CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm A)


Bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Thể hiện: Minh Quân

Audio player

--->DOWNLOAD<---


Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống nhắc nhở cho chúng ta về biến cố ngày Chúa Thánh Thần đến thay đổi lòng trí các Tông đồ, bởi vì trước đó các Ngài vẫn luôn đóng kín cửa nhà vì sợ người Do Thái. Thần trí bình an chưa đậu lại trên các Ngài, do đó, các Ngài còn sợ sệt, lo âu, hoang mang, bối rối… Tuy nhiên, ngày Lễ Ngũ Tuần đã biến đổi hoàn toàn các Tông đồ “từ tình trạng nhút nhát, sợ sệt, các ông đã trở nên can đảm cách phi thường”.

Lễ Ngũ Tuần là một trong những lễ lớn của người Do Thai. Nên, nhiều người Do Thái đang cư ngụ ở nước ngoài cũng về Giêrusalem để dự lễ này. Mười một môn đệ, cùng mấy phụ nữ đạo đức, thân tín của Nhóm Mười Hai, trong đó có Đức Mẹ đang cầu nguyện sốt sắng trên một phòng của căn lầu trong thành. Mẹ Maria, các phụ nữ đạo đức, nhiệt thành và Mười Một môn đệ đã khẩn khoản cầu xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến như lời Đấng Phục Sinh vừa về trời loan báo và hứa. Và chính trong bầu khí cầu nguyện của một cộng đoàn yêu thương, hiệp thông thì Chúa Thánh Thần đã đến với họ. Thánh Thần mà Chúa Cha hứa ban chẳng có một hình dáng, khuôn mặt rõ ràng để con người có thể chiêm ngắm, tuy nhiên con người hay các môn đệ đã nhận ra Thánh Thần nhờ dấu chỉ khả giác: một tiếng gió, một làn hơi thở, ở đây từ trời ập đến như tiếng gió thổi dữ dội, những lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người. Thình lình, Thánh Thần Chúa tràn ngập mọi người đang có mặt tại đó. Một luồng gió mạnh như bão táp mở tung mọi cánh cửa đang đóng kín. Có một cái gì đó hoàn toàn tự do, hoàn toàn bay bổng, nổ tung sự im lặng, phá tan nỗi sợ bao trùm các môn đệ của Chúa. Các Ngài không còn khiếp sợ, không còn đóng kín cửa nhà nữa, phải ra khỏi căn phòng, phải loan truyền những kỳ công tuyệt vời mà Đức Kitô Phục Sinh đã làm cho nhân loại, đã làm cho thế giới, đã làm cho con người.

Quang cảnh buổi lễ thật sinh động, thật hân hoan. Mọi người có mặt ngày Lễ Ngũ Tuần thuộc nhiều nước, nhiều miền. Tất cả đều phấn khởi, hồ hỡi vì họ nghe được tiếng nước mình, tiếng địa phương, tiếng vùng miền của mình. Sách Công vụ 2, 1-11 viết: “Chúng ta đây, có người là dân Pacthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia, Pontô và Axia, có người là dân Phygia, Pamphilia, Ai cập và những vùng Lybia giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do Thái cũng như người đạo theo; nào là người dân Kêta hay người A rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,9-11). Các môn đệ đã nói được nhiều thứ tiếng, đó là ơn huệ của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, có hiểu được ngôn ngữ của mình, dân chúng mới nhận ra những kỳ công tuyệt diệu mà Thiên Chúa đã làm cho nhân loại, cho con người, cho mỗi dân tộc… Thánh Thần liên kết mọi người, hiệp nhất mọi người làm cho mọi người gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn, nhờ đó Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc. Hình ảnh này trái ngược với tháp Babel, khi con người có tham vọng xây một thang bắc lên trời, họ nghĩ ra thiết kế nhưng vì không hiểu nhau, ngôn ngữ dị biệt, nên họ đã không thành công tham vọng xây tháp Babel…

Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã đến. Thánh Thần của sự bình an, can đảm đã mở tung cõi lòng của những ai tin Chúa và như thế, lệnh truyền giáo của Chúa Phục Sinh là sứ mạng của tất cả mọi người Công giáo. Hội Thánh của Chúa phải mở tung cánh cửa, hăng hái, can đảm, vững mạnh loan báo Tin Mừng cho khắp nhân loại. Thánh Thần của Chúa Phục Sinh là Thánh Thần của sự bình an, hiệp nhất, yêu thương.
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhở chúng ta về Thần khí của Chúa Phục Sinh. Thần khí sẽ mở tung cánh cửa tâm hồn chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Thần khí của Chúa sẽ biến đổi chúng ta như đã biến đổi các môn đệ, các tông đồ khi xưa. Thật thế, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Châu Á từ 2017 năm. Lục địa Châu Á quá mênh mông này với nhiều ngôn ngữ, nhiều tôn giáo khác nhau. Làm sao chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng cho lục địa Châu Á với ngôn ngữ, tôn giáo, truyền thống, tập tục, luân lý…khác nhau? Sứ mạng truyền giáo của mỗi người thật thúc bách và khẩn trương.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban Thần khí cho chúng con để chúng con có sức mạnh, lòng can đảm, nhiệt thành để loan báo Tin Mừng cứu độ cho nhiều người. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT