TRÁI TIM BỊ THƯƠNG TÍCH VÌ YÊU THƯƠNG


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP. Xuân Lộc

Mặc dù tình yêu không phát xuất từ trái tim mà phát xuất từ não bộ, thế nhưng từ rất xa xưa, nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa đã chọn hình ảnh trái tim làm biểu tượng cho tình yêu. Trái tim không phải là nơi phát xuất tình yêu nhưng trái tìm là nơi cảm nhận và rung động khi con người yêu và được yêu. Theo kinh nghiệm trong cuộc sống, nhiều người cho rằng tình yêu đích thật và bền vững là tình yêu phải trải qua thử thách và trái tim yêu thương thật sự là trái tim mang nhiều thương tích.

Hôm nay mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được chiêm ngắm, cảm nhận một tình yêu vững bền, đích thực mà Chúa Giêsu đã dành cho nhận loại. Trái tim Người đã nhiều lần bị tổn thương, và còn bị thương tích bởi vì muốn chứng minh tình yêu đến cùng dành cho nhân loại.

1/ Bài đọc một chỉ cho thấy tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, cụ thể là dân Israel. Chỉ vì muốn yêu và vì đã yêu, Thiên Chúa đã chọn dân Israel, một dân tộc nhỏ bé trong muôn vàn dân tộc để kết ước với họ, nhận họ làm dân riêng của Ngài. Kể từ khi cam kết trung thành yêu thương dân này, Thiên Chúa liên tục bị tổn thương, bị xúc phạm vì sự phản bội ngỗ nghịch của họ. Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại cho dân chúng biết điều đó, khi nói với họ: Anh em đã được hiến thánh cho Đức Chúa, Thiên Chúa đã đem lòng quyến luyến anh em và đã chọn anh em chỉ vì Ngài yêu thương anh em. Để thể hiện tình yêu đặc biệt dành cho Israel, Thiên Chúa đã dùng cánh tay quyền lực để giải thoát và bênh vực Israel khỏi cảnh nô lệ và bàn tay tàn bạo của Pharaon.

Tác giá sách đệ Nhị Luật cũng nhắc đến thái độ phải có của Israel để đáp lại tình yêu với Thiên Chúa: Anh em phải tuân giữ giới răn và mệnh lệnh của Thiên Chúa; về phía Thiên Chúa, cho đến muôn đời, Chúa vẫn giữ trọn giao ước với kẻ yêu mến Ngài và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài. Trong tình yêu luôn chờ đợi sự đáp trả. Thiên Chúa yêu thương con Người và Ngài cũng chờ đợi sự đáp trả từ phía con người. Sự đáp trả tình yêu của con người không thêm gì cho Chúa, nhưng khi trung thành đáp trả bằng tình yêu, con người lại được trở nên đầy tràn và phong phú trong tình yêu. Trái lại khi phản bội hoặc cố tình từ chối tình yêu của Thiên Chúa, con người có thể gây tổn thương cho Thiên Chúa, và hủy hoại chính mình.

2/ Thiên Chúa dường như không thể ngăn chặn dòng sông tình yêu từ trái tim Ngài tuôn đổ cho nhân loại, Ngài đã cho Chúa Giêsu đến với nhân loại, để có thể yêu nhân loại bằng trái tim của nhân loại, theo cách thức của nhân loại. Chúa Giêsu chính là hiện thân tình yêu của Chúa Cha đến trần gian chỉ với sứ mạng duy nhất là yêu thương và cứu độ nhân loại. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy tương quan tình yêu của Chúa Giêsu với Chúa Cha và với nhân loại:

Chúa Giêsu đã yêu mến Chúa cha bằng tâm tình của người con đối với Cha, một trẻ thơ đối với mẹ. Đó là một tình yêu đơn sơ chân thành, tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Chúa Cha. Chính vì sống trong tương quan tình yêu hiếu thảo đặc biệt với Chúa Cha, nên Chúa Giêsu đã biết Chúa Cha bằng trực giác của tình yêu: Cha tôi đã trao mọi sự cho tôi, không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha và không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

Chúa Giêsu yêu mến nhân loại bằng một trái tim chạnh thương, trắc ẩn. Chúa mời gọi: Tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì mang thân phân con người, Chúa Giêsu thấu hiểu thế nào là đau khổ, là gánh nặng của kiếp người, vì thế Ngài không thể dửng dưng hay nhắm mắt làm ngơ, nhưng mời gọi mọi người đến với Ngài để Ngài chia sẻ bớt gánh nặng cuộc đời cho. Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường, tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Như thế, để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, cần phải trút bỏ khỏi mình những gánh nặng của tội lỗi, dục vọng và thế gian để mang lấy ách của Tin Mừng, nhất là hãy học nơi Chúa Giêsu để biết sống hiền lành và khiêm nhường, mạnh dạn đến với Chúa và trút cả gánh nặng cho Chúa.

Tại sao muốn được nghỉ ngơi bồi dưỡng phải học sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu ? Học sự hiền lành như Chúa là biết sống làm chủ bản thân, làm chủ sự nóng nảy giận dỗi, làm chủ cái tôi và dục vọng là nguyên nhân đem đến bất an, bất ổn cho tâm hồn. Học sự hiền lành để biết cư xử khiêm nhường và hiền lành với người khác, là không dùng ác báo ác, không dùng bạo lực đáp lại bạo lực, nhưng là dùng tình yêu để chiến thắng hận thù, dùng tha thứ để chiến thắng gian ác bất công. Khi mỗi người biết cư xử với nhau bằng hiền lành và khiêm nhường, cuộc sống này sẽ vơi đi đau khổ, thế giới sẽ bớt đi bóng tối của chiến tranh bạo lực, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn.

3/ Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã giải thích thêm khi nói: Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa…Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Như vậy có nghĩa là chúng ta được Chúa yêu, chúng ta mang trong mình tình yêu của Chúa, thì mỗi người cũng phải yêu anh em như yêu Chúa và như Chúa yêu. Khi dám yêu anh em như Chúa, thì chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận để trái tim mình bị tổn thương, và bị mang thương tích vì tình yêu.

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là dịp để mỗi người cảm nhận lòng thương xót đặc biệt Chúa dành cho ta. Thiên Chúa yêu thương ta không phải bằng một tình yêu chung chung, nhưng Ngài yêu ta như chính con người của ta, cùng với sự yếu đuốu bất toàn. Thiên Chúa yêu mỗi chúng ta không phải vì chúng ta dễ thương dễ mến, hay vì chúng ta đáng yêu, nhưng chỉ vì Chúa muốn yêu mỗi người. Vì muốn yêu, nên Thiên Chúa đã yêu ta, và vì đã yêu ta, nên Chúa làm cho chúng ta trở nên dễ thương dễ mến trong ánh mắt của Chúa. Chúa cũng mời gọi chúng ta dành trọn trái tim của ta cho Chúa, dành cho Chúa một ví trí ưu tiên tuyệt đối trong trái tim mình và để cho Chúa là chủ cả trái tim, tâm hồn và con người của mình.

Tình yêu đích thật không phải là một tình yêu tự kỷ, nhưng luôn hướng đến người khác. Một tình yêu luôn được khai thông, tuôn chảy đến người khác sẽ không làm vơi cạn tình yêu trong trái tim, nhưng trái lại, nó sẽ làm cho trái tim càng mở rộng và cuộc sống thêm phong phú. Ngược lại, khi tình yêu khi bị trói buộc trong chính mình hoặc chỉ giới hạn vào một số người, trái tim đó giống như một ao tù chứa đầy chất độc hại và là nơi chỉ có thể sinh ra những vi trùng nguy hiểm như ghen tị, nhỏ nhen, hẹp hòi ích kỷ.

Xin Cho mỗi gia đình biết tôn vinh Thánh tâm Chúa Giêsu làm Chúa làm chủ gia đình mình, để Chúa dạy cho mỗi người biết sống yêu thương. Xin cho chúng ta tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa và tin tưởng ký thác cuộc đời và những gánh nặng cho Chúa, để Chúa nâng đỡ bổ sức cho cuộc sống nhọc nhằn vất vả của ta. Amen.