MƯU SỰ TẠI “THIÊN”
THÀNH SỰ TẠI “NHÂN”





Có lẽ hầu hết mọi người đều nhận ra câu tựa đề trên đây có gì đó sai sai và không đúng với câu mà chúng ta vẫn thường nghe. Đúng hơn phải nói là: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, ý muốn nói mọi toan tính sắp đặt đều do con người, còn thành bại hay không là do Trời, do ơn trên. Điều này có thể đúng theo quan niệm của một số người, nhất là những người tin tưởng vào số phận, vào định mệnh; người ta hay nói vui với nhau: “Giày dép còn có số, huống chi là con người”.

Tuy nhiên, dường như có sự khác biệt lớn nơi quan niệm của người Kitô hữu, “Mưu sự” không còn là “tại nhân” nữa, bởi người Kitô hữu tin tưởng vào sự quan phòng và ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa; và “Thành sự” không còn là “tại thiên” nữa, bởi sự cộng tác của con người là yếu tố quyết định làm cho sự quan phòng và ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa được thành toàn, như lời thánh Augustinô nói: “Chúa dựng nên con chẳng cần đến con, nhưng cứu độ con, Ngài cần con đáp lời”.

Cần phân biệt sự quan phòng của Thiên Chúa và sự định mệnh theo quan niệm của một số người; “Định mệnh” tức là số mệnh đã được định sẵn từ trước rồi, con người phải theo y khuông như vậy, không thể khác, số phận định sẵn ông là ăn mày thì ông là ăn mày, ông này là tỷ phú thì là tỷ phú,… thậm chí có người còn nói số phận định sẵn ông này là linh mục thì phải là linh mục, không chạy đâu cho thoát. Xin hãy căn nhắc lại quan điểm này!

Sự quan phòng của Thiên Chúa nói một cách đơn giản đó là ý định ngàn đời của Thiên Chúa dành cho mỗi con người, Ngài đã quan phòng để con người sống trong tình trạng hạnh phúc, bình an và yêu thương; thế nhưng cùng với sự quan phòng đầy yêu thương đó, Thiên Chúa cũng ban cho con người sự tự do; với sự tự do này, con người có thể chọn hoặc từ khước sự quan phòng của Ngài, tức là từ khước chương trình tốt đẹp và đầy yêu thương của Ngài để làm điều ngược lại; và đó cũng chính là một trong những lý do sự dữ có mặt. Thiên Chúa dựng nên con người không như những con rối để rồi muốn làm gì thì làm, nhưng trao ban và tôn trọng tuyệt đối quyền tự do của con người, để con người làm chủ đời sống mình, để con người quyết định đời sống mình. Có thể dùng hình ảnh tượng trưng thế này, Thiên Chúa như vị kiến trúc sư đại tài, mỗi con người là một bản vẽ tuyệt vời từ tay Ngài; ngôi nhà có được xây dựng lên hay không, có đẹp hay không, có hoàn hảo hay không là do sự cộng tác của con người, tức là xây dựng theo bản vẽ của Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay cũng có thể minh chứng cho chúng ta thấy điều đó:
Trong bài đọc I, được trích từ 2 câu trong chương 55 sách tiên tri Isaia: "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác"; Lời Chúa phán ra thì luôn mang hiệu quả tốt đẹp và có giá trị, Lời Chúa không bao giờ là dư thừa, là vô ích khi đã được phán ra; Trong bài Tin Mừng, Lời Chúa như là hạt giống, được Chúa gieo vào thế gian, bản chất của hạt giống là sinh sôi những hạt khác, nhưng sự sinh sôi này bị lệ thuộc vào mảnh đất tâm hồn con người. Chỉ với mảnh đất tốt, hạt giống mới có thể sinh hoa kết quả như ý Chúa muốn: “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi.”

Rõ ràng sự cộng tác của con người là vô cùng quan trọng, đó là mảnh đất để hạt giống Lời Chúa được lớn lên và sinh hoa kết quả. Mỗi người chúng ta có thể nghe Lời Chúa mỗi ngày, mọi nơi, mọi lúc; ai cũng biết rằng Lời Chúa luôn luôn mang lại những lợi ích thiêng liêng cho cuộc đời chúng ta; thế nhưng những lợi ích thiêng liêng này chỉ có được khi chúng ta biết cộng tác cách tích cực, bằng cách đem Lời Chúa mà chúng ta nghe áp dụng cụ thể vào thực tại cuộc sống; chứ không phải nghe qua thấy hay hay, thấy thích và thậm chí thấm thía, nhưng rồi chỉ trong tít tắt sau đó, đâu lại trở về đấy; khi trở về với cuộc sống đời thường, chúng ta vẫn là con người cũ rít.

“Lời Chúa ngọn đèn cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”, ước mong rằng đây không phải là câu nói suông, nhưng là kim chỉ nam cho chúng ta khi áp dụng với đời sống, để Lời Chúa thực sự là ngọn đèn, thực sự là ánh sáng soi dẫn chúng ta đi.

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và đem ra thực hành Lời Chúa. Amen!

(Lovely Priest)