CN XXVI TN/ A
Bài đọc 1 : ( Ed 18:25-28). Bài đọc 2 : ( Pl 2:1-11). Tin Mừng : ( Mt 21:28-32)
HỐI HẬN
Tóm kết nhân vật Emily Dickison do nữ diển viên người Anh Julie Harris đóng trong vở kịch ‘The Bell of Amerhahart’, Lm Jack Mc Ardle đã viết:Trong hồi thứ nhất, khán giả được biết về hoàn cảnh tôn giáo của Emily. Bà xuất thân từ một gia đình theo Thanh Giáo nghiêm khắc, cứng nhắc; thân phụ bà là một chức sắc trong đạo. Emily phải đi nhà thờ một cách miễn cưỡng, phải làm các việc đạo đức một cách bắt buộc, v.v...Do đó, não trạng phản kháng đã trỗi dậy trong cuộc sống của người phụ nữ này. Bà bắt đầu chất vấn về một số giáo huấn và tập tục mà bà đã được giáo dục. Tuy vậy, Emily vẫn là một con người đức độ. Thơ ca của bà biểu lộ một sự ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế gian này và về mầu nhiệm vĩ đại của sự sống và sự chết. Như chúng ta đã biết, thỉnh thoảng Emily đã phải chiến đấu với những hoài nghi và những nỗi sợ hãi về Thiên Chúa và về đạo giáo. Tuy nhiên, trong vở kịch ấy, đã có lúc Emily Dickison đã xác nhận rằng: “ Tôi biết chắc điều này là không ai có thể hạnh phúc thực sự cho đến khi nào họ nói thực sự rằng ‘ Tôi yêu mến Chúa Kitô’.
Các kỳ lão, biệt phái và thượng tế trong đền thờ là những người tự xưng mình là những người gương mẫu về đời sống tôn giáo. Họ giữ luật một cách nghiêm ngặt đến mức độ cực đoan. Họ xem những người bất hạnh hay lỗi luật là những người tội lỗi không còn xứng đáng với Nước Trời. Để phê phán lối sống hình thức hẹp hòi của họ, Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn về hai người con như sau: “ Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “ Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “ Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “ Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi.” Đức Giêsu hỏi những người đang chất vấn Ngài: “ Trong hai người đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Người con thứ nhất, tuy không thuận với ý kiến của cha, nhưng vì hối hận, anh lại thi hành hành ý muốn của cha; ngược lại, người con thứ hai vâng ý cha, nhưng lại không làm. Ngôn hành bất nhất. Cả hai đều bị giằng co giữa đi và không đi.
Nhà có một vườn nho. Đó là vườn nho Nước Trời. Lẽ ra, chẳng cần người cha hỏi ý kiến, các con của ông cũng phải cảm thấy trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Vườn Nho ấy. Nhưng ông lại không mệnh lệnh độc đoán. Ông không ra lệnh, không ép buộc các con của ông phải làm theo ý của mình. Ông tôn trọng quyền tự do quyết định của các con ông.
Thiên Chúa cũng vậy. Ngài là Cha, là Thiên Chúa đầy lòng khoan dung. Ngài có quyền sai khiến cho con người phải hành động theo ý muốn của Ngài. Nhưng Ngài đã không làm như thế, vì Ngài tôn trọng quyền tự do của con người. Nếu là một Thiên Chúa chỉ dùng quyền lực để sai khiến con người thì Ngài chẳng cần gì phải hỏi ý kiến của các con của mình. Người ta thường hay vẽ ra một Thiên Chúa thích trừng phạt và áp đặt mệnh lệnh độc đoán lên con người. Qua hình ảnh người cha nhân từ, tôn trọng ý kiến của những người con, Thiên Chúa cũng tôn trọng quyền tự do mà Ngài đã trao ban cho con người. Với sự tự do này, con người có thể bước theo thánh ý của Ngài hay khước từ quay lưng chống lại Ngài. Con người có thể vâng theo thánh ý của Ngài, nhưng cũng có thể khước từ ý muốn, đường lối của Ngài. Điều quan trọng là Thiên Chúa sẽ xét xử con người tùy theo thái độ của chúng ta trong quyết định làm hay không làm theo thánh ý của Ngài chứ không phải theo lời nói suông.
Là người Kitô hữu, chúng ta vẫn luôn nghe lời mời gọi của Thiên Chúa: “ Hôm nay, con hãy đi làm vườn nho.” Và chúng ta đã đáp lại lời gọi ấy như thế nào? Hãy cảnh tỉnh với lời cảnh cáo của Đức Giêsu nói với các thượng tế và kinh sư: “ Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” Tất cả vì sự hối hận và lòng tin.

Lm Trịnh Ngọc Danh