NIỀM VUI KHI NHẬN RA SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP. Xuân Lộc

Có nhiều lúc trong cuộc sống, người ta cảm thấy cần một bàn tay nâng đỡ, cần một bờ vai để tựa đầu. Những lúc gặp chán nản thất bại, người ta cần một người để tâm sự, để lắng nghe, cần những lời khích lệ cảm thông để lấy lại tinh thần. Khi gặp được sự nâng đỡ này, người đang buồn chán sẽ tìm lại được nhiềm vui, người đang bế tắc như được tăng thêm sức mạnh, tìm được hướng đi để làm lại từ đầu. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay cũng giống như thế.

1/ Cái chết của Chúa Giêsu đã khiến cho nhiều môn đệ dường như thất vọng, mất phương hướng. Trước đây theo Chúa, các ông đã nuôi trong lòng bao nhiêu hy vọng về một tương lai tươi sáng trên con đường sự nghiệp. Việc Chúa Giêsu đã bị bắt, bị giết chết một cách kinh sợ đã khiến các tông đồ và các môn đệ hoảng loạn, thất vọng. Một số trong họ đã bỏ anh em để đi trốn ở đâu đó, như trường hợp của Toma, một số khác bỏ về quê để tìm một cuộc sống yên ổn hơn như hai môn đệ trên đường Emaus. Tin Mừng kể lại, hai môn đệ lên đường bỏ về quê, nhưng lòng họ vẫn còn đáu đáu một nỗi niềm về Thầy Giêsu đã bị giết, đã được chôn trong mồ, bây giờ lại có tin Thầy vẫn sống.

Lúc hai ông đang trao đổi với nhau trong lo âu sầu muộn như thế thì chính Chúa Giêsu Phục sinh đã chủ động bước đến với các ông. Ngài gợi chuyện cho các ông có dịp cởi mở tâm hồn: Các anh đang trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? Tin Mừng cũng cho thấy: Lúc đó, mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Chúa Giêsu. Điều đó chứng tỏ rằng, hai môn đệ không chỉ bị mờ mắt, mà thực sự các ông đang bước đi trong sự mờ tối của tâm hồn. Các ông đang bị sự sợ hãi và nghi ngờ che phủ, bị ngăn cản bởi những lý lẽ tự nhiên và những quan điểm cá nhân, khiến các ông không nhận ra người khách đang bước đi bên họ là chính Chúa Giêsu. Hai môn đệ đã mở lòng ra với người khách đồng hành, các ông kể về Chúa Giêsu như một vị Thầy trong ký ức: Ngài bị bắt, bị giết và hiện nay điều làm các ông hoang mang là vì các phụ nữ nói rằng đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người đang sống. Các ông cũng nói lên tâm trạng chán nản thất vọng của mình với vị khách đồng hành: Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel.

2/ Để khôi phục lại niềm tin và hy vọng cho hai môn đệ này, Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dựa vào Kinh Thánh để giải thích cho các ông. Ngài chỉ cho các ông thấy Kinh Thánh đã nói trước về việc Đấng Kitô phải trải qua khổ hình để bước vào vinh quang. Chúa Giêsu đã trích những lời dạy của Mose và các ngôn sứ đã nói về Người. Lời giải thích của Chúa Giêsu đã giúp họ lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống, khơi lên niềm vui và hy vọng. Hai môn đệ này đã nói lên cảm nghiệm của mình, họ bảo nhau: Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?

Khi trời đã về chiều sau một hành trình dài, các môn đệ nài ép Chúa Giêsu vào nhà nghỉ ngơi và dùng bữa tối với họ: Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn. Trong bữa ăn tối, Chúa Giêsu đã lặp lại một cử chỉ quen thuộc Ngài đã từng làm, đặc biệt trong bữa tiệc ly: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ đã mở ra và họ đã nhận ra vị khách đồng hành với họ chính là Chúa Giêsu, nhưng Người biến mất.

3/ Sau khi được nghe giải thích Kinh Thánh, được tham dự vào việc bẻ bánh, hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu và họ đã hoàn toàn được biến đổi. Các ông không còn buồn bã chán nản, nhưng ngay lúc đó, dù trời đã tối, nhưng lòng họ lại bừng sáng niềm vui. Hai ông ngay lập tức quay trở lại Giêsrusalem gặp nhóm mười một tông đồ và các anh em khác. Hai ông này chưa kịp nói gì, thì các tông đồ và các bạn đã làm chứng cho họ rằng: Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon. Sau đó, hai ông mới thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc nhận ra Chúa khi bẻ bánh. Với các chi tiết này, Kinh Thánh cho thấy chính cộng đoàn các tông đồ, tức Giáo Hội là chỗ dựa, là chứng nhân đức tin về việc Chúa sống lại. Khi hai môn đệ này rời bỏ các tông đồ và các anh em khác, tức là tách ra khỏi sự hiệp thông hiệp nhất với Giáo Hội, thì đức tin của họ sẽ bị chao đảo. Khi trở lại với Giáo Hội, hiệp nhất với các tông đồ và các anh em, họ sẽ được đón nhận lời chứng về màu nhiệm Phục Sinh: Chúa đã hiện ra với Simon. Lời chứng của Simon và các tông đồ sẽ củng cố cho kinh nghiệm đức tin cá nhân của các ông.

4/ Với câu chuyện về hai môn đệ trên đường Emaus, Tin Mừng muốn nói với chúng ta rằng: Chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh nhờ lắng nghe Lời Chúa, suy gẫm lời Kinh Thánh và tham dự bữa tiệc Thánh Thể mỗi ngày và nhờ lời chứng của Giáo Hội. Giáo Hội mỗi ngày vẫn cử hành màu nhiệm Chúa Giêsu tử nạn và Phục Sinh qua các thánh lễ. Nơi đây, chúng ta được nghe Lời Kinh Thánh, nghe chính Chúa Giêsu và sự giải thích của Chúa Giêsu. Lời Chúa sẽ nâng đỡ đời sống đức tin, củng cố sức mạnh, nâng đỡ con người vượt qua khó khăn, chán nản, thất vọng, đem lại niềm vui và sự phấn khởi trong tâm hồn. Cũng ở nơi Thánh lễ mỗi ngày, chúng ta được tham dự tiệc bẻ bánh của Chúa Giêsu. Khi đón nhận bánh thánh của Chúa, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời, như xưa hai môn đệ Emaus đã nhận ra Ngài.

Tham dự tiệc bẻ bánh là Thánh lễ mỗi ngày, tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui, hân hoan, phấn khởi, cuộc đời chúng ta sẽ được thay đổi. Chúng ta sẽ không còn sợ hãi, không còn bước đi trong bóng đêm hoặc trong buồn chán, nhưng sẽ được sống trong hân hoan và được thúc đẩy cùng với các anh chị em khác trong Giáo Hội lên đường để nói về Chúa Phục Sinh cho mọi người chung quanh.

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus cũng là câu chuyện cuộc đời của mỗi người, mỗi gia đình trong chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta rất phấn khởi theo Chúa, chúng ta có nhiều toan tính dự định cho tương lai của gia đình, nhưng những toan tính đó lại không đạt được như mong đợi; những khi gặp thất bại, nhiều người đã muốn buông xuôi, để mình rơi vào chán nản, chôn vùi cuộc sống vào rượu chè bài bạc, đề đóm. Hãy nhớ đến câu chuyện hôm nay để tin rằng, Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài không muốn thấy chúng ta sống trong buồn chán thất vọng, Ngài vẫn ở bên an ủi nâng đỡ chúng ta qua Lời Kinh Thánh, chỉ có điều, chúng ta có lắng nghe sự giải thích của Ngài hay không.

Cũng vậy, có nhiều lúc cuộc sống gia đình chơi vơi, gặp nhiều thử thách, có người oán trách kêu lên: Chúa ở đâu rồi? Những lúc như thế, hãy noi gương hai môn đệ Emaus, nài ép Chúa vào gia đình mình, mời Chúa hiện diện trong các giờ kinh gia đình. Hãy để Chúa hiện diện và cùng ăn bữa tối với gia đình, nhất là hãy siêng năng tham dự tiệc bẻ bánh là Thánh lễ mỗi ngày, Chúa sẽ cho chúng ta nhận ra sự hiện diện an ủi của Chúa. Tiệc Thánh Thể sẽ trở nên sức mạnh để chúng ta chỗi dậy và bước đi, vượt qua sợ hãi, chán nản và khó khăn. Có Chúa hiện diện, nài ép Chúa vào nhà, vào gia đình ta sẽ tìm lại được niềm vui và hạnh phúc. Amen