CHÚA NHẬT XXXI TN A: SỐNG GƯƠNG MẪU


Lm Giuse Đỗ Đức Trí - GP Xuân Lộc


Chính trường Việt Nam trong thời gian qua có hàng loạt cán bộ cấp cao bị đem ra xử lý. Điển hình nhất là hai người đứng đầu của hai thành phố lớn : Bí thư Tp. HCM và Bí thư Tp. Đà Nẵng. Một vị bị tố cáo sai phạm trong quản lý, còn vị lãnh đạo trẻ của Đà Nẵng bị cáo buộc nhiều sai phạm nghiêm trọng như: lời nói không đúng với việc làm, gian dối, sử dụng bằng cấp giả, tuyên bố không dung tha tình trạng tham nhũng, nhưng chính ông lại nhận quà biếu là nhà cửa, xe sang từ các doanh nghiệp. Cuối cùng, vị lãnh đạo trẻ này đã bị cách chức một cách nhục nhã gần như trở về dân thường.

Tình trạng ngôn hành bất nhất, lạm dụng chức quyền, sống thiếu gương mẫu thường xảy ra nơi những người có trách nhiệm, có chức quyền. Ngày xưa trong xã hội Do Thái, các luật sĩ và Pharisiêu là tầng lớp lãnh đạo, có uy tín trong dân, họ có trách nhiệm giải thích luật Mose và giảng dạy cho dân chúng. Tuy nhiên, những người này đã chỉ lo tìm kiếm lợi lộc hơn là giảng dạy và dẫn dắt dân chúng, tìm kiếm vinh dự bên ngoài hơn là lo chu toàn trách nhiệm. Lối sống của các luật sĩ và biệt phái hoàn toàn trái ngược với những gì họ lớn tiếng giảng dạy hoặc bắt bẻ người khác. Vì thế, hôm nay, Chúa Giêsu đã công khai cảnh báo dân chúng và cũng chỉ cho tầng lớp lãnh đạo này thấy lối sống hình thức giả dối của họ.

Chúa Giêsu cảnh báo dân chúng: Các luật sĩ và biệt phái ngồi trên tòa mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn các việc họ làm thì đừng làm theo. Chúa Giêsu không dạy dân chúng tẩy chay phản đối các nhà lãnh đạo này. Chúa khuyến khích dân chúng nghe và làm theo lời giảng dạy của các nhà lãnh đạo, vì họ đang thi hành nhiệm vụ được trao nhân danh Thiên Chúa, nhưng đừng học theo lối sống của các vị lãnh đạo. Những người này sống thiếu gương mẫu, họ dạy người khác phải làm, nhưng bản thân họ không làm; họ đưa ra điều luật phải giữ, nhưng họ không giữ, đời sống và hành động của họ không đi đôi với nhau. Đời sống của các luật sĩ và biệt phái còn trở thành gương xấu cho cộng đoàn. Họ sống hình thức bên ngoài, chăm lo cho mũ áo cân đai hơn là chăm lo đời sống đạo đức bản thân. Việc đạo đức của họ chỉ còn là hình thức vô hồn và là phương tiện tìm lợi kinh tế hoặc chỉ còn là quần áo bên ngoài xúng xính để mong người khác chào hỏi kính bái.

Qua miệng tiên tri Malakhi, Thiên Chúa đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Do Thái. Chúa muốn họ phải trở về đúng con người và nhiệm vụ đã lãnh nhận, đó là làm cho danh Chúa được mọi người nhận biết và kính tôn. Chúa đòi họ phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc làm vinh danh Chúa và hướng dẫn dân Ngài. Tuy nhiên, các luật sĩ và tư tế thời Cựu ước cũng đã đi trệch đường và họ còn dẫn dân đi sai đường Chúa muốn. Vì thế, Thiên Chúa đã cảnh cáo họ, nếu họ không điều chỉnh lại lối sống của mình, Thiên Chúa sẽ loại trừ họ. Việc tuân theo giới răn, huấn lệnh của Chúa là đòi buộc chung cho tất cả mọi người và lời mời gọi sống thánh thiện cũng là lời mời gọi chung cho hết mọi người, không trừ một ai.
Có lẽ các luật sĩ, tư tế và biệt phái trong dân Israel từ thời Cựu ước đến thời Chúa Giêsu đều mắc chung sai lầm, đó là lối sống giả hình, hình thức, nói một đàng, làm một nẻo. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi dân mới cách chung và các nhà lãnh đạo của dân mới phải dám ra khỏi nếp cũ để sống một tinh thần mới, đó là tinh thần yêu thương, phục vụ trong khiêm tốn.

Chúa không chấp nhận những người được Chúa trao nhiệm vụ dẫn dắt dân Chúa lại sống ngược lại cách sống của Chúa. Chúa không chấp nhận thái độ kiêu căng hống hách, cậy quyền cậy của nơi các môn đệ của Chúa. Trái lại, Chúa muốn: Anh em đừng để người ta gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy. Đừng gọi ai dưới đất là cha, vì anh em chỉ có một Cha. Đừng gọi ai là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một người chỉ đạo là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn sẽ là người phục vụ. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Dạy như thế, Chúa Giêsu muốn những người có trách nhiệm phải sống tinh thần khiêm tốn phục vụ như Chúa, tìm kiếm Chúa và tìm kiếm ích lợi cho anh em chứ không tìm ích riêng cho mình. Người lãnh đạo theo tinh thần của Chúa, đem giáo lý Tin Mừng của Chúa cho anh em, là người phục vụ anh chị em chứ không phải là người lên mặt cha chú hoặc làm thầy đời thiên hạ.

Các tông đồ đầu tiên đã thấm nhuần bài học Chúa dạy, đã chấp nhận mọi khó khăn thử thách, không tìm kiếm lợi lộc, nhưng suốt cuộc đời miệt mài phục vụ cho Tin Mừng và cho những người Chúa trao cho các ông. Thánh Phaolô đã nói lên tâm tình của ông khi sống với cộng đoàn Thessalonica. Mặc dù là một tông đồ có uy thế, một nhà giảng thuyết uyên bác, một nhà lãnh đạo tài giỏi, nhưng thánh Phaolô đã chia sẻ: Thưa anh em, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử dịu dàng chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi yêu quý anh em đến độ sẵn sàng hiến cho anh em Tin Mừng và cả mạng sống của chúng tôi nữa. Đêm ngày chúng tôi vẫn phải làm việc vất vả để không trở nên gánh nặng cho anh em.

Lời Chúa dạy về thái độ khiêm tốn phục vụ và tấm gương của Phaolô là bài học cho tất cả chúng ta, cách riêng cho những người có trách nhiệm đối với người khác, như các nhà lãnh đạo, các chủ chăn, các bậc cha mẹ. Các vị trí lãnh đạo xã hội ngày nay dường như đều phải chạy chọt, phải mua bằng tiền. Vì thế, khi ngồi vào vị trí lãnh đạo, họ tranh thủ gỡ vốn, vơ vét tham nhũng làm giàu cho bản thân và gia đình. Vì vậy mà bên cạnh dáng vẻ oai phong của vị lãnh đạo lại là lối sống lem luốc, bẩn thỉu.

Lời Chúa hôm nay thực sự là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở các chủ chăn, là những người được trao phó nhiệm vụ dẫn dắt dân Chúa, phải sống sao cho đúng Tin Mừng và phục vụ dân Chúa bằng tình yêu thương. Chúng ta không phủ nhận và đôi khi còn chứng kiến nhiều gương xấu và bóng tối trong đời sống của các linh mục. Các linh mục được mời gọi phải sống thánh, thánh hóa bản thân và thánh hóa dân Chúa, nhưng chúng ta vẫn thấy sự bê bối gương xấu nơi các linh mục. Chúng ta cũng không khó để tìm ra những sai lỗi nơi các linh mục: sự kiêu căng, nóng nảy, sự lười biếng, ù lì, sự tự do thái quá… Họ cũng bị cám dỗ chạy theo thói đời, tìm của cải, hưởng thụ và nhiều những thói xấu khác. Trong khi đó, Chúa đòi hỏi các linh mục phải tận tụy hy sinh phục vụ như một người cha; ân cần điềm đạm và kiên nhẫn như một người mẹ; nghiêm nghị, công minh như một người thầy và chân thành, gần gũi như một người bạn.

Trong phạm vi gia đình, các bậc cha mẹ không chỉ là những người sinh thành và nuôi dưỡng giáo dục con cái, mà còn là những nhà lãnh đạo, những người thầy dẫn dắt con cháu trên con đường đức tin. Một cách thế giáo dục hiệu quả nhất cho con cháu là giáo dục bằng gương sáng. Lời nói mau qua, gương lành lôi kéo. Chỉ có gương sáng mới dễ dàng tác động đến con cháu và người khác. Vì thế, các bậc cha mẹ đừng bao giờ để mình trở thành gương xấu cho con cái, trái lại, cần phải nêu gương đời sống đạo đức cách cụ thể bằng việc siêng năng đến với Chúa, với Thánh lễ và các giờ kinh. Cần sống làm sao để cho con cháu thấy ông bà cha mẹ thực sự là những người biết tin thác vào Chúa.
Chúng ta cầu nguyên cho các nhà lãnh đạo xã hội, để họ biết dùng quyền bính mà phục vụ dân nước, đem lại cuộc sống an vui và hạnh phúc cho mọi người. Chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho các vị chủ chăn, các ngài cũng là những con người dễ bị xiêu té bởi sự cuốn hút của thế gian, danh lợi. Xin cho các ngài ngày càng nên giống Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, dám cúi xuống để phục vụ trong sự khiêm tốn theo gương thầy Giêsu. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các bậc cha mẹ nên gương sáng đời sống đạo đức cho con cháu, dẫn dắt và dạy dỗ con cháu sống theo giáo huấn của Chúa và Tin Mừng. Amen.