CHÚA NHẬT IV TN / B
Bài đọc 1 : ( Đnl 18:15-20). Bài đọc 2 : ( 1 Cr 7:32-35). Tin Mừng : ( Mc 1:21-28)
NGƯỜI PHARISIÊU VÀ TÔI
Trong sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa đã cho ông Môsê biết: “Từ giữa anh em chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.”( Đnl 18: 18) Như thế, ngôn sứ mà Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện không nói theo khả năng hay sở thích của chính bản thân mình, nhưng là nói thay cho Thiên Chúa vì Ngài sẽ đặt những lời nói của Ngài qua miệng ngôn sứ ấy và ngôn sứ ấy sẽ nói theo lệnh truyền của Ngài. Vị ngôn sứ ấy là Đức Giêsu.
Qua bài Tin Mừng của thánh Máccô, bắt đầu cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng, cũng như thường lệ, vào ngày sa bát, Đức Giêsu vào hội đường giảng dạy. Thính giả đã khâm phục và “sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” Nhưng đâu là sự khác biệt giữa lời gảng dạy của Ngài và của các kinh sư?
Trước tiên, các kinh sư giảng dạy như thế nào? Xin kể một câu chuyện minh họa sau đây: Một lũ chuột trong nhà kia bị một con mèo bắt ăn gần hết. Trước tình trạng tệ hại ấy, chuột già đầu đàn triệu tập các chuột còn lại để tìm biện pháp đối phó với con mèo tinh quái kia: “ Lâu nay, mèo đã làm cho đàn chuột chúng ta trong ngôi nhà này mất mạng gần hết. Vậy trong anh em, ai có mưu kế gì không?” Một con chuột đứng dậy phát biểu: “ Tôi có một kế này: Muốn thoát nguy hại do mèo gây ra, thì chẳng có cách gi bằng cách hy sinh.” Chuột già hỏi tiếp: “ Cách hy sinh là làm sao?” Con chuột kia nói tiếp: “ Trong chúng ta phải có một đứa chịu bỏ mạng, nghĩa là có một con chuột ăn thuốc độc, rồi chạy đến trước mặt mèo cho nó bắt và ăn. Mèo ăn trúng thuốc độc, mèo sẽ chết và chúng ta sẽ thoát nạn.”
Ngắt lời, cả đám chuột vỗ tay tán thưởng. Chuột già hỏi chuột hiến kế: “ Kế hay! nhưng anh có bằng lòng làm vật hy sinh không?” Chuột hiến kế trả lời: “Phần tôi, tôi đã hiến kế. Xin nhường việc thực hiến kế ấy cho người khác.” Im lặng một lúc, chuột già lên tiếng: “ Có ai vì đồng loại mà hy sinh không?” Một thời gian im lặng khá lâu. Bỗng cả bầy chuột đứng lên: “ Chúng tôi xin nhờ chuột lão ra tay cứu giúp.” Chuột già vội vã lên tiếng: “Không được! Việc này không phải nhiệm vụ của tôi. Hơn nữa, tuổi tôi bây giờ đã lớn, chỉ còn sống ít lâu nữa thôi cho yên tuổi già. Xin nhường lại cho các anh trai trẻ.”Lũ chuột lần lượt rút lui. Chỉ còn lại một mình chuột già và cuối cùng chuột già cũng lẵng lặng rút lui.
Đó là thực trạng của việc nói mà không làm của các kinh sư và người Pharisiêu. Đức Giêsu đã lên án: “ Các kinh sư và các người Pharisiêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ, vì họ nói mà không làm.” Nói mà không làm nhưng để phô trương cái tôi của mình cũng là một hình thức giả hình, kiêu ngạo.( xem Mt 23: 1-6).
Còn Đức Giêsu lại khác. Ngài nói với tiếng nói riêng của Ngài, với quyền năng của bản thân Ngài. Ngài không biện hộ cho cho những gì Ngài nói bằng cách trích dẫn Kinh Thánh hoặc câu nói của một vị thầy thông luật nào đó. Lời rao giảng của Ngài phát xuất từ Thiên Chúa, được loan truyền bằng quyền năng của Thiên Chúa như việc ra lệnh cho thần ô uế xuất ra khỏi người bị nhập: “ Câm đi, hãy xuất khỏi người này.” Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “ Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.” Lời kêu gọi yêu thương của Ngài đi đôi với những việc chữa lành những bệnh tật, đoái nhìn đến những người khổ đau. Lời Ngài nói đi đôi với việc làm. Lời Ngài giảng dạy không nhằm lợi ích cá nhân, nhưng vì hạnh phúc của con người.
Là Kitô hữu, cũng có lúc chúng ta tự cho mình là người thông hiểu giáo lý, thấm nhuần Kinh Thánh, nhưng việc rao truyền Tin Mừng Cứu Độ cho người khác lại là những lời nói suông không minh chứng bằng việc làm. Thế thì chúng ta có khác gì những kinh sư và những người Pharisiêu!
Lm Giuse Trịnh Ngọc Danh