Bực mình và đời sống thiêng liêngNhấn vào ảnh để xem kích thước thật

Tên:  buc-minh-va-doi-song-thieng-lieng.png
Lần xem: 103
Kích thước:  92.5 KB

Văn sĩ Mỹ Stanley Elkin có lần gợi ý “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người có tính bực mình vào nước trời.” Và đúng thiệt.

Một ngạn ngữ Đức nói bạn có thể chết vì bực mình, và tôi ngờ, có không ít người chết vì nó thật. Còn chúng ta thì phải đối diện với nó mà áp huyết cứ tăng lên vùn vụt. Cũng như mấy con muỗi, chúng làm chúng ta bực mình khi đi pic-nic, những con muỗi nho nhỏ không ai muốn mà đến, không đáng kể trong tổng thể bối cảnh, nhưng đủ để lúc đó mất vui.

Cũng vậy với tất cả các cuộc họp mặt gia đình, bạn bè, đám cưới, sinh hoạt giáo xứ, sinh hoạt chung chung trong cuộc sống bình thường. Chúng ta có thể yêu thương và kính trọng sâu xa một người, chia sẻ cùng giá trị với họ, ngay cả sống chết với họ nhưng lại thường xuyên bực mình vì các tật kỳ quái của họ, cách anh tằng hắng giọng, cách chị lúc nào cũng đi trễ, cách anh ngáy vang động, cái tính thích kể chuyện tiếu lâm của anh, cách chị ăn uống ngâm nga chậm rãi, mái tóc lập dị, không chọn áo quần thích hợp, khiếu thẩm âm hơi khác người, không thích đồ ăn Mỹ, ăn xong vứt bừa chén bát vào bồn rửa chén, danh sách còn dài dài… Không có chuyện gì thật sự quan trọng, nhưng, như mấy con muỗi, nó làm cho buổi pic-nic mất vui.

Và đương nhiên còn luật Murphy, luật bi quan cho rằng các bực mình cứ nối tiếp vô tận với tác hại của chúng. Không phải vì các chuyện kỳ quái hay các thói quen xấu nhưng là nó đến không đúng lúc, đúng thì: “Tại sao anh tài xế trước mặt lái chậm như rùa trong lúc tôi sắp trễ cái hẹn quan trọng? Tại sao cô thợ cắt tóc lại chọn đúng lúc tôi sắp có cuộc họp quan trọng ở trường lại chải đầu tóc tôi như ổ quạ? Tại sao bạn đồng nghiệp tôi đau đúng lúc tôi chuẩn bị đi nghỉ hè? Có một nhiễm sắc tố ADN gì đó trong vũ trụ mà mục đích duy nhất của nó là thử thách tính kiên nhẫn và lòng bao dung của chúng ta không? “Luật Murphy” không có trách nhiệm trên các thảm kịch lớn của cuộc sống, nhưng nó có trách nhiệm rất nhiều trên lời nói mà đáng ra chúng ta không được nói trước trẻ con.

Điều buồn cười cho những chuyện bực mình này là chúng không phản ảnh các nét lớn trong cuộc sống, tính tình, giá trị, tình yêu, lòng biết ơn hay ý nghĩa cuộc sống nhưng chúng lại làm mất đi tầm nhìn.

Và vì thế khi chúng ta đi xuống ăn điểm tâm, khi thấy có ai trước đó đã làm đổ sữa trên sàn mà không lau, thế là đủ để chúng ta không thấy mặt trời vừa mọc, rằng chúng ta đang còn sức khỏe và còn sức sống, không còn thấy có bao nhiêu người yêu thương mình, mình có việc tốt để làm, và sắp thưởng thức bữa ăn sáng ngon lành. Một ít giọt sữa đổ, thay vì cám ơn Chúa thì lại kêu trời.

Cũng thế, khi vào phòng tắm, thay cho lời cám ơn vì có được phòng tắm hiện đại thì chúng ta bực mình, ai trước đó đã không để ra ba mươi giây thay cuộn giấy đã hết (“Chắc tôi là người duy nhất trong nhà này biết làm chuyện này!”) Chuyện vớ vẩn đó không phải là chuyện của nhà huyền bí, nhưng đời sống có những chuyện trần thế mà nhà huyền bí phải đối diện.

Chúng ta phải làm gì với các chuyện bực mình này?

Bà Erma Bombeck viết một phiên bản của bà cho đề tài cổ điển: “Nếu Tôi Có Một Đời Sống Để Sống Lại.” Trong đó, bà nói đến rất nhiều lần, trong vài trò làm mẹ, khi các con còn nhỏ, chúng đã đến quấy rầy bà, vẽ dơ tường, làm mất trật tự trong nhà, đến ôm bà với đôi bàn tay nhem nhuốc làm dơ áo đẹp của bà. Bà viết, nếu được làm lại, bà sẽ yêu thương các chuyện quấy rầy này, sẽ không để ý đến chuyện làm dơ bẩn, sẽ đến hôn đứa bé vừa làm dơ áo, vì, rất sớm, chúng sẽ ra đi, sẽ biến mất trong cuộc đời của mình, để lại chỉ là kỷ niệm, hoài niệm những điều tuyệt vời đã từng làm mình bực mình.

Thời gian và khoảng cách, rất sớm, sẽ lấy đi các chuyện quý giá và đến một ngày, chúng ta nhìn lại với tiếc nuối (hy vọng là với chút óc hài hước) cái ly sữa bị đổ trong bếp, cái cuộn giấy chưa thay, và chúng ta sẽ tự hỏi, tại sao lúc đó chúng ta lại bực mình. Và thời gian sẽ đi rất nhanh, rất nhanh khi những người thân yêu đã ra đi hoặc chúng ta chuẩn bị ra đi, khi chỉ còn tình thương mến, chúng ta sẽ nhớ lại các tật kỳ quái của họ, cách anh tằng hắng giọng, cách chị lúc nào cũng đi trễ, cách anh ngáy vang động, cái tính thích kể chuyện tiếu lâm của anh, cách chị ăn uống ngâm nga chậm rãi, mái tóc lập dị, không chọn áo quần thích hợp, khiếu thẩm âm hơi khác người, không thích đồ ăn Mỹ, và lúc đó, chúng ta thấy thời gian hạnh phúc với nhau, cùng chia sẽ với nhau quá ngắn.

J.B. Thái Hòa dịch