Xã Hội Vô Cảm


Lm. Jos Tạ duy Tuyền


Hiện nay một căn bệnh trầm kha đang gặm nhấm tình người chính là bệnh vô cảm. Bệnh vô cảm không phải là bệnh của thế lý mà là bệnh của tâm hồn. Căn bệnh này đang lây lan trên toàn xã hội mà chúng ta có thể thấy mọi nơi. Đôi khi ta vẫn thấy hình ảnh những con người vô cảm thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng; một vụ làm nhục người khác… như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt. Từ những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt nhưng không ai lên tiếng can ngăn và thế là dẫn tới án mạng.

Trong trận mưa lớn tháng 10 vừa qua, người ta sợ bể đập thủy điện nên xả nước dẫn đến cơn lũ đã quét sạch nhiều thôn làng gây nên 68 cái chết thương tâm, nhưng những cơ quan chức năng vẫn thản nhiên bảo rằng: “xả lũ đúng quy trình”, “vỡ đê có kế hoạch” mà không hề nuối tiếc vì những việc làm tắc trách của mình đã phá hoại biết bao hoa màu, tài sản và tính mạng con người!

Tại sao con người hôm nay lại không còn biết chạnh lòng thương xót nhau? Tại sao con người lại quá dửng dưng với nỗi đau của tha nhân? Thưa bởi vì căn bệnh “vô cảm” đã phá hủy hết tình liên đới giữa con người với nhau.

Người Việt Nam có truyền thống vô cùng tốt đẹp là:

"thương người như thế thương thân", "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"... Thế nhưng “căn bệnh vô cảm” ngày nay đang gặm nhấm những truyền thống tốt đẹp đó. Nó đã khiến cho con người xa lạ với nhau đến dửng dưng về nỗi khổ của anh em.

Nếu để căn bệnh này lan tràn nó sẽ làm cho xã hội chết về tình người. Một xã hội không liên đới, mạnh ai nấy sống sẽ dẫn đến hủy diệt xã hội, bởi lẽ sự an toàn không còn được ai bảo vệ cho nhau.

Hôm nay Chúa bảo với chúng ta giới răn quan trọng là Mến Chúa – Yêu Người. Phải chăng đây là lúc chúng ta phải làm sống lại tin mừng cho thế giới đang chết về tình người? Phải chăng xã hội hôm nay đang rất cần những men tin mừng để làm dậy lên nếp sống yêu thương, chia sẻ, bác ái, cảm thông với nhau?

Nhưng liệu rằng chúng ta có dám sống triệt để giới răn mến Chúa yêu người giữa một xã hội vô cảm hay không? Liệu rằng chúng ta có dám chịu thiệt thòi để người khác hưởng thụ trên lòng quảng đại của chúng ta hay không? Liệu rằng chúng ta có dám yêu người khi mà người ta đang chơi xấu, đang lợi dụng, đang làm hại chúng ta? Đây là một thách đố và cũng là đòi hỏi triệt để, vì căn tính của người môn đệ Chúa là “yêu mến tha nhân như chính mình”. Vì tình yêu là lẽ sống, là hơi thở của người ky-tô hữu. Không có tình yêu thì sức sống của người tín hữu đã không còn. Không có lòng quảng đại thì không còn là nhân chứng cho Tin mừng Nước Trời của Chúa. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà lại bỏ rơi anh em của mình! Chúng ta phải vượt lên trên lòng ích kỷ, sự hẹp hòi của nhân thế để làm chứng cho một tình yêu nhân ái, bao dung và vị tha.

Đây chính là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Chính Thầy Chí Thánh Giê-su đã làm gương cho chúng ta. Chính Ngài khi bị treo trên thập tự giá đã giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng đến nỗi “dám chết cho người mình yêu”. Ngài đã chọn thập tự giá làm biểu tượng cho tình yêu tự hiến của mình. Với thanh dọc, Chúa chấp nhận cực hình để tôn vinh Chúa Cha. Với thanh ngang, Ngài muốn ôm trọn nhân loại trong tình thương của Chúa. Người ky-tô cũng được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giê-su khi chúng ta sống tôn vinh Chúa Cha, và yêu mến anh em như chính mình.

Ước gì giữa một thế giới tình người đang chết dần tình người, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa của yêu thương, để sưởi ấm cho những ai đang cô đơn, thất vọng vì thiếu vắng tình thương, sự cảm thông và nâng đỡ của anh em. Ước gì giữa một xã hội mà chân lý bị vùi giập, chúng ta dám sống cho sự thật, cho dẫu rằng, có bị nghi kỵ, hiểu lầm, kết án và tẩy chay.

Nguyện xin Chúa là tình yêu uốn lòng chúng con nên giống trái tim yêu thương của Chúa. Amen