THA THỨ VÌ ĐÃ ĐƯỢC THỨ THA


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP. Xuân Lộc


Trên mạng facebook có đăng một video clip với tựa đề: Sức mạnh của sự tha thứ. Video kể về một phiên tòa tại Mỹ xét xử một tù nhân máu lạnh tên Gary Ridgway, 54 tuổi phạm tội cưỡng hiếp, giết 48 phụ nữ. Trong phiên tòa, gia đình các nạn nhân đứng lên tố cáo hắn, nguyền rủa hắn và đòi hắn phải trả nợ bằng máu. Trước những lời cáo buộc, lên án gay gắt từ phía gia đình các nạn nhân, tên giết người hàng loạt này không hề biểu lộ một chút cảm xúc, hối hận hoặc lo lắng, mặt hắn vẫn lạnh lùng. Sau cùng, một người đàn ông, là cha của một nạn nhân 16 tuổi, đứng lên nói với hắn: Anh Gary Ridgway, mọi người lên án anh, thù oán anh, nhưng tôi không ở trong số những người ấy. Thật khó khăn cho tôi lúc này để tôi có thể sống những điều tôi đã tin tưởng, đó là điều Chúa đã dạy: Hãy tha thứ. Tôi muốn nói với anh rằng: Anh được tha thứ, tôi tha thứ cho anh. Nghe đến đây, tên tù nhân đã gục đầu xuống khóc.

Thưa quý OBACE, lời nguyền rủa cay cú, độc ác hay những lời kết án nặng nề không làm lay động con tim, nhưng một lời chân thành tha thứ khiến cho con người có thể thay lòng đổi dạ. Một hành động tha thứ có thể làm cho người tha thứ thanh thản cõi lòng và có thể làm cho người có lỗi trút nhẹ được gánh nặng đang đè trong tâm hồn.

Câu chuyện Tin Mừng cho thấy, ông Phêrô có điều gì đó rất bức xúc, có lẽ ông băn khoăn về Chúa dạy cách sửa lỗi anh em, ông đã cố gắng mà không vượt qua được. Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, nếu anh em cứ xúc phạm đến con, con phải tha cho họ mất lần? Có phải đến bảy lần không? Nếu so với luật Cựu Ước, việc ông đưa ra tha bảy lần đã là một cố gắng trổi vượt, vì luật cựu Ước cho phép trả thù tương đương “mắt đền mắt”. Hơn nữa với việc tha thứ bảy lần, Phêrô nghĩ là đã quá đủ, đã đến hết giới hạn của sự kiên nhẫn.

Chúa Giêsu đã trả lời cho Phêrô: Thầy không bảo là bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Chúa Giêsu muốn Phêrô và các môn đệ của Ngài phải dỡ bỏ hoàn toàn giới hạn trong việc tha thứ và phải nối dài sự kiên nhẫn. Tha thứ bảy mươi lần bảy là tha hoài, tha mãi, tha không điều kiện. Tha hoài, tha mãi là để cho lòng mình hoàn toàn “dãn ra”, không còn chút tự ái, bực bội, nhưng phải thực sự thanh thản nhẹ nhàng và bình an, khi đó, tha thứ mới thực sự phát xuất từ trong lòng. Đòi hỏi tha thứ không phải chỉ là bỏ qua một bên hoặc tạm quên điều lỗi của anh em, sau đó có thể khôi phục lại khi cần, nhưng là phải xóa hết, xóa sạch, xóa từ trong file gốc tận đáy tâm hồn. Chúa muốn ta tha thứ không chỉ là cái gật đầu hoặc nói một lời chấp nhận miễn cưỡng, mà còn phải là sự chủ động và có hành động cụ thể để thể hiện sự tha thứ, hàn gắn lại vết tổn thương.

Lý do phải tha thứ cho anh em bảy mươi lần bảy là vì mỗi người ý thức được sự giới hạn, yếu đuối của mình đã nhiều lần xúc phạm đến Thiên Chúa, gây tổn thương cho anh em, nhưng đã được cảm thông tha thứ. Chúa Giêsu đã kể câu chuyện: Một con nợ mắc nợ nhà vua mười ngàn yến vàng, tính ra tiền ngày nay tương đương hàng trăm triệu đola. Nhưng vì hoàn cảnh tội nghiệp của y và vì đã van xin hết lòng, ông chủ đã chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Cho dù con nợ đã làm thất thoát, thiệt hại đến ông chủ số tài sản quá lớn, nhưng ông không muốn để cho nó làm thiệt hại đến trái tim chạnh thương của ông, ông để cho trái tim của ông lớn hơn mười ngàn yến vàng. Vì thế, ông đã tha bổng cho nó.

Tuy nhiên, điều trái nghịch đã xảy ra, khi ra về, hắn gặp một người bạn nợ hắn một trăm đồng bạc, hắn đã phản ứng hoàn toàn ngược lại với lòng quảng đại và sự chạnh thương của ông chủ mà hắn vừa nhận được: Y túm lấy người bạn, bóp cổ mà bảo: Trả nợ cho tao, cho dù người bạn kia cũng hết lòng van xin như hắn vừa van xin ông chủ. Không chỉ hung hãn, côn đồ, mà còn thù hằn gian ác, hắn đã tống người bạn vào ngục cho đến khi trả hết nợ.

Tên đầy tớ trong câu chuyện vừa đón nhận được sự tha thứ vô điều kiện của ông chủ, nhưng anh ta lại đối xử hẹp hòi cay độc với bạn mình. Vì thế, y không đáng được hưởng lòng xót thương tha thứ của chủ nữa. Ông chủ đã đòi hắn đến và trách rằng: Tên đầy tớ độc ác kia, Ta đã tha hết số nợ cho ngươi vì ngươi đã van xin ta, còn ngươi, tại sao ngươi không biết thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi? Rồi ông chủ nổi giận, trao y cho lính canh và đối xử với y như y đã đối xử với người bạn của y. Chúa Giêsu đã rút ra kết luận: Vậy, Cha của anh em trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.

Thưa quý OBACE, vào thứ tư 6/9 vứa qua, Đức Thánh Cha Fancis đã có chuyến thăm Colombia. Mục đích chuyến đi nhắm xây dựng hòa bình, kêu gọi sự tha thứ và hàn gắn vết thương do cuộc chiến tranh gây ra tại đây. Ngài nói: Hòa bình là điều mà Colombia đã và đang tìm kiếm trong một thời gian dài,”. “Một nền hòa bình ổn định và lâu dài, để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh em, không phải là kẻ thù.” Đức Hồng Y Quốc vụ Khanh cùng tháp tùng Đức Thánh Cha cho biết: thông điệp chính ĐTC muốn gưi đến dân Clombia là: “mỗi người có khả năng tha thứ: tha thứ, và nhận được sự tha thứ.”

Mỗi người trong chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Mỗi người đều là con nợ trước mặt Thiên Chúa, ta mắc nợ tình yêu, mắc nợ sự sống từ nơi Ngài. Chúng ta phạm tội và phải chết, nhưng Thiên Chúa vẫn xót thương tha thứ và cho ta được sống. Hơn nữa, cho dù ta tội lỗi, phản bội Ngài, Thiên Chúa vẫn yêu thương không mệt mỏi để tha thứ và còn ban ơn trợ lực nâng đỡ, gìn giữ chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng phải yêu thương tha thứ cho anh chị em, mỗi khi họ xúc phạm đến ta.

Trong cuộc sống, để nói lời xin lỗi khi ta gây ra điều lỗi đã là việc khó, việc đón nhận lời xin lỗi và thực tình tha lỗi lại là điều khó hơn. Các lãnh đạo ở Việt Nam chúng ta không bao giờ biết xin lỗi hoặc nhận trách nhiệm, họ chỉ loanh quanh chống chế cách gian dối. Như vụ nhập thuốc ung thư giả đã chiếm đoạt bao nhiêu tiền của và cướp đi cả mạng sống của nhiều bệnh nhân, thế nhưng từ bộ trưởng đến cấp dưới, không ai nói lời xin lỗi. Ở các nước văn minh, khi người thuộc cấp làm sai, thì người đứng đầu đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi toàn dân và kể cả từ chức như một hình phạt dành cho bản thân.

Người ta nói rằng ở Việt Nam, hai từ xin lỗi thuộc dạng từ hiếm. Ví dụ, một vụ va quẹt xe xảy ra, người gây ra lỗi thường lại là người lớn tiếng áp đảo người khác thay vì xin lỗi. Nhiều vụ việc bạo lực, án mạng sẽ không xảy nếu chỉ cần hai bên nói lời xin lỗi. Trong gia đình không thể tránh được những lúc nóng nảy cãi vã, tuy nhiên, vì cả hai bên cùng tự ái, không ai chịu nhận cái sai về mình, không nói lời xin lỗi, dó đó cãi và ngày càng gia tăng và dẫn đến đổ vỡ gia đình. Có nhiều người nuôi mối thù từ đời này qua đời khác, đem thù hận xuống dưới mồ chứ không chịu tha thứ. Vì thế, có những người chết mà không nhắm mắt, ra đi mà không thanh thản.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được thân phận yếu hèn hay sai lỗi của mình, khiêm nhường xin Chúa thứ tha và xin anh chị em thông cảm tha thứ và để biết sửa sai, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Xin cho chúng ta khi đón nhận sự tha thứ của Chúa, sự thông cảm của anh chị em thì cũng biết dễ dàng tha thứ thông cảm cho anh chị em khác, khi họ vô tình làm tổn thương, kể cả khi họ cố tình xúc phạm đến mình.

Xin cho chúng ta thấm nhuần Lời chúa dạy hôm nay để biết tha thứ không giới hạn, tha hoài, tha mãi vì Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Amen