CN XXIX TN / A
Bài đọc 1 : ( Is 45:1,4-6). Bài đọc 2 : ( 1Tx 1:1-5). Tin Mừng : ( Mt 22:15-21)
HAI TRONG MỘT
Hai nhóm người biệt phái và và những người theo Hêrôđê có những lập trường đối nghịch nhau. Nhóm Pharisiêu thì chỉ muốn bênh vực truyên thống sống đạo của cha ông mà họ cho là cách duy nhất để làm đẹp lòng Thiên Chúa; nhưng trên phương diện chính trị thì họ lại không chấp nhận sự hiện diện của người Rôma đang nắm quyền cai trị. Những người theo Hêrôđê ủng hộ chính sách đô hộ của người Rôma. Hai nhóm đối nghịch nhau; nhưng để chống lại Đức Giêsu, họ đã liên kết với nhau để tìm bắt Ngài.
Họ đã đưa ra câu hỏi: “ Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Nếu trả lời ‘được’ thì người Pharisiêu sẽ tố cáo Ngài đi với người ngoại bang; nếu trả lời “không được’, thì nhóm Hêrôđê sẽ bắt Ngài vì tội xúi dục dân chúng nổi loạn chống lại người Rôma. Câu trả lời của Đức Giêsu làm cho cả hai nhóm không bắt bẻ được Ngài, đồng thời còn xác định một chân lý mới mẻ là chính quyền có một vai trò, nhưng quyền lực của của họ bị hạn chế, và không thể thay thế được Thiên Chúa: “ của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Nhưng những gì của Xêda và những gì của Thiên Chúa?
Mỗi người Kitô hữu là công dân thuộc hai quốc gia: công dân thuộc Xêda và công dân thuộc Thiên Chúa. Câu trả lời của Đức Giêsu khẳng định rằng: tôn giáo và chính trị là hai lãnh vực khác nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo phải trở thành chính trị. Mỗi con người phải chu toàn hai nhiệm vụ : xã hội và tôn giáo. Nhưng nhiệm vụ nào là nhiệm vụ quan trọng mà con người phải chu toàn trước hết?
Là công dân của một quốc gia nơi họ sinh ra và sinh sống, người Kitô hữu chịu ơn quốc gia này vì nhiều quyền lợi. Họ có thể sống hòa bình, an vui, được hưởng những phương tiện sinh sống đầy tiện nghi nhờ vào sự điều hành và quy luật của quốc gia này. Dưới sự điều hành của một chính quyền hợp pháp, người Kitô hữu phải tôn trọng các luật lệ và quy tắc của chính quyền ấy, phải trở nên những công dân có trách nhiệm, và bằng hết khả năng của mình, phải đóng góp vai trò của mình trong việc làm cho quốc gia trở thành một nơi tốt đẹp cho tất cả các công dân.
Nhưng người Kitô hữu cũng còn là một công dân của Nước Trời. Đối với Nước Trời, người công dân được hưởng những đặc ân đặc biệt là trở thành con Thiên Chúa theo hình ảnh của Ngài. Họ cũng có những nghĩa vụ phải chu toàn. Là công dân thuộc hai quốc gia, người Kitô hữu đích thực sẽ phải phấn đấu trở thành những công dân tốt trong nước mình , và đồng thời cũng phải phấn đấu trở thành công dân tốt trong Nước Thiên Chúa.
Có chăng sự khác biệt hay đối lập giữa công dân trần thế và công dân Nước Trời? Người công dân theo hình ảnh Xêda là một con người đầy tham vọng, ích kỷ. Ngược lại, công dân Nước Trời được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa lại là công dân biết xả thân, quên mình để yêu thương phục vụ Thiên Chúa và tha nhân theo gương người lãnh đạo của mình là Đấng đầy yêu thương, nhân ái và giàu lòng thương xót. Người công dân Nước Trời không nên tránh né những công việc tốt đẹp của nước trần thế, nhưng nên xem đó như một cơ hội để phục vụ đồng loại, và như thế, chính là phục vụ Thiên Chúa. Dag Hammarskjold, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đã phục vụ công ích không đơn giản như là một sự nghiệp, hay một phương tiện để thể hiện quyền lực, nhưng ông coi đó là một ơn gọi tôn giáo, một phương tiện để sống trung thành với Thiên Chúa. Ông nói: “ Thái độ lãnh đạm với sự dữ còn tệ hại hơn là chính bản thân sự dữ, và trong một xã hội tư do, có một số điều là tội lỗi, nhưng tất cả đều là trách nhiệm.” và Gandhi, một nhà chính trị đã nói: “ Tôi làm chính trị, vì tôi không thể tách biệt cuộc sống ra khỏi đức tin. Bởi vì tôi tin vào Thiên Chúa, nên tôi phải tham gia vào chính trị. Chính trị là cách phục vụ của tôi đối với Thiên Chúa.”
Chỉ thị của Đức Giêsu “ của Xêda, trả Xêda; của Thiên Chúa, trả Thiên Chúa”là một nguyên tắc hành động, nhưng phân biệt được ranh giới giữa phạm vi dân sự và phạm vi tôn giáo không phải lúc nào cũng dễ dàng!
Lm Trịnh Ngọc Danh