Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 21– 27/01/2016:
Chẳng tội nhân nào không có một tương lai


1. Rượu mới, bầu cũng phải mới!

“Người Kitô hữu nào luôn ngoan cố với não trạng ‘từ trước đến nay mọi sự đều đã được làm như thế’ là một người có tâm hồn đóng kín trước sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của Thánh Thần. Với một định kiến cứng ngắc như vậy, người ấy sẽ chẳng bao giờ có thể tiến tới chân lý toàn vẹn nhưng lại có nguy cơ tôn thờ những ngẫu tượng và biến thành quân phản nghịch.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 18 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài đọc một, vua Sa-un đã bị Thiên Chúa gạt bỏ, không cho làm vua Ít-ra-en nữa, vì ông đã nghe theo lời dân chúng hơn là vâng phục Thánh Ý. Sau chiến thắng vẻ vang trước quân A-ma-lếch, dân chúng đã muốn lấy những con tốt nhất trong số chiến lợi phẩm là chiên dê và bò để làm hy lễ dâng Đức Chúa, vì trước đây họ ‘luôn làm như vậy’. Nhưng lần này Thiên Chúa không muốn họ làm thế nữa mà họ vẫn làm, và vua Sa-un đã nghe theo ý của dân chúng.

Tiên tri Sa-mu-en đã khiển trách vua Sa-un: ‘Thiên Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không?’ Cũng vậy, ngày hôm nay trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta. Khi những tiến sĩ luật có ý trách tại sao các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay trong khi những người khác ăn chay, Ngài đã trả lời – và điều đó cũng là một nguyên lý sống: ‘Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy miếng vải mới sẽ kéo áo cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới.’

Những hình ảnh mà Đức Giêsu nêu ra có ý nghĩa gì? Phải chăng Ngài muốn ‘phá’ Luật? Không! Luật là để phục vụ lợi ích cho con người mà con người lại phải phục vụ và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Như vậy, con người phải có một trái tim rộng mở. Câu ‘mọi sự đã luôn được làm như thế’ cho thấy một tâm hồn đóng kín. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng: ‘Thầy sẽ gửi Thánh Thần đến và người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.’ Như vậy, nếu chúng ta có một trái tim đóng kín trước những biến đổi của Thần Khí, chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp được chân lý. Và đời sống Kitô hữu của chúng ta sẽ là một kiếp sống nửa vời, chắp vá, khinh ghét những gì là mới mẻ, và cũng không sẵn sàng để mở ra trước tiếng nói của Thiên Chúa. Con tim đóng kín, vì người ấy không có khả năng để thay đổi.

Ngoan cố và phản nghịch. Đây là lỗi lầm mà vua Sa-un đã mắc phải, và vì thế, vua đã bị Thiên Chúa gạt bỏ. Cách nào đó, đây cũng là lỗi lầm của nhiều Kitô hữu khi khăng khăng phải làm giống ý chang những gì đã được thực hiện trước đây mà không chịu mở lòng ra cho một sự đổi mới. Họ muốn kết thúc đời mình với một kiếp sống nửa với, vá víu, vô vị. Đây chính là một tội, vì con tim đóng kín không chịu mở ra để nghe lời Thiên Chúa, không mở ra trước sự năng động của Thánh Thần, Đấng luôn làm cho chúng phải ngỡ ngàng, kinh ngạc bởi những điều mới mẻ, kỳ diệu. Tiên tri Sa-mu-en nói: ‘Phản nghịch cũng có tội như bói toán, ngoan cố cũng là tội ác giống như thờ ngẫu tượng.’

Tập tục của người Do Thái thời Đức Giêsu cho rằng một người Ít-ra-en tốt lành là người phải biết ăn chay. Nhưng còn có một thực tại khác, đó là Thánh Thần vẫn luôn hướng dẫn chúng ta đến chân lý toàn vẹn. Vì thế, chúng ta phải có trái tim rộng mở, một trái tim không ngoan cố tôn thờ ngẫu tượng là những định kiến cứng ngắc, vì điều quan trọng nhất chính là sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên mà Chúa Thánh Thần đang thực hiện.

Đây cũng là thông điệp mà ngày hôm nay Thiên Chúa muốn nhắn nhủ Giáo Hội. Đức Giêsu đã nói rất mạnh mẽ rằng: ‘Rượu mới, bầu cũng phải mới.’ Trước sự năng động mới mẻ của Thần Khí, trước những việc kỳ diệu của Thiên Chúa thì ngay cả những phong tục, tập quán hay truyền thống cũng cần phải được xem xét lại để được đổi mới. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta một tâm hồn rộng mở, một trái tim luôn sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thần Khí. Nhưng mặt khác, cũng xin cho mỗi người chúng ta ơn phân định để biết điều gì không được thay đổi - vì đó là nền móng, là đá tảng – và điều gì cần phải thay đổi để có thể nhận lãnh được sự năng động tươi mới của Chúa Thánh Thần.

2. Nhiệm vụ của Giám mục là cầu nguyện và rao truyền sự Phục Sinh của Đức Giêsu

“Nhiệm vụ của Giám mục là cầu nguyện và rao truyền sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Nếu Giám mục không cầu nguyện và không rao giảng Tin Mừng mà lại tự làm mình bận rộn với những chuyện khác, thì Đoàn Dân Chúa sẽ phải khổ sở vì vị Giám mục ấy.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 22 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta

“Tin Mừng ngày hôm nay (Mc 3, 13-19) kể lại việc Đức Giêsu tuyển chọn và lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Nhóm Mười Hai là những Giám mục tiên khởi. Sau cái chết của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, Mat-thi-a đã được tuyển chọn để thay thế. Có thể nói, đây là nghi thức phong chức Giám mục đầu tiên trong Giáo Hội. Giám mục là những trụ cột của Giáo Hội, được mời gọi để trở nên chứng tá về sự Phục Sinh của Đức Giêsu.

Chúng ta, những Giám mục, có trách nhiệm phải trở nên những chứng nhân, để làm chứng rằng Giêsu đã phục sinh, Ngài đang sống và bước song hành cùng chúng ta; phải làm chứng rằng Đức Giêsu cứu độ chúng ta, đã hy sinh tính mạng vì chúng ta; phải làm chứng rằng Đức Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta, Ngài luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Đời sống của chúng ta phải là một chứng tá, một chứng tá đích thực về sự Phục Sinh của Đức Kitô.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Giám mục có hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là ở với Giêsu trong cầu nguyện. Nhiệm vụ tiên hết của Giám mục không phải là thực hiện những kế hoạch mục vụ, nhưng là cầu nguyện. Cầu nguyện là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ thứ hai là chứng nhân, nghĩa là rao giảng. Rao giảng về ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Hai nhiệm vụ này không dễ dàng. Cầu nguyện và rao giảng thật sự giúp cho những trụ cột của Giáo Hội thêm vững mạnh. Trụ cột sẽ bị lung lay, yếu ớt nếu các Giám mục không cầu nguyện hoặc cầu nguyện ít hoặc là quên cầu nguyện, hoặc các Giám mục không lo rao giảng Tin Mừng mà lại quan tâm đến những chuyện khác. Giáo Hội cũng sẽ trở nên yếu ớt và khổ sở. Đoàn dân chúa sẽ khổ đau, vì những cột trụ đã trở nên yếu đuối.

Giáo Hội không thể tiến bước nếu thiếu các Giám mục. Vì vậy, chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho các Giám mục của chúng ta. Đây là bổn phận của tình yêu mến, là bổn phận của con cái dành cho người cha, là bổn phận của những người anh em với nhau, vì gia đình duy trì được sự hiệp nhất trong việc tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đã phục sinh và hằng sống.

Vì vậy ngày hôm nay, tôi muốn mời gọi anh chị em cầu nguyện cho tất cả chúng tôi, là những Giám mục. Bởi vì, chúng tôi cũng là những tội nhân, chúng tôi cũng yếu đuối, mong manh. Chúng tôi cũng có nguy cơ như Giu-đa, vì chính Giu-đa cũng đã được tuyển chọn để trở thành một cột trụ. Chúng tôi cũng có nguy cơ không cầu nguyện, không đi rao giảng và không trừ quỷ. Xin cầu nguyện cho các Giám mục để các vị được nên như Đức Giêsu mong muốn, để các vị biết làm chứng về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Đoàn Dân Chúa hãy cầu nguyện cho các Giám mục. Trong mỗi thánh lễ, xin anh chị em hãy cầu nguyện cho các Giám mục, cầu nguyện cho đấng kế vị thánh Phê-rô, trưởng Giám mục đoàn, và cũng cũng cầu nguyện cho các Giám mục tại Giáo Hội địa phương. Anh chị em đừng cầu nguyện bằng cách xướng tên của các Giám mục lên trong thánh lễ như một thói quen, nhưng hãy cầu nguyện cho các ngài bằng cả con tim. Chúng ta có thể cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Chúa, xin chúa gìn giữ các Giám mục, xin Chúa gởi đến cho chúng con những Giám mục là những chứng nhân đích thực, những Giám mục biết cầu nguyện, những Giám mục biết yêu thương và chăm lo cho chúng con, những Giám mục biết rao giảng để chúng con có thể hiểu Lời Chúa. Nhờ vậy, chúng con mới xác tín rằng Chúa là Đấng hằng sống và luôn ở giữa chúng con.’”

3. Tái khởi hành từ Bí Tích Rửa Tội, suối nguồn lòng thương xót để tìm lại sự hiệp nhất

Tất cả chúng ta các tín hữu Công Giáo, Chính Thống, hay Tin Lành, làm thành một chức tư tế vương giả và một quốc gia thánh thiện. Điều này có nghĩa là chúng ta có một sứ mệnh chung là thông truyền lòng thương xót đã nhận lãnh cho những người khác, bắt đầu từ những người nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất. Do đó phải tái khởi hành từ Bí tích Rửa Tội là suối nguồn của lòng thương xót và sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với 8,000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục sáng thứ Tư 20 tháng Giêng.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: chúng ta đã nghe văn bản kinh thánh hướng dẫn suy tư trong Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô, từ ngày 18 đến 25 tháng giêng. Đoạn thư thứ nhất của thánh Phaolô đã được chọn bởi một nhóm đại kết Lettonia, được Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội và Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các kitô hữu giao trách nhiệm.

Đức Thánh Cha cho biết thêm:

Chính giữa nhà thờ chính toà Luther tại Riga có một giếng rửa tội thuộc thế kỷ XII vào thời Lettonia được thánh Mainardo rao giảng Tin Mừng. Giếng rửa tội đó là dấu chỉ hùng hồn của một nguồn gốc đức tin được tất cả mọi kitô hữu Công Giáo, Luther và Chính Thống nước Lettonia thừa nhận. Nguồn gốc đó là bí tích Rửa Tội chung của chúng ta. Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng: “Bí tích Rửa Tội là ràng buộc bí tích của sự hiệp nhất có giữa tất cả những người nhờ nó đã được tái sinh” (Unitatis redintegratio, 22). Thư thứ I của thánh Phêrô hướng tới thế hệ kitô đầu tiên để khiến cho họ ý thức về ơn đã nhận lãnh với Bí tích Rửa Tội và các đòi buộc mà nó bao hàm. Cả chúng ta nữa, trong Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất này, chúng ta được mời gọi tái khám phá ra tất cả những điều này và cùng nhau sống nó, bằng cách vượt quá các chia rẽ giữa chúng ta. Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định như sau:

Trước hết, chia sẻ bí tích Rửa Tội có nghĩa là tất cả chúng ta là những người tội lỗi, cần được cứu rỗi và giải thoát khỏi sự dữ. Đây là khiá cạnh tiêu cực, mà thư của thánh Phêrô gọi là “tối tăm” khi nói “Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta ra khỏi mền tăm tối để dẫn đưa anh em vào ánh sáng tuyệt vời của Ngài”. Đây là kinh nghiệm của cái chết, mà chính Chúa Kitô đã sống, và nó được biểu tượng trong bí tích Rửa Tội bởi việc được dìm mình trong nước và trồi lên, biểu tượng của sự sống lại vào cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Khi kitô hữu chúng ta nói rằng mình chia sẻ một bí tích Rửa Tội, chúng ta khẳng định rằng tất cả chúng ta – Công Giáo, tin lành và chính thống – chúng ta chia sẻ kinh nghiệm được mời gọi từ bóng tối đáng thương và bị tha hóa tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, tràn đầy lòng thương xót. Thật vậy, tất cả chúng ta đều sống kinh nghiệm của tính ích kỷ, sinh ra chia rẽ, khép kín, khinh bỉ. Tái khởi hành từ Bí tích Rửa Tội có nghĩa là tìm lại suối nguồn của lòng thương xót, suối nguồn của niềm hy vọng đối với tất cả mọi người, bởi vì không có ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa cả. Không có ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Việc chia sẻ ơn thánh này tạo ra một mối dây không thể tan biến giữa các kitô hữu chúng ta, và như thế, nhờ Bí tích Rửa Tội chúng ta có thể coi nhau tất cả như anh em thật sự. Chúng ta thực sự là dân thánh của Thiên Chúa, cả khi nếu vì các tội lỗi của chúng ta, chúng ta chưa là một dân hoàn toàn hiệp nhất. Lòng thương xót của Thiên Chúa hoạt động trong Bí tích Rửa Tội mạnh mẽ hơn các chia rẽ của chúng ta. Nó mạnh mẽ hơn. Trong mức độ trong đó chúng ta tiệp nhận ơn thánh của lòng thương xót, chúng ta luôn ngày càng trở thành dân của Thiên Chúa một cách tràn đầy hơn và chúng ta cũng có khả năng loan báo cho tất cả mọi người các việc diệu kỳ của Ngài, chính từ một chứng tá hiệp nhất đơn sơ và huynh đệ. Kitô hữu chúng ta có thể loan báo cho tất cả mọi người sức mạnh của Tin Mừng bằng cách dấn thân chia sẻ các công tác của lòng thương xót trên thân xác và trong tinh thần. Đây là một chứng tá cụ thể của sự hiệp nhất giữa các kitô hữu chúng ta: tin lành, chính thống, Công Giáo.

Kết luận, anh chị em thân mến, nhờ ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, kitô hữu chúng ta đã có được lòng thương xót của Thiên Chúa và chúng ta đã được tiếp nhận vào dân của Ngài. Tất cả chúng ta, Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, chúng ta làm thành một chức tư tế thánh thiện và một quốc gia thánh thiện. Điều này có nghĩa là chúng ta có một sứ mệnh chung, đó là thông truyền lòng thương xót đã nhận lãnh cho những người khác, bắt đầu từ những người nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất. Trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô này, chúng ta hãy cầu nguyện để cho tất cả chúng ta là các môn đệ của Chúa Kitô tìm ra kiểu cộng tác với nhau hầu đem lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tới mọi phần của trái đất này.

4. Thiên Chúa chúc lành cho hôn nhân, và muốn là Phu Quân của từng người chúng ta

Phép lạ hoá nước thành rượu tại tiệc cuới làng Cana là một dấu chỉ Thiên Chúa chúc lành cho hôn nhân. Tình yêu giữa một người nam và một người nữ là một con đường tốt giúp sống Tin Mừng, nghĩa là bước đi trên lộ trình của sự thánh thiện. Nhưng mỗi một người đều được mời gọi gặp gỡ Chúa như Phu Quân của cuộc đời mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 50,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm 17 tháng Giêng tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập đến trình thuật phép lạ biến nước thành rượu ngon trong tiệc cuới làng Cana, nơi Mẹ Maria, Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên được mời tham dự. Khi nghe Mẹ Maria cho biết họ thiếu rượu, Chúa Giêsu trả lời là giờ con chưa đến, nhưng rồi ngài đã làm phép lạ. Thánh sử Gioan ghi: “Đây là khởi đầu các dấu lạ Chúa Giêsu làm. Ngài biểu lộ vinh quang Ngài, và các môn đệ tin nơi Ngài” (Ga 2,11). Đức Thánh Cha định nghĩa các phép lạ như sau:

Như thế các phép lạ là các dấu chỉ kèm theo lời rao giảng Tin Mừng, và chúng có mục đích khơi dậy và củng cố niềm tin nơi Chúa Giêsu. Trong phép lạ thành toàn tại Cana, chúng ta có thể nhận ra một cử chỉ lòng nhân hậu của Chúa Giêsu đối với đôi vợ chồng, một dấu chỉ phước lành của Thiên Chúa đối với hôn nhân. Như thế, tình yêu giữa một người nam và một người nữ là một con đường tốt giúp sống Tin Mừng, nghĩa là để tươi vui bước đi trên lộ trình của sự thánh thiện.

Nhưng phép lạ Cana không chỉ liên quan tới đôi vợ chồng. Mỗi người đều được mời gọi gặp gỡ Chúa như Phu Quân của cuộc đời mình. Đức tin kitô là một ơn chúng ta nhận được với bí tích Rửa Tội, và nó cho phép chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin trải qua các thời gian tươi vui, đau khổ, ánh sáng và bóng tối, như trong mọi kinh nghiệm của tình yêu. Trình thuật đám cưới Cana mời gọi chúng ta tái khám phá ra rằng Chúa Giêsu không tự giới thiệu như là một thẩm phán sẵn sàng lên án các tội lỗi của chúng ta, cũng không như là một vị chỉ huy bắt buộc chúng ta theo lệnh của mình một cách mù quáng. Ngài tự biểu lộ như Phu Quân của nhân loại: như là Đấng đáp trả các chờ mong và các lời hứa của niềm vui ở trong con tim của từng người trong chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Như vậy chúng ta có thể tự hỏi: tôi có thật sự biết Chúa như thế không? Tôi có cảm thấy Ngài như là Phu Quân cuộc đời tôi không? Tôi có đang đáp trả lại trên cùng làn sóng của tình yêu hôn nhân, mà Ngài biểu lộ cho tôi và cho mỗi người mọi ngày hay không? Đây là việc ý thức rằng Chúa Giêsu tìm chúng ta và mời gọi chúng ta dành chỗ cho Ngài trong cùng thẳm con tim của chúng ta. Và trên con đường đức tin này với Ngài chúng ta không bị bỏ rơi một mình: chúng ta đã nhận được ơn Máu Chúa Kitô. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa các chum nước như sau:

Các chum nước bằng đá, mà Chúa Giêsu khiến đổ đầy nước để biến thành rượu, là dấu chỉ việc bước từ giao ước cũ sang giao ước mới. Thay vì nước dùng cho việc thanh tẩy theo lễ nghi, chúng ta đã nhận được Máu Chúa Giêsu, đã đổ ra một cách bí tích trong Thánh Thể, và một cách đổ máu của cuộc Khổ Nạn và trên Thập Gía. Các Bí Tích tuôn trào từ Mầu Nhiệm Phục Sinh đổ vào trong chúng ta sức mạnh siêu nhiên, và cho phép chúng ta nếm hưởng lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Xin Đức Trinh Nữ, mẫu gương của việc suy gẫm các lời nói và các việc làm của Chúa, giúp chúng ta tái khám phá ra với đức tin vẻ đẹp và sự phong phú của Thánh Thể và các Bí Tích khác làm cho tình yêu của Thiên Chúa hiện diện cho chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ luôn luôn ngày càng say mê Chúa Giêsu hơn, Phu Quân của chúng ta, và đi gặp Ngài với đèn sáng của đức tin tươi vui, và như vậy trở thành các chứng nhân của Ngài trong thế giới.

Nguồn: Vietcatholic.com