DÂN NGOẠI CÓ VỊ TRÍ NÀO TRONG TRÁI TIM CỦA CHÚA?

Lm. Đỗ Đức Trí – GP. Xuân Lộc

Người Do Thái ngày xưa mang trong mình sự kiêu hãnh tự tôn, cho rằng: Chỉ có dân tộc Do Thái được Chúa tuyển chọn và được thửa hưởng lời hứa cứu độ, còn các dân khác sẽ bị loại trừ. Từ cái nhìn này, dẫn đến việc coi thường dân ngoại. Cũng vậy, vào thời Trung Cổ, các Kitô hữu cũng mang chung một niềm kiêu hãnh này, dẫn đến tình trạng coi dân ngoại như thù địch, họ sẵn sàng ra tay tàn sát những người không tin vào Chúa Giêsu. Cái nhìn này cũng ảnh hưởng trên một số tín hữu Việt Nam, họ tỏ ra khinh thường những anh em ngoại đạo, coi những người ngoại đạo như những kẻ thuộc về ma quỷ, coi tất các các hình thức cúng bái, kính nhớ tổ tiên như là thờ bụt thần ma quỉ, phải sa hỏa ngục. Cho đến Công Đồng Vaticano II, các Nghị Phụ mới điều chỉnh lại cái nhìn của Giáo Hội về các anh chị em dân ngoại và tôn trọng niềm tin của họ.

Ngay từ đầu lịch sử cứu độ và đặc biệt là thời Chúa Giêsu, Ngài chưa bao giờ loại trừ các anh chị em dân ngoại, cũng không hề từ chối tình thương cứu độ cho những người chưa có đức tin nhưng thành tâm thiện chí, sống ngay thẳng chân thành. Lời Chúa hôm nay một lần nữa khẳng định: Thiên Chúa yêu thương mọi người không trừ một ai, tất cả đều được mời gọi để đón nhận ơn cứu độ. Dân Do Thái là dân được ưu tiên tuyển chọn trước, chứ không phải là dân tộc độc quyền ơn cứu độ. Cũng vậy, Thiên Chúa tỏ ra là Thiên Chúa của Israel, nhưng Thiên Chúa không thuộc quyền sở hữu của dân Israel, mà Ngài là Thiên Chúa của mọi người, mọi loài, mọi dân tộc.

Lời Chúa nói qua miệng tiên tri Isaia hôm nay vừa là lời cảnh báo cho Israel vừa điều chỉnh lại suy nghĩ độc tôn của họ. Người Do Thái cho mình thuộc dòng dõi Apbraham thì đượng nhiên sẽ được hưởng ơn cứu độ, còn dân ngoại thì không. Tiên tri Isaia cho thấy, bất cứ ai đều được mơi gọi tuân giữ điều chính trực, sống và thực hành theo sự công minh. Nếu người Do Thái không tuân giữ, họ cũng sẽ bị loại trừ, trái lại, nếu người dân ngoại sống công minh chính trực, họ sẽ được đón nhận: Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Ngài và yệu mến Thánh Danh cũng trở nên tôi tớ của người. Lời tuyên bố này quả là một bước tiến rất dài, thay đổi suy nghĩ hạn hẹp của người Do Thái trước đây.

Từ ý tưởng của Isaia nói trên, so với câu chuyện thánh Matthew thuật lại hôm nay, khiến cho nhiều người thắc mắc: Phải chăng Chúa Giêsu đã công khai khẳng định Ngài chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel mà thôi? Câu chuyện xảy ra tại miền Tia và Sidon là vùng đất thuộc dân Canaan, tức là vùng dận ngoại. Có một bà mẹ đến xin với Chúa: Lạy Ngài là con Vua Đavit xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm, nhưng Đức Giêsu không đáp lại một lời.

Lời kêu xin của người phụ nữ: Lạy Ngài là Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi. Khi gọi Chúa Giêsu là Con Vua Đavít, chắc chắn người phụ nữ này, dù không phải là người Do Thái, nhưng đã tin vào các lời tiên báo: Đấng Cứu Thế là Con Vua Đavít. Vì thế khi gọi Chúa Giêsu là Con Vua Đavít, chứng tỏ bà đã tin Chúa Giêsu là Đáng Cứu Thế, là Đấng Mêsia, Đấng giải thóat con bà khỏi sự kìm kẹp của ma quỷ.

Tuy nhiên điều khó hiểu là khi bà kêu xin với lòng tin như thế, nhưng Đức Giêsu vẫn không trả lời. Cho đến khi các môn đệ đến bầu cử cho bà: Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo ta mãi. Chúa trả lời các môn đệ: Ta chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel mà thôi. Khi trả lời như vậy, chắc chắn Chúa Giêsu không giới hạn sứ mạng của Ngài vào nơi dân Do Thái mà thôi. Nhiều lần khác Chúa đã khẳng định Ngài đem lửa xuống thế gian và muốn lửa đó bùng cháy lên; hoặc khi bước ra khỏi thuyền, thấy đám đông dân chúng bơ vơ, Chúa đã chạnh lòng thương; nhiều lần khác nữa Chúa đã chữa lành cho dân ngoại như: chữa cho con ông đại đội trưởng, chữa cho người phong cùi. Khi trả lời như vậy, Chúa muốn thử thách quan điểm và lòng tin của các tông đồ cũng như của người phụ nữ Canaan.

Các tông đồ dường như đã đạt điểm tốt trong bài trắc nghiệm này. Nếu như trước đây các ông đã từng xin Chúa loại trừ những kẻ nhân danh Chúa mà làm phép rửa, thì nay các ông đã vượt ra khỏi lối suy nghĩ hẹp hòi tự tôn để biết quan tâm đến người dân ngoại. Các tông đồ đã xin với Chúa: Thưa Thầy, xin Thầy giải quyết cho bà ấy cho rồi, khỏi bị phiền phức. Về phía người phụ nữ, khi nghe câu trả lời của Chúa, bà không thất vọng nhưng vẫn tiếp tục theo Chúa để nài xin Người.

Một lần nữa, Chúa Giêsu thử thách đức tin của bà khi nói với bà: Không nên lấy bánh của con cái mà dành cho chó con. Câu ngạn ngữ này của người Do Thái không mang nghĩa khinh miệt coi thường, mà chỉ là một cách so sánh thông thường. Tưởng rằng với câu trả lời này sẽ khiến cho người đàn bà kia tự ái bỏ đi, nhưng trái lại bà hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa Giêsu và đáp trả lại Chúa bằng một câu ngạn ngữ khác thể hiện lòng tin của bà: Thưa Thầy, chó con cũng được ăn những miếng bánh vụn từ bàn ăn của chủ rơi xuống. Câu trả lời của bà hết sức khiêm tốn và tin tưởng. Bà không dám đòi hỏi được ngang bằng với con cái là dân Israel, nhưng bà chỉ dám xin ân phúc dư thừa từ bàn ăn của chủ rơi xuống, thì bà cũng đã mãn nguyện.

Người phụ nữ này đã vượt qua được thử thách cách xuất sắc, đến độ Chúa Giêsu phải thán phục bà: Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Để đáp lại cho một lòng tin mạnh mẽ như thế nơi một phụ nữ dân ngoại, Chúa Giêsu như mở hết lòng thương xót cuả Ngài, Ngài không còn giới hạn với bà điều gì, Ngài trả lời với bà: Bà muốn thế nào thì sẽ được như vậy. Điều đó có nghĩa là bà muốn cho con bà được khỏi nó sẽ được khỏi, và nếu bà còn muốn gì hơn nữa, Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ chối bà. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy, tất cả mọi người đều có những lúc phải trải qua sự thử thách của đức tin. Chỉ những ai trải qua thử thách mà vẫn kiên trì tin theo Chúa, vẫn trung thành với giới răn lề luật của Thiên Chúa thì mới được gọi là dân của Chúa, là con cái Chúa.

Thưa quý OBACE, Thiên Chúa không bao giờ tiền định cho ai gặp sự khốn khó, cũng không bao giờ tiền định cho ai phải sa hỏa ngục, nhưng Ngài tiền định cho tất cả mọi người được ơn cứu độ. Cho dù là Do Thái hay Hylạp, nô lệ hay từ do, có đạo hay bên lương, tất cả đều được Thiên Chúa tiền định cho được hưởng phúc Thiên Đàng. Tuy nhiên mỗi người có được hương phúc Thiên đàng hoặc đón nhận được ơn cứu độ hay không còn tùy thuộc vào lòng tin và thái độ của mỗi người đối với Thiên Chúa.

Chúng ta là người đạo gốc, nhưng nếu ta không hết lòng tin tưởng cậy trông phó thác nơi Chúa, không trung thành tuân giữ giới răn lề luật Thiên Chúa, chúng ta sẽ bị loại ra ngoài. Trái lại những người ngoại đạo, bên lương, nếu họ sống với một lương tâm ngay thẳng, sống thành tâm thiện chí theo chủ quan của họ, họ vẫn có thể đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không cần quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng, nhưng chúng ta vẫn phải liên tục và miệt mài với sứ mạng này và không ngừng giúp cho các anh chị em lương dân đến gần Chúa hơn.

Xin Chúa giúp chúng ta loại bỏ khỏi mình cái nhìn tự mãn tự tôn, xin đừng bao giờ để chúng ta mang cái nhìn nghi kỵ loại trừ anh em, nhưng xin giúp chúng sống sao cho xứng đáng với niềm tin chúng ta đón nhận và tuyên xưng mỗi ngày. Amen.