CN XXV TN / C
Bài đọc 1 : (Am 8:4-7). Bài đọc 2 : ( 1Tm 2:1-8). Tin Mừng : ( Lc 16:1-13)
NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN
Ông chủ kia có một người quản gia. Không biết anh thao túng, tham ô như thế nào mà đến tai ông chủ anh là một người phung phí của cải của ông. Ông đòi anh tính toán sổ sách để cho nghỉ việc. Anh thầm nghĩ: Tương lai rồi sẽ ra sao đây? Cuốc đất thì không nổi. Ăn mày thì hổ người. Bổng anh nghĩ ra một kế: anh cho gọi từng con nợ của chủ đến. Người nợ một trăm thùng dầu thì anh bảo ghi biên lai năm chục thùng thôi; người nợ một ngàn thùng lúa thì anh bảo viết lại tám trăm thôi.” Có thể năm chục thùng dầu hay hai mươi thùng lúa mà anh cho con nợ xóa đi là những gì anh kê thêm để trục lợi cho anh. Như thế, chứng minh cho ông chủ anh là người quản gia trung thực; và đối với con nợ, anh trở thành người hào phóng giúp đỡ họ. Biết đâu sau này lại có dịp nhờ vã. Anh là người quản gia bất lương trong việc quản lý của cải của ông chủ, nhưng lại được khen là khôn khéo trong cách hành xử cho tương lai của mình.
Chúa khen anh là người hành động khôn khéo: Con cái đời này khôn hơn con cái sự sáng trong cách xử sự với người đồng lại. Giá như con cái sự sáng cũng biết hành xử khôn khéo như con cái đời này thì tốt quá! Chúa không dạy chúng ta học cách xử sự với đồng loại như người quản gia bất lương thuộc phạm vi trần thế, nhưng học cách hành xử khôn khéo với đồng loại như một người quản lý trung tín trong phạm vi Nước Trời : “ Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.”
Chúa đi từ bình diện trần gian sang bình diện thiêng liêng. Ngài lấy sư khôn ngoan khéo léo của con cái thế gian để nhắc nhở con cái sự sáng phải biết chuẩn bị cho tương lai Nước Trời. Người quản lý bất lương lại trở thành điển hình cho người Kitô hữu về sự sáng suốt khôn khéo trong việc chuẩn bị cho sự sống vĩnh cửu.
Đối người quản lý của Thiên Chúa, đức tính phải có là lòng trung tín như Chúa dã nói: “ Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” Anh quản gia bất lương, sau khi bị đuổi việc, lẽ ra nhân cơ hội ấy, anh hối tiếc và trở về con đường lương thiện, nhưng anh lại tiếp tục sống theo con đường bất lương. Anh không hề có một chút gì thay đổi trong tính cách của anh. Anh vẫn chứng nào tật nấy.
Thiên Chúa giao cho mỗi người chúng ta quản lý nhiều thứ của cải. Có loại của cải dành riêng cho mỗi người: đó sức khỏe của thân xác, là khả năng trí tuệ, là ân huệ mà chúng ta được thụ hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa; có loại của cải chân thật là giáo lý chân thật, là Tin Mừng cứu rỗi mà chúng ta được may mắn đón nhận; có thứ của cải mà mọi người đều được thụ hường là vũ trụ, vạn vật, và tiên bạc của cải chúng ta làm ra. Tất cả những thứ của cải được giao phó cho chúng ta quản lý phải nhắm đến phục vụ con người, phục vụ anh em, là phương tiện để tạo bạn hữu trong cõi vĩnh hằng chứ không phải là phương tiện để chúng ta mưu cầu lợi ích cá nhân. Điều kiện để đón nhận của cải chân thật và của cải dành riêng cho mỗi người là phải trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính và việc sử dụng của cải của người khác.
Vì lòng tham, chúng ta không tìm thấy sự thỏa mãn và ý nghĩa cuộc sống trong của cải; nhưng khi mau mắn phục vụ người khác, điều này sẽ đem lại cho chúng ta cứu cánh và ý nghĩa cuộc đời. Tiền bạc là phương tiện chứ không phái là cứu cánh của cuộc đời. Vì thế,như lời Chúa khẳng định: “ Anh em không thể làm tôi hai chủ” vì khi yêu chủ này thì ghét chủ kia hoặc gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Phải dứt khoát trong việc phục vụ Thiên Chúa hay làm tôi tiền của.
Lm Giuse Trịnh Ngọc Danh