THIÊN CHÚA TỐT LÀNH QUẢNG ĐẠI – CON NGƯỜI GHEN TỊ NHỎ NHEN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP. Xuân Lộc

Ghen tức, ghen tị là thói xấu ăn sâu vào tâm hồn và chi phối hành động của nhiều người. Các hình thức ghen tị được thể hiện hết sức đa dạng và có khi còn mang màu sắc tốt lành nữa. Người ta có thể dễ dàng đến thăm đám tang hoặc an ủi người đau khổ hơn là đến để chúc mừng sự thành công của người bạn. Hai nhà hàng xóm ghen tị nhau vì cái xe, vì trang thiết bị trong nhà, dẫn đến việc lườm nguýt, nói xấu nhau. Các quan chức ghen tị nhau vì người này giàu hơn người kia, thanh thiếu niên ghen tị nhau vì cái xe, hoặc vì áo quần, vì bạn bè, từ đó dẫn đến đánh nhau. Người ta cũng có thể thấy các hình thức ghen tị trong đời sống đạo khi người này thấy người khác xem ra đạo đức, thành công hơn mình, được nhiều người quý mến, hoặc thấy họ nhiệt tình phục vụ hơn mình.

Ngày xưa trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã trách những người mang trong mình cặp mắt ghen tị qua dụ ngôn ông chủ tuyển chọn thợ làm vườn. Kể câu chuyện này, Chúa Giêsu nói với những người Do Thái luôn tự hào tự mãn cho rằng họ là những người được Thiên Chúa ưu tiên tuyển chọn, là những người độc quyền hưởng ơn cứu độ. Đức Giêsu đến, Ngài mở rộng vòng tay để mời gọi hết mọi người, mọi dân trở về với Thiên Chúa, gia ngập vào vương quốc của Ngài. Chúa Giêsu đã không ngần ngại tiếp xúc và mời gọi mọi người từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ Do Thái đến dân ngoại, từ người thu thuế đến những cô gái điếm đón nhận Tin Mừng. Bất cứ ai sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa, đều trở nên môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, những người Do Thái đã khó chịu khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc với những người tội lỗi, họ không muốn thấy Thiên Chúa đối xử nhân hậu với những người này.

Chúa Giêsu đã kể câu chuyện: Một ông chủ từ tảng sáng đã ra ngoài đường để thuê thợ vào làm vườn nho cho ông. Ông tỏ ra rất cần thợ, đối với ông, làm nhiều hay làm ít, sớm hay trễ không quan trọng cho bằng người được mời sẵn sàng nhận lời mời của ông để vào làm vườn nho. Những người được mời làm từ sáng sớm đã được thỏa thuận tiền công là một đồng một ngày. Sau đó, ông chủ vẫn tiếp tục ra ngoài để tuyển thợ, cho dù đã trưa, đã chiều và đã gần hết ngày. Cuối ngày, ông trả cho mỗi người một đồng tiền lương như đã thỏa thuận với những người làm từ buổi sáng, dù họ làm việc từ sáng sớm hoặc khi đã chiều muộn. Hành động quảng đại của ông chủ đã khiến những người đến từ sáng sớm ghen tức, họ trách ông: Tại sao chúng tôi vất vả từ sáng sớm mà ông cũng trả cho chúng tôi một đồng bằng với người đến sau?

Câu trả lời của ông chủ cho thấy, ông không làm điều bất công, cũng không làm thiệt hại ai, ông chỉ làm do sự thức đẩy của lòng quảng đại và hay thương xót từ trái tim của ông. Ông không muốn để cho bất cứ ai đứng bên ngoài vườn nho, ông cũng không muốn để những người làm vườn nho cho ông phải thiếu thốn. Khi những người làm từ buổi sáng trách ông không công bằng, ông đã giải thích rõ ràng: Tôi không làm thiệt hại bạn, tôi đã thỏa thuận với bạn là một đồng một ngày công. Bây giờ tôi trả cho những người đến sau một đồng bằng bạn, đó là việc của tôi. Việc ông chủ trả cho những người làm một giờ bằng với người làm từ sáng không phải vì họ xứng đáng, nhưng hoàn toàn do lòng quảng đại của ông chủ, ông muốn và ông làm như thế.

Ông chủ trong câu chuyện chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là một ông chủ tốt lành quảng đại. Ngài muốn mời gọi mọi người cùng vào làm trong vườn nho là Giáo Hội, không kể người đó là dân nào, cũng không kể họ là đạo gốc hay tân tòng, miễn là họ đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở thành thành viên trong gia đình của Chúa. Thiên Chúa không chấp nhận sự nghi kỵ, ghen tị trong ánh mắt, trong thái độ của các thành viên trong vườn nho của Ngài. Ngài cũng không muốn con người dùng trái tim hẹp hòi nhỏ bé của mình để giới hạn lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đã khẳng định: Những kẻ trước hết sẽ nên rốt hết và những người rốt hết sẽ nên trước hết. Vậy ai là người trước hết và ai là người sau hết trong câu kết này? Người trước hết ở đây chính là những người Do Thái, họ là dân tộc đầu tiên được thừa hưởng lời hứa cứu độ, nhưng vì họ đã không cố gắng, không hết mình để phụng sự Chúa, họ trở thành kẻ đứng sau hết. Trái lại, những người dân ngoại thành tâm thiện chí tìm kiếm Chúa, dù biết Chúa muộn màng nhưng lại là những người trước hết được thừa hưởng ơn cứu độ. Như thế, việc tin theo Chúa, việc làm vườn nho cho Chúa không được tính bằng thời gian hay vận tốc, làm nhiều hay ít theo số học, mà được tính bằng cường độ của lòng yêu mến và sự nhiệt tâm chúng ta dành cho Chúa. Như vậy, cho dù chỉ làm những việc thật nhỏ bé tầm thường, nhưng với tấm lòng và tình yêu mến mạnh mẽ lớn lao, thì công việc nhỏ bé ấy sẽ trở thành to lớn trước mắt Thiên Chúa. Đó chính là cách tính toán đong đếm của Thiên Chúa.

Tiên tri Isaia đã diễn giải cách đánh giá và cách tính toán “khác thường” của Thiên Chúa: Kẻ gian ác khi bỏ tư tưởng và hành động gian ác, nó sẽ được Thiên Chúa xót thương. Kẻ tội lỗi khi thật lòng trở về với Thiên Chúa, Người sẽ rộng lòng tha thứ. Vì tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa không phải là tư tưởng và đường lối của loài người, “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối, tư tưởng của Ta cũng khác xa tư tưởng và đường lối của các ngươi bấy nhiêu”.

Thánh Phaolô cũng đã có kinh nghiệm này. Ngài luôn ý thức mình là kẻ sinh sau đẻ muộn so với các tông đồ, nhưng đã được Chúa thương tuyển chọn làm tông đồ cho Chúa, vì thế, Ngài chỉ còn một cách đó là dùng hết tình yêu và cuộc đời của mình để phục vụ Chúa và các linh hồn mà không tính toán thiệt hơn. Tất cả cuộc đời của Phaolô dù sống hay chết, là để phục vụ Chúa và các linh hồn.

Mỗi người chúng ta đều được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa là Giáo Hội, không kể tuổi đời, cũng không kể tuổi đạo, tất cả đều được mời gọi hết lòng yêu mến và làm việc cho Chúa, làm vinh danh Chúa. Vì thế, đừng bao giờ tỏ ra ganh tị với nhau trong công tác tông đồ, cũng đừng ganh tị khi thấy Chúa có vẻ ưu ái người này, người khác hơn mình. Chúa vẫn ưu ái mỗi người cách đặc biệt, nhưng vì chúng ta dùng cặp mắt ghen tị, trái tim hẹp hòi để đong đếm tình thương của Chúa, nên nhiều lần ta oán trách Chúa không công bằng, ta không nhận ra lòng quảng đại xót thương của Chúa, hoặc ta ghen tị với anh chị em. Sự ghen tị này xảy ra ngay trong sinh hoạt hội đoàn trong giáo xứ, kèn cựa nói xấu, phân bì lẫn nhau, so đo tính toán trong công việc tông đồ.

Sự ghen tị cũng diễn ra trong gia đình, nơi chòm xóm, bạn bè và nơi xã hội như đã nới ở trên, dẫn đến tình trạng nói xấu, dèm pha, dìm hàng lẫn nhau. Người này tỏ ra khó chịu, tức tối khi người khác được khen, được thành công hơn mình, đẹp hơn mình.

Xin Chúa giúp mỗi chúng ta luôn nhận ra lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với bản thân và đối với anh chị em. Xin Chúa giúp chúng ta gỡ khỏi mình cặp mắt ghen tị nhỏ nhen, trái tim hẹp hòi và xin ban cho chúng ta có tấm lòng và cái nhìn nhân từ quảng đại như Chúa. Amen