MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM
TÔN VINH NHỮNG CON NGƯỜI
TỪ CHỐI BƯỚC QUA THẬP GIÁ


Lm Giuse Đỗ Đức Trí - GP. Xuân Lộc


Sách Macabe có kể câu chuyện: Khi ấy, người Hy Lạp đô hộ đất Israel. Họ đem theo tập tục văn hóa và bắt buộc người Do Thái phải tuân theo các thói quen của người Hy Lạp. Chúng bắt người Do Thái phải ăn thịt cúng cho các thần linh, không được cắt bì cho con trẻ, phải tham dự vào các trò chơi vô luân của người Hy Lạp, bắt người Do Thái phải cúng bái các thần linh Hy Lạp. Trước sự ép buộc nhưng cũng là cơn cám dỗ ngọt ngào hấp dẫn đó, nhiều người Do Thái đã sẵn sàng từ bỏ luật Môsê và các tập tục tiền nhân để hòa vào lối sống của người Hy Lạp. Những ai công khai từ chối niềm tin của cha ông sẽ được nhà vua trọng thưởng. Hôm đó, khi dân chúng bị bắt phải ra quảng trường để công khai tế thần, có một người từ trong đám đông hiên ngang bước ra cúng bái thần linh dân ngoại trước quan lính và đám đông. Nhiều người khác vỗ tay cổ vũ cho tên chối đạo này. Lúc đó, ông Giuđa Macabê cũng có mặt trong đám đông, không thể chịu nổi sự nhục nhã này, ông đã xông ra vung gươm giết chết tên phản đạo đó. Ông tuyên bố với mọi người: Ai trong các ngươi còn trung thành với Thiên Chúa và lề luật thì theo tôi. Trước sự can đảm đó, nhiều người đã theo ông trốn lên núi và lập thành một đội quân khởi nghĩa chống lại người Hy Lạp.

Thưa các bạn, từ xưa đến nay, những người tin vào danh Thiên Chúa ở khắp nơi luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn cấm cách. Có nhiều người đã đầu hàng trước khó khăn vì những lời hứa hẹn bổng lộc của thế gian, nhưng cũng có nhiều người đã mạnh dạn từ chối những cám dỗ mời chào đó, vì trung thành với chọn lựa đức tin của mình.
Ngay từ những ngày đầu thế kỷ XVII khi Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Việt Nam, hạt giống này như gặp được mảnh đất tốt nơi tâm hồn cha ông tổ tiên chúng ta và đã nhanh chóng nảy mầm và sinh hoa kết trái. Tuy nhiên cũng liền sau đó, cánh đồng lúa đức tin của Việt Nam còn non trẻ, đã bị những cơn bão bách hại vùi dập suốt ba trăm năm. Trong suốt thời kỳ này, đã có hằng trăm ngàn tín hữu vì trung thành với Chúa và Tin Mừng đã chấp nhận sự nhục mạ, roi đòn, tù đầy, chết chóc. Trong số họ có đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, từ quan chức đến binh lính, từ dân thường đến quý tộc, từ người giàu đến người nghèo, người bình dân, từ linh mục tu sĩ đến giáo dân, từ người già đến trẻ nhỏ. Các Ngài đã dám từ chối cuộc sống dễ dãi, những lời hứa hẹn giàu sang bổng lộc để chọn trung thành với Chúa Kitô. Trong số hàng trăm ngàn người phải chết vì niềm tin, Giáo Hội đã tôn phong 118 vị tiêu biểu nhất như là gương mẫu cho chúng ta.

Khi nói đến các vị tử đạo, chúng ta thường liên tưởng đến những cực hình các ngài phải chịu và ca tụng sự can đảm của các ngài. Điều đáng khâm phục hơn đó là cuộc chiến đấu của các ngài với bản thân để chọn lựa giữa sự sống và cái chết, giữa đau khổ cực hình và sự sung sướng, giữa dễ dãi và khó khăn. Đọc lại tiểu sử các thánh, có những vị là quan chức trong triều đình, có người làm hương chức trong làng, là chánh tổng của một tỉnh. Chắc chắn các ngài thuộc gia đình danh giá giàu có, nhưng lại chọn giúp các cha thừa sai cũng như giúp các tín hữu khác, dù biết làm như thế là nguy hiểm đến công danh và tính mạng. Có những vị thánh là cha con trong gia đình như cụ Án Khảm, Chánh tổng Phạm Trọng Tả và con là Cai tổng Phạm Trọng Thìn. Gia đình này có nền tảng đời sống đạo đức, họ từ chối bước qua thánh giá, từ chối tất cả những lời hứa hẹn của vua quan, để phải chịu án tử. Có những người là người mẹ trong gia đình như Thánh Annê Thành đã chu toàn việc nuôi dạy con cái khôn lớn theo đạo lý của Chúa và còn làm gương sáng cho con trong việc trung thành với đức tin, chấp nhận roi đòn cực hình vì Chúa Giêsu. Có vị là linh mục như cha Giuse Đặng Đình Viên, khi bị truy đuổi, Ngài đã trốn thoát vào vườn mía. Khi nghe thấy những tên lính tra khảo một em bé, ngài đã sẵn sàng ra khỏi chỗ ẩn nấp để xin quan lính tha cho đứa bé. Khi bị điệu ra trước mặt vua quan, các ngài đã khẳng định một điều, các ngài không hề cộng tác với giặc, không phản bội tổ quốc, nhưng chỉ vì một lòng mến Chúa và từ chối bước qua thập giá dù có phải chết. Có những vị như Thánh Y đã dõng dạc tuyên bố trước mặt vua quan: Cả một đời tôi rao giảng về đạo thập giá, tôi không thể nào bước qua thập giá hay từ chối Chúa tôi được.

Tin Chúa, theo Chúa là chấp nhận từ bỏ những gì không phù hợp, những gì cản lối chúng ta bước theo Chúa, cho dù đó là tình máu mủ ruột thịt, tiền bạc, địa vị của cải; khi phải chọn lựa giữa sống và chết vì Tin Mừng thì cũng dám chấp nhận. Đó cũng là đòi hỏi Chúa Giêsu đã công bố: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống. Người nào được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình và phải thiệt thân thì nào có ích lợi gì. Ai xấu hổ vì tôi và Tin Mừng thì Con Người cũng xấu hổ vì kẻ ấy.

Đây là đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát mà Chúa muốn những người theo Chúa phải chấp nhận. Trải qua dòng thời gian, đã có hàng hàng lớp lớp những con người nhận ra giá trị cao quý của lời mời gọi này. Họ đã đáp lại bằng cả cuộc đời và đánh đổi bằng mạng sống mình để đạt được Nước Trời và giữ được mạng sống cho cuộc sống đời đời. Tổ tiên chúng ta, các anh hùng tử đạo Việt Nam, mặc dù mới biết Chúa tin Chúa, nhưng cũng đã dám từ bỏ tất cả vinh quang lợi lộc trần thế, vác thập giá đời mình bước theo Chúa Giêsu. Các ngài đã dám đánh đổi cả gia đình, sự nghiệp, hạnh phúc ở đời này và mạng sống để mong đạt được hạnh phúc đời đời. Sự can đảm và cái chết anh dũng của các ngài là một lời tuyên xưng mạnh mẽ vào Chúa Giêsu và thập giá của Ngài, là tấm gương cho các thế hệ con cháu và cũng là tấm gương đánh động tâm hồn những người dân ngoại.

Từ chối bước qua thánh giá, từ chối những lời mời gọi hứa hẹn hấp dẫn, từ chối địa vị danh vọng… đó là tấm gương cha ông, các vị tử đạo Việt Nam, đã để lại cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta không bị ép bước qua thánh giá, nhưng nhiều người đã nhắm mắt tự nguyện để đạp lên Tin Mừng và lề luật của Chúa. Những người này bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của Chúa và Tin Mừng, họ sống mà không dám thể hiện mình là người Kitô hữu. Nhiều tín hữa đã không dám từ chối những cám dỗ, mời chào và sự hứa hẹn của thế gian; họ nhắm mắt chạy theo danh lợi, địa vị; họ gạt Chúa và Tin Mừng qua một bên.

Các bậc cha mẹ và bạn trẻ thân mến, ngày xưa, các vị tử đạo đã đổ máu ra để tuyên xưng niềm tin; ngày nay, chúng ta chưa phải đổ máu, nhưng chúng ta phải đổ mồ hôi, đổ nước mắt để sống niềm tin của mình. Giữa một xã hội gian dối, chúng ta được mời gọi để sống ngay thẳng theo công lý và sự thật. Trong xã hội vô cảm dửng dưng này, chúng ta được mời gọi biết chạnh thương và cảm thông, biết mở rộng tay để chia sẻ, biết bước đến để giúp đỡ và phục vụ.

Thay vì tử vì đạo, chúng ta bước vào cuộc “sống vì đạo”. Chúng ta bắt đầu từ nơi gia đình, mỗi thành viên hãy biết từ chối những gì có nguy cơ làm tổn thương và rạn nứt trong gia đình, từ chối những cách làm ăn gian dối, những lối sống bất công. Các thành viên cần gỡ bỏ khoảng cách để bước đến với nhau, làm hòa với nhau và tha thứ cho nhau. Cũng vậy, trong giáo xứ, mỗi người cũng cần biết tôn trọng quyền lợi của người bên cạnh, của xóm giềng, bỏ qua những tự ái và chịu một chút thiệt thòi, để xây dựng đời sống cộng đoàn thêm hiệp thông, hòa thuận yêu thương.

Xin các thánh Tử đạo Việt Nam phù hộ chúng ta là con cháu biết sống vì đạo, sống vì Tin Mừng, vác thập giá theo Chúa trong hoàn cảnh xã hội dễ dãi ngày nay. Amen.