Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 26/5 – 01/06/2016:
Câu Chuyện: Bằng Lòng Với Cuộc Sống



1. Bốn yếu tố cần thiết để nên thánh

Bước đi trước tôn nhan Chúa mà không thấy lòng hổ thẹn. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ để làm sao chúng ta có thể bước đi trong cuộc hành trình nên thánh. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 3, 24.05, tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha nói rằng để hành trình này đạt đến thành công, các Kitô hữu phải có khả năng vững lòng trông cậy với sự can đảm, biết mở lòng ra để thảo luận, và tự do đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Sự thánh thiện không thể mua được, cũng không thể đạt được bằng sức mạnh con người. Sự thánh thiện đơn sơ của mọi Kitô hữu chỉ có thể đạt được nhờ sự giúp đỡ của bốn yếu tố cần thiết sau đây: lòng can đảm, niềm hy vọng, ân sủng và sự hoán cải.

Đường lối can đảm

Khởi đi từ bài đọc một trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ, thuật lại luận thuyết nhỏ của thánh nhân về sự thánh thiện, Đức Thánh Cha nói rằng: “Thánh thiện là bước khi trước sự hiện diện của Chúa mà lòng không cảm thấy hổ thẹn.”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Thánh thiện là một hành trình. Sự thánh thiện không thể được mua bán, cũng không thể cho được. Sự thánh thiện là một hành trình bước đi trong sự hiện diện của Chúa mà chính mỗi người chúng ta phải thực hiện. Không ai có thể làm thay cho chúng ta được. Chúng ta có thể cầu nguyện cho một người được nên thánh thiện, nhưng chính người đó phải bước đi, phải tự mình thực hiện chứ không phải chúng ta. Bước đi trong sự hiện diện của Chúa với một cách thức hoàn hảo không tì vết.

Sự thánh thiện trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể là ‘vô danh’. Và yếu tố đầu tiên cần thiết để đạt được sự thánh thiện chính là lòng can đảm. Con đường nên thánh cần có can đảm.

Hy vọng và ân sủng

Vương quốc của Đức Giêsu chỉ dành cho những ai dám bước đi với lòng can đảm và lòng can đảm lại xuất phát từ niềm hy vọng. Đó cũng là yếu tố thứ hai trong hành trình nên thánh. Lòng can đảm có được nhờ hy vọng vào cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu.

Yếu tố thứ ba trong hành trình nên thánh xuất hiện trong những lời của Thánh Phê-rô: ‘Hãy hoàn toàn đặt niềm trong cậy vào ân sủng.’ Chúng ta không thể đạt được sự thánh thiện nhờ sức riêng của mình. Nhưng đó là một ân sủng. Trở nên tốt lành, nên thánh thiện, mỗi ngày mỗi tiến lên những bước nho nhỏ trong đời sống Kitô hữu là ân sủng của Thiên Chúa và chúng ta phải cầu xin ơn này. Lòng can đảm, một cuộc hành trình; một cuộc hành trình mà người ta cần phải có lòng can đảm để bước đi với niềm hy vọng và tấm lòng luôn sẵn sàng rộng mở để đón nhận ân sủng này.

Tôi mời gọi anh chị em hãy đọc một chương rất đẹp, đó là chương 11 trong thư gởi tín hữu Do Thái, thuật lại cuộc hành trình của các tổ phụ. Họ là những người đầu tiên được Thiên Chúa mời gọi. Tổ phụ Áp-ra-ham đã lên đường bước theo lời mời gọi của Chúa trong khi chưa biết mình phải đi đâu. Nhưng ngài vẫn một lòng hy vọng.

Hoán cải mỗi ngày

Trong thư của thánh Phê-rô, chúng ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của yếu tố thứ tư: hoán cải là một nỗ lực liên tục để tẩy sạch con tim. Hoán cải mỗi ngày không có nghĩa là chúng ta phải đánh mình, phạt xác khi phạm tội. Nhưng chúng ta hãy làm những hoán cải nho nhỏ thôi. Chẳng hạn như: cố gắng giữ gìn miệng lưỡi để không nói xấu người khác, cố gắng bước đi trên con đường ngay chính để nên thánh.

Không nói xấu người khác có phải là một chuyện dễ dàng không? Không hề dễ chút nào. Khi ta muốn chỉ trích người hàng xóm, người đồng nghiệp, chúng ta hãy cẩn thận miệng lưỡi của mình, nếu được hãy cắn lưỡi một cái thật đau. Có thể lưỡi sẽ xưng lên, nhưng tinh thần của chúng ta sẽ được thánh thiện hơn. Đừng chỉ thích làm những hãm mình, khổ chế to lớn nhưng hãy làm những gì nhỏ bé đơn sơ thôi. Con đường nên thánh thì đơn sơ. Đừng bao giờ lùi lại, hãy luôn tiến về phía trước với lòng can đảm.”

2. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy

Trong thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành trước tiền đình Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô chiều thứ Năm 26 tháng 5, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của việc bẻ bánh theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly.

Ngài nói:

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24-25)

Hai lần Tông Đồ Phaolô, khi viết cho cộng đoàn ở Côrintô, đã nhắc lại lệnh truyền này của Chúa Giêsu trong trình thuật thiết lập Thánh Thể. Đây là chứng từ xưa nhất mà chúng ta có về những lời của Đức Kitô tại Bữa Tiệc Ly.

“Hãy làm việc này”. Đó là, cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và bẻ ra; cầm lấy chén, dâng lời chúc tụng, và chia sẻ. Chúa Giêsu đưa ra lệnh truyền hãy lặp lại hành động mà qua đó Ngài thiết lập việc tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của chính Ngài, và làm thế để trao ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài. Hành động này truyền đến chúng ta hôm nay: đó là “việc thực hiện” Thánh Thể trong đó luôn có Chúa Giêsu làm chủ thể, nhưng được biến thành hiện thực qua đôi bàn tay nghèo nàn được Chúa Thánh Thần xức dầu của chúng ta.

“Hãy làm việc này”. Chúa Giêsu trong một dịp trước đó đã kêu gọi các môn đệ của Ngài “hãy làm” điều vốn dĩ là quá rõ ràng đối với Ngài, trong sự vâng phục thánh ý của Chúa Cha. Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước mặt một đám đông mỏi mệt và đói khát: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Thật ra, chính Chúa Giêsu là Đấng đã chúc phúc và bẻ bánh ra và cung cấp nguồn lương thực đủ để làm no thoả đám đông, nhưng các môn đệ là những người đã mang đến năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa Giêsu đã muốn như thế, nghĩa là, thay vì giải tán đám đông, các môn đệ lại đặt vào tay Ngài chút ít mà họ có. Và có một cử chỉ khác: các mẩu bánh, đã được bẻ ra bởi đôi bàn tay thánh thiện và đáng kính của Chúa chúng ta, chuyển sang cho bàn tay nghèo nàn của các môn đệ, là những người phân phát những mẩu bánh này cho trong đám đông. Đây cũng chính là điều các môn đệ “thực hiện” cùng với Chúa Giêsu; với Ngài họ có thể “cho đám đông cái gì đó để ăn”. Rõ ràng phép lạ này không có ý chỉ nhằm làm no thoả cơn đói trong một ngày, mà thực ra phép lạ ấy tiên báo điều mà Đức Kitô muốn chu toàn vì ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, là trao ban chính mình và máu của Ngài (x. Ga 6:48-58). Và điều này luôn phải diễn ra ngang qua hai hành động nhỏ này: dâng lên vài miếng bánh và cá mà chúng ta có; sau đó lãnh nhận bánh đã bẻ ra bởi đôi bàn tay của Chúa Giêsu và trao ban nó cho hết mọi người.

Bẻ ra: Đây là một từ khác giải thích ý nghĩa của những lời này “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu đã bị bẻ ra; Ngài bị bẻ ra vì chúng ta. Và Ngài mời gọi chúng ta hãy biết cho đi bản thân mình, bản thân chúng ta thế nào hãy cho tha nhân như thế. “Việc bẻ bánh” này trở thành một biểu tượng, một dấu chỉ cho việc nhận ra Chúa Giêsu và các Kitô Hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ trên đường Emmau: họ nhận ra Ngài “nơi việc bẻ bánh” (Lc 24:35). Chúng ta hãy hồi tưởng lại cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem: “Các tín hữu... siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” (Cv 2:42). Từ bối cảnh này, chính Thánh Thể trở thành trung tâm và khuôn mẫu của đời sống của Giáo Hội. Nhưng chúng ta cũng nghĩ đến các thánh nổi tiếng hay vô danh – những người đã “bẻ” chính bản thân mình ra, bẻ ra cuộc đời của các Ngài, để cho anh chị em của các Ngài “một cái gì đó để ăn”. Biết bao nhiêu người mẹ, biết bao người cha, cùng với những lát bánh mà họ cung cấp mỗi ngày trên bàn ăn của gia đình, đã bẻ trái tim họ ra để cho con cái họ lớn lên, và lớn lên cách tốt đẹp! Biết bao nhiêu Kitô Hữu, như là những công dân có trách nhiệm, đã bẻ cuộc đời của họ ra để bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo nhất, người bị gạt ra bên lề và những người bị phân biệt đối xử! Họ tìm kiếm sức mạnh ở đâu để thực hiện điều này? Đó chính là trong Thánh Thể: trong sức mạnh của tình yêu của Chúa Phục Sinh, Đấng mà hôm nay cũng đang bẻ bánh ra vì chúng ta và lặp lại: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Xin cho hành động cung nghinh Thánh Thể, mà tôi sẽ thực hiện lát nữa đây, đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu. Một hành động để tưởng nhớ đến Ngài; một hành động mang lại lương thực cho đám đông của ngày hôm nay; một hành động bẻ ra niềm tin và cuộc sống của chúng ta như là một dấu chỉ của tình yêu của Đức Kitô cho thành phố này và cho toàn thế giới.

3. Câu Chuyện: Bằng Lòng Với Cuộc Sống

Sau một thời gian cần cù và chắt chiu, một người đàn ông nọ đã trở thành người giàu có nhất trong ngôi làng nhỏ bé của mình. Anh mua một con lừa, rồi làm một chuyến đi xa cho biết đó biết đây. Anh đến một ngôi làng khác lớn hơn ngôi làng của anh. Một ngôi nhà thật đẹp và sang trọng đập vào đôi mắt của anh. Sau khi dò hỏi, anh biết được đó là ngôi nhà của người giàu có nhất trong làng.

Anh bèn trở về ngôi làng nhỏ bé của mình và quyết trí làm ăn, dành dụm để có thể may ra xây được một ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà mà anh vừa trông thấy ở ngôi làng bên cạnh. Không mấy chốc, tiền bạc dư dả, không những anh đã xây được một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ hơn mà còn mua được cả đàn ngựa và xe nữa.

Lần này, anh vượt qua các ngôi làng nhỏ để đến một đô thị lớn. Tại đây, đâu đâu anh cũng thấy những ngôi nhà đẹp và ngôi nhà nào cũng đẹp hơn ngôi nhà của anh. Anh nghĩ bụng: cho dẫu có lao nhọc cả quãng đời còn lại, anh cũng không tài nào có thể xây được một ngôi nhà đẹp như thế.

Anh bèn tiu nghỉu đánh xe quay lại ngôi làng cũ của mình. Nhưng rủi thay, xe gặp tai nạn, anh đành phải bỏ chiếc xe để leo lên lưng ngựa cố gắng chạy về ngôi làng cũ của mình. Nhưng dọc đường, vì mệt mỏi và đói lả, ngựa cũng lăn ra chết. Người đàn ông chỉ còn biết lủi thủi đi bộ về nhà.

Ðêm đến, giữa sa mạc, anh nhìn thấy một ánh lửa bập bùng từ xa. Anh nấn ná tìm đến và khám phá ra túp lều của một vị ẩn sĩ. Vào trong túp lều, người đàn ông mới nhận ra rằng có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh thấy có cảnh nghèo nàn cùng cực hơn.

Anh ái ngại nhìn nhà tu hành rồi thắc mắc: “Thưa ông, làm sao ông có thể sống được trong cảnh cùng cực như thế này?”.

Nhà ẩn sĩ mỉm cười đáp: “Tôi bằng lòng với cuộc sống... Thế còn ông, xem chừng như ông không được thỏa mãn về cuộc sống của ông cho lắm”. Người đàn ông ngạc nhiên hỏi: “Sao ông biết tôi không được thỏa mãn?”. Nhà ẩn sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện rồi thong thả nói: “Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của ông. Ðôi mắt của ông cứ chạy theo giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến với ông... Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn. Ông có thấy những ánh sáng yếu ớt đang chiếu rọi trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không mấy chốc, các ngôi sao mọc lên, và những tia sáng hoàng hôn biến mất. Những ánh sao đó tưởng chúng đang soi sáng cả bầu trời, nhưng khi mặt trăng vừa ló rạng, thì những ánh sao ấy cũng bắt đầu tắt ngụm. Vầng trăng sáng kia tưởng mình soi sáng cả trái đất, nhưng không mấy chốc, mặt trời mọc lên và mọi thứ ánh sáng của đêm đen đều biến mất. Nếu những thứ ánh sáng trên đây đều biết suy nghĩ về những điều ấy, thì có lẽ chúng sẽ tìm thấy những nụ cười đã đánh mất”.

Nghe câu chuyện ví von của nhà hiền triết, người đàn ông mở miệng mỉm cười, nhưng nỗi buồn vẫn còn thoáng trên gương mặt ông.

Vị ẩn sĩ tiếp tục câu chuyện: “Ông có biết rằng sánh với tôi, ông là vua không?”. Người đàn ông tự nhiên so sánh căn nhà của mình với túp lều của vị ẩn sĩ. Nhưng đó không phải là điều mà vị ẩn sĩ muốn nói đến... Ông cầm chiếc đèn đưa lên cao và mời người đàn ông đến gần bên mình.

Dưới ánh đèn, người đàn ông mới nhận ra rằng vị ẩn sĩ là người không còn ngay cả đôi chân để có thể di chuyển một cách bình thường.

4. Kitô hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa với niềm vui mừng và sự ngạc nhiên

Không tồn tại một Kitô hữu buồn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai, 23.05, tại nguyện đường thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng, ngay cả trong những lúc đau khổ của cuộc sống, Kitô hữu phải biết tín thác vào Đức Giêsu và sống với niềm hy vọng. Bên cạnh đó, Đức Giêsu mời gọi các tín hữu đừng để bả vinh hoa giàu có chế ngự, vì cuối cùng, chúng chỉ mang lại đau khổ mà thôi.

Kitô hữu sống trong niềm vui và trong sự ngỡ ngàng sửng sốt nhờ sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Khởi đi từ bài đọc một trích Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngay cả khi phải chịu ưu phiền giữa trăm chiều thử thách, chúng ta cũng không bị tước mất đi niềm hân hoan vui mừng về những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Thiên Chúa đã tái sinh ta trong Đức Kitô và ban cho ta một niềm hy vọng sống động.

Thẻ căn cước của Kitô hữu là niềm vui Phúc Âm

“Chúng ta có thể chạm tới niềm hy vọng mà các Kitô hữu thời sơ khai đã mô tả. Niềm hy vọng ấy giống như một mỏ neo để tiến về Nước Trời. Chúng ta hãy bám lấy cọng dây và tiến về nơi đó, để đạt được niềm hy vọng sống động, một niềm hy vọng sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Kitô hữu là một người của niềm vui, một người có niềm vui trong tim. Không tồn tại Kitô hữu không có niềm vui. Nhưng có người nói rằng: ‘Ôi cha ơi, con thấy những Kitô hữu không biết vui đầy kia kìa.’ – ‘Đó không phải là Kitô hữu. Họ nhận mình là Kitô hữu thôi, nhưng thật chất không phải. Nơi họ thiếu thiếu một điều gì đó.’ Thẻ căn cước của Kitô hữu là niềm vui, niềm vui của Tin Mừng, niềm vui được Đức Giêsu tuyển chọn, được Đức Giêsu cứu chuộc, được Đức Giêsu tái sinh; sự vui mừng hân hoan của niềm hy vọng Đức Giêsu đang chờ đợi chúng ta, niềm vui – ngay cả khi giữa những thánh giá và giữa những đau khổ của cuộc sống – cũng được diễn tả trong một cách thức khác, đó là sự bình an trong niềm xác tín Đức Giêsu vẫn đang đồng hành với chúng ta và ở với chúng ta.

Kitô hữu làm cho niềm vui mừng này lớn mạnh lên với sự tín thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn nhớ lời Ngài đã giao ước. Đến lược mình, các Kitô hữu cũng phải biết rằng Thiên Chúa luôn nhớ đến họ, luôn yêu thương họ, luôn đồng hành với họ và đang chờ đợi họ. Đó chính là niềm vui mừng

Sự giàu có mang lại buồn đau

Bài Tin Mừng ngày hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và anh thanh niên giàu có. Anh có thiện chí nhưng lại không có khả năng để mở rộng tâm hồn mình ra trước niềm vui mừng hoan hỷ. Anh đã chọn lựa sự buồn rầu, vì anh có nhiều của cải.

Anh đã để lòng mình quá gắn bó với của cải. Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng không thể làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được. Tiền bạc, của cải, tự bản chất, chẳng có gì xấu nhưng làm tôi tớ cho tiền của thì lại xấu vô cùng. Chàng thanh niên tội nghiệp ấy đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi.

Trong các xứ đạo, cộng đoàn và tổ chức, chúng ta nghe thấy nhiều người nhận mình là Kitô hữu hay muốn trở thành Kitô hữu nhưng họ lại buồn rầu, sầu muộn. Như vậy, có điều gì đó không đúng lắm khi họ nói mình là Kitô hữu. Chúng ta phải giúp họ tìm thấy Đức Giêsu, giúp họ quẳng nỗi muộn phiền ấy đi, để họ có thể hân hoan sung sướng trong niềm vui Tin Mừng.

Sự vui mừng và ngỡ ngàng là tâm tình của người Kitô hữu khi được tiếp chạm vào sự mặc khải và tình yêu của Thiên Chúa, và những cảm xúc ấy được khuấy động tràn dâng lên bởi Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu có phần thất vọng khi thấy chàng thanh niên không thể hy sinh, từ bỏ mà bước theo Ngài, vì anh đã quá gắn bó với giàu sang, tiền của. Khi các Tông đồ hỏi Chúa: ‘Như vậy thì ai có thể được cứu?’, Đức Giêsu trả lời: ‘Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.’

Niềm vui Kitô giáo và khả thể được cứu khỏi những dính bén thế trần chỉ có thể được thực hiện ngang qua quyền năng của Thiên Chúa, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự hiện diện của Ngài, trước sự hiện diện của rất nhiều những kho tàng thiêng liêng mà Ngài đã ban cho chúng ta. Và với sự ngạc nhiên này, xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui mừng, niềm vui trong đời sống thường ngày, trong con tim đong đầy sự bình an mặc dù đang ở giữa trăm chiều thử thách.

Xin Chúa cũng bảo vệ chúng ta khỏi ham muốn đi tìm kiếm hạnh phúc nơi những sự vật mà cuối cùng chỉ mang lại khổ đau: chúng hứa hẹn nhiều, nhưng thật chất, chẳng mang lại cho ta được gì cả. Anh chị em hãy nhớ rằng: Kitô hữu là một người của niềm vui, niềm vui trong Thiên Chúa; và Kitô hữu cũng là một người biết ngỡ ngàng ngạc nhiên nữa.”

5. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Sáu

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 6 là:

Ý chung: Cầu cho những người già cả, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người sống lẻ loi, ngay cả trong các thành phố lớn, có được những cơ hội để gặp gỡ và liên đới.

Ý truyền giáo: Cầu cho các chủng sinh và các tập sinh, gặp được những nhà đào tạo sống niềm vui Tin Mừng và chuẩn bị cách khôn ngoan cho sứ mạng của họ.

nguồn: Vietcatholic.net