật sĩ cảm nhận và đặt ra là đúng. Cho dù họ có thể đã không hiểu được "tất cả sự thật" về câu họ nói. Đó là lý do một đàng thì họ cảm nhận Elia cần phải đến trước, đàng khác, họ lại không chấp nhận Elia khi Elia đến nơi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả: "Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ". Vì họ tưởng rằng Elia sẽ đến theo kiểu vinh quang hiển hách như Bài Đọc 1 hôm nay diễn tả.

    Hậu quả của việc dân Chúa nói chung và thành phần thông luật cũng như lãnh đạo dân chúng nói riêng không chấp nhận Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đó là họ chẳng những không thể nhận biết Đấng cao trọng đến sau ngài, mà còn bách hại và sát hại Người nữa: "Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".

    Như thế, sứ vụ trung gian môi giới giữa Cựu Ước và Tân Ước của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả không phải chỉ là để hoàn thành các lời tiên tri trong Cựu Ước về Chúa Kitô và giới thiệu Người cho các tông đồ của Tân Ước như một chứng nhân, mà còn liên quan đến thân phận của ngài như là một tiên báo cho cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô đến sau ngài.

    Nếu sứ vụ của vị Đại Tiên Tri Êlia, như Chúa Giêsu cho biết trong Bài Phúc Âm hôm nay, đó là "phải đến để chấn hưng mọi sự" thế nào, đặc biệt là qua biến cố vị đại tiên tri này làm cho dân Chúa tỉnh thức trước mê hoặc của đám phù thủy của thần Baal mà trở về với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình (xem Sách Chư Vương quyển 1 cả đoạn 18), thì sứ vụ chính yếu của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng được sai đến để chấn chỉnh dân Do Thái, bằng phép rửa thống hối và bằng chứng từ của chính bản thân ngài như vậy, nhất là ở chỗ ngài là người đầu tiên làm chứng cho chân lý (cũng là cho Chúa Kitô là chân lý - Gioan 14:6) vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), bằng chính cái đầu của ngài (xem Mathêu 14:10).

    Chính vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả mang thân phận khổ nạn giống như Chúa Kitô sau này, như dấu báo về cuộc vượt qua của mình mà Chúa Kitô đã khẳng định "Elia phải đến trước đã?", nghĩa là số phận của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là dấu báo cuộc vượt qua của Người: "Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ". Và nhờ việc gán ghép tài tình này của Chúa Kitô mà "Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả".

    Bởi vậy, cho dù có trông đợi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, có trông đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế, nếu con người không nhận ra dấu chỉ thời đại, nhận ra dấu báo của Người, như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là dấu báo Chúa Kitô đến sau, thì như dân Do Thái, vì đã không chấp nhận Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bởi vị này không hợp với thiên kiến của họ, cho tới nay họ vẫn trông chờ một Đấng Thiên Sai theo ý họ nghĩ thế nào, Kitô hữu chúng ta cũng thế, cho dù có chấp nhận Chúa Kitô khi lãnh nhận Phép Rửa, cũng vẫn có thể theo đuổi một vị kitô giả theo chủ quan ngẫu tượng của mình.

    Thế nên, hợp với tâm tình và xác tín trong Bài Đáp Ca hôm nay, chúng ta hãy cùng với Thánh Vịnh gia vừa khẩn nguyện cùng Vị Thiên Chúa cứu độ vừa tuyên xưng tình thương vô cùng nhân hậu của Ngài như sau:

    1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

    2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

    3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài.

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Tags cho chủ đề này

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com