CHÚA NHẬT VI TN / B
Bài đọc 1 : ( Lv 13: 1-2.44-46). Bài đọc 2 : ( 1 Cr 10:31-11:1). Tin Mừng : ( Mc 1:40-45)
THƯƠNG XÓT HAY THƯƠNG HẠI?
Trong Kinh Thánh, qua các thời đại, người ta coi bệnh phong cùi là một căn bệnh lây nhiễm; nên những người mắc bệnh phong hủi bị bắt buộc phải sống cách ly với cộng đồng. Để tránh lây nhiễm cho người khác, người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, đầu để trần, lấy áo che miệng và đi đến đâu cũng phải la to “ô uế” để cho người ta biết mà tránh xa. Người ta tin rằng họ là những người bị Thiên Chúa nguyền rủa.Họ là những người bệnh hoạn về thể xác mà còn là không tinh sạch trong tâm hồn.
Đối với người bị phong hủi, tâm trạng và cuộc sống của họ thật buồn thảm. Nỗi đau xót đầu tiên là phải sống cách ly với mọi người, bị mọi người tránh xa, không được ai yêu thương thông cảm. Họ sống vất vưởng trong thế giới cô độc. Có lẽ nỗi đau khổ nhất của người bị phong cùi là bị xua đuổi, không còn được giao tiếp với ai, bị coi như là người đem bất hạnh đến cho người khác. Người bị phong hủi không những bị sống bên lề xã hội mà còn cả phạm vi tôn giáo.
Nhưng bất chấp những rào cản ấy, người phong hủi đang khao khát một vị cứu tinh có thể đưa anh thoát khỏi tình trạng khốn khổ ấy, và anh đã can đảm mạnh dạn tiến đến gặp Đức Giêsu. Ngài là niềm hy vọng cuối cùng của đời anh. Anh đặt hết niềm tin vào Đấng mà anh chỉ có nghe thiên hạ đồn đãi. Niềm hy vọng cuối cùng trong cơn tuyệt vọng. Một liều ba bảy cũng liều. Khi thất Đức Giêsu đi qua, anh đã mạnh dạn bước ra gặp Ngài: “ Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Anh không dám tự cho mình là người xứng đáng để được cứu chữa, nhưng để cho ý muốn của Đấng ấy quyết định. Anh hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn, vào lòng thương xót của Đấng ấy.
Nhìn thấy người phong hủi đang lại gần, thay vì xua đuổi hay tránh xa, Đức Giêsu chạnh lòng thương và để anh tiến gần, bất chấp những qui định của xã hội. Ngài đã tiến lại gần, đưa tay đụng chạm đến anh. Ngài đã trở nên như người bạn của người bị xã hội ruồng bỏ. Một sự đụng chạm mà có lẽ anh chưa hề có được trong mối tương quan giữa con người với con người. Đức Giêsu đã đem đến cho anh sự thân thiện, lòng thương xót và sự cảm thông.
Đứng trước tình trạng khổ đau của người khác như trường hợp người bị phong hủi, có thể có người cho đó là đáng tội, đáng phạt, và từ đó họ mãn nguyện với tình trạng khỏe mạnh của mình; cũng có người vô cảm trước nỗi khổ đau của người khác: không phải chuyện của tôi! và cũng có người xót thương cho hoàn cảnh của những người đau khổ, nhưng tình cảm của họ chỉ là thương hại, một thứ tình cảm tiêu cực, thiếu trách nhiệm.
Trang Chu nghèo túng, sang hỏi vay thóc Ngụy Văn Hầu. Ngụy Văn Hầu nói: “ Tôi có một khu đất được vua ban cho để hưởng hoa lợi. Người ta sắp nộp tiền thóc cho tôi. Tôi sẽ cho ông vay ba trăm lạng, ông có bằng lòng không?” Trang Chu giận nói: “ Khi Chu đến đây, đi giữa đường, nghe có tiếng gọi, ngoảnh lại trông, thì thấy một con cá đang ngắc ngoải trong cái vết bánh xe. Chu này hỏi: “ Cá ở đây làm gì thế?” Cá đáp: “ Tôi là Thủy Thần ở bên biển Đông mắc cạn tại đây, ông có thể cho tôi một bát nước để cứu tôi lúc nguy cấp này không?” Chu này bảo rằng: “ Để tôi đi qua chơi nước Ngô, nước Việt, rồi tôi sẽ lấy nước sông Tây Giang về cho ngươi, ngươi có bằng lòng không?” Cá giận nói: “ Tôi đang cần đến nước, ông chỉ cho tôi một ít là tôi sống. Nay ông nói như thế, đợi đến lúc ông về, thì ông đến chỗ hàng cá khô đã thấy tôi đấy rồi.” ( Thuyết Uyển, Cổ Học Tinh Hoa )
Việc yêu thương bác ái không đơn giản chỉ mủi lòng xót thương kẻ khác một cách thu động và tiêu cực. Đó là tình cảm thương hại; ngược lại, lòng thương xót là một sức mạnh tích cực đưa chúng ta đến hành động để loại trừ mọi hình thức và cội rễ của đau khổ.
Mục đích của việc Đức Giêsu xuống trần gian là thực hiện lòng thương xót của Thiên Chúa. Phần chúng ta, hãy noi gương của Ngài: Xóa bỏ mọi phân biệt, ngăn cách để đem mọi người trở về sống hòa họp với nhau trong tình thương của Thiên Chúa.

LM Giuse Trịnh Ngọc Danh